tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 12-05-2016

  • Cập nhật : 12/05/2016

Dự án khởi nghiệp được tài trợ 100.000 Euro

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) tiếp tục tài trợ, nâng cấp cho các dự án đổi mới sáng tạo đã được IPP2 lựa chọn hỗ trợ từ năm 2015 và tài trợ mới cho các dự án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năm 2016. 

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Đây là cam kết của IPP2 trong việc góp phần tích cực cải thiện môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của lực lượng DN đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao vươn ra thị trường quốc tế.

Sau quá trình đánh giá đối với 22 dự án đã được nhận tài trợ ban đầu từ năm 2015, IPP2 đã lựa chọn 7 dự án xuất sắc nhất, trong đó có 5 dự án DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp để tiếp tục tài trợ nâng cấp với mức tài trợ tối đa là 100.000 Euro/dự án.

Ông Lauri Laakso - Cố vấn trưởng Chương trình cho biết: “Các dự án DN đổi mới sáng tạo được lựa chọn đã trình diễn được mô hình kinh doanh hiệu quả và năng lực liên kết nội nhóm mạnh, minh chứng được khả năng tăng trưởng cao, mở rộng thị trường cũng như tư duy kinh doanh quốc tế”.

Đối với đợt kêu gọi tài trợ mới năm 2016 cho các dự án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, IPP2 đã nhận được 49 hồ sơ đề xuất tài trợ, trong đó có 39 hồ sơ hợp lệ được đưa vào vòng đánh giá toàn diện. Trên cơ sở đó, IPP2 đã lựa chọn được 10 dự án xuất sắc nhất để cung cấp tài trợ ban đầu với mức tối đa 50.000 Euro/dự án. 


Hiệu quả từ nuôi tôm thẻ chân trắng

Nuôi tôm thẻ chân trắng, một trong những nghề được đánh giá mang lại hiệu quả cao cho người nuôi trồng thủy sản. Song nghề này cũng luôn tiềm ẩn những rủi ro về bệnh dịch, ô nhiễm nguồn nước, thiên tai… Nhưng với bản lĩnh và sự am hiểu về kỹ thuật, người nông dân đang tự tin đầu tư nuôi trồng trên chính những vùng đất khó.

Là một chủ DN (Công ty TNHH TM & DV Trúc Nguyên) chuyên kinh doanh ngành dịch vụ thương mại hàng tiêu dùng với gần 200 nhân viên, nhưng ông Phạm Văn Sinh (TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) vẫn tâm đắc, dành nhiều thời gian cho nghề nuôi tôm, và gặt hái nhiều thành công.

gia dinh ong sinh rat tam dac voi nghe nuoi tom

Gia đình ông Sinh rất tâm đắc với nghề nuôi tôm

Theo ông, nhờ nuôi tôm từ hàng chục năm nay mà gia đình ông đã xây dựng cơ ngơi khang trang, nuôi 3 đứa con đi học nước ngoài, 2 đứa con đầu đã có việc làm ổn định.

Nói về những ngày đầu mới chân ướt chân ráo bước vào nghề nuôi tôm, ông Sinh bộc bạch, nghề nuôi tôm cần vốn và kỹ thuật. Để tham gia hoạt động nuôi trồng thủy sản, ông đã liên hệ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tìm hiểu học tập qua các tài liệu, sách báo để nắm bắt thêm kiến thức.

Bên cạnh đó, ông đã liên hệ với các chi nhánh NHTM trên địa bàn để vay vốn. Sau hơn 2 năm, ông Sinh đã trả hết nợ ngân hàng và tích góp chút ít vốn liếng.

Song về sau, ông nhận thấy nuôi tôm sú không còn phù hợp với môi trường của địa phương. Thế là từ năm 2000, ông Sinh chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Ban đầu, ông mua nhiều giống tôm trôi nổi bên ngoài nên hiệu quả không như mong đợi. Rồi được mọi người giới thiệu, ông tìm đến Công ty đầu tư thủy sản Nam miền Trung để mua con giống. Có được giống tốt, ông đã thành công như kỳ vọng, lãi đều tăng qua các năm.

Với diện tích 5 sào (5.000m2) mặt nước, bình quân mỗi năm gia đình ông nuôi 3 vụ tôm, nếu những năm đầu chỉ lãi 250 triệu đồng/vụ, thì hiện tại lãi trên 400 triệu đồng/vụ. Ông Sinh cho biết: “Vụ đầu năm 2016 vừa qua tôi xuất bán hơn 6 tấn, với giá bán 130.000 – 133.000 đồng/kg, thu nhập 789 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 400 triệu đồng.

Nhờ giá thị trường ổn định, liên tục 6 vụ gần đây giá xuất bán dao động 115.000 – 150.000 đồng/kg, các vụ đều lãi trên 400 triệu đồng/vụ, sản phẩm tôm được thương lái bao tiêu ngay tại địa phương…”.

Bí quyết để đem lại thành công có rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là con giống, môi trường, cách quản lý và chăm sóc phải đúng quy trình kỹ thuật.

Ông Sinh cho biết thêm, cần phải nuôi với mật độ thưa để tiện chăm sóc tôm, nuôi từ 40 – 70 con/m2 (tùy theo mùa vụ), nuôi trong thời gian từ 2,5 – 3 tháng sẽ xuất bán, với trọng lượng đạt chuẩn khi xuất bán từ 50 – 70 con/kg. Đồng thời, bà con khi nuôi ở những vùng tập trung cần phải thành lập tổ hợp tác sản xuất, để thuận lợi hơn trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hoạch vận chuyển dễ dàng…

Nói về hiệu quả của việc nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Khu Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Đông cho hay, nghề nuôi tôm tại địa phương bắt đầu phát triển mạnh từ những năm 2000, đa số người dân địa phương đều nuôi giống thẻ chân trắng.

Nghề này đòi hỏi đầu tư vốn lớn nhưng cho thu nhập cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi, bình quân 1 sào mặt nước nuôi tôm cho lãi trên 100 triệu đồng. Nghề nuôi tôm đã giúp hàng chục hộ nuôi vùng biển có thu nhập ổn định, bình quân mỗi hộ nuôi tôm thẻ chân trắng giải quyết việc làm từ 1 – 5 lao động địa phương. Mỹ Đông rất có tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản.


Bổ sung danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 1570/QĐ-BCT bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

anh chi mang tinh minh hoa

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Theo đó danh mục bổ sung máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được của Công ty Thí nghiệm Điện miền Nam bao gồm: Biến điện áp đo lường một pha trung thế khô ngoài trời; Biến điện áp đo lường một pha trung thế khô trong nhà; Biến dòng điện đo lường một pha khô ngoài trời; Biến dòng điện đo lường một pha khô trong nhà; Biến dòng hạ thế; Máy biến áp cấp nguồn một pha trung thế khô ngoài trời…

Danh mục này làm căn cứ để các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 2840/QĐ-BCT ngày 28/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

Cụ thể, danh mục này làm căn cứ để các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo không khuyến khích nhập khẩu và hạn chế tiếp cận ngoại tệ. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn sử dụng trong hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước theo tinh thần Chỉ thị 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Bình Định: Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có xu hướng tăng

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định thành lập được 203 doanh nghiệp (DN), với tổng vốn đăng ký hơn 876 tỉ đồng. Tuy nhiên tỉ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động trong thời gian này đã tăng lên 34% so với tổng số DN được thành lập mới. Tỉ lệ này được đánh giá là khá cao trong thời gian vài năm gần đây.

Một trong những nguyên nhân chính là do quy mô hoạt động của DN tỉnh Bình Định còn hạn chế, chưa tiếp cận được các thị trường lớn. Phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh có quy mô hoạt động vừa và nhỏ, thiếu vốn để đầu tư máy móc thiết bị, chưa áp dụng hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, yếu kém trong việc mở rộng đầu tư. Chỉ có khoảng 10,5% DN có trình độ công nghệ hiện đại, 18,5% DN có áp dụng công nghệ sản xuất ở mức khá và có tới 71% DN ở nhóm trung bình, lạc hậu.

Năm 2015, tỉnh Bình Định có 663 DN được thành lập mới, với số vốn đăng ký 4.478 tỉ đồng. Tỉ lệ DN giải thể, tạm ngừng hoạt động chiếm 23,5% so với số DN thành mới trong năm 2015.

quang canh hoi nghi doi thoai giua lanh dao tinh binh dinh voi doanh nghiep tren dia ban.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định với doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, các địa phương luôn muốn đồng hành cùng DN để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nền kinh tế Bình Định ngày càng phát triển; đồng thời chỉ đạo, chấn chỉnh các sở, ngành, địa phương cần có thái độ, tinh thần cầu thị và lắng nghe để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, còn rất nhiều tồn tại. Trước hết, về phía cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều rào cản, gây cản trở sự phát triển của DN. Có nhiều ý kiến của DN than phiền về thủ tục hành chính. Các lãnh đạo sở, ngành và địa phương cần phải thay đổi cách nhìn. Không nên nghĩ nhà đầu tư chỉ đến đầu tư mà phải nghĩ xa hơn, bởi sự đầu tư phát triển của các DN là sự phát triển của địa phương mình, quê hương mình”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã bày tỏ quan điểm tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn vào cuối tháng 4/2016 vừa qua.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị triển khai thi hành Luật phí và lệ phí

Luật phí và lệ phí đã được Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
anh minh hoa: internet

Ảnh minh họa: Internet

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị về việc triển khai thi hành Luật phí và lệ phí.

Chỉ thị nêu rõ, Luật phí và lệ phí đã được Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, lĩnh vực. Công tác tổ chức triển khai, thực hiện cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể quần chúng và nhân dân.

Để khẩn trương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, thiết lập khung pháp lý đầy đủ và đồng bộ về quản lý phí, lệ phí và tổ chức triển khai thi hành từ ngày 01/01/2017 hiệu quả, đảm bảo thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện ngay việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về phí, lệ phí đang còn hiệu lực thi hành thuộc lĩnh vực mà Bộ, ngành mình đang thu, quản lý và sử dụng, đối chiếu với Danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí và các quy định khác của Luật này để thực hiện phân loại làm cơ sở đề xuất ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí, bảo đảm thực hiện đúng Luật phí và lệ phí; gửi kết quả rà soát về Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2016.

Trên cơ sở kết quả rà soát và trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động chỉ đạo xây dựng Đề án thu phí, lệ phí và đề xuất các nội dung quy định về phí, lệ phí đối với lĩnh vực Bộ, ngành mình phụ trách gửi Bộ Tài chính trước ngày 30/6/2016.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành trực thuộc rà soát hệ thống văn bản quy định về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành đang còn hiệu lực thi hành, đối chiếu với Danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí và các quy định khác của luật này để thực hiện phân loại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hoàn thành rà soát trước ngày 31/5/2016.

Trên cơ sở kết quả rà soát, căn cứ Luật phí, lệ phí và các văn bản quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện luật này, UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí mới để thực hiện từ ngày 01/01/2017.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc rà soát các khoản phí và lệ phí theo quy định hiện hành để phân loại xử lý, làm cơ sở đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật mới về phí, lệ phí có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017, bảo đảm 4 nguyên tắc sau:

Các khoản phí, lệ phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí, nay không có tên trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Luật phí và lệ phí và luật chuyên ngành thì không được phép thu.

Các khoản phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí, nay thuộc Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Các khoản phí, lệ phí dừng thu phải thực hiện kê khai quyết toán số tiền phí, lệ phí đã thu, đã sử dụng theo quy định hiện hành.

Nghiên cứu kỹ thực tế để ban hành văn bản thu phí, lệ phí cho phù hợp. Không ban hành văn bản đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong Danh mục phí và lệ phí nhưng chưa thấy cần thiết và chưa đủ điều kiện thu. Chưa thu loại phí, lệ phí có tên trong Danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phí và lệ phí

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật phí và lệ phí; trong tháng 7/2016, trình Chính phủ dự thảo Pháp lệnh về án phí và lệ phí tòa án để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, các nội dung cơ bản của Luật phí và lệ phí đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phí và lệ phí trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương mình.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các đài phát thanh và truyền hình ở địa phương dành thời lượng thoả đáng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phí và lệ phí. Các báo của cơ quan bảo vệ pháp luật Trung ương và địa phương dành chuyên mục để phổ biến, đăng tải các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật về phí và lệ phí.

Công tác phổ biển, giáo dục pháp luật về phí, lệ phí phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp đối với từng đối tượng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục