tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 09-12-2015

  • Cập nhật : 09/12/2015

Băng nhóm Minh “sâm” thu hơn 5,3 tỉ đồng tiền bảo kê

Trong vòng hơn 2 năm, các bị can trong vụ án đã cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức thu phí “bảo kê” tổng số tiền hơn 5,3 tỉ đồng, gây ra nhiều vụ hủy hoại tài sản, hành hung chủ gỗ, lái xe...

chiec maybach tien ti cua minh “sam” bi thu giu - anh tu lieu tt

Chiếc Maybach tiền tỉ của Minh “sâm” bị thu giữ - Ảnh tư liệu TT

Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt kết luận điều tra vụ án Minh “sâm” và đồng phạm, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 10 bị can về các tội danh “cưỡng đoạt tài sản", "tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Cơ quan điều tra xác định chỉ trong vòng hơn 2 năm, các bị can trong vụ án đã cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức thu phí “bảo kê” tổng số tiền hơn 5,3 tỉ đồng, gây ra nhiều vụ hủy hoại tài sản, hành hung chủ gỗ, lái xe...

Các bị can bị đề nghị truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” gồm Nguyễn Ngọc Minh (Minh “sâm”), giám đốc Công ty TNHH Đại An; Nguyễn Thu Hằng, phó giám đốc Công ty TNHH Đại An; Nguyễn Văn Tùng, Vũ Quốc Khánh, Trần Thái Sơn, Nguyễn Hữu Hoàng (đều là nhân viên Công ty TNHH Đại An); Nguyễn Văn Hoà (trú TP Thái Nguyên, Thái Nguyên); Phạm Văn Đức, Nguyễn Tiến Thắng (trú thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh).

Riêng Quách Văn Lộc (trú thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) bị đề nghị truy tố về hai tội danh “cưỡng đoạt tài sản", "tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Không "cống nạp" thì đốt xe

Theo kết luận điều tra, từ năm 2000 Minh “sâm” lập ra Công ty TNHH Đại An, trụ sở tại Bắc Ninh, để kinh doanh kho bãi, kiốt, bất động sản... Theo đó, công ty này có 3 khu đất gồm chợ Phù Khê Thượng, Phù Khê Đông (Đồng Bèo) và khu đất chợ Tấn Bào, phục vụ việc kinh doanh gỗ.

Từ khi 3 chợ gỗ hình thành vào tháng 6-2012 cho đến khi bị bắt, ngoài các khoản thu từ việc cho thuê mặt bằng, thu phí..., Minh “sâm” đã chỉ đạo nhân viên Văn phòng BQL chợ Đồng Bèo thu của các xe chở gỗ tải trọng nhỏ dưới 5 tấn khi đi qua cầu Tấn Bào hoặc đi từ Đông Anh sang 3 chợ nói trên thì bắt buộc nộp 300.000 đồng/xe.

Đối với các xe trọng tải lớn khi qua cầu Tấn Bào bắt buộc phải vào bãi của Ban quản lý chợ Đồng Bèo để xuống gỗ và phải nộp 1-3 triệu đồng tùy tải trọng xe.

Sau đó các chủ gỗ phải thuê xe công nông vận chuyển về địa điểm tập kết, ngoài chi phí thuê xe còn phải chi cho BQL chợ 200.000 - 400.000 đồng.

Nếu các xe không chấp hành, Minh “sâm” chỉ đạo nhân viên không cho dừng đỗ, đi vào đường Nguyễn Văn Cừ hay xuống gỗ ở 3 chợ của Minh.

Những trường hợp đã vào bãi nếu không nộp tiền thì không được cấp thẻ, không mở barie cho xe đi ra; điện báo công an đến bắt giữ xử lý về những lỗi hành chính như vi phạm giao thông, giấy tờ thủ tục mua bán gỗ...

Việc bắt ép các chủ gỗ, lái xe phải nộp phí như vậy đã có nhiều chủ gỗ phản đối, không chấp hành nên đã bị đe dọa, chửi bới, đánh đập, hành hung, đốt phá xe hoặc báo cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý.

Điển hình là vụ xe gỗ của các anh Dương Văn Bình, Vũ Văn Thủy và Trần Anh Tuấn ở Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh, không chấp hành quy định của Minh “sâm” nên đã bị đốt xe cùng toàn bộ số gỗ trên xe trị giá khoảng 1 tỉ đồng.

Hơn 4.000 xe bị khống chế nộp tiền

Vụ 3 xe chở gỗ của các anh Nguyễn Đức Toán, Đàm Công Điền và Hoàng Bá Toàn đang đỗ, xuống gỗ tại nhà riêng ở khu đô thị Mạnh Đức, Từ Sơn, Bắc Ninh, thì bị Phạm Văn Đức, Vũ Quốc Khánh đến yêu cầu phải cho xe vào bãi xuống gỗ, nộp phí.

Các cá nhân này không chấp hành nên Trần Thái Sơn đã báo công an đến bắt giữ, xử lý khiến anh Toán bị tịch thu một số gỗ, nộp phạt hơn 100 triệu đồng...

Cơ quan điều tra xác định từ tháng 6-2012 đến khi băng nhóm Minh “sâm” bị bắt đã có hơn 4.000 lượt xe phải nộp tiền cho Văn phòng BQL chợ Đồng Bèo. Qua đó, Minh “sâm” và đồng phạm thu lời bất chính hơn 5,3 tỉ đồng.

Đối với Quách Văn Lộc, cơ quan điều tra xác định bị can này có hành vi cất giấu, tàng trữ 1 khẩu súng K54 và một số hung khí khác.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Thành Hưng, trưởng thôn Phù Khê Thượng, giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng, nhưng bị can này sau đó chết trong quá trình điều tra vụ án do bệnh hiểm nghèo.

Cơ quan điều tra đã bắt, khám xét khẩn cấp Nguyễn Thị Hòa, giám đốc Công ty TNHH Trường Giang; Vũ Văn Quý, giám đốc Công ty TNHH Hưng Long về hành vi “đưa hối lộ”.

Các bị can đã khai nhận trong quá trình xét duyệt và triển khai dự án Thành Hưng, các bị can đã góp tiền để chi phí, biếu xén cho một số cán bộ thuộc các cơ quan chức năng. 

Đối với hành vi này, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tách ra để điều tra xử lý trong một vụ án riêng.


Khánh Hòa vẫn chuẩn bị đầu tư khu trung tâm hành chính

Ngày 7-12, ông Lê Thanh Quang - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - cho biết Ban thường vụ Tỉnh ủy vừa thống nhất như trên.

Theo đó, Khánh Hòa vẫn tiếp tục chuẩn bị đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính mới của tỉnh, dù giữa tháng 
11-2015 Thủ tướng đã có yêu cầu tạm dừng xây dựng các khu trung tâm hành chính tập trung.

“Thủ tướng yêu cầu tạm dừng triển khai việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung là để các bộ, ngành tiến hành kiểm tra tính hiệu quả, cân đối vốn đầu tư để báo cáo Thủ tướng.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa mới họp và thống nhất rằng các khâu chuẩn bị cho dự án như triển khai cho dân góp ý quy hoạch và thiết kế dự án vẫn tiến hành như thường. Tỉnh chỉ chuẩn bị nên không ảnh hưởng gì cả” - ông Quang nói.

Tháng 10-2015, Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa đã công bố lấy ý kiến quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa tại xã Vĩnh Thái với tổng mức đầu tư toàn dự án là 4.280 tỉ đồng, trong đó khu trung tâm hành chính hình tổ yến là 2.787 tỉ đồng.


Bắt đồng phạm của cán bộ tuyên giáo tỉnh ủy Kiên Giang lừa đảo

Công an tỉnh Kiên Giang cho biết cảnh sát điều tra đã bắt giam Ngô Hồng Sơn (29 tuổi, ngụ P.Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Sơn được xác định là đồng phạm của Nguyễn Duy Tân - nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, đã bị bắt giam trước đó cùng về hành vi lừa đảo (xem Tuổi Trẻ ngày 27-10).

Theo lời khai ban đầu, Sơn đã giả danh là cán bộ rồi cùng với Nguyễn Duy Tân (cán bộ Ban Tuyên giáo) lập danh sách khống người mua đất dự án của Công ty cổ phần đầu tư Phú Cường Kiên Giang rồi ký tên giả, đóng dấu giả của ban quản lý dự án và đem lừa bán cho những người có nhu cầu.

Do Tân, Sơn rao bán đất dự án với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường nên nhiều người tin tưởng đưa tiền mua lại đất. Theo điều tra, cho đến thời điểm bị bắt, Tân và Sơn đã bán khống cho hơn 20 khách hàng với số tiền lên đến gần 5 tỉ đồng.

Cơ quan công an đã thu giữ nhiều hồ sơ, giấy tờ tài liệu giả mà các bị can làm ra.

Thậm chí, công an còn thu được một văn bản giả quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy “điều động đồng chí Ngô Hồng Sơn, Trưởng phòng kiến trúc quy hoạch sở xây dựng kiên giang, đến nhận nhiệm vụ tại UBND tỉnh Kiên Giang chức vụ Phó chủ tịch thường trực UBND Tỉnh”.


Khởi tố người Trung Quốc lừa bán 58 ký vàng giả

Cơ quan điều tra xác định Ye Guorong chính là một trong 4 người Trung Quốc đã lừa bán vàng giả, lừa 10 tỉ của tiệm vàng Ngọc Phát tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

nghi can ye guorong

Nghi can Ye Guorong

Liên quan vụ bán 58 kg vàng giả chiếm đoạt 10 tỉ đồng tại Đồng Nai, sáng 8-12, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt giam Ye Guorong (48 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra ban đầu, bằng việc lừa bán 58 kg vàng cám giả cho chủ tiệm vàng Ngọc Phát tại TP. Biên Hòa đêm 2-12, Ye Guorong và các đồng phạm người nước ngoài đã chiếm đoạt 10 tỉ đồng của chủ tiệm vàng này.

Tại cơ quan điều tra, Ye Guorong khai nhận sau khi bán được số vàng cám giả, Ye Guorong được chia 8.800USD, 2 triệu đồng, 2.250 nhân dân tệ còn 3 đồng bọn đã trốn khỏi Việt Nam.

Chiều 3-12, Ye Guorong bị bắt khi đang trên đường trốn sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai đang phối hợp với Cục điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an tiếp tục điều tra, truy bắt những nghi can còn lại.


Khởi tố nguyên phó tổng giám đốc Công ty Hadico

Ông Đỗ Văn Hảo cùng hai cán bộ dưới quyền bị khởi tố điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 7-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Đỗ Văn Hảo (60 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội - Công ty Hadico), Đặng Thị Thanh Tâm (53 tuổi, giám đốc chi nhánh Công ty Hadico - Xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm), Dương Thị Chinh (52 tuổi, kế toán trưởng chi nhánh Công ty Hadico - Xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm) điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Liên quan vụ án này, trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Minh Nguyệt (nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Hadico) và bà Nguyễn Thị Huyền Hảo (kế toán trưởng công ty) cũng về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định chi nhánh Công ty Hadico - Xí nghiệp phát triển nông nghiệp sinh thái và dịch vụ du lịch (nay là Xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm, địa chỉ tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được giao hơn 400.000m2 đất nông nghiệp để sử dụng làm vườn quả.

Năm 2011, khi ông Phan Minh Nguyệt còn làm tổng giám đốc Công ty Hadico, bà Nguyễn Thị Huyền Hảo cùng bà Đặng Thị Thanh Tâm tổ chức xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp để cho thuê, thu tiền.

Bà Tâm đã chỉ đạo bà Dương Thị Chinh và bà Nguyễn Thị Phượng (thủ quỹ xí nghiệp) thu hơn 21,6 tỉ đồng để ngoài sổ sách kế toán, giao bà Nguyễn Thị Huyền Hảo hơn 17,7 tỉ đồng để sử dụng phần lớn cho cá nhân ông Phan Minh Nguyệt.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục