tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

'Hai cân bằng' trong quan hệ với Trung Quốc

  • Cập nhật : 28/02/2016

(Tin kinh te)

Biển Đông càng nóng Việt Nam càng phải biết cách “cân bằng” trước một Trung Quốc hung hăng nhưng cũng rất quan trọng.

Những hành động gần đây của Trung Quốc (TQ), nổi bật là triển khai tên lửa và máy bay chiến đấu ra biển Đông bất chấp các nước lên án khiến nhiều chuyên gia dự báo TQ sẽ không có ý định xuống thang căng thẳng trong thời gian tới.

Điều này đặt ra bài toán ngoại giao quan trọng với Việt Nam (VN) khi cả về địa lý, kinh tế lẫn chính trị VN chịu sự ràng buộc rất lớn vào TQ.

Nhận định về quan hệ Việt-Trung liên quan đến biển Đông thời gian tới, Ông Nguyễn Thành Trung, khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, hiện là nghiên cứu sinh (NCS) tại ĐH Hong Kong Baptist, cho rằng VN vừa phải cân bằng lợi ích giữa quan hệ kinh tế với TQ và lợi ích quốc gia, đồng thời phải cân bằng trong vấn đề ngoại giao với TQ và các quốc gia có vai trò trong khu vực.

vn can can bang trong quan he voi cac nuoc hon la nghieng ve mot phia nao. anh: greatsilkroad

VN cần cân bằng trong quan hệ với các nước hơn là nghiêng về một phía nào. Ảnh: GREATSILKROAD

Cân nhắc lợi ích kinh tế và lợi ích quốc gia

. Phóng viên: Trước những hành động quyết sát của TQ ở biển Đông thời gian gần đây, có ý kiến cho rằng VN bằng cách nào đó phải quyết liệt hơn nữa. Nhưng trước một TQ rất mạnh, không tính về so sánh lực lượng, đâu là những khó khăn nan giải với VN?

+ Ông Nguyễn Thành Trung: Có thể nói VN luôn phải đứng trước vấn đề nan giải là vừa bảo vệ chủ quyền cũng như lợi ích của mình ở vùng biển Đông, vừa tránh gây căng thẳng mối quan hệ Việt-Trung.

Về mặt kinh tế, TQ là đối tác thương mại lớn của VN. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê VN thì kim ngạch mậu dịch song phương hai nước Việt-Trung trong năm 2014 đạt gần 59 tỉ USD, trong khi kim ngạch song phương với Mỹ trong năm 2014 chỉ đạt 35 tỉ USD. VN hiện nay đang lệ thuộc nặng vào nguồn nguyên liệu và máy móc TQ cho các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu của mình.

Về mặt du lịch, TQ cũng là quốc gia có số lượng du khách nước ngoài nhiều nhất vào VN. Trong năm 2014 mặc dù có sự sụt giảm du khách TQ do sự kiện giàn khoan tháng 5-2014 nhưng số lượng du khách TQ vào VN vẫn đạt gần hai triệu, chiếm gần 1/4 tổng số du khách quốc tế đến VN. Nếu bỏ qua yếu tố một số du khách TQ thô lỗ, cư xử thiếu văn minh nơi công cộng thì nguồn thu từ du khách TQ cũng đóng góp đáng kể nguồn thu cho các địa phương đông du khách TQ hiện nay như Khánh Hòa, Bình Thuận.

Về mặt thể chế, hai quốc gia có nhiều tương đồng cũng như nhiều đồng dạng về mô hình phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, bất kỳ rạn nứt nào trong quan hệ chính trị hai nước hiện nay cũng sẽ gây ảnh hưởng nặng đến quan hệ kinh tế, mà VN sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng hơn cả.

. GS Mohan Malik nhận định: “Không có thứ gì là của cho không trong quan hệ thương mại với TQ, đặc biệt là tham gia vào các sáng kiến quỹ con đường tơ lụa hay AIIB...”. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này khi liên tưởng đến quan hệ Việt-Trung và tranh chấp biển Đông?

+ Tất cả quốc gia đều quan tâm và cố gắng bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong các sáng kiến, hiệp định, hiệp ước song phương hay đa phương. Điều quan trọng là mỗi quốc gia thành viên trong sáng kiến đó thương lượng để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình như thế nào.

Dự án Một Vành đai, Một Con đường (One Belt, One Road) nối kết các quốc gia trên con đường tơ lụa thời xưa hay Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do TQ khởi xướng thể hiện rõ ba điểm chính.

Một là TQ muốn tạo ra một ngân hàng (AIIB) có thể thách thức vai trò của Ngân hàng Thế giới (World Bank) do Mỹ lãnh đạo. Thông qua đó, TQ muốn thay đổi lại trật tự hệ thống tài chính thế giới. Hai là nền kinh tế TQ hiện nay đang phát triển chậm lại, dự tính khoảng dưới 7%/năm trong năm 2016 trong khi các ngành công nghiệp phục vụ xây dựng như sắt, thép, xi măng, nhôm của TQ đang dư thừa công suất trầm trọng.

Chính vì vậy để tránh gây bất ổn xã hội, TQ cần xuất khẩu sản phẩm cũng như nhân lực trong các ngành này thông qua các dự án Một Vành đai, Một Con đường hay của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB). Ba là TQ muốn cải thiện quan hệ thương mại và ngoại giao với các quốc gia thành viên trong các sáng kiến này.

. Trong bối cảnh phải phụ thuộc nhiều vấn đề liên quan đến TQ, đâu là những đối sách cần thiết cho VN để vừa đảm bảo lợi ích trong quan hệ kinh tế với TQ, vừa đảm bảo chủ quyền quốc gia?

+ Thật ra tôi thấy VN không cần phải đợi tới khi dự án Một Vành đai, Một Con đường hay Ngân hàng AIIB đi vào hoạt động thì mới rõ lợi ích trong các dự án xây dựng này. Các dự án vay tiền từ chính phủ TQ như dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2… mang nhiều tai tiếng do gây ô nhiễm môi trường, thiếu an toàn lao động, chất lượng kém và sử dụng tràn lan nhân công TQ.

Ngoài ra quá lệ thuộc vào nguồn vốn TQ cho các dự án xây dựng sẽ dễ dẫn đến nguồn vốn bị “đóng băng” trong trường hợp hai nước xảy ra mâu thuẫn. VN đã có nhiều kinh nghiệm đối với các dự án vay vốn từ TQ.

Để đảm bảo lợi ích kinh tế cũng như đảm bảo chủ quyền quốc gia, tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách VN nên cân nhắc đối với các dự án vay tiền từ chính phủ TQ. Nếu có, phải bảo đảm lợi ích quốc gia và người dân không bị xâm phạm.

Cân bằng trong ngoại giao với các nước lớn

. Ông đánh giá như thế nào về bức tranh lớn quan hệ TQ-VN vốn bị ảnh hưởng bởi mảnh ghép nhỏ hơn là tranh chấp biển Đông?

+ Quan sát sẽ thấy lãnh đạo hai nước cũng đã có nhiều chuyến viếng thăm cấp cao để hàn gắn lại mối quan hệ sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5-2014. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng tới TQ vào tháng 4-2015, hai bên cũng đã tái cam kết nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN-TQ” ký vào tháng 10-2011.

Chuyến thăm VN của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vào tháng 11-2015 mặc dù không mang lại nhiều chuyển biến, đột phá như mong đợi trong quan hệ hai nước nhưng cũng góp phần giúp quan hệ Trung-Việt quay trở lại đúng quỹ đạo. Lãnh đạo hai nhà nước đồng ý về mặt nguyên tắc là không để tranh chấp biển Đông phá vỡ toàn bộ mối quan hệ song phương, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Tuy nhiên, TQ không ngừng từ bỏ những yêu sách chủ quyền vô lý từ đường chín đoạn cũng như gia tăng các hoạt động đơn phương gây mất ổn định như cải tạo đảo đá ở khu vực quần đảo Trường Sa cũng như lắp đặt tên lửa đất đối không và radar ở khu vực đảo Hoàng Sa.

Chắc chắn TQ sẽ ngày càng mạnh mẽ trong thời gian sắp tới khi quân sự hóa các đảo còn lại. Bức tranh lớn quan hệ Trung-Việt trong thời gian sắp tới có lẽ sẽ chứng kiến một VN vừa phải “vất vả” bảo vệ chủ quyền ở vùng biển Đông, vừa tránh đẩy quan hệ hai nước xuống thấp như hồi tháng 5-2014.

. Trong cán cân lực lượng hiện nay và trong tương lai (khi TQ còn gia tăng áp lực nhiều hơn, thậm chí ưu thế hơn trước Mỹ tại biển Đông), quan hệ Việt-Trung thời gian tới sẽ như thế nào?

+ Tôi nghĩ rằng chính sách đối ngoại của VN đối với TQ chạy trên một trục ngang, biến thiên trong phạm vi gần gũi với TQ hay xa cách TQ. Trục ngang chính sách đối ngoại của VN không chỉ quyết định bởi mong muốn của giới lãnh đạo VN mà còn tùy thuộc vào chính sách của TQ. Hành động thân thiện của TQ ở vùng biển Đông có thể hút VN về phía TQ và ngược lại có thể đẩy VN ra xa TQ.

. Phải chăng VN nên cân nhắc xích gần lại với Mỹ, Nhật Bản và các nước đối trọng với TQ để tìm kiếm sự mặc cả trong quan hệ với Bắc Kinh?

+ Các học giả theo chủ nghĩa hiện thực cho rằng những hành động gây căng thẳng gần đây của TQ ở vùng biển Đông sẽ khuyến khích VN xích lại gần hơn với các quốc gia đối đầu với TQ như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ tốt cho VN khi mối quan hệ Việt-Trung có thể tỉ lệ nghịch với mối quan hệ Việt-Mỹ hay Việt-Nhật.

Tốt hơn cho một quốc gia vẫn còn yếu về sức mạnh như VN là có thể quan hệ cân bằng với cả Mỹ và TQ. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn dễ dàng. Năm 2016 cũng là năm bầu cử tổng thống Mỹ, chính vì vậy tôi nghĩ TQ sẽ gây áp lực nhiều hơn ở vùng biển Đông bởi vì Mỹ hạn chế gây căng thẳng hay xung đột.

TQ sẽ tận dụng điều này để đơn phương áp đặt chủ quyền của mình ở vùng biển tranh chấp ở khu vực biển Đông. Do đó sự lựa chọn cho chính sách của VN ở vùng biển Đông trong năm 2016 không có nhiều và kịch bản cho mối quan hệ Trung-Việt có lẽ sẽ ngày càng chênh lệch, bất đối xứng hơn nếu VN không thể tự chủ, tự cường.


ĐỖ THIỆN thực hiện
Theo Plo.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục