tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-09-2018

  • Cập nhật : 15/09/2018

Lo mất uy tín, Hiệp hội Quảng cáo khẩn cấp kêu cứu Thủ tướng

Nếu thu hồi toàn bộ 435 bảng quảng cáo để đấu thầu lại, tổng thiệt hại lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Thậm chí, các doanh nghiệp đang làm ăn ổn định có nguy cơ bị phá sản vì nợ nần... 

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam mới đây đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, chủ tịch UBND TP Hà Nội… việc triển khai quy hoạch quảng cáo ngoài trời.

Đơn do ông Đinh Quang Ngữ, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, ký gửi cho biết:  Ngày 24-4-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 1997/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 làm cơ sở cho hoạt động quảng cáo của Hà Nội đi vào nề nếp, ổn định, phát triển lâu dài. Điều này được các doanh nghiệp (DN) rất hoan nghênh và đón đợi kế hoạch triển khai DN xây dựng kế hoạch hoạt động cho phù hợp.

Tuy nhiên, đến nay sau bốn tháng ban hành Quyết định 1997/QĐ-UBND, các DN vẫn chưa tiếp xúc được với đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời và bản vẽ chi tiết quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Mới đây nhất, các DN được tin trong dự thảo kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 1997/QĐ-UBND, cơ quan tham mưu của TP có đề xuất chủ trương hàng trăm bảng quảng cáo đã nằm trong diện quy hoạch từ trước đến nay chỉ được tiếp tục thực hiện sau ba tháng kể từ ngày ban hành kế hoạch triển khai, sau đó sẽ thu hồi vị trí để tổ chức đấu thầu lại toàn bộ. Điều này khiến các DN rất bức xúc.

Hiệp hội nhận thấy việc UBND TP Hà Nội tổ chức đấu thầu các vị trí quảng cáo ngoài trời nằm trong quy hoạch là đúng theo quy định tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, quảng cáo ngoài trời có đặc thù riêng, các vị trí quảng cáo nằm đơn lẻ, rải rác trong toàn TP và thuộc quyền quản lý, sử dụng của các đối tượng khác nhau.

Phần lớn các vị trí xây dựng bảng đều nằm trên đất thuộc quyền sử dụng của tư nhân, đã được các DN thuê hoặc mua dài hạn và tự bỏ vốn đầu tư, kinh doanh bảng quảng cáo hợp lệ từ nhiều năm, được cơ quan nhà nước thừa nhận qua việc cấp phép xây dựng, quảng cáo.

Đó chính là tài sản hợp hiến, hợp pháp của DN. Nay, nếu thu hồi toàn bộ 435 bảng này để đấu thầu lại, tổng thiệt hại cho DN có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Thậm chí các DN đang làm ăn ổn định có nguy cơ bị phá sản vì nợ nần, mất uy tín với cộng đồng, hàng nghìn người lao động mất công ăn việc làm. Kéo theo đó sẽ diễn ra tình trạng tranh giành, nâng giá, gây xáo trộn thị trường.

Lo mất uy tín, Hiệp hội Quảng cáo khẩn cấp kêu cứu Thủ tướng - ảnh 1
Khách tham quan tìm hiểu máy móc, thiết bị công nghệ quảng cáo mới tại Hội chợ Vietad 2018 tổ chức ở TP.HCM.

Do vậy, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam xin kiến nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, xem xét khách quan đơn kêu cứu của DN và có biện pháp giải quyết những vấn đề hợp lý mà các DN nêu ra. Tổ chức gặp và đối thoại trực tiếp để nghe các DN phản ánh nguyện vọng của DN…

Sớm cho công bố công khai, rộng rãi Quy hoạch chi tiết quảng cáo ngoài trời và cho hoạt động quảng cáo của TP được duy trì một cách liên tục, bình thường, theo lộ trình hợp lý, phù hợp với giấy phép xây dựng, quảng cáo. Sớm có quy chế cụ thể về việc đấu thầu và cho các tổ chức, DN có liên quan được tham gia góp ý kiến...(PLO)
-----------------------------

Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra

Bộ Công Thương ngày 13-9 cho biết Bộ Thương mại Mỹ vừa ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1-8-2016 đến 31-7- 2017 đối với sản phẩm cá tra - basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ với mức thuế thấp hơn nhiều so với POR13.

Theo đó, mức thuế sơ bộ cho 2 bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg, thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg, thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Dự kiến, khoảng tháng 1-2019, Bộ Thương mại Mỹ sẽ ban hành kết luận cuối cùng về POR14.

Dù thuế suất sơ bộ POR14 có giảm so với POR13 nhưng vẫn khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (NLĐ)
-----------------------

Nhượng quyền thương mại: Nhiều cơ hội lẫn thách thức

Nhiều đại diện doanh nghiệp (DN) dự buổi hội thảo "Chuyển động thị trường nhượng quyền và những cơ hội mới" do Coex và Retail & Franchise Asia tổ chức sáng 13-9 tại TP HCM đã nhìn thấy cơ hội nhượng quyền hiện diện khắp nơi.

Thế nhưng, họ rất lúng túng và băn khoăn về thủ tục pháp lý, cách thức vận hành, triển khai nhượng quyền, chuyển giao công nghệ, xử lý tranh chấp...

Nhượng quyền thương mại: Nhiều cơ hội lẫn thách thức - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đã nhận nhượng quyền thương mại các chuỗi thức ăn nhanh vào Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH

Chị Vương Kiều Giang, chủ thương hiệu Bánh ướt Ban Mê, cho biết cửa hàng bánh ướt đầu tiên ở đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM được nhiều khách hàng ủng hộ nên chị mở tiếp cửa hàng thứ 2 ở đường Kỳ Đồng, quận 3. Chỉ 1 năm sau, dù liên tục nhận được đề nghị nhượng quyền cho các DN đến từ Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng... nhưng chị Giang không biết có nên hay không, nếu bán thì tiến hành ra sao.

Tương tự, chủ một DN cho biết anh đã mở hệ thống gần 50 cửa hàng thời trang ở TP HCM. Dù đã có nhiều đối tác đến tìm hiểu, anh cũng mong muốn nhượng quyền sang Thái Lan, Campuchia nhưng chưa biết cách làm…

Bà Nguyễn Phi Vân, Giám đốc Retail & Franchise Asia, cho rằng chuyện nhượng quyền mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho cả người bán lẫn người nhận. Pháp lý nhượng quyền là điều đầu tiên DN phải nắm vững hoặc cần đến. Tuy nhiên, xây dựng được mối quan hệ con người với con người, tạo được niềm tin, cùng hiểu biết và cùng giá trị văn hóa thì việc nhượng quyền mới có thể diễn ra thuận lợi, hợp tác lâu dài. Không có những điều kiện tiên quyết này, khi kinh doanh nhượng quyền và phát sinh sự cố, chủ DN, đối tác nhượng quyền sẽ dễ mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột, thậm chí kiện nhau ra tòa.

Theo luật sư Hồ Hữu Hoành, người có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến nhượng quyền, các DN Việt Nam cần có một cái nhìn tổng quan, hiểu biết luật pháp nhất định về vấn đề nhượng quyền để làm nền tảng, tự thức tỉnh và bảo vệ mình trước khi cân nhắc mua - bán. Các luật sư có thể giúp DN mua - bán nhượng quyền lường trước được những khả năng có thể xảy ra trong quá trình ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, DN phải trang bị đủ nền tảng chuyên môn, có đủ tiềm năng, tiềm lực để vận hành, triển khai hệ thống.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục