tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“30 năm chúng ta vẫn chưa thành nước công nghiệp”

  • Cập nhật : 27/10/2015

(Cong nghiep)

Quan tâm của đại biểu Hòa cũng như nhiều vị đại biểu khác là nền kinh tế sẽ được vận hành như thế nào trong thời gian tới?

 

“Nhiệm kỳ mới phải chỉ ra được đâu là nhân tố mới để thúc đẩy tăng trưởng”, đại biểu Quốc hội - doanh nhân Nguyễn Ngọc Hòa (Tp.HCM) góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng 12, sáng 23/10.

“Sớm” là bao giờ?

Tại dự thảo văn kiện, phần mục tiêu tổng quát có đoạn “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa thì 40 năm trước, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng mục tiêu công nghiệp hóa đã được xác định.

“Các nước cần từ 20 đến 25 năm để trở thành nước công nghiệp, còn ta đến nay đã qua 40 năm, trừ 10 năm đầu còn vận hành theo cơ chế cũ, sang cơ chế mới đã 30 năm, nhưng nhìn lại đến giờ, vẫn đặt mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp cho 5 năm tiếp theo”, ông Hòa sốt ruột. 

Và đề nghị của vị đại biểu này là cần cụ thể hóa chữ “sớm” đó ra, bởi đã qua 30 năm rồi, kiểm điểm lại vẫn chưa đạt được mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Nhìn lại tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm vừa qua khoảng 5,88%/năm, thấp hơn bình quân 5 năm trước đó, ông Hòa cho rằng như vậy tăng trưởng đã bão hòa do không tìm được động lực mới.

Theo đại biểu này, có hai nhân tố có thể thúc đẩy tăng trưởng, đó là thể chế và chính sách về khoa học công nghệ.

Thể chế kinh tế cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề cập.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một nội dung được nêu tại phần nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới ở dự thảo văn kiện.
 
Dự thảo cũng nêu rõ, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh “hiện đại” là từ rất quan trọng, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đề nghị cần cụ thể kinh tế  thị trường hiện đại gồm những yếu tố nào, còn hội nhập thì đã rõ rồi.

Theo ông Lịch, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển 5 mũi nhọn, gồm  nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ thông tin, kinh tế biển, du lịch và công nghiệp phụ trợ. 

Nâng tầm kinh tế tư nhân

Cho biết là đã được góp ý vào dự thảo văn kiện từ quá trình soạn thảo, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, lần đầu tiên dự thảo nâng tầm kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây sẽ là động lực để kinh tế tư nhân vươn lên trong hội nhập.

Cùng nhận xét, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nhìn nhận, việc xác định vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế là một điểm hết sức quan trọng. 

Lần này dự thảo đã xác định rất rõ vị trí vai trò của kinh tế tư nhân, hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích tạo thuận lợi, phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở  hầu hết các lĩnh vực kinh tế, và trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. 
Theo ông Bình, đổi mới này sẽ tạo nền tảng để huy động được nguồn lực mạnh mẽ của toàn xã hội trong phát triển kinh tế.

Tâm đắc khi dự thảo văn kiện đã khằng định vai trò của đội ngũ doanh nhân, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa góp ý, sức sống nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ doanh nghiệp.

“Hiện tại trong khoảng 800 ngàn doanh nghiệp, có khoảng 500 - 600 ngàn đang hoạt động. Vậy có nên đặt chỉ tiêu là nhiệm kỳ tới có một triệu hay thậm chí là 2 triệu doanh nghiệp hay không? Nên đặt chỉ tiêu xây dựng và phát triển lực lượng doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh của nền kinh tế”, ông Hòa nói.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục