tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Áp lực lạm phát dồn về cuối năm

  • Cập nhật : 27/06/2016

NHNN đã điều hành linh hoạt, phù hợp, góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát 6 tháng đầu năm.

Khi lạm phát được kiểm soát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 đã tăng 0,46% so với tháng trước, và tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước, theo Tổng cục Thống kê. Nhưng theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp, tính chung 6 tháng đầu năm CPI đã tăng 2,35%, còn so với tháng 6/2015 CPI tăng 2,40%. Tính bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,39%, bình quân 6 tháng tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.

cac co quan quan ly tranh dieu chinh gia o at gay ap luc len cpi

Các cơ quan quản lý tránh điều chỉnh giá ồ ạt gây áp lực lên CPI

Với mức tăng 2,35%, CPI của 6 tháng đầu năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên Tổng cục Thống kê đánh giá đây vẫn là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ của các năm trước.

Bà Vũ Thị Thu Thuỷ phân tích một số yếu tố kiềm chế CPI. Theo bà, giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm tuy có tăng so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2012-2014. Trong khi đó, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép còn có xu hướng giảm mạnh trong quý I, khiến giá trong nước cũng được điều chỉnh giảm.

Tổng cục Thống kê cũng đánh giá, NHNN đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng vào kiềm chế lạm phát trong 6 tháng đầu năm. Với cách thức điều hành tỷ giá mới theo tỷ giá trung tâm, sau 6 tháng, tỷ giá VND/USD trên thị trường đã thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015, và khá ổn định. Giá vàng trong nước cũng đã tiệm cận và biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, không có tình trạng sốt vàng gây bất ổn kinh tế - xã hội.

Chỉ số lạm phát cơ bản ổn định cũng cho thấy chính sách tiền tệ đã theo sát tín hiệu thị trường. Chỉ tính riêng trong tháng 6, lạm phát chung của tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, phản ánh biến động giá là do yếu tố khách quan, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu… có mức tăng cao. Tuy nhiên, tính bình quân 6 tháng, lạm phát cơ bản vào khoảng 1,8% so với lạm phát chung khoảng 1,72% là khá tiệm cận. Tổng cục Thống kê cho biết, 2 chỉ số này tiệm cận cho thấy điều hành chính sách tiền tệ ổn định, áp lực lên lãi suất không phải là vấn đề lớn.

Tuy có tốc độ tăng chung của 6 tháng thấp do kiên trì chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nhưng với mức tăng 0,46 của tháng 6 so với tháng 5 - đây là mức tăng cao nhất của tháng 6 kể từ năm 2012 trở lại đây và là mức tăng cao thứ 3 kể từ đầu năm. Và so với CPI ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái (0,55%), có thể thấy CPI 6 tháng đầu năm nay đã có sự bứt phá mạnh.

Lạm phát lại tăng do giá, do lương

Tổng cục Thống kê nhận định, trong nửa đầu năm 2016, CPI bật tăng trước hết do điều hành của Chính phủ với giá cả các mặt hàng dịch vụ công. Theo đó, giá các  dịch vụ y tế góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,86%; một số tỉnh tăng học phí các cấp học khiến CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,22% so cùng kỳ năm trước. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các DN tăng từ ngày 1/1/2016, và lương cơ sở tăng từ ngày 1/5/2016, đẩy giá một số loại dịch vụ tăng từ 1-2,5% so với cùng kỳ năm trước...

Cùng với tác động từ điều hành giá, yếu tố thị trường cũng góp phần đẩy CPI tăng lên. Thời tiết khô hạn ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4, tháng 5 đã ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm trong nước. Bình quân 6 tháng đầu năm chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,71%; chỉ số giá nhóm hàng may mặc góp vào mức tăng chung khoảng 0,15%...

Cũng theo Tổng cục Thống kê, nếu so với mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 5%, thì lạm phát hiện nay đang ở mức an toàn và có thể khuyến khích được sự phát triển của các ngành từ nay cho đến cuối năm. Tuy nhiên tác động khó đoán định nhất hiện nay chính là cơ quan quản lý khó có thể lường trước ảnh hưởng từ các yếu tố giá cả trên thị trường thế giới tới mặt bằng giá trong nước.

Từ nay đến hết năm 2016, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu... nhiều khả năng sẽ còn gây áp lực mạnh hơn so với 6 tháng đầu năm. Vì vậy, Tổng cục Thống kê khuyến cáo Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Nhận định về công tác điều hành giá, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho rằng các cơ quan quản lý đã có một quá trình để rút kinh nghiệm, từ đó phối hợp nhịp nhàng hơn. Bà Ngọc dẫn chứng, trở lại năm 2011 có thể thấy rằng cơ quan quản lý điều chỉnh giá rất ồ ạt, không cần quan tâm tới CPI như thế nào trong khi giá thế giới tăng rất mạnh. Chúng ta không có lộ trình hay cảnh báo trước và năm đó CPI đã tăng trên 2 con số.

Tuy nhiên từ năm 2012, Chính phủ đã có sự chủ động hơn với việc kiểm soát, thay vì cố kìm nén lạm phát. Do vậy hiện nay các cơ quan quản lý đã có bài học kinh nghiệm, tránh điều chỉnh giá dịch vụ công ồ ạt trên 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, bà Ngọc lưu ý, hiện nay điều hành giá cả trong nước cũng cần chú ý tránh điều chỉnh cùng thời điểm với giá thế giới.

“Cùng lúc giá thế giới tăng, trong khi chúng ta lại điều chỉnh giá trong nước thì sẽ cộng hưởng rất nhiều. Mặt hàng nào có mức độ tăng giá cao mà quyền số lớn sẽ ảnh hưởng tăng giá rất lớn”, bà Ngọc cho biết thêm.

Như vậy, nếu giá thế giới, đặc biệt là giá dầu thô vượt qua mức 50 USD/thùng, sẽ gây ra thách thức rất lớn ngược trở lại đối với điều hành giá trong nước. Với diễn biến khó lường đó, Chính phủ chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế theo đúng lộ trình mà vẫn đảm bảo giữ lạm phát cả năm ở mức dưới 5%.


Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục