tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-10-2017

  • Cập nhật : 08/10/2017

Amazon tự vận hành dịch vụ giao nhận, cạnh tranh trực tiếp với FedEx và UPS

amazon dang thu nghiem va sap toi se tu van hanh dich vu van chuyen, canh tranh truc tiep voi cac doi tac lau nam nhu fedex hay ups.nguon anh: mashable

Amazon đang thử nghiệm và sắp tới sẽ tự vận hành dịch vụ vận chuyển, cạnh tranh trực tiếp với các đối tác lâu năm như FedEx hay UPS.Nguồn ảnh: Mashable

Hiện tại, các thành viên đăng ký Amazon Prime đang được hưởng một tính năng rất cạnh tranh: Giao hàng trong vòng 2 ngày và hoàn toàn miễn phí. Cho đến nay, tính năng này chỉ mới áp dụng vào một số mặt hàng, và hầu hết việc giao nhận được đảm nhiệm bởi các đối tác FedEx và UPS. Tuy nhiên, vì mục tiêu làm phong phú hơn danh sách các mặt hàng được giao nhanh miễn phí này, Amazon đã tự tay vận hành dịch vụ giao nhận, cạnh tranh trực tiếp với các đối tác. Ngay sau khi có thông tin này, giá cổ phiếu của UPS và FedEx đã giảm lần lượt 2 và 2,3%.

Việc tự vận hành dịch vụ giao nhận sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới Amazon khi kiểm soát được khâu phân loại đơn hàng và giao hàng tận nơi. Quy trình của dịch vụ này sẽ là nhận hàng hóa từ kho của người bán, và giao thẳng đến nơi nhận hàng của người mua, giải tỏa áp lực rất lớn đang đè lên các kho hàng của Amazon hiện nay. Bên cạnh đó, việc trực tiếp thực hiện khâu giao hàng sẽ giúp Amazon dễ dàng hơn trong việc tính toán tỉ lệ giảm giá cho các đơn hàng lớn, giảm tình trạng tắc nghẽn tại kho hàng nhờ việc hàng hóa được lưu trữ tại nhiều nơi khác nhau. Theo Bloomberg, Amazon đang rất tự tin sẽ vận hành tốt dịch vụ khi đã thử nghiệm nó tại Ấn Độ trong suốt 2 năm qua. Dịch vụ giao nhận “chính hãng” vừa được Amazon áp dụng tại một số khu vực thuộc West Coast và sẽ mở rộng hơn trong năm 2018.

giao hang mien phi trong 2 ngay la tinh nang hap dan cua amazon prime

Giao hàng miễn phí trong 2 ngày là tính năng hấp dẫn của Amazon Prime

Có vẻ như bước đi này của Amazon đã được dự báo trước. Nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới này đã luôn có những cải tiến để thu ngắn thời gian cũng như chi phí cho khâu giao hàng, tạo nên giá trị hấp dẫn cho khách hàng. Amazon đã vận hành rất nhiều trung tâm phân loại hàng trên khắp nước Mỹ nhằm tối ưu hóa quy trình, tuy nhiên, họ vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các bên thứ 3 như FedEx hay UPS để hoàn thành khâu cuối: Vận chuyển hàng tận nơi. Việc tự vận hành dịch vụ vận chuyển sẽ giúp Amazon kiểm soát tốt hơn, mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho các khách hàng của mình, từ bước mua hàng cho tới khâu  nhận hàng.(NCĐT)
--------------------------

Ứng xử như thế nào đại chiến Taxi và Uber - Grab?

Ngành thuế muốn Uber đóng góp ngân sách nhiều hơn, giới taxi yêu cầu Uber-Grab ngừng hoạt động còn người tiêu dùng thì lại muốn sử dụng dịch vụ này. Làm thế nào để dung hòa những lợi ích đầy mâu thuẫn trong cuộc đại chiến này?

Ứng xử như thế nào đại chiến Taxi và Uber - Grab? - Ảnh 1.

Một hãng taxi tại Hà Nội dán khẩu hiệu phản đối quyết định 24 của Bộ GTVT - Ảnh: DANH TRỌNG

Hình ảnh những chiếc taxi ở Hà Nội dán khẩu hiệu ở phía sau phản đối một quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải, theo sau yêu cầu "dừng khẩn cấp" việc triển khai của Uber-Grab cho thấy cuộc đại chiến Taxi đã thêm một nấc mới.

Cùng lúc đó, ngành thuế ở TP.HCM đang quyết tâm truy thu số tiền thuế 66,68 tỉ đồng của Uber trong khi Hiệp hội Taxi ở thành phố này cũng có động thái hưởng ứng giới taxi ở Hà Nội.

Tưởng chừng như Uber và Grab là những tội đồ vừa lấy đi miếng cơm manh áo của giới tài xế taxi, vừa trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Giữa hai làn đạn đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng chuyện phản đối của giới taxi truyền thống chỉ là một nhóm doanh nghiệp, còn người tiêu dùng và xã hội lại có lợi ích từ các dịch vụ mới. 

"Cứ xem lượng người dùng đi lại thì rõ", ông Thọ nói.

Và người tiêu dùng, như câu nói của ông Thứ trưởng, lại lên tiếng ủng hộ những Uber và Grab.

Có thể nhìn thấy hai câu chuyện đầy mâu thuẫn ở trên, một là thuế, hai là cạnh tranh giữa taxi truyền thống và giới công nghệ. Chuyện đầu là quản lý nhà nước, chuyện sau thuộc về thị trường.

Thuế, như cách tính của TP.HCM, Uber phải nộp hơn 66 tỉ đồng. Còn theo cách tính của giới Taxi Hà Nội, với doanh thu hơn 18.000 tỉ đồng, nhưng Uber và Grab chỉ đóng góp cho ngân sách vỏn vẹn 15,8 tỉ đồng là quá ít. Vì thế ngành thuế nhất định "cưỡng chế" còn giới taxi thì yêu cầu hai hãng trên cần phải dừng khẩn cấp.

Thuế quả thật là một cuộc chiến trốn tìm quyết liệt từ xưa đến nay, và là nỗi đau đầu của không biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới, từ phát triển đến đang phát triển. 

Ở khía cạnh này đa phần đều đứng về phía cơ quan nhà nước, ủng hộ các công ty như Uber và Grab phải thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Nhưng đứng trên góc độ cạnh tranh trên thị trường, đa số ý kiến lại đứng về phía Uber và Grab khi ở vai trò là người tiêu dùng, họ được thụ hưởng những lợi ích của hình thức vận tải mới này mang lại. 

Trái với những taxi giá cao mà thái độ phục vụ không tốt, những Uber và Grab đã "đốn tim" các hành khách bằng giá rẻ hơn và dịch vụ tốt hơn. 

Cũng có nhiều người nhắc đến chuyện thuế nhưng rồi phần "thất thu" đó lại được phân chia cho cộng đồng. Và quan trọng hơn, chính họ làm thay đổi cả một ngành truyền thống không muốn thay đổi.

Nhưng rồi, một câu hỏi vẫn phải đặt ra: Uber và Grab vẫn phải công bằng trong đóng thuế chứ?

Và không ít người gật gù: Thuế nhất định phải thu, nhưng Uber và Grab nhất định phải được tạo điều kiện để phát triển chứ không thể điều khiển thị trường bằng những mệnh lệnh cấm đoán. 

Điều đó không hề dễ dàng để làm dung hòa tất cả các bên liên quan từ ngành thuế, Uber-Grab, taxi truyền thống đến người tiêu dùng, và ai cũng đều có các lý do thuyết phục của mình.

Giữa các cuộc chiến đó, câu hỏi đặt ra là liệu ngành thuế và giới taxi truyền thống có nên nâng cấp mình lên theo kịp các tiến bộ của công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để có thể không phải loay hoay với các trường hợp của Uber?

Còn giới taxi, cũng có những động thái mới trong thiết kế các app gọi xe, tương tự như cách của Uber và Grab, cùng cạnh tranh sòng phẳng để chinh phục người tiêu dùng?

Hay lựa chọn kéo những Uber và Grab xuống cho ngang với các công ty taxi truyền thống để dễ bề quản lý, vì rằng mô hình kinh doanh kiểu mới này "chưa có trong quy định của Việt Nam? (Tuoitre)
-----------------------------

Chủ đầu tư "lật kèo", gần 100 khách không mua được nhà

 Đã nộp tiền giữ chỗ nhưng gần 100 khách hàng lại không được tham gia bốc thăm, quay số nhận nhà trong ngày mở bán.

Sáng 7-10, tại buổi mở bán dự án chung cư Topaz Elite (đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM) do Công Ty CP Thương mại Dịch vụ Xây dựng kinh doanh nhà Vạn Thái phát triển và phân phối, khoảng 100 khách hàng đã yêu cầu chủ đầu tư giải thích rõ về việc họ đã nhận thông báo về số căn hộ họ đặt mua và đóng cọc trước đó nhưng chủ đầu tư lại báo đã bán hết hoặc không mở bán.

Chủ đầu tư lật kèo, gần 100 khách không mua được nhà - Ảnh 1.

Buổi mở bán chung cư Topaz Elite có hàng trăm khách hàng đặt chỗ nhưng không mua được căn hộ

Anh Trần Phạm Thiên Vũ (ngụ tỉnh Bình Phước), một khách hàng có thoả thuận đặt chỗ với Công ty Vạn Thái, cho biết khi nghe quảng cáo về dự án trên, anh và nhiều bạn bè tìm đến mua. Anh Vũ đặt cọc 30 triệu đồng để giữ căn hộ có diện tích 60 m2, giá 1,6 tỉ đồng.

Chủ đầu tư lật kèo, gần 100 khách không mua được nhà - Ảnh 2.

Nhiều khách hàng tập hợp phiếu đặt chỗ lại để khiếu nại chủ đầu tư.

Ngày 26-8, anh Vũ nhận phiếu đặt chỗ, trong đó có thoả thuận về xử lý số tiền 30 triệu đồng. Cụ thể, đến ngày mở bán, nếu khách hàng đồng ý mua sản phẩm thì số tiền đặt chỗ sẽ chuyển sang các thủ tục tiếp theo để thực hiện giao dịch. Trường hợp không mua sẽ mất quyền ưu tiên giữ chỗ và chủ đầu tư sẽ hoàn trả tiền cọc sau 3 ngày làm việc kể từ ngày mở bán. Nội dung thoả thuận trong phiếu đặt chỗ khiến anh Vũ và nhiều khách hàng khác yên tâm rằng mình sẽ chọn được căn hộ ưng ý trong ngày mở bán.

"Thật không ngờ, chúng tôi có nhu cầu mua nhưng chủ đầu tư lại thông báo đã bán hết hoặc... không mở bán những căn hộ mà chúng tôi đặt trước. Chưa kể trong ngày mở bán chúng tôi không được tham gia bốc thăm hay quay số lấy vị trí căn hộ như lời quảng cáo. Đại diện chủ đầu tư thừa nhận sai sót và cam kết khắc phục nhưng việc khắc phục như thế nào thì không ai giải thích rõ với chúng tôi" - anh Vũ lo lắng.

Trong phiếu đặt chỗ không có thoả thuận về trường hợp khách hàng có nhu cầu mua nhưng chủ đầu tư từ chối bán căn hộ theo thoả thuận.

Sau khi nhận phản ánh của người mua nhà, phóng viên đã cố liên lạc với chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xây dựng kinh doanh nhà Vạn Thái để được giải thích thêm nhưng không được hồi đáp.

Các khách hàng này cho biết nếu công ty không giải quyết thoả đáng họ sẽ kiện ra toà án

Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục thông tin với bạn đọc sự việc này.(NLĐ)
------------------------

Tận thu không bằng chống thất thoát

tam tinh theo so lieu thu ngan sach tu bia nam 2016 la 30.000 ti dong, so tien that thu thue o san pham nay vao khoang 2.100-3.000 ti dong/nam.nguon anh: quy hoa

Tạm tính theo số liệu thu ngân sách từ bia năm 2016 là 30.000 tỉ đồng, số tiền thất thu thuế ở sản phẩm này vào khoảng 2.100-3.000 tỉ đồng/năm.Nguồn ảnh: Quý Hòa

Tăng thu bằng cách nâng cao các mức thuế khó tạo được sự đồng thuận. Thay vào đó, phải nỗ lực chống thất thoát thuế, ngân sách.

Nhận diện một cách tăng thu

Khi những băn khoăn của dư luận về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính còn chưa kịp lắng xuống, lần thứ 3, có thông tin Bộ Công Thương đề xuất dán tem cho sản phẩm bia trên thị trường, dự kiến mang lại hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm cho ngân sách. Mặc dù phương án đã không được Bộ xem xét nhưng không ít dư luận cho rằng, động thái này là nhằm cân đối lại khoản thiếu hụt ngân sách.

Đặt trong bối cảnh bội chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2017, dù thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, vẫn ở mức 20.100 tỉ đồng, đề xuất nói trên phải được đánh giá là “nhất cử lưỡng tiện” khi vừa thu thêm tiền, vừa thực hiện trọn vẹn trách nhiệm quản lý nhà nước. Dù người ta dễ đánh đồng việc dán tem bia như một hình thức tăng thu mới, không thể bác bỏ thực tế, bia không nên được coi là sản phẩm khuyến khích tiêu dùng. Thêm chi phí, người dùng trả thêm tiền, đồng nghĩa, động cơ tiêu dùng sẽ giảm.

Mổ xẻ vấn đề khách quan hơn, đề xuất dán tem bia, thậm chí, phải được coi là cách tiếp cận tương đối hợp lý nếu đặt mục tiêu tăng thu cho ngân sách. Theo khái toán của Bộ Công Thương, dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến các chuyên gia, chênh lệch giữa sản lượng bia khai báo nộp thuế với sản lượng thực tế lên tới 7-10%. Tạm tính theo số liệu thu ngân sách từ bia năm 2016 là 30.000 tỉ đồng, số tiền thất thu thuế ở sản phẩm này vào khoảng 2.100-3.000 tỉ đồng/năm. Nếu điều Bộ Công Thương thực sự muốn thay đổi là chuyển dòng tiền từ nhóm lợi ích sang chiếc túi ngân sách, hỗ trợ Bộ Tài chính giảm thiểu thất thoát thuế, dán tem bia là một giải pháp tiềm năng. Khi đó, rắc rối của việc sản phẩm đội một vài trăm đồng hoàn toàn có thể xử lý hài hòa, để doanh nghiệp không thể viện vào cớ này mà tăng giá sản phẩm.

Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, lý giải, ngân sách mất cân đối, chi lớn hơn thu đòi hỏi phải tái cơ cấu ngân sách, bao gồm cả 2 nhiệm vụ tăng thu và giảm chi. Với vai trò thừa hành như Bộ Tài chính, trách nhiệm chính đặt ra là phải cơ cấu nguồn thu. Tuy nhiên, thực tế vừa ghi nhận, tăng thu bằng cách tăng thuế không thể tạo được sự đồng thuận. “Giải pháp ngắn hạn là tăng thu bằng cách chống thất thu từ trốn thuế, chuyển giá... Về dài hạn, kinh nghiệm của thế giới là phải biết nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu chỉ tận thu thì không bao giờ có nguồn thu bền vững và ổn định”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Tiếp cận theo cách này, một “mỏ vàng” cho ngân sách đã được phát lộ. Theo Bộ Tài chính, căn cứ vào báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế tính từ 1.7.2014 đến 30.11.2016, có 60 trường hợp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tất cả các trường hợp này đều chuyển từ đất sản xuất kinh doanh sang cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê.

Nếu không có sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo, khả năng xảy ra thất thoát trị giá vài ngàn tỉ đồng có thể đoán trước. Những thất thoát như trên không chỉ nằm ở đất vàng, đồng nghĩa, khả năng tăng thu từ việc bịt lỗ hổng thất thoát lớn hơn rất nhiều so với những hình dung của dư luận. Nhờ đó, sẽ không còn nữa những câu chuyện như tăng VAT hay tăng thuế môi trường đánh vào sản phẩm xăng dầu...

Nuôi dưỡng nguồn thu

Một gợi ý khác cho cân đối ngân sách hiện nay bất ngờ đến từ ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á mới đây, ông Eric Sidgwick cho rằng, thuế suất ở Việt Nam không phải quá cao nếu so với mức trung bình thế giới, nhưng Việt Nam miễn thuế quá nhiều, đặc biệt là cho các doanh nghiệp FDI. Vị chuyên gia ADB khuyến nghị, Việt Nam cần cơ cấu lại thuế và xem xét lại vấn đề miễn giảm thuế.

Tan thu khong bang chong that thoat

Quả thật, mặt trái của thảm đỏ FDI đã được nhiều chuyên gia kinh tế trong nước chỉ ra. Không phủ nhận, trong cỗ máy kinh tế Việt Nam hiện tại, động cơ rất mạnh của thành tích xuất khẩu, cũng như tăng trưởng GDP là từ nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, không một nền kinh tế nào lại chọn dựa vào nguồn lực nước ngoài mà tước đi cơ hội trưởng thành và lớn mạnh của bộ phận kinh tế trong nước.

Nói như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam phải bước qua giai đoạn cần vốn, tăng cường đến mức tối đa lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài để họ chọn thị trường Việt Nam. Đã đến lúc phải rà soát lại chính sách ưu đãi và lựa chọn doanh nghiệp FDI, không nên lóa mắt bởi những thành tích xuất khẩu chỉ mang lại giá trị gia tăng cho nước ngoài, còn Việt Nam chỉ nhận được phần lợi ích từ gia công giá rẻ.

Tính toán của Tiến sĩ Bùi Trinh củng cố chắc chắn hơn nhận định nói trên. Theo đó, nhìn vào số liệu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp, tỉ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất giảm từ 34,7% năm 2007 xuống chỉ còn 21,7% vào năm 2015. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, dù tỉ trọng xuất khẩu của FDI tăng từ 57% năm 2005 lên gần 70% trong năm 2015, nhưng tỉ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại tăng không đáng kể (từ 15,2% năm 2005 lên khoảng 20% năm 2016). Điều này chứng tỏ, sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp và dù khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế lại không tương xứng.

“Thuế đối với doanh nghiệp là chi phí. Chi phí giảm thì lợi ích doanh nghiệp nhận được nhiều hơn. Doanh nghiệp FDI được ưu đãi, miễn giảm thuế là không công bằng với các doanh nghiệp nội địa. Lẽ ra cần phải giúp doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đủ sức cạnh tranh được chứ không phải ưu tiên cho FDI như cả chục năm vừa qua”, ông Lê Cao Đoàn khẳng định.

Có thể nói, lời vàng từ vị lãnh đạo ADB có thể là một cú hích giúp Việt Nam mạnh dạn hơn trong chính sách với doanh nghiệp FDI. Mũi tên sẽ trúng hai đích: một mặt, cải thiện nguồn thu trực tiếp cho ngân sách từ việc nâng mức đóng góp của doanh nghiệp FDI; mặt khác, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, nuôi dưỡng nguồn thu từ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục