tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhiều địa phương “trải thảm” mời gọi đầu tư BOT

  • Cập nhật : 08/10/2015

(Tin kinh te)

Các dự án BOT không chỉ gỡ nút thắt về vốn, về hạ tầng mà nó còn tạo động lực phát triển KT-XH...

 

Vài năm gần đây, nguồn ngân sách hạn hẹp, trong khi hệ thống hạ tầnggiao thông ngày càng xuống cấp trầm trọng khiến lãnh đạo các địa phương phải thay đổi tư duy bằng việc kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức BOT thay vì ngồi “ngóng” ngân sách.

Nhiều nơi vẫn là “ốc đảo” nếu không có dự án BOT

Bao đời nay, Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là một trong những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn nhất cả nước do hệ thống cơ sở hạ tầng thấp kém, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông. Thế nhưng, chỉ 3 năm trở lại đây, với hơn 10 dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, nhiều vùng quê nghèo nơi đây đã “lột xác”.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định, nếu không triển khai đầu tư bằng hình thức BOT, chưa biết bao giờ cầu Mỹ Lợi mới hoàn thành. Bởi đây là công trình đã được phê duyệt đầu tư từ năm 2009, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên Chính phủ đã giãn tiến độ đến sau năm 2015.

“Các dự án hạ tầng giao thông được triển khai bằng hình thức BOT đều được đẩy nhanh tiến độ đem lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc rút ngắn thời gian đi lại và các địa phương nơi dự án đi qua có điều kiện phát triển KT-XH. Dù còn là một tỉnh nghèo, nhưng thời gian qua, Tiền Giang luôn dành sự quan tâm cao nhất để phối hợp với Bộ GTVTtriển khai ba dự án BOT trên địa bàn là cầu Mỹ Lợi, tuyến tránh QL1 qua thị trấn Cai Lậy và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận” - Ông Nghĩa nói.

"Việc thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình giao thông có vai trò rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện mạng lưới giao thông tại địa phương, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hạn hẹp như hiện nay. Các dự án BOT không chỉ gỡ nút thắt về vốn, về hạ tầng mà nó còn tạo động lực phát triển KT-XH vô cùng lớn cho địa phương khi các công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng”.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ

Giám đốc Sở GTVT Nghệ An

Những ai có dịp đi qua cầu Rạch Miễu hôm nay chắc hẳn đều cảm nhận được sự sầm uất của cư dân trên tuyến đường đi vào TP Bến Tre.

Trước đây, khi chưa có cây cầu này, hai bên khu vực chỉ là đất sình lầy bạt ngàn dừa. Sau khi được xây dựng bằng hình thức BOT và hoàn thành vào năm 2009, cầu Rạch Miễu đã phá vỡ thế “ốc đảo” và góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của Bến Tre. Tăng trưởng về lượng khách du lịch đến vùng đất dừa là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Năm 2008, khi chưa có cầu Rạch Miễu, lượng khách du lịch đến Bến Tre khoảng 377 nghìn người, nhưng đến năm 2014 lượng khách du lịch đã tăng gần ba lần (904 nghìn lượt khách).

“Bộ mặt của tỉnh có sự phát triển vượt bậc kể từ khi có cầu Rạch Miễu. Phải nói rằng, nếu không đầu tư cầu Rạch Miễu bằng hình thức BOT, đến giờ Bến Tre vẫn còn là “ốc đảo” và vẫn là một tỉnh nghèo như ngày nào”, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên với tổng mức đầu tư trên 3 nghìn tỷ đồng với thiết kế là cầu dây văng ba nhịp đã từng được khởi công từ năm 2011 bằng vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, nên việc thi công bị đình hoãn trong một thời gian dài.

Đến đầu tháng 8/2013, cầu Cổ Chiên được chuyển đổi hình thức BOT kết hợp với ngân sách Nhà nước và có sự điều chỉnh về thiết kế để giảm chi phí, đảm bảo hiệu quả của dự án. Cầu được thiết kế xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Phần xây dựng cầu chính được đầu tư theo hình thức BOT, trong đó ngân sách Nhà nước góp vốn là 1.044 tỷ đồng, còn lại là 1.264 tỷ đồng do liên doanh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty cổ phần Đầu tư 577 thực hiện.

“Nếu không có cầu Cổ Chiên, Trà Vinh không phát triển được vì bị “ngăn sông cấm chợ”. Nếu không có phần đầu tư bằng hình thức BOT, chưa biết tới bao giờ cầu Cổ Chiên mới được xây dựng và Trà Vinh vẫn mãi là tỉnh khó khăn”, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cho biết.

Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư BOT

Trước đây do kinh tế còn khó khăn, các tỉnh đều trông chờ vào nguồn vốn ngân sách từ Trung ương “rót” về để nâng cấp, cải tạo các tuyến đường. Vài năm gần đây, nguồn ngân sách hạn hẹp, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng xuống cấp trầm trọng khiến lãnh đạo các địa phương phải thay đổi tư duy bằng việc kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức BOT thay vì ngồi “ngóng” ngân sách.

Điển hình như Trà Vinh đã chủ động kiến nghị Bộ GTVT cho phép kêu gọi đầu tư bằng BOT dự án QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si, dự án xây dựng cầu Đại Ngãi,…

“Chúng tôi đang xúc tiến kêu gọi đầu tư tiếp đoạn Ba Si - Long Toàn thời gian tới. Chủ trương của tỉnh là phải huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư chứ chờ ngân sách không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Người dân Trà Vinh cần phải có cầu, có đường mới thoát nghèo được” - Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chia sẻ.

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện đang có hai dự án giao thông được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT là công trình mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp và dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn từ Km 14 đến Km 50+889 và QL91B. Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trong điều kiện hiện nay, nếu địa phương cứ ỷ lại vào nguồn kinh phí ngân sách để đầu tư sẽ không thể thực hiện được các dự án này.

“Nhận thấy đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT là rất khả thi nên TP Cần Thơ đã chủ động kêu gọi đầu tư hai dự án này. Đồng thời, chúng tôi cũng đang đề nghị các bộ, ngành liên quan cho phép đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui theo hình thức BOT”, ông Dũng nói.

Nhiều địa phương khác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chủ động kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án khác bằng hình thức BOT như: Dự án mở rộng QL1 đoạn qua Bạc Liêu, tuyến tránh TP Sóc Trăng, dự án mở rộng QL30 qua Đồng Tháp, dự án nâng cấp QL91 qua Cần Thơ, dự án cầu Châu Đốc trên tuyến N1,…

Tại khu vực phía Bắc, Quảng Ninh được biết đến như một điểm sáng về thu hút nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT với giá trị hàng nghìn tỷ đồng như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, Sân bay Vân Đồn,…

Thông tin với báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, yếu tố trực tiếp và có tính quyết định trong thu hút đầu tư chính là con người và sự nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

“Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để có các cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút nhà đầu tư và chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, hạ tầng giao thông được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư.

Riêng giai đoạn 2012 - 2015, nguồn vốn ngân sách của tỉnh dành để đầu tư cho kết cấu hạ tầng khoảng 13.711 tỷ đồng thì lĩnh vực hạ tầng giao thông được ưu tiên chiếm hơn nửa nguồn vốn với khoảng 7.154 tỷ đồng”, ông Long chia sẻ.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, với phương châm dùng mọi nguồn lực đẩy nhanh phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, Nghệ An luôn dành sự quan tâm và các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

“Tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện như huy động các ngân hàng tham gia cấp vốn cho doanh nghiệp dự án dưới hình thức cho vay ưu đãi, tạo cơ chế mở về thủ tục đầu tư, hỗ trợ GPMB… Lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan, đặc biệt là Sở GTVT phải tham gia tham mưu giúp đỡ nhà đầu tư giải quyết các vấn đề nóng, phát sinh trong quá trình triển khai dự án” - Ông Kỳ nói.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục