tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-09-2018

  • Cập nhật : 14/09/2018

Hàn Quốc phản đối thuế bảo hộ thép của EU

Hàn Quốc đã phản đối thuế bảo hộ của Liên minh châu Âu (EU) đối với mặt hàng thép nhập khẩu và yêu cầu được hưởng miễn trừ cho các mặt hàng chủ chốt.

 

han quoc phan doi thue bao ho thep cua eu. anh minh hoa: epa

Hàn QUốc phản đối thuế bảo hộ thép của EU. Ảnh minh họa: EPA

 

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 12/9 cho biết ngành thép và chính phủ nước này đã bày tỏ phản đối thuế bảo hộ của Liên minh châu Âu (EU) đối với mặt hàng thép nhập khẩu và yêu cầu được hưởng miễn trừ cho các mặt hàng chủ chốt của Hàn Quốc. 

Một phái đoàn bao gồm các quan chức chính phủ và ngành thép Hàn Quốc mới đây đã tham dự một phiên họp ở Brussels, Bỉ để phản đối mức thuế 25% mà EU đánh vào 23 chủng loại sản phẩm thép đã vượt mức nhập khẩu trung bình trong ba năm qua.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết động thái trên là nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước khi lượng thép tràn vào thị trường EU tăng mạnh sau khi Mỹ đánh thuế thép nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia. 

Phái đoàn Hàn Quốc khẳng định rằng các biện pháp bảo vệ trên của EU là không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì các sản phẩm thép của Hàn Quốc được nhập khẩu vào EU chỉ tăng 3% từ năm 2016 đến năm 2017 và không gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với ngành thép châu Âu.

Phái đoàn Hàn Quốc cũng cảnh báo các mức thuế này sẽ làm tăng giá thép trên thị trường chung và tạo gánh nặng lên người tiêu dùng và các ngành khác, như ô tô, gia dụng và năng lượng. 

Tuy nhiên, nếu EU bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu này thì phái đoàn Hàn Quốc yêu cầu EU miễn trừ cho các sản phẩm thép hoặc giảm thuế cho một số sản phẩm cần thiết đối với các nước thành viên EU. 

Trước đó, EC cho biết sẽ xem xét các ý kiến đưa ra trong phiên họp nói trên để có quyết định cuối cùng, muộn nhất là vào đầu năm 2019. EU đã áp thuể thép nói trên đối với tất cả các nước vào ngày 20/7 vừa qua, và chỉ miễn trừ cho một số nước đang phát triển có kim ngạch xuất khẩu sang EU thấp.(Bnews)
----------------------

Mỹ áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam thấp hơn dự kiến

Mỹ vừa công bố mức áp thuế chống bán phá giá tôm của Việt Nam giai đoạn từ 1-2-2016 đến 31-1-2017 là 4,58%, bằng 1/6 so với dự kiến

Chiều 11-9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1-2-2016 đến 31-1-2017) với thuế suất 4,58%. Đây là mức thuế suất rất thấp so với mức thuế sơ bộ 25,39% mà DOC đưa ra vào tháng 3 vừa qua.

Mỹ áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam thấp hơn dự kiến - Ảnh 1.

Sau khi nhận được thông báo về mức thuế sơ bộ, VASEP đã đề nghị DOC xem xét lại do phát hiện có sự nhẫm lẫn. Theo đó, Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Fimex) là bị đơn bắt buộc của vụ kiện, sau khi xem xét chi tiết đã phát hiện có sự nhầm lẫn khi DOC áp các hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu trong chương trình tính toán biên độ khiến cho kết quả sơ bộ bị sai lệch đáng kể. 

Khi đó, công ty Fimex cho rằng nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của Công ty Fimex sẽ chỉ là 1,19%.

Sau khi Mỹ công bố mức thuế CBPG sơ bộ quá cao, hoạt động xuất khẩu tôm sang Mỹ chững lại. Trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ đạt 372 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo VASEP, với mức thuế suất CBPG vừa được công bố, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ trong những tháng tới dự kiến sẽ hồi phục, đưa kết quả xuất khẩu tôm cả năm 2018 sang thị trường này lên khoảng 615 triệu USD giảm 6,5% so với năm 2017.(NLĐ)
------------------------

"Cạnh tranh thu hút FDI bằng ưu đãi thuế sẽ đưa kinh tế Việt Nam xuống đáy"

Cho rằng cần nhanh chóng từ bỏ việc thu hút FDI bằng cách cho ưu đãi về thuế, chuyên gia của UNDP nhấn mạnh việc các địa phương đang cạnh tranh với nhau bằng cách đưa ra các ưu đãi về thuế sẽ dẫn kinh tế Việt Nam rơi xuống đáy.

Tại hội thảo công bố báo cáo đánh giá tình hình tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức chiều 11-9, các chuyên gia thực hiện báo cáo khuyến nghị việc đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong nước sẽ đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Cạnh tranh thu hút FDI bằng ưu đãi thuế sẽ đưa kinh tế Việt Nam xuống đáy - Ảnh 1.

Hội thảo công bố báo cáo đánh giá tình hình tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam

Trình bày nội dung tóm tắt báo cáo, TS Hồ Đình Bảo, trưởng nhóm biên soạn, cho biết những điểm đáng lưu ý trong xu hướng chung bao gồm: Nguồn thu của chính phủ không ổn định, và không đáp ứng một cách bền vững các nghĩa vụ chi tiêu ngày càng gia tăng. Mặc dù các khoản vay ODA luôn ở mức cao, hiện những khoản vay này đang giảm dần và mức ưu đãi cũng giảm dần. Với mức nợ công gia tăng nhanh và gần chạm trần, cần phải quản lý nợ công một cách bền vững. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các dòng kiều hối vẫn cao so với nhiều nước ASEAN khác. Quan trọng nhất, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước tụt hậu so với mức bình quân của các nước ASEAN và chưa thể đáp ứng vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có mức thu nhập trung bình thấp.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyên gia cho rằng với những DN tư nhân Việt Nam mà phần lớn là quy mô bé, việc đầu tư để cập nhật tiếp cận công nghệ 4.0 cũng như nâng cao công nghệ là vô cùng yếu, bởi bản thân họ sống còn đã vô cùng khó khăn.

Đặc biệt, ông Bảo lưu ý, nguồn vốn FDI khối lượng lớn nhưng chất lượng còn khiêm tốn. FDI chủ yếu tập trung vào ngành chế biến, chế tạo (năm 2015, chiếm gần 70% tổng nguồn FDI đổ vào Việt Nam, cao hơn nhiều so với nhiều nước khác, như Indonesia, Philippines). Một số điểm yếu về chất lượng FDI có thể kể ra như mức độ thấp về công nghệ, chuyển giao công nghệ và mối liên kết với các công ty trong nước, cũng như đóng góp của FDI cho nguồn thu chính phủ không tương xứng với mức độ ưu đãi dành cho FDI (đặc biệt là về miễn thuế và khả năng tiếp cận đất đai), đồng thời góp phần tạo ra sân chơi không bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Cần chuyển định hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng. Điều quan trọng là phải thiết lập và đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn rõ ràng, phù hợp thông lệ quốc tế về yêu cầu trình độ công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ và mối liên kết của các công ty FDI với các công ty trong nước, cũng như các yêu cầu về hiệu quả sử dụng năng lượng và thực hiện các tiêu chuẩn an toàn về môi trường. Cần tăng cường năng lực và các hệ thống thể chế trong việc rà soát, thẩm định kỹ càng hơn và phê duyệt các dự án FDI nhằm bảo đảm sự tuân thủ đối với các tiêu chuẩn quốc tế.

"Việt Nam cần nhanh chóng từ bỏ việc thu hút FDI bằng cách cho ưu đãi về thuế và ưu đãi thuế quan khác mà chuyển sang thu hút FDI bằng những điều kiện căn bản như về cơ sở hạ tầng, dịch vụ cung ứng, điều kiện kỹ năng lao động… Đầu tư cho những điều này chính là đầu tư cho những yếu tố căn bản để phát triển nền kinh tế đất nước. Cần chấm dứt việc các địa phương cạnh tranh thu hút FDI cũng bằng biện pháp ưu đãi thuế. Trong một nghiên cứu trước đây, chúng tôi cũng đã chỉ ra rằng các địa phương đang cạnh tranh với nhau bằng cách đưa ra các ưu đãi về thuế và cạnh tranh này sẽ dẫn kinh tế Việt Nam rơi xuống đáy" - ông Nguyễn Tiên Phong, Trưởng Phòng Tăng trưởng bao trùm và toàn diện của UNDP, thành viên nhóm chuyên gia xây dựng Báo cáo, nhấn mạnh.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục