tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cần giải pháp cụ thể cho phát triển TP HCM

  • Cập nhật : 15/09/2015

(Tin kinh te)

L.T.S: Hưởng ứng đợt góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X (2015-2020), Báo Người Lao Động mở diễn đàn để các tầng lớp nhân dân, chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến

Quá trình chỉ đạo soạn thảo dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X, Thành ủy TP HCM yêu cầu báo cáo phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, bám sát thực tiễn để thực hiện. Chủ đề báo cáo cũng cần ngắn gọn, vừa có tính cụ thể vừa có tính khái quát cao.

Cần ngắn gọn, khái quát

Tuy nhiên, tại dự thảo này, chủ đề đưa ra khá dài: “Xây dựng Đảng bộ TP trong sạch, vững mạnh, huy động mọi nguồn lực, xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á” (63 chữ). Có thể rút gọn lại như sau: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội và tiến tới ngang tầm với các đô thị lớn ở Đông Nam Á” (44 chữ).

tp hcm can de ra giai phap cu the de khac phuc tinh trang un tac giao thong anh: hoang trieu

TP HCM cần đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dù rút gọn 1/3 số chữ nhưng chủ đề vẫn đủ nghĩa, khái quát cao hơn. Cụ thể, cụm từ “huy động mọi nguồn lực” là chuyện đương nhiên khi xây dựng TP nên không cần phải ghi. Đối với cụm từ “sớm trở thành” rất thiếu tính cụ thể của văn phong nghị quyết nên cũng không cần thiết. Cụm từ  “… một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á” lại mang tính liệt kê, có thể thay thế bằng “tiến tới ngang tầm với các đô thị lớn của Đông Nam Á” cũng bao hàm nghĩa là “một trong những trung tâm lớn” nhưng khái quát hơn, khiêm tốn hơn. Một khi đã đạt được “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” thì mặc nhiên trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng.

Mặt khác, hiện nay năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn các nước, người giỏi vẫn tìm đường ra nước ngoài làm việc, số người có bằng cấp nhiều nhất Đông Nam Á nhưng công trình khoa học ít nhất… Với thực trạng đó thì cần đưa ra giải pháp khả thi để  TP sẽ “sớm trở thành trung tâm lớn về khoa học - công nghệ”.

Phải làm cho dân tin

Về “phát triển đô thị bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ”, toàn bộ nội dung này viết như liệt kê các loại công việc nhưng chưa chứng minh được tính khả thi. Dự thảo báo cáo nói: “Hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng quy hoạch…” song TP tồn tại khá nhiều bất cập về quy hoạch do lịch sử để lại, như tỉ lệ đất giao thông quá thấp so với yêu cầu của đô thị hiện đại, dân số quá đông, mật độ quá cao gây ra quá tải giao thông, thoát nước, rác thải, tệ nạn xã hội… Với thực tế ấy thì cần nêu giải pháp cụ thể để khắc phục. Theo đó, cần phải đưa ra giải pháp cụ thể để  “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…” và trong vòng 5 năm tới có thể “giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường…”. Đây là vấn đề người dân TP rất quan tâm, kỳ vọng.

Một vấn đề quan trọng khác đối với “phát triển đô thị bền vững” là “tổ chức chính quyền quản lý đô thị hiện đại” nhưng chưa thấy nêu trong mục này.

Về giải pháp “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo” cũng có nhiều vấn đề cần xác định lại cho phù hợp. Thực tế đổi mới giáo dục trên phạm vi toàn quốc còn rất nhiều bất cập, cụ thể như đổi mới phương pháp thi cử vừa qua đã không thành công. Vậy để nhân dân có niềm tin đến năm 2020, giáo dục của TP sẽ “chuẩn hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới…” thì báo cáo nên nêu chính sách và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Ngoài ra, đối với nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại…” cũng nên nêu cụ thể tính “hiện đại” mà giáo dục TP sẽ áp dụng khác với hiện nay thế nào chứ không nói chung chung.

Nhìn chung, phần “nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu” phần lớn là trình bày như nêu tên nhiệm vụ, định tính nhiều hơn là chính sách và biện pháp cụ thể. Do đó, nên cụ thể hơn để nâng cao tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận của nhân dân.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia - Trường ĐH KHXH&NV TP HCM)

(Theo Người lao động)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục