tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-10-2017

  • Cập nhật : 09/10/2017

Vượt 120 tỷ USD, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tương đương 60% GDP

Khối ngoại tham gia tích cực trên cả thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu. Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 33,8% so với cuối năm 2016.

Vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 60% GDP

Đây là con số được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra về giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2017. Thị trường cổ phiếu tháng 9 tiếp tục tăng trưởng, chỉ số VN Index vượt mốc 800 điểm nhờ sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản thấp.

Theo thống kê của NDH, vốn hóa thị trường các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Tp. HCM đến cuối quý III đạt 2,06 triệu tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, giá trị vốn hóa các cổ phiếu niêm yết đạt 196 nghìn tỷ, trong khi giá trị cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM đã tăng 64,8% so với đầu năm lên gần 500 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng giá trị vốn hóa trên cả ba sàn đã đạt hơn 120 tỷ USD.

Bên cạnh thị trường chứng khoán cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) dù mới đưa vào hoạt động nhưng vẫn được đón nhận tương đối tích cực.

>> [Infographic] TTCK 9 tháng: Vốn hóa hai sàn niêm yết gần 100 tỷ USD, có cổ phiếu tăng 451%

Trên thị trường trái phiếu, công tác huy động vốn kém thuận lợi hơn trong tháng 9/2017 vừa qua do lãi suất đang tạo đáy và nhu cầu đối với TPCP kỳ hạn từ 15 năm trở lên giảm mạnh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 147.129 tỷ đồng từ phát hành TPCP, hoàn thành 81,7% kế hoạch năm 2017 (183.300 tỷ đồng).

Thị trường TPCP 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực với kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt 13 năm, cao nhất từ trước đến nay (tăng 4,32 năm so với mức 8,68 năm so với 2016). Cùng đó, lãi suất phát hành TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối 2016. Quan sát đường cong lợi suất TPCP cho thấy độ dốc của lợi tức TPCP tháng 9 thoải hơn so với đầu năm, đặc biệt ở kỳ hạn ngắn, phản ánh kỳ vọng về việc lạm phát có thể được kiểm soát tốt trong năm 2017.

Khối ngoại rót thêm tiền, giá trị chứng khoán nắm giữ tăng thêm 33%

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ước đạt 1.450 triệu USD, gồm 790 triệu USD trái phiếu, 660 triệu USD cổ phiếu. Giá trị mua ròng tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 9, mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán ước đạt 33 triệu USD, trong đó bán ròng 12 triệu USD cổ phiếu và mua ròng 45 triệu USD trái phiếu.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế. Thống kê của Ủy ban cho thấy từ 10/8 tới 22/9, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm 0,07% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 33,8% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,2% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%. (NDH)
---------------------------

Giá tôm nguyên liệu tăng cao, người nuôi thắng lớn

Giá tôm nguyên liệu tăng cao như đã nói không chỉ mang thêm nguồn lợi nhuận đáng kể mà còn tạo đà kích thích người dân xuống giống.

Đang trong chính vụ xuất khẩu tôm, nguồn tôm nguyên liệu rất hút đã kéo theo giá tôm gần đây tăng mạnh. Người nuôi tôm tại Cà Mau đang rất phấn khởi xuống giống. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, đang là vụ nghịch, lượng mưa lớn, thời tiết rất thất thường nên người nuôi tôm cần cẩn trọng trong thả nuôi.

Hiện giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau đang đạt ngưỡng cao. Cụ thể, giá tôm sú loại 30 con/kg đạt mức 215.000 – 220.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 180.000 – 190.000 đồng/kg, tăng khoảng 15 % so với cùng kỳ. Giá tôm thẻ chân trắng dao động khoảng 105.000 - 107.000/kg (loại 100 con/kg) cao hơn khoảng 10 % so với hơn 2 tháng trước.

Giá tôm nguyên liệu tăng cao như đã nói không chỉ mang thêm nguồn lợi nhuận đáng kể mà còn tạo đà kích thích người dân xuống giống. Phấn khởi vì vừa được mùa lại trúng giá, ông Trương Văn Hol người nuôi tôm quảng canh tại xã Phú Hưng (huyện Cái Nước) cho biết, gia đình đang tranh thủ thu hoạch lứa tôm tới tuổi. Thu tới đâu, lại tiến hành thả gối đầu tới đó nhằm đón giá.

Giá tôm tăng cao đang giúp người nuôi tôm có thêm nguồn thu đáng kể.

Ông Hol cho hay, hiện trên diện tích 36 công đất của gia đình, mỗi ngày ông thu trung bình 5 – 7 kg tôm. Với giá tôm đã tăng khoảng 30.000 đồng/kg như hiện tại, tính chênh lệch đã giúp gia đình có thêm nguồn thu hàng trăm nghìn/ngày.

“Giá tôm nguyên liệu đang tăng hơn lúc trước, từ chỗ 50 con/kg chỉ có giá 140.000, nay đã tăng lên 170.000 đồng, 40 con/kg giờ là đã 180.000 đồng. Ngay con nước này, mỗi ngày gia đình 7 kg tôm tính ra cũng chênh lệch thêm 200.000 - 210.000 đồng”, ông Hol cho biết.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Lâm (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) có 2 ao nuôi tôm công nghiệp với diện tích 1.700 m2. Khoảng 2 tháng trước, giá tôm chỉ 94.000 đồng/kg. Sau đó, giá tôm tăng mạnh nên nửa tháng trước gia đình đã thu hoạch tôm ở độ tuổi 2,5 tháng.

Với giá bán 103.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), vợ chồng anh đã có lãi khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình anh Lâm vẫn đang tiếc vì nếu để đến nay, bán giá khoảng 107.000 đồng/kg thì hơn 2 tấn tôm đó có thể giúp gia đình có thêm chục triệu đồng.

Trước diễn biến giá tôm đang duy trì ở mức cao như hiện nay, mặc dù biết thời tiết thất thường, rủi ro cao hơn nhưng anh Hol cũng như nhiều hộ dân tại địa phương vẫn tiến hành cải tạo thả nuôi tiếp.

“Giá tôm 2 tháng nay từ 94.000 đồng/kg nay đã tăng lên. Tôm 100 con/kg đã có giá 103.000. Giá tôm tăng nên gia đình thu hơn 2 tấn tôm đã có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng”, anh Lâm cho biết.

Theo ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, năm nay lượng mưa lớn, sẽ thuận lợi cho công việc rửa mặn làm mô hình tôm – lúa. Những vùng đã được quy hoạch thực hiện mô hình này, bà con nên tranh thủ làm vụ lúa để tạo điều kiện thuận lợi cho vụ nuôi tôm sau đó.

Tuy nhiên, cũng chính lượng mưa nhiều, thời tiết thất thường đã làm độ mặn trong vuông tôm giảm mạnh và gây biến động môi trường. Từ đó, đối với hình thức nuôi quảng canh và thâm canh, người dân cần hết sức chú ý khâu chăm sóc. Đặc biệt, đối với những nơi điều kiện không thuận lợi thì bà con nên hạn chế, đợi tới chính vụ hãy xuống giống trở lại.

“Bà con nuôi tôm nên thận trọng trong việc thả giống, nhất là đối với thời điểm này. Các điều kiện nuôi quảng canh cần lưu ý, độ mặn dưới 7/1000 nên ngưng thả tôm, tập trung vào chăm sóc đàn tôm đang có. Bên cạnh đó, cần chú ý quản lý các môi trường nuôi biến động trong mùa mưa như PH, độ kiềm và các loại rong tảo. Còn riêng đối với mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, ở những vùng có đủ điều kiện, bà con lưu ý nếu có thả tôm thì cũng thả mật độ thấp”, ông Huy khuyến cáo.

Hiện nay, thị trường EU và Mỹ đang nhập mạnh mặt hàng tôm để chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm dẫn đến giá tôm tăng mạnh. Tuy nhiên, thông thường chỉ đến khoảng cuối tháng 11 nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường này sẽ giảm mạnh và giá tôm khó duy trì. Chính vì vậy, người nuôi tôm cần cân nhắc xuống giống vụ mới khi điều kiện nuôi hiện nay không thật sự thuận lợi và một vụ tôm kéo dài ít nhất 2 tháng. (VOV)
--------------------

Năm 2020 Việt Nam sẽ dần vắng bóng tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước vừa xây dựng kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt từ nay đến 2020.

cac phuong thuc thanh toan di dong dang duoc trien khai tai viet nam

Các phương thức thanh toán di động đang được triển khai tại Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017-2020. Kế hoạch này nhằm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xây dựng kế hoạch để phát triển thanh toán thẻ ngân hàng theo phương thức xuất trình thẻ vật lý, thẻ được số hóa qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán, bao gồm Point of Sale (POS), Mobile Point of Sale (mPOS) và các loại thiết bị chấp nhận thẻ khác tại điểm bán mà chủ thẻ có thể thực hiện giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ.

Ngân hàng nhà nước sẽ nghiên cứu, áp dụng một số giải pháp nhằm đạt mục tiêu phát triển thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán nhằm góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư. 

Cụ thể, nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán. Đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch/năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán khi mua hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ phục vụ thu ngân sách Nhà nước.

Các giải pháp được bàn đến là sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện hạ tầng chấp nhận thanh toán thẻ tại điểm bán.

Áp dụng các công nghệ thanh toán thẻ mới, hiện đại, có tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện lợi, trong đó bao gồm thanh toán sử dụng công nghệ thẻ chip (tiếp xúc và không tiếp xúc), thanh toán bằng thiết bị di động sử dụng công nghệ NFC/MST, thanh toán qua QR Code;…

Sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS dùng chung, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác và khuyến khích các tổ chức không phải ngân hàng đẩy mạnh sự liên kết và phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đầu tư, phát triển, quản lý, vận hành, cung ứng dịch vụ thuê ngoài hạ tầng mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ.

Đáng chú ý là công tác đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý; Tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán. Đồng thời, áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến, như tiêu chuẩn thẻ chip, 3D Secure, xác thực sinh trắc học, sử dụng QR Code, Tokenization,… phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán...

Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng nhắc đến công tác truyền thông, quảng bá, phổ biến kiến thức, giáo dục kỹ năng tài chính, tạo chuyển biến rõ nét hơn về nhận thức trong thanh toán, thanh toán qua POS, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác tại điểm bán bằng các biện pháp và cách thức phù hợp.

Xây dựng và triển khai các biện pháp vận động, khuyến khích kết hợp với các biện pháp khác đối với các đơn vị, cá nhân liên quan để thúc đẩy phát triển thanh toán qua POS, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác tại điểm bán.

Trong thời gian qua, nhiều phương thức thanh toán di động đã bắt đầu được nghiên cứu thử nghiệm và triển khai tại Việt Nam. Đáng chú ý là từ cuối tháng 9, giải pháp thanh toán di động Samsung Pay chính thức được triển khai trên toàn quốc. Theo thống kê sơ bộ tính đến ngày 28/9/2017 – thời điểm kết thúc giai đoạn thử nghiệm, lượt cài đặt ứng dụng Samsung Pay chạm mốc khoảng 20.000 lượt, lượt giao dịch bằng Samsung Pay đạt khoảng 6.000 lượt.(Infonet)
-------------------------------

Quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc vượt 900 tỉ USD

 Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết tài sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Trung Quốc (CIC), hay còn được gọi là Quỹ đầu tư quốc gia đã vượt mốc 900 tỉ USD tính tới cuối tháng 8-2017.

 

khu vuc trung tam thuong mai cua bac kinh - anh: reuters

Khu vực trung tâm thương mại của Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS

 

Con số này tăng gấp ba so với con số 249 tỉ USD vào thời điểm quỹ này được thành lập cách đây một thập kỷ.

CIC đã lớn mạnh vượt bậc để trở thành quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Quỹ lương hưu chính phủ của Na Uy vừa đạt 1.000 tỉ USD tính tới cuối tháng 9-2017.

Lợi nhuận hàng năm của CIC là 14,35%, trong đó hoạt động đầu tư ở nước ngoài đóng góp 5,51%.

"So với các tổ chức tài chính khác trên thế giới, lợi thế lớn nhất của chúng tôi là có sự chống lưng của thị trường Trung Quốc" - tổng giám đốc CIC Đồ Quang Thiệu trả lời với Tân Hoa Xã

Tính tới cuối năm 2016, gần một nửa dự án đầu tư của CIC tại nước ngoài tập trung vào các loại cổ phần công chúng, sau đó là các loại tài sản thay thế, thu nhập cố định, tiền mặt và các lĩnh vực khác. Khoảng 2/3 hoạt động đầu tư được quản lý từ bên ngoài. 

Theo tổng Giám đốc của CIC, sự phát triển của CIC trong 10 năm tới sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực của tổ chức này trong hoạt động đầu tư vào quá trình chuyển đổi mô hình của nền kinh tế Trung Quốc và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. 

CIC sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp và thị trường ở trong nước cũng như ngoài nước, ông Đồ Quang Thiệu cho biết.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục