tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp nhà nước nợ khủng: Ai gánh nợ?

  • Cập nhật : 01/06/2018

DNNN thua lỗ, không trả được nợ, nhiều trường hợp Nhà nước phải đứng ra trả nợ, dù khoản vay đó do Nhà nước bảo lãnh hay do doanh nghiệp tự vay.

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2011-2016, tổng tài sản tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là hơn 3,05 triệu tỷ đồng, trong khi tổng số nợ là 1,6 triệu tỷ đồng.

Bình luận về những con số này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, về tổng thể, số tài sản của DNNN vẫn cao hơn số nợ và đủ để trả nợ nên không đáng lo. Tuy nhiên, nếu đi vào từng doanh nghiệp thì đây là điều cần báo động. Phải làm rõ nợ này là nợ gì, nợ như thế nào...

Báo cáo giám sát của Quốc hội chỉ ra một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam....

"Khả năng trả nợ của một số doanh nghiệp là điều cần lo. Chưa nói các doanh nghiệp khác, tại sao EVN vốn giữ vị thế độc quyền lại rơi vào danh sách này? Không thể biện minh rằng do cạnh tranh khốc liệt dẫn tới tập đoàn ôm khối nợ lớn. Giá điện là do EVN đề nghị Chính phủ phê duyệt, vậy tại sao EVN lại có nhiều năm lỗ như vậy?

Phải làm rõ thất thoát đi đâu? Kinh doanh kém hiệu quả là do không biết làm ăn hay do giá thấp? Giá thấp là doanh nghiệp đó độc quyền hay đó là ngành đặc biệt, Chính phủ yêu cầu giữ giá thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế... Đó là những vấn đề phải làm rõ và với từng doanh nghiệp khác cũng phải mổ xẻ như vậy", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi chỉ rõ.

evn la mot trong so cac dnnn co khoi no lon

EVN là một trong số các DNNN có khối nợ lớn

Việc DNNN nợ lớn chắc chắn sẽ làm giảm giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, vị chuyên gia khẳng định. Thậm chí với tình trạng nợ nần như vậy, ông không chắc khi cổ phần hóa, doanh nghiệp có bán được cổ phần hay không? Ai dám mua?

"Đây là vấn đề lớn của các DNNN. Tuy nhiên, đành rằng cổ phần hóa rất khó thì phải tìm cách để làm bởi nếu để doanh nghiệp vẫn trực thuộc Nhà nước, có khi tình hình càng ngày càng xấu hơn", ông Ngãi nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông lo ngại, Chính phủ sẽ phải đứng ra trả nợ thay cho các DNNN. Trong các khoản nợ của DNNN có khoản do Chính phủ bảo lãnh, có khoản do doanh nghiệp tự vay, nhưng trong nhiều trường hợp, Chính phủ phải đứng ra trả cả khoản vay bảo lãnh lẫn không bảo lãnh. Tiền để trả nợ chính là tiền ngân sách và hệ quả là nợ công của Việt Nam ngày càng tăng cao.

Vị chuyên gia đồng tình với quan điểm bên cạnh gánh nặng nợ, DNNN còn là lỗ hổng thất thoát lớn, bằng chứng là đất của DNNN khi cổ phần hoá không được định giá đúng, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

"Sự thất thoát này chính là do có lợi ích nhóm trong đó. Vì thế, phải rà soát lại xem tại sao bán đất với giá rẻ? Có thông qua đấu thầu, đấu giá không? Quy trình thực hiện định giá đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được tuân thủ chưa? Thất thoát đi vào đâu?

Điều này rất quan trọng, không thể chấp nhận việc bán đất dưới giá thị trường. Phải thanh tra, kiểm tra cho rõ, tới nơi tới chốn, nếu không tài sản Nhà nước sẽ bị thất thoát lớn khi cổ phần hóa", PGS Ngãi lưu ý.

Cũng cho ý kiến về con số tổng tài sản và tổng nợ của DNNN, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng phải làm rõ xem các con số trên được tính toán thế nào.

Chẳng hạn, trong tổng tài sản doanh nghiệp có tài sản công nợ, vốn chủ sở hữu, tuy nhiên vốn chủ sở hữu nhiều khi tính chưa được chuẩn vì nhiều tập đoàn lâu lâu chưa đánh giá lại. Tương tự, số nợ của doanh nghiệp không rõ tính nợ ngân hàng hay tổng nợ.

"Trên bảng kế toán thường thống kê con số tổng dư nợ nhưng phải tách biệt ra nợ ngân hàng bao nhiêu. Mua hàng trả chậm cũng được coi là nợ, nhưng nợ đó khác nợ vay ngân hàng.

Đó là đánh giá chung, quan trọng là phải xem xét từng doanh nghiệp cụ thể, doanh nghiệp nào đang khó khăn. Ví dụ, trong số những DNNN có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao thì Tập đoàn Hóa chất, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam... khó trả được nợ, hoặc nếu có thì cũng chấp chới.

Đó là những doanh nghiệp gánh nợ nhiều, còn có những doanh nghiệp nợ ít nhưng hiệu quả không được cao cũng cần phải xem xét.

Dù vậy, vẫn phải đẩy mạnh cổ phần hóa để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, suất đầu tư giảm đi. Cho đến nay, tốc độ cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam vẫn còn chậm, tuy nhiên tôi cho rằng tốt nhất cứ làm đồng bộ, như thế dẫu có chậm cũng chỉ vài năm là cổ phần hóa xong hết", ông Hải bày tỏ quan điểm.

Phó Chủ tịch VAFI cũng lưu ý rằng, khi cổ phần hóa, đất đai chỉ là một phần trong giá trị doanh nghiệp. Còn nhiều vấn đề khác chi phối đến giá trị doanh nghiệp như: vấn đề người lao động có giải quyết được không, vấn đề công nợ... Doanh nghiệp có đất đẹp, đất vàng nhưng nợ đầm đìa, số lao động lớn, quản trị doanh nghiệp yếu kém... thì không thể đòi hỏi giá trị doanh nghiệp cao, thậm chí có trường hhoasdoanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhà đầu tư bị thua lỗ.

"Chính sách Nhà nước đã đầy đủ, quan trọng là tiến trình thực hiện cổ phần hóa có minh bạch, công khai hay không, tỷ lệ cổ phần bán ra bao nhiêu.

Cứ cho là nhiều trường hợp định giá doanh nghiệp chưa đầy đủ, nhưng nếu tổ chức một tiến trình minh bạch, Nhà nước không nắm cổ phần chi phối nữa thì nhà đầu tư vào đấu giá, khó mà thất thoát tài sản Nhà nước được. Bài học đấu giá cổ phần khách sạn Kim Liên, Sabeco... là ví dụ", ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
 

Thành Luân
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục