tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh dàn trải quá nhiều

  • Cập nhật : 12/04/2016

(Tin kinh te)

Doanh nghiệp nhà nước dàn trải quá nhiều ngành, lĩnh vực, trong khi nguồn lực nhà nước rất hạn chế và nhiều ngành, lĩnh vực khu vực tư nhân đã có khả năng đảm nhiệm

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Báo cáo vai trò của Nhà nước trong hoạt động đầu tư của nhà nước do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố hôm nay (12/4) cho biết, phạm vi đầu tư vốn nhà nước trong doanh nghiệp còn rất lớn, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động trong những ngành, lĩnh vực không cần thiết phải duy trì sở hữu nhà nước.

Cụ thể, trong số 781 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có đến 49,3% số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại. Nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động kinh doanh bất động sản, văn hóa, dược phẩm, quản lý bến xe, du lịch, cơ khí, dịch vụ suất ăn hàng không, dịch vụ hàng hóa,…

Dẫn điều tra của Tổng cục thống kê giai đoạn 2009-2013, báo cáo cho thấy khoảng 1.500 doanh nghiệp nhà nước hoạt động chủ yếu trong những ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 26-28%) và xây dựng (chiếm khoảng 16-18%); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác khoảng 17%.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, phạm vi, mức độ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước còn lớn, vượt ngoài quy định điều này hạn chế cơ hội, tạo môi trường bất bình đẳng cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt khu vực tư nhân trong nước.

“So với kinh nghiệm, thông lệ quốc tế và thậm chí so với QĐ 37/2014/QĐ-TTg, doanh nghiệp nhà nước dàn trải quá nhiều ngành, lĩnh vực, trong khi nguồn lực nhà nước rất hạn chế và nhiều ngành, lĩnh vực khu vực tư nhân đã có khả năng đảm nhiệm. Chuyển đổi sở hữu còn mang tính hình thức, đặc biệt trong việc cổ hoá, tỷ lệ cổ phần nhà nước còn rất lớn”, báo cáo nhận xét.

Với tư cách là nhà đầu tư, Nhà nước đã ban hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp gồm 5 chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh chỉ tiêu nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán nợ đến hạn và chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác, quy định về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính. Cuối cùng là tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của CIEM nhận xét, cách tiếp cận, phương thức và nội dung các chỉ tiêu này còn nhiều vấn đề.

Cụ thể, chủ sở hữu nhà nước giao chỉ tiêu trên cơ sở kế hoạch tài chính do doanh nghiệp trình, tập trung chủ yếu vào chỉ tiêu tài chính, chưa phản ánh được toàn diện hoạt động của doanh nghiệp.

Thiếu cơ chế minh bạch thông tin, đặc biệt thông tin về nhiệm vụ công ích và chi phí công ích dẫn đến không rõ ràng trong đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. 

Thậm chí, việc xây dựng các chỉ tiêu chưa dựa vào giá vốn thị trường, chi phí cơ hội, chưa xem xét đến lợi nhuận bình quân ngành…

so lieu duoc tong hop trong bao cao cua ciem  

Số liệu được tổng hợp trong báo cáo của CIEM  

 

“Các chỉ tiêu được áp dụng chung cho mọi doanh nghiệp chưa xét đến tính đặc thù và chủ yếu phục vụ xếp loại, đảm bảo quyền lợi của bộ máy quản lý, chưa quan tâm đến quyền lợi của nhà đầu tư, chủ sở hữu nhà nước. Tình trạng điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch diễn ra thường xuyên nhằm đảm bảo doanh nghiệp đạt chỉ tiêu được giao”, nhóm chuyên gia cho biết thêm.

Theo đó, nhóm chuyên gia CIEM kiến nghị nhà nước cần ban hành chính sách sở hữu với những mục tiêu cụ thể rõ ràng, xác định rõ những mục tiêu phi thương mại và thực hiện công khai chi phí thực hiện.

Bên cạnh đó, tiếp tục điều chỉnh, thu hẹp ngành, lĩnh vực nhà nước duy trì vốn, cả trên văn bản quy phạm pháp luật lẫn trong tổ chức thực hiện. Tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Đổi mới cách tiếp cận, phương pháp và nội dung các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả theo hướng dựa vào đặc thù từng ngành, xem xét giá vốn thị trường, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nhà nước; tăng cường đối thoại giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch, thiết lập hệ thống giám sát hiệu quả.

“Áp đặt kỷ luật thị trường, kỷ luật cạnh tranh đối với doanh nghiệp nhà nước. Phải áp đặt hạn mức ngân sách cứng đối với doanh nghiệp nhà nước và chế độ thông tin tài chính tin cậy và đầy đủ. Doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt trong cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích”, chuyên gia CIEM kết luận.


TÂM AN
Theo Bizlive

Trở về

Bài cùng chuyên mục