tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Về vấn đề tái cơ cấu kinh tế những năm qua và một số định hướng giai đoạn 2016-2020

  • Cập nhật : 27/02/2016

(Tin kinh te)

Mặc dù những thành công của quá trình tái cơ cấu những năm vừa qua là rất đáng khích lệ, nhưng hệ thống phân bổ nguồn lực vẫn còn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của “bàn tay nhà nước”, do đó hiệu quả chưa được như mong đợi

ve van de tai co cau kinh te nhung nam qua va mot so dinh huong giai doan 2016-2020

Về vấn đề tái cơ cấu kinh tế những năm qua và một số định hướng giai đoạn 2016-2020


Kết quả đạt được

Nhìn chung, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể ở các lĩnh vực trọng tâm sau:

Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công: Triển khai thực hiện Luật Đầu tư công. Ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức và phân bổ vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn, tập trung cho các dự án quan trọng và vốn đối ứng ODA. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; ưu tiên xử lý nợ xây dựng cơ bản. Tăng cường phân cấp, đề cao trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội đã chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015, đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.

Về tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại: Tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Các ngân hàng thương mại bằng các biện pháp chủ động tự xử lý nợ xấu là chủ yếu; đồng thời phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tham gia xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua - bán nợ. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2015, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72% (hoàn thành sớm mục tiêu đề ra là dưới 3% vào cuối năm 2016) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Quy mô thị trường chứng khoán tăng, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước: Tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. DNNN tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu được tăng cường. Đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa thu về cao hơn giá trị sổ sách gấp 1,47 lần. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. DNNN cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Nhận diện những điểm “nghẽn”

Song, bên cạnh kết quả đạt được, tái cơ cấu kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Trong tái cơ cấu đầu tư công

Thứ nhất, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư. Luật Đấu thầu (2013) và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để có thể áp dụng nguyên tắc thị trường trong phân bổ vốn đầu tư công, nhưng cho đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống do còn thiếu các văn bản hướng dẫn. Các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí thống nhất để phân bổ, giám sát, đánh giá nguồn vốn đầu tư công. Mặt khác, dù đã có những văn bản pháp luật quy định chặt chẽ, nhưng tại nhiều địa phương vẫn xảy ra sai phạm và không thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy trình quản lý đầu tư công theo hiệu quả đầu tư. Do đó, hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công vẫn chưa cao. Cụ thể: Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm dưới 40% từ năm 2007 đến 2012, song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013-2014. Trong suốt giai đoạn 1995-2012, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư công liên tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 40%. Tuy nhiên, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước đã giảm mạnh xuống dưới 20% từ năm 2014 và có thể cả trong năm 2015 do phải ưu tiên chi thường xuyên và chi trả nợ.

Thứ hai, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn, nhất là từ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công. Các yếu tố thúc đẩy nợ công tăng đang rất hiện hữu:

(i) Tư duy nhà nước can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế thông qua đầu tư công vẫn còn hiện hữu. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu đầu tư công không giảm;

(ii) Đầu tư công chưa chú trọng vào yếu tố hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí. Quy trình phê duyệt đầu tư, đặc biệt là giữa cơ quan chủ quản với doanh nghiệp trực thuộc không có sự giám sát độc lập, mở ra cơ hội tham nhũng và đẩy chi phí đầu tư lên cao;

(iii) Ngân sách nhà nước phải “nuôi” một bộ máy quá cồng kềnh không hiệu quả, do đó nguồn thu ngân sách không đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên, điều này có nguy cơ làm thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng, để bù đắp thì nợ công phải gia tăng;

(iv) Dư thừa thanh khoản, lãi suất cho vay cao dẫn đến đầu tư tư nhân thu hẹp, để thúc đẩy tăng trưởng theo tư duy nhà nước dẫn dắt đầu tư công (trái phiếu chính phủ) mở rộng, trong khi hiệu quả đầu tư công không cải thiện thì nợ công sẽ gia tăng;

(v) Kỷ luật đầu tư công vẫn còn lỏng lẻo, yêu cầu trả nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, dẫn đến đầu tư công và trả nợ tăng;

(vi) Tỷ lệ huy động vào ngân sách giảm dần, chi thường xuyên tăng cao vượt quá nguồn thu trong khi vẫn phải tiếp tục chi đầu tư phát triển. 

Trong tái cơ cấu DNNN

Đối với tái cơ cấu DNNN, tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, đồng thời chất lượng cổ phần hóa có nhiều vấn đề. Trình bày về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011-2015 trước Quốc hội vào ngày 20/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo dự kiến năm 2015 chỉ cổ phần hóa được 200/289 DNNN. Trên thực tế, tính đến ngày 07/10/2015, theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước mới chỉ có 102 DNNN hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Bộ Tài chính cũng cho biết, trong số hơn 180 DNNN chưa cổ phần hóa, thì có đến trên 100 DNNN mới xác định xong giá trị doanh nghiệp, 30 DNNN mới thành lập xong ban chỉ đạo, đang tiến hành các bước tiếp theo để xác định giá trị doanh nghiệp.

Nguyên nhân cốt lõi của quá trình cổ phần hóa DNNN chậm là do cơ chế, cụ thể là cơ quan chủ quản đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước. Việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã làm cho các chủ doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có động cơ sai lệch. Các chủ doanh nghiệp không tập trung vào mục tiêu làm giàu cho doanh nghiệp, mà có xu hướng sử dụng doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu chính trị. Trong khi các cơ quan chủ quản đáng lẽ phải đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng và giám sát sự chấp hành các quy định pháp luật của các DNNN, thì thực tế lại có xu hướng tìm cách làm lợi cho các doanh nghiệp này, hình thành các nhóm lợi ích. Các bộ chủ quản, UBND cấp tỉnh đang được hưởng lợi từ các DNNN này, do đó sẽ không ủng hộ việc tách các doanh nghiệp này ra khỏi phạm vi quản lý của họ. Mỗi khi chúng ta chưa tách được chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu, thì quá trình tái cơ cấu DNNN chỉ mang tính hình thức.

Hạn chế, yếu kém lớn nhất của DNNN hiện nay là cơ chế hoạt động của DNNN nói chung, thể chế quản trị DNNN nói riêng, còn nhiều điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, làm giảm hiệu quả của DNNN và tiến trình hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ ở Việt Nam.

Trong tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại

(i) Hệ thống tín dụng vẫn còn nghẽn trong hệ thống ngân hàng, nhu cầu đầu tư công lớn dẫn đến hiện tượng “lấn át trong đầu tư”: Vốn trên thị trường ngân hàng đang dịch chuyển mạnh sang thị trường trái phiếu; đầu tư tư nhân bị lấn át bởi đầu tư công.

(ii) Sử dụng VAMC như một “cơ chế bào mòn” nợ xấu tỏ ra không hiệu quả khi nợ xấu vẫn còn đó (đã đưa ra ngoại bảng) và ngân hàng phải đẩy chi phí “bào mòn” này ra công chúng (doanh nghiệp và người gửi tiền). Hậu quả là lãi suất cho vay thực quá cao, hạn chế tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đồng thời do ngân hàng không phải trả giá cho quá trình xử lý nợ xấu, nên mặc dù nợ xấu còn rất cao, nhưng lợi nhuận của ngân hàng thương mại lại liên tục tăng.

(iii) Cơ chế hoạt động của VAMC thiếu sự minh bạch và cũng thiếu nguồn lực để xử lý nợ xấu. Sự thiếu minh bạch của VAMC đang hạn chế sự hình thành thị trường mua bán nợ xấu đúng nghĩa. Bởi vì, trên thị trường này VAMC nắm lợi thế về thông tin trong khi những người muốn mua nợ xấu không được tiếp cận đầy đủ thông tin do đó rất khó để bên mua và bên bán gặp nhau. Khi không được cung cấp đầy đủ thông tin thì người mua sẽ khó đưa ra được giá hợp lý, do đó, thị trường mua – bán nợ không thể hình thành cơ chế định giá cho nợ xấu.

Trong tái cơ cấu vùng

Tái cơ cấu vùng, ngành chưa đi vào thực chất, chưa tuân thủ các nguyên tắc thị trường trong liên kết vùng. Những vấn đề như: thị trường phân phối, thị trường đầu vào của ngành Nông nghiệp chưa có giải pháp cụ thể. Hay, ngành Công Thương còn khá chung chung chưa có các chỉ tiêu kiểm soát. Chiến lược phối hợp các ngành với nhau tạo dựng các cụm liên kết ngành là công cụ cạnh tranh quan trọng trong thời kỳ toàn cầu hóa chưa được đề cập tới.

Các vấn đề đô thị hóa, siêu đô thị đang đè nặng áp lực lên năng lực của kết cấu hạ tầng tại hai thành phố lớn là: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Việc tiếp tục phát triển các siêu đô thị sẽ làm tăng chi phí cho cuộc sống và đồng thời làm tăng chi phí sản xuất tại hai thành phố lớn hai đầu đất nước. Mô hình phát triển siêu đô thị cũng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về mặt xã hội do chênh lệch giàu nghèo tạo ra. Do đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện song song với xây dựng thể chế vùng, để tăng cường liên kết vùng, giảm tải cho các siêu đô thị và tạo điều kiện phát triển cân bằng hơn cho các vùng trên cả nước.

Trong đổi mới thể chế kinh tế

Những đổi mới thể chế vừa qua chỉ thực hiện trên bề mặt thông qua cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hệ thống pháp luật chuyên ngành... Chúng ta đã đạt được một số thành công nhất định trong việc tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn, ít có sự can thiệp của Nhà nước hơn. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, thì những cải cách của chúng ta vẫn chưa đủ để tạo được môi trường kinh doanh cạnh tranh thuận lợi, thân thiện hơn với thị trường. Các chỉ số về môi trường kinh doanh, quản trị nhà nước của Việt Nam vẫn còn rất thấp.

Những vấn đề trong thể chế điều chỉnh quan hệ nội bộ của bộ máy nhà nước hầu như chưa được đụng chạm đến. Hiện nay, Việt Nam đang chịu thách thức lớn đó là quá trình quyết định nhà nước mang tính phân tán thiếu địa chỉ cụ thể. Do đó khi các quyết định đó tạo ra những hậu quả cho nền kinh tế, thì không ai chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Đồng thời, đối với những vấn đề liên ngành sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước là rất kém hiệu quả, làm cho quá trình ra quyết định rất chậm trễ và chồng chéo nhau. Việc phân cấp, phân quyền thiếu sự giám sát hiệu quả và sự điều phối chung của Nhà nước, dẫn đến hiện tượng đầu tư tràn lan và trùng lắp không tận dụng được những kết quả của nhau. Ví dụ: ngân sách phân bổ cho các sở khoa học và công nghệ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bằng nhau và 13 tỉnh này nếu nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và tạo ra 13 kết quả nghiên cứu giống nhau, nhưng sẽ không ứng dụng được vì nguồn ngân sách hạn chế. Đầu tư tràn lan các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, bến cảng là những ví dụ khác về hậu quả của việc phân cấp, phân quyền thiếu sự giám sát, tập trung của Nhà nước.

Khảo sát tại Bộ Tài chính giai đoạn 2006-2014 cho thấy, xấp xỉ 1.800 đơn vị dự toán thuộc Bộ Tài chính được sử dụng ngân sách, nhưng tỷ lệ các đơn vị được thực hiện kiểm toán nội bộ hàng năm chưa đến 5%. Tỷ lệ các đơn vị này được giám sát bởi các cơ quan bên ngoài (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính) từ năm 2010 đến nay luôn dưới 4%.

Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020

Một là, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.
Cho đến nay, quá trình tái cơ cấu mới chỉ thực hiện được ba trọng tâm trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay chỉ mới đạt được ở mức ổn định về thị trường tài chính tiền tệ, chưa đạt được 3 trụ cột còn lại của ổn định kinh tế vĩ mô, đó là: ổn định tài khoá, ổn định thị trường và ổn định môi trường chính sách.

Trong giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trên cả 4 trụ cột: ổn định tiền tệ, ổn định tài khoá, ổn định thị trường và ổn định môi trường chính sách. Cụ thể:

- Đối với ổn định tiền tệ, cần tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng tăng hiệu quả và hệ số an toàn hệ thống, đa dạng hoá các sản phẩm tài chính và duy trì lạm phát thấp vừa phải, lãi suất cho vay được ổn định xung quanh 5%.

- Nguy cơ bất ổn về tài khoá là rất cao khi nợ công liên tục gia tăng, nhu cầu chi thường xuyên vượt thu ngân sách, dư địa cho đầu tư phát triển thu hẹp mạnh. Trong giai đoạn 2016-2020, cần nhấn mạnh kỷ luật tài khoá, giảm chi tiêu thường xuyên, duy trì thâm hụt ngân sách dưới 4% GDP và nợ công dưới 65% GDP.

- Trên khía cạnh ổn định thị trường: cần đa dạng hoá thị trường xuất - nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào đó, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Phát triển bằng được thị trường cho các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ để làm tiền đề phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng khả năng tự chủ về máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào cho các quá trình sản xuất tại Việt Nam.

- Đối với môi trường chính sách: cần quán triệt quan điểm chỉ thay đổi chính sách theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, hạn chế điều hành quản lý nhà nước thông qua các văn bản dưới luật dễ thay đổi. Chủ trương này phải gắn liền với quá trình đổi mới thể chế quản lý kinh tế trong cả giai đoạn 2016-2020.

Hai là, tiếp tục tái cơ cấu vào các lĩnh vực trọng tâm. Cụ thể là:

(1) Đầu tư công: Thực hiện phân bổ đầu tư công theo khuôn khổ đầu tư trung hạn. Đổi mới tổ chức bộ máy giám sát và thẩm định đầu tư theo hướng tổ chức các hội đồng chuyên môn tư vấn cho cơ quan giám sát và thẩm định. Mở rộng chức năng giám sát thẩm định trên các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm hơn là chỉ tập trung giám sát tuân thủ quy trình đầu tư.

Quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, tăng cường kỷ cương trong việc thực hiện các chỉ thị, quyết định, nghị định và các văn bản pháp luật trong vấn đề thực hiện đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Xây dựng cơ chế cạnh tranh công khai nguồn vốn đầu tư công giữa các đơn vị sử dụng nguồn vốn này. Đồng thời, hình thành cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng so với hiệu quả dự kiến trong hồ sơ dự án và so sánh giữa các địa phương, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công.

(2) Các tổ chức tín dụng: Cần nhanh chóng giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngoại bảng của các ngân hàng thương mại để có thể kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%. Nhanh chóng phổ cập áp dụng chuẩn mực quản trị hệ thống các ngân hàng thương mại theo chuẩn Basel II. Phát triển các thị trường giao dịch các sản phẩm tài chính phái sinh, như: thị trường giao sau, thị trường tự bảo hiểm ngoại hối, tự bảo hiểm lãi suất, thị trường mua - bán nợ... Tăng tính minh bạch và công khai trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo cung cấp đủ thông tin cho các chủ thể tham gia thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.

(3) DNNN: Cải cách khối doanh nghiệp này trong giai đoạn tới cần tập trung vào đổi mới thể chế, cách thức quản trị DNNN và quản lý nhà nước đối với DNNN theo hướng các DNNN phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Nghiêm ngặt áp dụng nguyên tắc ngân sách “cứng” đối với DNNN. Tiến hành cổ phần hóa thực chất các DNNN với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, chứ không chỉ là sự sở hữu chéo của các DNNN với nhau.

Ba là, đẩy mạnh liên kết vùng.
Theo đó, liên kết vùng, xây dựng các cụm liên kết ngành là công cụ cạnh tranh quan trọng của các doanh nghiệp trong thời kỳ toàn cầu hoá. Cần đổi mới cách tiếp cận liên kết vùng theo hướng doanh nghiệp đi trước, Nhà nước hỗ trợ chính sách. Các liên kết phải xuất phát từ tự thân các doanh nghiệp, Nhà nước chỉ đóng vai trò giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc hình thành nên các liên kết vùng và các cụm công nghiệp mà các doanh nghiệp đã manh nha hình thành.

Bốn là, phát triển thể chế kinh tế thị trường hiện đại. Theo đó cần:

- Đổi mới, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch và méo mó thị trường, tạo dư địa cho hối lộ, tham nhũng và tư bản thân hữu, gồm: Một là, đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Hai là, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, dự đoán được của pháp luật; áp dụng trực tiếp các quy định của Hiến pháp, luật và pháp lệnh; giảm tối đa rủi ro đối với người dân và doanh nghiệp. Nâng cao lòng tin của người dân và doanh nghiệp đối với luật pháp, chính sách. Ba là, nâng cao tính ổn định, chắc chắn và tính tiên liệu được của hợp đồng thương mại, dân sự. Bốn là, nâng cao hiệu lực và hiệu quả giải quyết tranh chấp hợp đồng.

- Áp dụng đầy đủ cơ chế và nguyên tắc thị trường trong phân bổ vốn đầu tư nhà nước.

- Tháo bỏ một số nút thắt về thể chế để hình thành và vận hành bình thường thị trường quyền sử dụng đất.

- Cải cách DNNN theo hướng vừa bắt buộc, vừa tạo điều kiện để DNNN được quản trị và hoạt động đầy đủ theo quy luật và kỷ luật của thị trường.

- Thiết lập thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh, nâng cao hiệu lực giám sát của Nhà nước đối với độc quyền tự nhiên thông qua cơ cấu lại Bộ Công Thương, tách Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thành 3 phần (phát điện, truyền tải và phân phối điện), thực hiện cơ chế giá trị cạnh tranh, thoả thuận theo cơ chế thị trường, thực hiện tự do hoá thị trường xăng, dầu...

- Đổi mới căn bản vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức, cách thức làm việc và nâng cao năng lực của Chính phủ.

Năm là, thực hiện đột phá hai nút thắt quan trọng. Cụ thể là:

Tăng cường liên kết trong hoạt động đào tạo: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về thể lực và trí lực là mục tiêu chiến lược lâu dài và liên tục phải thực hiện. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh sự liên kết giữa doanh nghiệp, trung tâm giáo dục đào tạo và các cơ quan nghiên cứu sáng tạo để đưa nội dung đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường. Tăng cường các cơ chế đối thoại trực tiếp, thường kỳ giữa ba bên là đại diện từ các cơ sở cung ứng dịch vụ giáo dục và đào tạo; sinh viên và người sử dụng lao động (doanh nghiệp) để đánh giá các bất cập tồn tại theo nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này sẽ hỗ trợ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của phía sử dụng lao động là các doanh nghiệp, đồng thời cũng giải quyết được vấn đề đào tạo cái gì, cho ai của các đơn vị cung ứng dịch vụ giáo dục và đào tạo hiện nay.

Tăng cường tự chủ trong các cơ sở cung ứng dịch vụ giáo dục và đào tạo: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Theo đó, cần quy định giao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở giáo dục theo ba khía cạnh lớn: tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức biên chế và tự chủ về tài chính. Hiệu quả của cơ chế giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo đối với yêu cầu đào tạo theo nhu cầu xã hội thể hiện rõ nhất nếu cơ sở giáo dục được tự chủ trong tuyển sinh theo các ngành nghề mà xã hội cần, tạo sức ép liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lạo động, đồng thời cũng là áp lực để cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng giảng dạy, tự chủ trong tuyển dụng và bố trí nhân sự cũng như buộc họ phải đổi mới chương trình giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu của nguồn nhân lực cho phát triển.

Xây dựng hệ thống thông tin dự báo cung cầu nhân lực quốc gia: Hệ thống này được xây dựng nhằm cập nhật thường xuyên trên quy mô toàn quốc về nguồn cung lao động cũng như về phía cầu, đưa ra dự báo cụ thể những yêu cầu nhân lực theo ngành, theo nghề và theo trình độ, kỹ năng.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực: Xây dựng mô hình đào tạo nhà trường trong doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng theo đúng nhu cầu xã hội. Mô hình này giúp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy sự kết nối cung - cầu lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội./.

Tài liệu tham khảo

1. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2015). Báo cáo ràng buộc ngân sách cứng, bất hợp lý trong khung khổ Quản trị và xáo trộn thị trường tạo ra  bởi DNNN,  Ban phát triển doanh nghiệp (CIEM) thực hiện dưới sự hỗ trợ của dự án RCV

2. Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự (2015). Chuyển dịch cơ cấu ngành và đóng góp của chuyển dịch cơ cấu ngành vào chất lượng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2015

3. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2014). Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2014, Nxb Tài chính, Hà Nội

4. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2014). Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I năm 2015, Nxb Tài chính, Hà Nội


TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW
Nguồn: Theo Tạp chi Kinh tế và Dự báo số 1/2016
Trở về

Bài cùng chuyên mục