tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 11-05-2016

  • Cập nhật : 11/05/2016

Tổng thống Obama sẽ bàn việc đầu tư vào thế hệ trẻ Việt Nam trong tháng 5

Ngoài nội dung về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà hai nước cùng quan tâm, trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng này, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dự định bàn tới lĩnh vực lớn khác là đầu tư cho thế hệ trẻ.
tro ly ngoai truong phu trach cac van de dong a va thai binh duong daniel r. russel . (anh: minh son/vietnam+)

Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel R. Russel . (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thông tin này vừa được Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, ông Daniel R. Russel đưa ra trong buổi họp báo diễn ra sáng 10/5 tại Hà Nội.

Chưa nói cụ thể về kế hoạch làm việc chi tiết của Tổng thống Obama tại Việt Nam nhưng ông Daniel R. Russel cho hay, sẽ có 5 lĩnh vực quan trọng được bàn tới trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới.

Nội dung đầu tiên được đại diện Hoa Kỳ nói tới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Theo ông, đây là hiệp định không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cả khu vực. 

"Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện hiệp định quan trọng này," ông Daniel R. Russel nói

Một nội dung lớn cũng được chú trọng là hoạt động hợp tác giao lưu giữa hai nước. Ông khẳng định, phía Hoa Kỳ sẽ mở rộng hợp tác đầu tư vào thế hệ trẻ Việt Nam. 

Đây là kế hoạch đã và đang thực hiện thông qua một số chương trình như: Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á hay các chương trình giao lưu về giáo dục, học thuật,... Tuy nhiên, theo lời vị trợ lý ngoại trưởng, vấn đề này sẽ tiếp tục được bàn tới và mở rộng hơn trong chuyến thăm tới.

Vấn đề khác được phía Hoa Kỳ nhấn mạnh trong chuyến thăm sắp tới là làm sao ứng phó với một loạt thách thức trong khu vực và toàn cầu. Ví dụ được đại diện Hoa Kỳ nhắc tới là vấn đề biến đổi khí hậu mà đặc biệt là đợt hán hán mà Việt Nam đang phải gánh chịu. Ngoài ra, những vấn đề khác cũng được quan tâm là: y tế, các bệnh truyền nhiễm hay khủng bố.

Việc giải quyết hậu quả chiến tranh cũng là một nội dung lớn được ông Daniel R. Russel nói tới trong nội dung làm việc sắp tới. Ông khẳng định, phía Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam đề rà soát bom mìn, hồi hương những hài cốt trong chiến tranh hay việc xử lý ô nhiễm.

Một nội dung lớn khác được ông Daniel R. Russel nhắc tới là thảo luận giữa hai nước về cải cách pháp luật tại Việt Nam và vấn đề nhân quyền. 

"Chúng tôi quan tâm tới cải cách Chính phủ Việt Nam đang tiến hành trong đó có việc sửa đổi các văn bản pháp luật để phù hợp với Hiến pháp mới của Việt nam và tiêu chuẩn quốc tế," ông Daniel R. Russel nói.

Trả lời thêm về ý nghĩa của chuyến thăm khi ông Obama sang Việt Nam lúc đã gần hết nhiệm kỳ, đại diện Hoa Kỳ cho rằng, chính sách của Hoa Kỳ luôn ủng hộ việc tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam.

Bản thân ông Daniel R. Russel cho rằng, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi của Chính phủ Hoa Kỳ nhưng một điều chung mà mọi Tổng thống khi nhậm chức cam kết là chính sách đối ngoại ủng hộ thúc đẩy lợi ích nguyên tắc của Hoa Kỳ.


Kiến nghị kéo dài thời gian miễn thị thực

Ngành du lịch đang trông đợi một chính sách dài hơi liên quan đến thị thực để thu hút khách quốc tế hiệu quả hơn khi việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 5 nước Tây Âu sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2016.

Tại Việt Nam, công dân các nước Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha đang được miễn thị thực khi nhập cảnh trong thời hạn 1 năm theo Nghị quyết số 46/NQ-CP, thuộc nhóm 10 nước được nhiều nước miễn thị thực nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, một số nước lân cận cũng đang sử dụng chính sách miễn thị thực và đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để tăng cường thu hút khách du lịch.  Indonesia vào đầu tháng 3/2016 đã miễn thị thực thêm cho 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Như vậy tổng cộng các quốc gia, vùng lãnh thổ có công dân được miễn thị thực khi tới Indonesia đã lên tới 169.

viet nam van kem thu hut doi voi khach du lich tu chau au vi thu tuc nhap canh chua that su thuan loi

Việt Nam vẫn kém thu hút đối với khách du lịch từ châu Âu vì thủ tục nhập cảnh chưa thật sự thuận lợi

Trước thực tế đẩy mạnh thu hút khách từ các nước lân cận và kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng khách quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy từ 1 lên 5 năm; tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Tây Âu.

Số liệu thống kê cho thấy, lượng khách du lịch từ 5 nước trong 9 tháng được miễn thị thực nhập cảnh đạt 554.242 lượt, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, du khách đến từ 5 nước trên chi tiêu 1.316 USD/người trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. Như vậy, số thu trực tiếp đã tăng thêm gần 55 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa từ các chuỗi cung ứng và thu nhập, chi tiêu của người dân ước tính đạt hơn 116 triệu USD sau 9 tháng thực hiện.

Dẫu vậy, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng một chính sách dài hơi hơn. Ông  Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty Du lịch Vietrantour cho rằng, các doanh nghiệp cần ít nhất từ 3 - 6 tháng để nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm phù hợp và triển khai tiếp thị tới 5 thị trường trên. Sau đó mất thêm từ 3 - 6 tháng để du khách lựa chọn được điểm đến phù hợp. Do đó, thời hạn hiệu lực 1 năm khiến doanh nghiệp đang dè dặt.

"Thời gian áp dụng chính sách miễn visa cho đến giữa năm 2016 chưa phù hợp với thị trường khách du lịch Tây Âu nói chung, bởi các công ty du lịch tại châu Âu thường đưa ra thị trường các sản phẩm du lịch mới trước một năm và khách cũng lên kế hoạch du lịch rất sớm, từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí 2 năm đối với các đoàn lớn do công ty tổ chức", bà  Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty du lịch Vietravel nhấn mạnh.

Nếu so với các điểm đến cạnh tranh lân cận tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam vẫn kém thu hút đối với khách Âu vì thủ tục nhập cảnh chưa thật sự thuận lợi.

Theo bà Hương, nên bỏ quy định "miễn visa được áp dụng khi chuyến đi đến Việt Nam của khách cách chuyến đi trước ít nhất 30 ngày". Lý do là bởi khách châu Âu thường kết hợp đi Việt Nam với các nước Lào, Campuchia và có nhu cầu quá cảnh Việt Nam để nối chuyến. Hơn nữa, sau chương trình tham quan 2 hay 3 nước Đông Dương, một số khách Âu chọn các bãi biển Việt Nam là nơi nghỉ dưỡng và có nhu cầu trở lại Việt Nam nghỉ dưỡng vài ngày trước khi về nước. Quy định hiện hành đòi hỏi những trường hợp này vẫn phải thực hiện thủ tục cấp visa, làm mất thời gian, chi phí và chưa thực sự tạo ấn tượng trong việc đơn giản hóa thủ tục cho chuyến đi.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanoi Redtour cho rằng, Việt Nam có thể miễn visa ở tất cả các nước nhưng nên lựa chọn khoảng 10 doanh nghiệp đang kinh doanh tốt và có kinh nghiệm tại mỗi thị trường được phép miễn visa khi tổ chức tour. Nếu hưởng được ưu đãi này, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tổ chức xúc tiến, quảng bá Việt Nam tới thị trường trọng điểm của doanh nghiệp. Việc này không những tạo thị trường đa dạng cho ngành du lịch Việt mà còn tránh được việc doanh nghiệp này bỏ công sức, tiền bạc đi xúc tiến trong khi doanh nghiệp khác lại được hưởng lợi do giá tour không có chi phí xúc tiến."


FDI vào TP.HCM giảm vì vắng bóng dự án dệt may

Từ đầu năm đến nay, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất ở TP.HCM có dấu hiệu sụt giảm. Cụ thể, theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), trong quý I/2016, tổng vốn FDI chỉ đạt 115,67 triệu USD, giảm tới 69,49% so với cùng kỳ năm 2015.

Thực tế, trong 3 tháng đầu năm, đã có một số dự án quy mô vốn khá lớn được Hepza cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như Dự án của Công ty TNHH Yazaki (của Nhật Bản, vốn đầu tư đăng ký 35,5 triệu USD, diện tích đất sử dụng là 3,2 ha tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung), Dự án của Công ty TNHH thực phẩm quốc tế Nam Dương (của Singapore, vốn đầu tư đăng ký 25,6 triệu USD, chuyên sản xuất nước chấm và gia vị tại Khu công nghiệp Hiệp Phước)…

Lý do của sự sụt giảm này, theo đại diện của Hepza, là do không có các dự án dệt may có quy mô vốn lớn được cấp phép. “Thời điểm này năm trước, Hepza thu hút được 379,14 triệu USD vốn FDI, trong đó, đóng góp chủ yếu là các dự án dệt may”, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư của Hepza nói và cho biết, từ đầu năm đến nay, không có dự án dệt may nào được cấp phép.

..

Cần nhắc lại rằng, hồi đầu năm ngoái, Hepza đã cấp phép cho 2 dự án dệt may có quy mô vốn lớn. Cụ thể, Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) đã tăng vốn thêm 160 triệu USD để mở rộng sản xuất, đưa tổng vốn mà doanh nghiệp này đăng ký đầu tư lên 300 triệu USD. Trước đó, doanh nghiệp này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm dệt kim cao cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 140 triệu USD, trên diện tích 45 ha tại Khu công nghiệp Đông Nam.

Dự án thứ hai là Công ty TNHH Nobland Việt Nam (Hàn Quốc) đã tăng vốn thêm 18 triệu USD để hoàn thiện hệ thống nhà xưởng, nâng cấp dây chuyền sản xuất, trang bị máy móc, thiết bị mới. Sau khi tăng vốn, dự án này tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp của Nobland Việt Nam có tổng vốn đầu tư 61 triệu USD…

Theo ông Hà, những năm gần đây, TP.HCM có chủ trương hạn chế thu hút đầu tư vào những ngành thâm dụng lao động, cần diện tích đất lớn (trong đó có dệt may). Tuy nhiên, với dự báo về sự tăng trưởng của ngành dệt may sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, một số khu công nghiệp như Đông Nam, Hiệp Phước… sẽ vẫn tiếp nhận các dự án dệt may trọng điểm, có cam kết sử dụng công nghệ cao, máy móc và thiết bị hiện đại, có trung tâm thiết kế…

Đơn cử, trong nội dung của giấy chứng nhận đầu tư, Worldon Việt Nam đã cam kết xây dựng một trung tâm thiết kế thời trang, đồng thời, các sản phẩm làm ra sẽ cung cấp cho các thương hiệu nổi tiếng như Uniqlo, Nike, Adias, Puma…

Ông Hà cho biết, các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may sẽ được Hepza giám sát chặt chẽ về sử dụng số lao động, công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất.

“Sau khi tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp có thể đã “nản”, không muốn đầu tư dự án dệt may tại TP.HCM và thay vào đó, họ đi tìm cơ hội đầu tư tại các địa phương khác”, ông Hà nhìn nhận.

Trong khi đó, tại Khu công nghệ cao TP.HCM, dù được dự báo sẽ có làn sóng đầu tư sau khi dự án 2 tỷ USD của Samsung nhiều khả năng sẽ chính thức đi vào hoạt động trong quý II năm nay, nhưng thực tế, số dự án được cấp phép từ đầu năm đến nay không nhiều. Đáng kể nhất là dự án của Công ty United More SND.BHD (Malaysia) với vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD. Dự án này sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau bằng nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED có độ chính xác cao…

Như vậy, có thể thấy, việc vắng bóng các dự án dệt may và chưa có những dự án sản xuất có quy mô vốn lớn được cấp phép là nguyên nhân chính khiến thu hút FDI của TP.HCM sụt giảm.

Mọi kỳ vọng có vẻ được đặt vào dự án thay thế dự án tỷ USD của First Solar, khi mới đây, Hepza đã chính thức thông tin là đã có nhà đầu tư mới. Theo đó, dự án mới này có tổng vốn đầu tư đăng ký ít nhất là 500 triệu USD. Tuy nhiên, việc cấp phép cho dự án này có thể được tiến hành trong năm nay hay không hiện vẫn là ẩn số.


Hơn 6.700 tỷ đồng xây 53 km cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng theo hình thức BOT

Ban quản lý dự án 85 vừa có Tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đề xuất dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hàm Nghi-Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 6.707 tỷ đồng cho hơn 53 km.
anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo đơn vị đề xuất, đường cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng nằm trong quy hoạch mạng đường cao tốc đã được phê duyệt với mục tiêu sẽ hoàn thành vào năm 2020. Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc này trước hết sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch mạng đường cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhanh, thuận tiện giữa khu vực Bắc miền Trung với khu vực Bắc bộ, giảm tải trên Quốc lộ 1 hiện tại đồng thời để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên tuyến đường bộ trục Bắc - Nam, thúc đẩy phát triểnkinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, tăng cường an toàn giao thông.

Theo đó, dự án có chiều dài 53,4 km với điểm đầu (km513+640) giao với đường Hàm Nghi thành phố Hà Tĩnh. Điểm cuối (km567+040) giao Quốc lộ 12C, thị trấn Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 04 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường là 24,7m, vận tốc thiết kế 120 km/giờ (các vị trí điều kiện địa hình, địa vật khó khăn châm chước vận tốc thiết kế 100 km/giờ).

Giai đoạn 1, tuyến đường được xây dựng với tổng mức đầu tư dự kiến là 6.707 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), quy mô 04 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Cầu chính tuyến 13 cầu và 3 cầu trên đường ngang; tổng nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khoảng 362,2 ha.

Để đảm bảo tính khả thi của dự án, phía đơn vị lập đề xuất kiến nghị Nhà nước đầu tư khoảng 2.118 tỷ đồng, nhà đầu tư BOT đầu tư khoảng 5.257 tỷ đồng để xây dựng dự án đường cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng với quy mô đoạn 4 làn xe hạn chế.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án 85, dự án sẽ có hiệu quả về mặt tài chính và được thu phí để hoàn vốn trong 22 năm 8 tháng. Dự kiến bắt đầu thu phí từ năm 2020 với mức thu bằng 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km, sau đó cứ 3 năm tăng phí 12%.

Nếu được Bộ Giao thông Vận tải thông qua, dự án được khởi công vào quý 1/2017, thời gian xây dựng dự kiến là 3 năm.


Báo cáo môi trường tại các khu công nghiệp thường không thực chất

Sau sự việc biển miền Trung bị ô nhiễm nặng dẫn đến cá chết hàng loạt câu chuyện về việc đặt khu công nghiệp ven biển và xử lý nước thải xôn xao dư luận.

Bên lề lễ công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2016, các chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí về câu chuyện bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Ông nhận định thế nào về tình hình sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay?

Ông Lê Đăng Doanh: Hiện nay các làng nghề cũng gây ô nhiễm khủng khiếp. Có dịp đi cùng chuyên gia nước thăm Hồ Tây, các chuyên gia đặt dấu hỏi với tôi về việc các nhà hàng xung quanh hồ có xử lý nước thải trước khi xả xuống hồ không.

Thực tế tiêu chuẩn ô nhiễm môi trường của Việt Nam so với thế giới thấp hơn nhiều nên cần nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và ngăn chặn ô nhiễm. Tăng cường quản lý doanh nghiệp trong công tác xử lý chất thải. Các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ xử lý nước thải, điều này ít doanh nghiệp làm vì chi phí môi trường là chi phí cao.

Trước hiện tượng biển bị ô nhiễm và câu chuyện Formosa đang xôn xao dư luận đặt ra dấu hỏi lớn về việc có nên xây dựng KCN ở ven biển hay không, ông đánh giá sao về việc này?

Ông Lê Đăng Doanh: Có nên xây dựng dự án công nghiệp ven biển hay không từ trước đến nay đã có một số cân nhắc. Tuy nhiên ở Nhật Bản họ vẫn xây dựng và hoạt động tốt, không bị ô nhiễm doáp dụng tiêu chuẩn xử lý tốt, có bộ máy làm việc hiệu quả.

Ở Việt Nam vẫn còn có những việc làm tùy tiện. Ví như để thu hút đầu tư nước ngoài, một số địa phương lẳng lặng giảm tiêu chuẩn ô nhiễm môi trường xuống để thu hút đầu tư xưởng nhuộm, đấy là tác hại rất lớn.

Vậy xây dựng khu công nghiệp ven biển ở Việt Nam hiện nay có phải là sai lầm không thưa ông? Hậu quả là người dân đang gánh chịu nhiều tác hại?

TSKH Nguyễn Mại:Không phải chủ trương xây khu công nghiệp ven biển là sai mà sai lầm là phát triển khu công nghiệp quá nhiều, địa phương nào cũng có. Hiện có 18 khu kinh tế ven biển, hơn 360 khu kinh tế công nghiệp, trong đó, có đến 55% diện tích đất chưa lấp được. Sai lầm chính là làm theo phong trào.

Vấn đề môi trường tại khu công nghiệp không phải bây giờ mới đặt ra mà đặt ra từ đầu khi cấp phép. Một số dự án gang thép, hóa dầu đều có báo cáo tài nguyên môi trường. Rất tiếc báo cáo đó không thực chất, thường là thuê một công ty tư vấn của Sở Tài nguyên- Môi trường hay Bộ Tài nguyên - Môi trường làm xong thông qua một hội đồng thẩm định rồi cất vào ngăn kéo.

Cái cần nhất là định mức môi trường của quốc gia công bố công khai và yêu cầu các nhà đầu tư phải tuân thủ đúng. Tại sao cá chết từ 6/4 mà 14/4 mới bắt đầu có cuộc họp đầu tiên, vì không có tiêu chí để xác định. Hiện nay Thanh Hóa cũng gặp tình trạng này.

Xây dựng khu công nghiệp ven biển thì rất phù hợp, xả nước thải ra sông, biển là tốt nhất nhưng vấn đề phải qua xử lý, không đổ trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra biển.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục