tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vực dậy ngành tôm

  • Cập nhật : 13/07/2016

Ngành nuôi tôm Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư, tập trung xây dựng các khu nuôi trồng, nhà máy chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu. 

 
anh minh hoa

Ảnh minh họa

Thực lực… chưa vững

Có thể thấy, mô hình nuôi tôm ở Việt Nam rất đa dạng từ quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh đến siêu thâm canh rồi luân vụ tôm lúa, tôm rừng… Địa bàn nuôi tôm dàn trải khắp ba miền, phần lớn người nuôi lại là hộ nhỏ lẻ. Hai yếu tố này dẫn đến kiểm soát dịch bệnh, giám sát môi trường rất khó khăn.

Người nuôi tôm không chủ động được nguồn tôm giống mà hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Kể cả những vùng nuôi tôm lớn như ĐBSCL hiện vẫn chưa có giải pháp an toàn sinh học triệt để, để ngăn ngừa rủi ro, tiến tới loại bỏ dịch bệnh, vì vậy dịch bệnh trên con tôm nuôi diễn ra gần như liên tục  (khoảng 15% - 20% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại bởi dịch bệnh hàng năm).

Cả nước hầu như chưa có giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu. Các biện pháp quản lý chất lượng  (con giống, hóa chất, bảo quản sau thu hoạch của thương lái tư nhân) trong các khâu nuôi và thu gom sản phẩm chưa hiệu quả. Phần lớn người nuôi tôm là nông hộ lẻ, khó đưa công nghệ vào sản xuất, khó lấy được các chứng nhận, chứng chỉ, khó tiếp cận nguồn vốn, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều…

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng, ngành tôm Việt Nam vẫn yếu về nội lực. Xuất khẩu tôm đứng thứ ba thế giới, nhưng nhập khẩu cũng tương đương. Việc nhập nguyên liệu từ Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… tiềm ẩn nhiều rủi ro vì khó kiểm soát chất lượng đầu vào và truy suất nguồn gốc.

Từ năm 2016, tôm xuất khẩu vẫn gặp khó do giá tôm thế giới duy trì ở mức thấp và sẽ kéo dài, trong khi giá thành nuôi tôm tại Việt Nam đang rất  cao, khó cạnh tranh, bởi các nước đang cạnh tranh xuất khẩu tôm với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia đã tìm được phương pháp nuôi tôm giá rẻ, chất lượng tốt.

Hiện Việt Nam chưa có quy hoạch các vùng nuôi tôm quy mô lớn (như cánh đồng mẫu lớn), mà chỉ có các diện tích nuôi nhỏ lẻ, mang tính tự phát của các hộ nuôi tôm. Hệ thống thuỷ lợi cho nuôi tôm rất kém và yếu,  đường giao thông vào các khu nuôi nhỏ, hẹp.

Bên cạnh đó, các vùng nuôi không có nước sạch, sản xuất nước đá đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để rửa tôm và muối ướp tôm khi thu hoạch; Việc kiểm tra định kỳ và giám sát quá trình nuôi cũng như kiểm tra kháng sinh trước khi thu hoạch…rất lỏng lẻo.

Cùng với đó, khi thu hoạch tôm, một số đại lý thường ngâm nước, ngâm thuốc, bơm chích tạp chất cho tôm làm chất lượng tôm bị giảm mất uy tín trên thị trường thế giới; Nước rửa tôm, nước đá ướp tôm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và không có ai kiểm tra giám sát, nên tôm nguyên liệu bị nhiễm vi sinh. Sản phẩm tôm xuất khẩu phần lớn ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng thấp, thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực từ 5% - 10%.

Giảp pháp căn cơ

Trước rất nhiều tồn tại, DN trong ngành nuôi tôm đã kiến nghị Chính phủ cần xác định lại vị thế ngành xuất khẩu tôm có tầm quan trọng để có sự quan tâm đầu tư đúng mức, có nhiều giải pháp, định hướng để ngành nuôi tôm phát triển bền vững.

Theo ông Lê Văn Quang, cần quy hoạch các khu nuôi tôm có diện tích từ 1.000ha – 5.000ha cho mỗi khu, vùng. Và mỗi vùng có từ 2 – 5 khu như vậy, tạo cơ chế ưu đãi (thuế, vay vốn…) có kênh cấp nước riêng, nguồn nước sạch và nước đá đạt tiêu chuẩn cho thu hoạch, bảo quản tôm, có đường giao thông để xe 10 – 20 tấn vào được.

Chuyên gia Lê Văn Thành, Trường Đại học Hồng Đức cho rằng, ngành nuôi tôm Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư, tập trung xây dựng các khu nuôi trồng, nhà máy chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu. Việc thu hút đầu tư sẽ mang lại nhiều lợi ích như có trang thiết bị, công nghệ nuôi trồng hiện đại, quy trình giám sát môi trường, nguồn nước chuẩn mực.

Đặc biệt, từ năm 2015 ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đang có sự quan tâm lớn của hàng nghìn DN của Liên minh châu Âu (từ dự án hỗ trợ thương mại châu Âu) trong việc đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hóa ngành thủy sản, trong đó có rất nhiều dự án chuyên về phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững.

Về phía thị trường xuất khẩu, ngành nuôi tôm cần ưu tiên xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nhóm chủ lực, trước mắt là tôm sú, tôm thẻ chân trắng; Tổ chức văn phòng đại diện, mạng lưới phân phối tại nhiều thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Cũng theo ông Thành, năm 2016 này, ngành tôm Việt Nam đang có nhiều ưu thế cực kỳ thuận lợi. Từ tháng 9/2015 Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015, và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của lần trước (POR8). Từ đây, nhu cầu tôm của thị trường Hoa Kỳ năm 2016 được dự báo  sẽ tăng.

Năm 2016, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, châu Âu, Liên minh kinh tế Á – Âu… sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu tôm Việt Nam.


Thanh Trà
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục