tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bộ luật Lao động 2012 làm khó doanh nghiệp

  • Cập nhật : 11/06/2016

Theo đánh giá của DN về Bộ luật Lao động 2012, chất lượng nhiều văn bản quy phạm pháp luật cần phải được đánh giá lại bởi còn tình trạng nhiều thông tư, nghị định còn khá chung chung và chồng chéo.

 

dn kien nghi sua mot so dieu tai luat lao dong 2012. anh: thuy linh

DN kiến nghị sửa một số điểu tại Luật Lao động 2012. Ảnh: Thùy Linh

Chồng chéo

Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013, bao gồm 17 Chương và 242 Điều. Một số nội dung chính của Bộ luật Lao động 2012 như: Việc làm, lương, tiền giờ làm việc, hợp đồng lao động, học nghề, đối thoại lao động, thỏa ước tập thể, công đoàn, tranh chấp lao động…


Kể từ khi có hiệu lực đến nay, Bộ luật Lao động 2012 được đánh giá khá sát với thực tiễn, là cơ sở thực thi pháp lý của DN đối với người lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cùng với chất lượng cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều DN, song hành với Bộ luật Lao động 2012, dù có đến hơn 60 nghị định cùng với rất nhiều thông tư hướng dẫn đã được ban hành trong hơn 3 năm qua để hướng dẫn thực thi cụ thể một số điều của Bộ luật Lao động 2012, tuy nhiên, chất lượng của những văn bản hướng dẫn này vẫn còn nhiều điểm hạn chế.

 

Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, một số yêu cầu về lao động trong Bộ luật Lao động 2012 chưa tiệm cận với thế giới, nhất là khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại. Dù đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, nhưng một số quy định vẫn chung chung, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực hiện.

Lấy ví dụ về vấn đề quản lý lao động và tiền lương, Nghị định 44 về Hợp đồng lao động đã nhắc đến những vấn đề này nhưng Nghị định 05 lại bao quát thêm một lần nữa. Hay như Thông tư 23 hướng dẫn một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ra ngày 23-6-2015 thì ngày 16-11-2015 lại có tiếp Thông tư 47 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên, hiện nay DN rất khổ sở khi thực thi Bộ luật Lao động bởi làm bất cứ một việc gì luôn phải tra cứu cùng lúc nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn. “Nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo nhau, nếu chúng tôi thực hiện theo một văn bản thôi thì chưa đủ, vẫn phải tra thêm ở một vài hướng dẫn nữa để xem như thế đã đúng và đầy đủ luật chưa. Quy trình rất phức tạp và tốn thời gian! Nếu ngay từ đầu khi ban hành có sự bao quát đầy đủ và thận trọng hơn thì DN sẽ đỡ vất vả khi tra cứu”, ông Dương chia sẻ.

Hiện nhiều quy định của Luật cũng chưa phù hợp với thực tế, khiến DN khó khăn khi thực hiện. Có thể kể đến những quy định như: lương tối thiểu, làm thêm giờ, mức đóng bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn… Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thắc mắc: “Luật quy định mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, lấy cơ sở nào để nói rằng lương tối thiểu đủ sống. Chưa kể tỷ lệ đóng bảo hiểm hiện nay của Việt Nam cao hơn các nước khác cùng với việc nâng nền mức đóng bảo hiểm sắp tới lên thì lại càng khó khăn cho DN”.

Theo ý kiến của nhiều DN, những quy định này của Bộ luật Lao động đang là rào cản, làm giảm sức cạnh tranh của DN, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay. DN kiến nghị những chính sách tiền lương, bảo hiểm, làm thêm giờ cần được xây dựng trên mục tiêu nuôi dưỡng để các DN khỏe mạnh, khi đó họ mới có thể tăng lương bền vững cho người lao động. Hơn nữa, theo lộ trình, Việt Nam sẽ được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Khi đó, mọi quyền lợi của người lao động nên để phía DN và người lao động tự thỏa thuận với nhau dựa trên sự hài hòa lợi ích đôi bên.

Sẽ sửa Luật

Về những vướng mắc trong Bộ luật Lao động 2012, theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật chưa thống nhất bởi trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới có những điều không được quy định trong thông tư và nghị định. Cùng với đó, cơ quan ban hành văn bản chỉ được hướng dẫn những điều mà cơ quan đó quản lý trong khi một bộ Luật liên đới tới không ít bộ, ban, ngành. Bà Minh cho biết, hiện Luật của nước ta vẫn còn khá ngắn gọn, chưa thể bao quát hết các tình huống xử lý bởi vậy không thể tránh khỏi những mâu thuẫn trong nghị đinh, thông tư.

Trước những kiến nghị của DN, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, Bộ đang làm việc với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội để xem xét kĩ hơn một số nội dung về lương tối thiểu, mức sống tối thiểu và mối tương quan với mặt bằng chung tại khu vực. Ngoài ra, vấn đề làm thêm giờ cũng sẽ được bàn kĩ hơn để làm sao có sự hài hòa và cách tiếp cận phù hợp.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, dự kiến đầu năm 2017, Bộ sẽ thực hiện công tác soạn thảo và điều chỉnh Luật trên cơ sở được Chính phủ giao nhiệm vụ. Bên cạnh việc sửa đổi sẽ có nhiều nội dung bổ sung, trong đó có nội dung quy định về hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo tinh thần Hiệp định TPP mà Việt Nam đã tham gia. Khi chỉnh sửa và bổ sung xong, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê duyệt vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật sẽ phải tuân thủ 8 công ước quốc tế cơ bản về lao động mà Việt Nam đã tham gia.


Thùy Linh
(Theo Báo Hải Quan) 
Trở về

Bài cùng chuyên mục