tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP: Vướng ở nhiều khâu

  • Cập nhật : 08/07/2016

Cần đơn giản hóa quy trình thủ tục xin chứng nhận VietGAP, giảm thiểu các tiêu chí rườm rà, không cần thiết để người nông dân dễ thực hiện, rút ngắn thời gian xác nhận và tăng thời gian chứng nhận để người dân yên tâm sản xuất.

Diện tích VietGAP giảm

Để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu, nhiều địa phương đã chú trọng đến phát triển các vùng sản xuất chè áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo quy chuẩn (VietGAP). Như tại tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và hỗ trợ nông dân đầu tư thâm canh, trong đó áp dụng VietGAP từ năm 2009, đến nay toàn tỉnh có trên 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 46 mô hình chè được chứng nhận VietGAP.

dien tich che vietgap tren ca nuoc dang co nguy co giam

Diện tích chè VietGAP trên cả nước đang có nguy cơ giảm

Sản xuất chè an toàn vừa giảm được chi phí, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. Mỗi héc-ta chè thu lãi gần 200 triệu đồng/năm, cao gấp đôi so với mức bình quân. Tại HTX Tân Hương (xã Tân Hương, TP Thái Nguyên), với việc áp dụng đồng bộ các khâu trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, sản phẩm chè của HTX đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước tạo uy tín và độ tin cậy của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Doanh thu của HTX hàng năm tăng từ 30- 40%.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng theo ông Nguyễn Đức Mạnh – Trưởng phòng Cây Công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt), có một thực tế là diện tích chè VietGAP trên cả nước không những không tăng mà còn giảm.

Cụ thể: Tháng 8/2015 diện tích chứng nhận VietGAP đạt hơn 9.000ha nhưng đến tháng 6/2016 giảm xuống còn 4.000ha. Nguyên nhân là do, thủ tục từ khi đăng ký đến khi nhận chứng nhận khá là tốn kém, quy trình chưa được cải thiện, hiệu quả VietGAP không cao.

Thực tế tại thủ phủ chè Tân Cương (Thái Nguyên), một số cơ sở phản ánh rằng, giá trị của chứng nhận VietGap chỉ có 1 năm trong khi đó thời gian thẩm định mất 6 tháng, chỉ còn lại 6 tháng và gần như giá trị rất thấp tốn kém người dân chưa mặn mà. Thị trường chè VietGap và chưa VietGap không có sự phân biệt rõ ràng, khiến người tiêu dùng không tin tưởng và người sản xuất VietGap không có động lực. Đây mới là vấn đề.

Ghi nhận ý kiến từ phía DN, bà Đỗ Thị Đức Lý – Công ty cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình cho rằng, việc chưa gắn kết giữa chế biến với sản xuất nguyên liệu là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến diện tích sản xuất chè an toàn chưa được nhân rộng.

Nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, thường không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên chè, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu.

Chuỗi liên kết giải pháp bền vững

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhấn mạnh, để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chè trong quá trình hội nhập quốc tế thì việc sản xuất chè được chứng nhận là yêu cầu bắt buộc. Phải xây dựng lộ trình sản xuất chè an toàn, xuất khẩu chè phải theo sản phẩm có thương hiệu.

Bà Nguyễn Thị Nhài, Hợp tác xã Chè Tân Hương chia sẻ, sản phẩm an toàn phải từ người sản xuất chứ không phải từ người kinh doanh, do đó cần tạo sự liên kết giữa các làng nghề với hộ sản xuất chè để tránh tình trạng xuất hiện chè không đảm bảo chất lượng, đồng thời kiểm tra chặt chẽ hơn nữa các cơ sở kinh doanh chè trôi nổi trên thị trường. Nhưng giải bài toán đầu ra không bị mất giá cũng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành tìm đầu ra ổn định cho DN cũng như xuất khẩu ra quốc tế.

Sản xuất chè VietGAP là xu hướng tất yếu và để nhân rộng mô hình này, ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh, cần phải siết chặt lại cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu thì dứt khoát không cho làm.

Bên cạnh đó, phải đơn giản hóa quy trình thủ tục xin chứng nhận VietGAP, giảm thiểu các tiêu chí rườm rà, không cần thiết để người nông dân dễ thực hiện, rút ngắn thời gian xác nhận và tăng thời gian chứng nhận để người dân yên tâm sản xuất.

Đồng thời, phải đẩy mạnh chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp nâng cao giá bán sản phẩm chè VietGAP, tạo động lực cho người sản xuất. Đồng thời cũng phải có những chính sách hỗ trợ cho ngành sản xuất này đặc biệt về nguồn vốn ưu đãi, ông Thông trần tình.

Theo quy hoạch đã được xác định của Bộ NN&PTNT, tính đến năm 2020, tổng diện tích chè áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn GAP khác tại 7 tỉnh trồng chè trọng điểm trong cả nước gồm: Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An, Lâm Đồng khoảng 52.200 ha

 

Thanh Hà
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục