tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 10-10-2017

  • Cập nhật : 10/10/2017

Amazon nhận “gáo nước lạnh” đầu tiên từ thị trường Singapore

Háo hức cho ra mắt Prime Now vào tháng 7, Amazon vẫn chưa thể chinh phục được thị trường Đông Nam Á này bởi đối thủ cạnh tranh quá mạnh là Lazada, được Alibaba hậu thuẫn.

Amazon nhận “gáo nước lạnh” đầu tiên từ thị trường Singapore

Dịch vụ giao hàng nhanh Prime Now không thành công như mong đợi.

Bước chân vào thị trường Đông Nam Á với hy vọng vào một Singapore đầy tiềm năng, nhà bán lẻ trực tuyến đang phải đối mặt với một số trở ngại không nhỏ: người dân Singapore không hứng thú mua sắm online và coi việc mua sắm tại các trung tâm thương mại như một môn thể thao, còn các đối thủ của Amazon thì đã tới đây từ lâu.

Sự chậm trễ trong giao hàng cũng làm cho Amazon phải muối mặt trong lần ra mắt vào tháng 7, khi dịch vụ giao hàng nhanh Prime Now đảm bảo giao hàng trong hai giờ được áp dụng. Ngay cả khi khách đặt hàng trên website của hãng tại Mỹ, trang chủ của Amazon vẫn load chậm hơn Lazada và Alibaba.

Đối với người tiêu dùng của quốc đảo này, các cửa hàng hoặc trung tâm mua sắm thường chỉ cách nơi họ sống vài phút đi bộ.  Theo Euromonitor International, vào năm ngoái, doanh số bán lẻ trực tuyến của Singapore chỉ có 4,6% trong khi đó của Anh và Mỹ lần lượt là 15% và 10%.

Biểu đồ cho thấy mức độ mua sắm online của Singapore rất thấp so với Anh, Mỹ và khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Xét về quy mô tại Singapore, Lazada đã vượt xa Amazon và cung cấp hơn 30 triệu sản phẩm so với chỉ vài chục ngàn thông qua Prime Now của Amazon. Nhà bán lẻ trực tuyến châu Á, do Rocket Internet SE thành lập vào năm 2011, có hơn 6,6 triệu khách truy cập mỗi tháng và đã nhận được đơn hàng từ năm 2016.

Các cửa hàng web của Lazada-Alibaba đã có 988.000 khách truy cập vào tháng 8, Amazon chỉ đứng thứ 2 với 698.000 khách. Ông Tan Yong Kee, Giám đốc điều hành của AsiaMalls, điều hành 6 trung tâm mua sắm tại Singapore cho biết: "Lý do chính khiến người tiêu dùng tiếp tục mua sắm trong một cửa hàng thực tế là trải nghiệm tại cửa hàng đó - một điều mà mua sắm online không thể thay thế”. (ICT News)
------------------------------

Mỹ dừng cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đáp trả

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giảm hoạt động cấp thị thực cho công dân quốc gia còn lại, khiến căng thẳng ngoại giao giữa hai nước gia tăng.

Mỹ dừng cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đáp trả

Đại sứ quán Mỹ tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Press TV.

Đại sứ quán Mỹ tại Ankara ngày 8/10 thông báo "những sự kiện gần đây" buộc chính phủ Mỹ phải đánh giá lại "cam kết" của Thổ Nhĩ Kỳ với các phái bộ và nhân viên ngoại giao Mỹ tại nước này.

Nhằm tối thiểu hóa số du khách trong thời gian đánh giá, "chúng tôi đã đình chỉ dịch vụ cấp thị thực không định cư tại toàn bộ cơ sở ngoại giao Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh có hiệu lực ngay lập tức", AFP dẫn thông báo từ đại sứ quán Mỹ tại Ankara cho biết.

Thị thực không định cư được cấp cho những người đến Mỹ để du lịch, chữa bệnh, kinh doanh, công tác hoặc nghiên cứu tạm thời. Thị thực định cư chỉ dành cho người muốn sinh sống lâu dài tại Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày đáp trả bằng việc đình chỉ "mọi dịch vụ thị thực" cho công dân Mỹ. Các biện pháp còn áp dụng với thị thực được cấp trực tuyến và tại biên giới. Thông báo của đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington giống gần hoàn toàn với thông báo của đại sứ quán Mỹ ở Ankara, dường như để chế giễu Mỹ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây tăng cao do Washington hỗ trợ quân sự cho Các đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) người Kurd ở Syria, bị Ankara coi là nhánh của đảng Công dân người Kurd (PKK), lực lượng phát động phong trào nổi dậy suốt ba thập kỷ qua ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ còn thúc giục Mỹ về việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, đang sống ở bang Pennsylvania, liên quan đến cuộc đảo chính quân sự bất thành tháng 7/2016 nhưng chưa có kết quả. Gulen bác cáo buộc có liên quan đến đảo chính. (Vnexpress)
--------------------

Big C bất ngờ tuyên bố sẽ dừng bán nhãn hàng riêng

Hệ thống siêu thị Big C (gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi đã lọt vào tay đại gia Thái Lan với giá 1,05 tỉ USD) vừa cho biết họ sẽ ngưng bán nhãn hàng riêng.

Khó đưa hàng vào siêu thị, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt chấp nhận chọn con đường gia công làm nhãn hàng riêng cho siêu thị - mang thương hiệu riêng của siêu thị. Khi gia công nhãn hàng riêng, DN mong muốn có chỗ đứng trong siêu thị, có đầu ra cho sản phẩm. Nhưng nay cửa vào siêu thị của DN Việt đang hẹp dần.

Cửa hẹp cho DN Việt

Hệ thống siêu thị Big C (gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi đã lọt vào tay đại gia Thái Lan với giá 1,05 tỉ USD) vừa cho biết họ sẽ ngưng bán nhãn hàng riêng.

Đây là động thái khá bất ngờ bởi từng có thời điểm siêu thị này tuyên bố có trên 1.000 mặt hàng mang nhãn hàng riêng, từ thực phẩm đông lạnh, chế biến, hóa mỹ phẩm cho đến những đồ dùng trong gia đình. Đồng thời siêu thị này cũng từng khẳng định sẽ đầu tư để phát triển mạnh mảng kinh doanh này.

Là khách hàng lâu nay thường mua nhãn hàng riêng của Big C, chị Lan Hương nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM tỏ ra tiếc nuối. “Lâu nay tôi thường mua hàng thực phẩm chế biến mang thương hiệu riêng của siêu thị vì giá rẻ hơn 10%-30% so với các nhóm hàng cùng thương hiệu. Nhờ đó tôi tiết kiệm được đáng kể chi tiêu cho gia đình. Ví dụ cùng một lít dầu ăn, nếu mang nhãn hàng siêu thị bán giá 24.000 đồng, trong khi hàng thương hiệu nổi tiếng giá tới khoảng 34.000-36.000 đồng. Nay nghe tin siêu thị ngừng bán nhãn hàng riêng tôi thấy hơi lạ và tiếc” - chị Hương nói.

Một DN gia công sản phẩm giấy cho Big C chia sẻ đang làm ăn với một đối tác có đơn hàng, doanh số ổn định nay bỗng dưng bị ngừng hợp đồng thì ít nhiều có ảnh hưởng đến kinh doanh. Ví dụ, sản phẩm bị thu hẹp đầu ra, lãng phí công suất máy móc, thiết bị, đối mặt với việc cắt giảm nhân công... Khó khăn khi siêu thị không còn đặt hàng làm nhãn hàng riêng nữa là điều chắc chắn.

“Theo tôi, việc Big C tuyên bố ngưng phát triển nhãn hàng riêng nhưng trên thực tế có đúng như vậy hay không thì cần phải kiểm chứng. Rất có thể họ không đặt hàng DN Việt làm nhãn hàng riêng là để phục vụ cho một chiến lược nào đó” - vị đại diện công ty trên nhận định.

Big C bất ngờ tuyên bố sẽ dừng bán nhãn hàng riêng - ảnh 1
Hiện nay mỗi siêu thị đều có hàng ngàn mặt hàng mang nhãn hàng riêng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Big C. Ảnh: TÚ UYÊN

Đại diện một công ty chế biến thực phẩm có sản lượng sản xuất hàng nhãn riêng chiếm khoảng 30% trong tổng công suất của DN cũng cho hay: Sở dĩ công ty sản xuất hàng nhãn riêng cho nhà bán lẻ vì muốn tận dụng tối đa công suất của máy móc, tạo việc làm ổn định cho người lao động, không phải lo về thị trường đầu ra cho sản phẩm và giảm được nhiều khoản chi phí khác.

“Chúng tôi xem việc làm gia công cho các thương hiệu của nhà bán lẻ như là mảng sản xuất chính của mình. Chúng tôi cũng ý thức được rằng khi làm nhãn hàng riêng cho siêu thị thì hình ảnh thương hiệu của bản thân DN ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng nếu không làm thì DN khác sẽ làm. Rất tiếc là họ chỉ cần mình trong một giai đoạn, sau đó sẵn sàng bỏ mình” - vị đại diện DN trên ngậm ngùi.

TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối bán lẻ, nhận định: “Nếu siêu thị tìm đựợc nhà gia công khác tốt hơn, giá rẻ hơn thì họ sẽ thay đối tác ngay”.

Ngưng nhãn hàng riêng để hỗ trợ DN Việt?

Đại diện hệ thống siêu thị Big C xác nhận đã hạn chế chính sách phát triển nhãn hàng riêng, chỉ bán nhãn hàng riêng còn tồn đọng. Thay vào việc phát triển nhãn hàng riêng, siêu thị sẽ tập trung hỗ trợ các DN Việt phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu của riêng họ. Đặc biệt là các DN vừa và nhỏ địa phương thông quan chương trình Đồng hành cùng thương hiệu Việt.

“Với chính sách mới này, các DN vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ phát triển thương hiệu riêng, hỗ trợ mặt bằng để trưng bày hàng hóa trong siêu thị. Đồng thời, họ sẽ được ưu tiên để có thể tiếp cận người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu, xây dựng kênh phân phối mới…” - đại diện Big C cam kết.

Tuy nhiên, nhiều DN và chuyên gia tỏ ra hoài nghi về lời hứa của Big C. “Tôi nghĩ họ ngừng đặt DN Việt làm nhãn hàng riêng để tạo cơ hội cho hàng Thái Lan lấp đầy siêu thị. Việc thay đổi chính sách này chủ yếu có lợi cho siêu thị. Thực tế cho thấy sau khi tập đoàn bán lẻ của Thái Lan Central Group mua lại Big C, họ cũng ưu ái cho hàng Thái và không còn mặn mà với DN Việt” - đại diện một DN không muốn nêu tên nói. (PLO)
---------------------------

Đà Nẵng sắp xây cầu vượt 3 tầng gần 500 tỉ đồng

Cầu vượt 3 tầng trị giá gần 500 tỉ đồng dự kiến được xây dựng tại nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý để giải bài toán ùn tắc, kẹt xe.

Ngày 9-10,  tại buổi báo cáo phương án cải tạo một số nút giao thông trên địa bàn TP Đà Nẵng,  Sở GTVT TP Đà Nẵng đã báo cáo lên lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng phương án thiết kế, thi công công trình cầu vượt 3 tầng tại nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý. Đây là phương án thiết kế ban đầu và sẽ công bố rộng rãi nhằm lấy ý kiến đóng góp của người dân cũng như các nhà chuyên môn.

phoi canh cau vuot 3 tang tai nut giao thong phia tay cau tran thi ly

Phối cảnh cầu vượt 3 tầng tại nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý

 

 Cầu vượt được thiết kế 3 tầng với tầng cao nhất được bố trí cầu vượt thép, tầng mặt đất làm vòng xoay và tầng dưới cùng sẽ là công trình hầm chui.

Theo báo cáo, đây là phương án thiết kế khá tối ưu vì không phải giải tỏa đền bù đất. Tổng kinh phí để xây dựng công trình nào dự kiến gần 500 tỉ đồng.

Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý nối bờ Tây và bờ Đông sông Hàn nên có lưu lượng phương tiện dày đặc. Đây cũng là điểm đen ùn tắc, kẹt xe ở TP Đà Nẵng. Nếu được xây dựng, công trình cầu vượt 3 tầng sẽ giải quyết tình trạng kẹt xe tại khu vực này và giải tỏa áp lực cho nút giao thông phía Tây cầu Rồng. Dự kiến, công trình sẽ được khởi công vào năm 2018.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục