tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 19-08-2015

  • Cập nhật : 19/08/2015

Harvard chuẩn bị xây trường đại học tại Việt Nam

harvard chuan bi xay truong dai hoc tai viet nam

Harvard chuẩn bị xây trường đại học tại Việt Nam


Bộ Ngoại giao Mỹ đã tài trợ 2,5 triệu USD cho Trường Đại học Harvard nhằm chuyển đổi một chương trình học bổng chính phủ danh tiếng thành trường Đại học tư nhân, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam. Trường Đại học này sẽ đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và liên kết với các trường Đại học Mỹ.

Theo kế hoạch, trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ mở rộng đào tạo dựa trên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, học bổng chính phủ mà trung tâm Ash ở trường Kennedy của Harvard thành lập năm 1994 với sự liên kết của Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Học bổng Fulbright cũng nhận được một phần kinh phí tài trợ từ Phòng Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Trường Đại học mới này dự kiến được ra mắt vào tháng 09/2016, gồm ba trường: trường Quản lý và Chính sách công, Trường kỹ thuật và khoa học ứng dụng và trường Fulbright theo hướng các trường Liberal Arts của Mỹ (tập trung đào tạo toàn diện nhằm phát triển các kỹ năng nói, viết, và lý luận). Trường Quản lý và Chính sách công sẽ bắt đầu tuyển sinh khóa học Thạc sĩ đầu tiên vào mùa thu năm 2016.

Đại học Harvard sẽ không trực tiếp quản lý hoạt động của trường Đại học mới, nhưng sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc giảng dạy và nghiên cứu tại đây.

Ông Daniel B. Harsha, phát ngôn viên trung tâm Ash cho biết: “Bước tiếp theo mà Đại học Harvard cảm thấy thực sự cần thiết đối với học bổng Fulbright chính là việc phát triển một ngôi trường Đại học tư nhân, giảng dạy Chính sách công”. Trường Đại học mới sẽ mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên Việt Nam, nơi các trường Đại học tư nhân bị chi phối bởi lợi nhuận trong khi các trường Đại học công thì thiếu khả năng nghiên cứu. Ông tin tưởng rằng Đại học Fulbright sẽ phát triển và tiếp cận được nhiều sinh viên hơn nữa trong tương lai.

Về phần mình, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ ca ngợi trường Đại học mới là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ ngoại giao và giao lưu học thuật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngoại trường Mỹ John F. Kerry trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 8 cho biết nhờ có tự do học thuật, cùng sự tâm huyết và hợp tác đến từ Đại học Harvard, trường Đại học Fulbright sẽ là một “tài sản” vô giá, giúp trình độ học vấn của Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt thành lập trường Đại học tư nhân Fulbright vào năm ngoái, và hiện trường đang trong quá trình gây quỹ. Mục tiêu của Đại học Fulbright là gây quỹ 100 triệu USD và tuyển sinh 2.000 sinh viên trong 5 năm đầu tiên. Cho đến nay đã có khoảng 40 triệu USD cam kết tài trợ cho trường.

Trường Đại học Harvard đã có thâm niên trong việc tham gia phát triển giáo dục Đại học tại Việt Nam. Trường đã thành lập học bổng Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1 năm trước khi Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995, và thậm chí trong một thời gian, Harvard đã trực tiếp quản lỹ quỹ học bổng Fulbright tại Việt Nam, vai trò thường là của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Ông Harsha cũng cho biết thêm Harvard đã đóng một vai trò quan trọng giúp bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực sự cảm thấy thực sự biết ơn vì điều đó.

Với chương trình giảng dạy đến từ trường Kennedy nổi tiếng, trường Fullbright hi vọng trở thành một điểm sáng của giáo dục Đại học Việt Nam.


Nhân sự mới 5 tỉnh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung và miễn nhiệm nhân sự UBND 5 tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Trà Vinh.

 

Cụ thể, Thủ tướng đã ký Quyết địnhphê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Thủ tướng cũng ký Quyết địnhphê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Xuân Lâm, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, để nhận nhiệm vụ mới.

Đồng thời, Thủ tướng ký Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Hoài Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị.

Thủ tướng cũng ký Quyết địnhphê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Hồ Thanh Tự, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, để nhận nhiệm vụ mới.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng ký Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Văn Tài, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu và ông Trịnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu.

Thủ tướng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Hồ Khải Hoàng, nguyên chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu và ông Huỳnh Minh Hội, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu để nghỉ hưu theo chế độ.

Cùng ngày, Thủ tướng cũng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Chí Thực, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, để nghỉ hưu theo chế độ.

Đối với tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng ký Quyết địnhphê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Thanh Đấu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh, để nghỉ hưu theo chế độ.


Hà Nội: Phê duyệt chỉ giới hai tuyến đường huyết mạch

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành Quyết định phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường nối từ Đại lộ Thăng Long kéo dài đến Quốc lộ 21 và Chỉ giới đường đỏ tuyến đường trục chính Bắc - Nam đô thị Quốc Oai.

Cụ thể, theo quyết định số 3973/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường nối từ Đại lộ Thăng Long kéo dài đến Quốc lộ 21, tỷ lệ 1/500, tuyến đường có chiều dài khoảng 2,3km, thuộc địa bàn xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm đầu giao với Đại lộ Thăng Long kéo dài; điểm cuối giao với Quốc lộ 21.

Đây là đường cấp khu vực, có mặt cắt ngang điển hình 40m, gồm: hai lòng đường xe chạy mỗi bên rộng 2x10,5m =21m (6 làn xe), dải phân cách giữa rộng 7m, vỉa hè hai bên 2x6m=12m. Các nút giao thông giữa tuyến đường với Đại lộ Thăng Long kéo dài, Quốc lộ 21 và các tuyến đường ngang khác đều được tổ chức giao bằng. Chỉ giới đường đỏ tại hồ sơ chỉ xác định sơ bộ, chi tiết được xem xét cụ thể trong hồ sơ dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo quyết định số 3974/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường trục chính Bắc - Nam đô thị Quốc Oai (đoạn kéo dài tại điểm cuối tuyến Km3+938 đấu nối với TL421B) tỷ lệ 1/500 tại huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, tuyến đường có chiều dài khoảng 0,4km, điểm đầu tuyến là điểm cuối tuyến (Km3+938) của tuyến đường trục chính Bắc - Nam khu đô thị Quốc Oai (Dự án đầu tư xây dựng đã được UBND tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt tại Quyết định số 1926/QĐ-UBND, ngày 23/10/2007). Điểm cuối tuyến giao với đường TL421B hiện có.

Đây là đường cấp đô thị (loại đường chính đô thị). Tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang 32m, gồm: hai lòng đường xe chạy mỗi bên rộng 2x12m (6 làn xe), dải phân cách giữa rộng 6m, vỉa hè hai bên 2x6m.

Các hạng mục, công trình trên tuyến đường: Nút giao giữa tuyến đường trục chính Bắc - Nam đô thị Quốc Oai kéo dài với tuyến đường trục Kinh tế Bắc - Nam và nút giao với đường TL421B là các nút giao bằng. Chỉ giới đường đỏ tại các nút giao thể hiện trong hồ sơ này chỉ xác định sơ bộ và sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lập các Quy hoạch chi tiết hoặc triển khai thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này được cấp thẩm quyền phê duyệt (trong giai đoạn tiếp theo).


Định hình mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc thông qua FTA

Ngày 17/8, hội thảo kinh tế quốc tế với chủ đề “Định hình mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc thông qua hiệp định thương mại tự do FTA: tầm nhìn, thách thức và chiến lược” đã diễn ra ở Thái Nguyên.

Ngày 17/8, hội thảo kinh tế quốc tế với chủ đề “Định hình mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc thông qua hiệp định thương mại tự do FTA: tầm nhìn, thách thức và chiến lược” thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà nghiên cứu chính sách, các giáo sư, tiến sỹ đến từ Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam.

Trường Đại học Quản trị và Kinh doanh Thái Nguyên - Đại học Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội nghiên cứu công nghiệp và thương mại Hàn Quốc, Viện Chính sách Kinh tế quốc tế Hàn Quốc, Viện Thương mại và Kinh tế công nghiệp Hàn Quốc tổ chức hội thảo này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến tác động của hiệp định FTA Việt Nam-Hàn Quốc đến việc định hình mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Các đại biểu đã tập trung vào một số chủ đề chính như: triển vọng của Hàn Quốc và của Việt Nam sau hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam-Hàn Quốc; cán cân thương mại Việt Nam-Hàn Quốc và cách thức thể hiện; những phân tích kinh nghiệm thực tiễn về tiềm năng thương mại giữa Việt Nam, Hàn Quốc; sự thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với các công ty Hàn Quốc và tầm quan trọng đối với Việt Nam; những luật lệ của các công ty Hàn Quốc trong phát triển kinh tế Việt Nam; hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa trong xu thế hội nhập; kinh nghiệm trong phát triển mối quan hệ kinh tế và đầu tư công tại Việt Nam…

Các đại biểu đã cùng trao đổi về chiến lược phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Nhiều đại biểu cho rằng ngoài hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, Hàn Quốc đang mở rộng sang các lĩnh vực đầu tư khác như tài chính, ngân hàng, năng lượng, cơ sở hạ tầng, thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Do vậy, Việt Nam cần có các chiến lược phù hợp để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc dựa trên cơ sở chọn lọc và tìm hiểu kỹ lưỡng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ dựa vào ưu đãi về thuế quan của FTA để đưa ra các chiến lược xuất khẩu phù hợp với những mặt hàng thế mạnh trên thị trường Hàn Quốc./.


Bình Dương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo sở, ngành trong tỉnh Bình Dương đã tiếp xúc, giải đáp vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh với trên 70 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại địa bàn.

Ngày 18/8, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm và lãnh đạo sở, ngành trong tỉnh đã tiếp xúc với trên 70 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại địa bàn.

Ông Park Noh Wan, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Chi hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương tham dự.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc có trên 10 nhóm câu hỏi liên quan đến những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh như cắt điện nhưng không thông báo trước cho doanh nghiệp; giá điện tăng ảnh hưởng sản xuất; quyền sở hữu trí tuệ; đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài; cho thuê lại nhà xưởng của doanh nghiệp trong khu công nghiệp...

Tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Công an, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban quản lý các khu công Việt Nam-Singapore; Cục Thuế, Công ty Điện lực Bình Dương đã giải thích các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp.

Ông Park Noh Wan, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp. Việc làm này không những thúc đẩy sự hợp tác, mà còn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại tỉnh Bình Dương. Tổng Lãnh sự và Chi hội Doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Bình Dương.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, đã trả lời một số nội dung có liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh; đề nghị các sở, ngành ghi nhận nội dung kiến nghị và tìm hướng giải quyết.

Tại tỉnh Bình Dương, Hàn Quốc hiện có 515 dự án với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD, đứng thứ 3 về vốn đầu tư. Từ đầu năm 2015 đến nay, Hàn Quốc có 25 dự án mới và 14 dự án tăng vốn với 134,2 triệu USD đầu tư vào tỉnh Bình Dương./.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục