tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tăng các khoản thu ngoài dầu thô là cần thiết để cứu ngân sách

  • Cập nhật : 16/09/2015

(Thi truong)

Việc tăng các khoản thu ngoài dầu thô cho ngân sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nhận định là cần thiết để đảm bảo có nguồn thu bền vững, tránh phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

 

anh minh hoa

Ảnh minh họa

 

Mới đây, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015, Chính phủ đã chỉ đạo phấn đấu tăng các khoản thu ngoài dầu thô, giữ bội chi ngân sách theo mức Quốc hội đã quyết định.

Đối với dự toán Ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước theo hướng tích cực, tăng các khoản thu ngoài dầu thô, giữ bội chi ngân sách theo đúng Quốc hội phê duyệt.

Trao đổi với chúng tôi - TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - cho rằng tình hình giá dầu thế giới còn nhiều diễn biến khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế thế giới. Vì vậy, việc tăng các khoản thu ngoài dầu thô là cần thiết để đảm bảo có nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Gần đây giá dầu được dự báo có thể xuống mức 20 USD/thùng. Theo ông những nhân tố nào sẽ tác động đến giá dầu thời gian tới?

Nếu như trước đây có thể khống chế được giá dầu, do nguồn cung chủ yếu từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước, đặc biệt là những nước có nguồn dầu mỏ lớn. Tuy nhiên, giờ đây Mỹ nổi lên với dầu đá phiến, nên nhân tố này tác động rất lớn đến giá dầu.

Nước này có thể giữ lại, hoặc có thể đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường. Song với những nước thuộc OPEC thì buộc phải duy trì sản lượng, vì có giếng mà không khai thác thì thà rằng khai thác để có nguồn thu.

Có thể thấy từ sau khi Mỹ có dầu đá phiến, thị trường dầu mỏ trở nên cân bằng hơn nhiều. So với các nước sản xuất dầu mỏ trước đây, không bên nào chi phối được bên nào, và giá dầu được quyết định chủ yếu do cung cầu trên thị trường.

Mà cung cầu trên thị trường phải tùy vào tình hình kinh tế thế giới. Hiện nay, trạng thái kinh tế thế giới vẫn đang ở tình trạng chưa ổn định. Thời kỳ suy thoái khủng hoảng cơ bản qua rồi nhưng thời kỳ hồi phục này còn bấp bênh bởi nhiều yếu tố.

Trong đó các nhân tố chính tác động đến nền kinh tế thế giới là những nước lớn như Mỹ, Nhật Bản đã có phục hồi, song lại nổi lên vấn đề với Trung Quốc. EU cũng đang còn nhiều vấn đề, đang ở giai đoạn chưa ổn định.

Đặc biệt là yếu tố Trung Quốc, gần đây nước này phá giá đồng NDT đã ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ, chứng khoán. Điều này làm cho làm cho những nền kinh tế có liên quan đến Trung Quốc, kể cả nền kinh tế trung bình đều bị ảnh hưởng, mà chủ yếu là ảnh hưởng tiêu cực.

Tình hình chung làm cho thị trường thế giới chưa thực sự ổn định, chưa có đà phát triển trở lại. Nên những dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng thay đổi. Đầu năm dự báo kinh tế thế giới khả quan hơn, song giờ lại dự báo thấp hơn, cho nên giá dầu còn phụ thuộc vào sự phục hồi này. Triển vọng cũng không khả quan hơn, khi mà động thái Trung Quốc chưa rõ ràng và chưa ai dự báo được.

Trước bối cảnh như vậy thì nền kinh tế và ngân sách được đánh giá là bị ảnh hưởng. Chính phủ chỉ đạo tăng khoản thu ngoài dầu thô. Vậy ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Là nước xuất khẩu dầu thô nên rõ ràng Việt Nam đang bị ảnh hưởng, khi 8 tháng đầu năm trị giá xuất khẩu chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách từ dầu thô giảm mạnh, chỉ bằng 38,9% so với dự toán. Bộ Tài chính dự kiến hụt thu ngân sách cả năm do tác động của giá dầu giảm khoảng 32.000 tỷ đồng.

Khi giá dầu rẻ thì nhập dầu về cũng rẻ nhưng sẽ còn có độ trễ. Trong khi cầu tiêu dùng chưa thực sự khởi sắc nên cũng chưa kích thích được nền kinh tế lên. Vì thế, tôi cho rằng chúng ta phải khai thác tốt lợi thế từ giá dầu giảm để kích thích cho sản xuất trong nước, thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Cũng cần tính toán cẩn thận và kỹ lưỡng, giá đang rẻ thì có nên khai thác tài nguyên để bán hay không. Tôi cũng đồng tình cho rằng, cần đa dạng các nguồn thu khác nhau, không nên để phụ thuộc quá nhiều vào dầu thô, để đảm bảo tính bền vững cho ngân sách.

Theo đó, cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh cho DN thông qua đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu, có chính sách hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh cho DN trong các ngành xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ... Khi hiệu quả hoạt động của DN tăng lên, nguồn thu của DN tăng thì DN sẽ đóng thuế nhiều hơn và đó là nguồn thu bền vững nhất.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục