tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 09-10-2017

  • Cập nhật : 09/10/2017

10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì 7,5 đồng thuộc về FDI, nếu FDI đi thì chúng ta còn lại gì?

"Những đóng góp FDI rất lớn nhưng ngoài những điều đó thì vấn đề mà chúng ta phải quan tâm đó là sau khi họ đi sẽ để lại những cái gì?", bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đặt vấn đề.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Tại toạ đàm “30 năm lan toả vốn FDI” do BizLIVE tổ chức diễn ra chiều 6/10 tại FLC Vĩnh Phúc, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: "Có một con số rất ám ảnh. Cách đây một số năm thì 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì 5 đồng thuộc về doanh nghiệp FDI, nhưng đến nay con số này là 7,5 đồng".

Lo ngại về con số này, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đặt vấn đề: "Những đóng góp FDI rất lớn nhưng ngoài những điều đó thì vấn đề mà chúng ta phải quan tâm đó là sau khi họ đi sẽ để lại những cái gì?"

Trong cơ cấu GDP, đóng góp của FDI rất lớn, tuy nhiên đóng góp cao không có nghĩa là khu vực này sẽ lan toả vào độ sâu của nền kinh tế. Lan toả ở đây nói nhiều hơn những khoảng cách khác nhau, đó là vấn đề năng suất.

"So sánh năng suất lao động của FDI với các khu vực khác, thì khu vực FDI có năng suất cao nhất. Nhưng đối với Việt Nam không phải là vấn đề tăng trưởng kinh tế mà cái sâu xa là tăng năng suất lao động, điều đó mới là cần thiết", bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn: "Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu rất tốt nhưng sức lan tỏa giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân còn chưa tốt".

"Hàng năm, chúng tôi đều có những cuộc điều tra, trong đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước rất khiêm tốn. Dù có chuyển động nhưng rất chậm chạp", ông Tuấn cho biết.

 ong dau anh tuan - truong ban phap che vcci. anh: quang son

 Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI. Ảnh: Quang Sơn

Trở lại câu hỏi chính, lan toả giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân còn chưa tốt, hàng năm, VCCI đều có những cuộc điều tra, trong đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ.

Một lý do khiến lan toả từ FDI sang tư nhân thấp là do loại hình hoạt động, trước đây có nhiều mô hình liên doanh giữa FDI và tư nhân, hiện nay gần như toàn bộ là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Về phía Việt Nam cũng có một số điểm yếu như tính minh bạch, chất lượng dịch vụ công, hạ tầng còn thấp.

Đáng nói là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao kết nối với doanh nghiệp trong nước ngày càng hạn chế. Vậy điều gì cản trở? Tôi cho rằng sự liên kết còn yếu do 3 yếu tố. Một là, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng. Hai là, trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ công nghệ. Ba là, khoảng cách địa lý ảnh hưởng rất lớn.

Vẽ lại biểu đồ nhà máy trong nước và FDI thì thấy ở đâu các doanh nghiệp trong nước với FDI gần nhau hơn thì có sự kết nối nhiều hơn. Còn khoảng cách xa hơn thì ít tương tác hơn. Việt Nam sắp thành lập đặc khu, càng riêng biệt vậy thì sự lan toả của FDI lại càng hạn chế hơn.

Lương FDI trả cho nhân công khoảng 7 đến 8 triệu/người/tháng, doanh nghiệp nhỏ không đủ sức cạnh tranh. Khoảng cách giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI cũng rất lớn và năng lực cạnh tranh cũng rất kém. Do đó, cần có một chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

"Yếu tố hàng đầu, quan trọng nhất của Việt Nam hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài là chi phí rẻ. Trong 10 yếu tố hấp dẫn hàng đầu không có yếu tố nào về chất lượng điều hành, chỉ toàn là chi phí rẻ. Nhưng yếu tố chi phí rẻ này sẽ dần mất đi khi chi phí lương tăng lên, đất đai không còn quá sẵn, hết dần, môi trường bị siết chặt lại... Liệu Việt Nam có còn là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nữa hay không?", ông Tuấn đặt vấn đề. (bizlive)
-----------------------------

Ông Trương Gia Bình làm Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

Chủ tịch Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình giữ chức Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, theo quyết định vừa được phê duyệt.  

 

ong truong gia binh vua duoc bo nhiem giu chuc truong ban nghien cuu phat trien kinh te tu nhan.

Ông Trương Gia Bình vừa được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 842 thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính. 

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn PFT, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam làm Trưởng ban. Ông Don Lam, Tổng giám đốc Vina Capital giữ chức Phó ban.

Bốn thành viên khác trong Ban nghiên cứu đều là những doanh nhân nổi tiếng, gồm: ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh; ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Chủ tịch Ngân hàng An Bình; ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân sẽ chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với mục tiêu kinh tế quốc gia, chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Việc thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đưatinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển cũng như nâng cao vai trò, vị thế của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế Việt Nam.(Vnexpress)
---------------------

Doanh thu Vinacomin 9 tháng đạt 76.7 ngàn tỷ, lãi khối khoáng sản gấp 5 lần kế hoạch

Quý IV/2017, TKV đặt kế hoạch than nguyên khai sản xuất 8 triệu tấn, cả năm đạt 35 triệu tấn; than tiêu thụ 10,2 triệu tấn, cả năm tối thiểu 34,5 triệu tấn.

Sáng ngày 6/10 tại Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin- TKV) đã tổ chức Hội nghị sơ kết quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV/2017.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm, Tập đoàn đã sản xuất 26,81 triệu tấn than nguyên khai; bốc xúc đất đá 92,35 triệu m3; đào lò đạt 166.036 m; than tiêu thụ 24,24 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước đạt 23,26 triệu tấn, xuất khẩu 1,07 triệu tấn. Các lĩnh vực sản xuất khác như sản xuất alumin quy đổi đạt 805.325 tấn; sản xuất điện đạt 6,708 tỷ kWh.

Theo đó, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 76.693 tỷ đồng; thu nhập bình quân ước đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, sản xuất alumin tăng cao, lợi nhuận từ khối khoáng sản đạt 290 tỷ đồng/60 tỷ kế hoạch; sản lượng than khai thác bằng cơ giới hóa đạt 1,95 triệu tấn, tương ứng 68,5% kế hoạch năm (KHN), bằng 225% cùng kỳ; mét lò chống bằng vì neo đạt 8.113 m, tương ứng 122% kế hoạch giao và bằng 179,3% cùng kỳ... Cùng với đó, Tập đoàn tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tái cơ cấu, cơ giới hóa, tự động hóa, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất...

Về nhiệm vụ quý IV/2017, Tập đoàn tiếp tục cân đối giữa sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ, phấn đấu tăng tối đa các sản phẩm khoáng sản, hóa chất, điện... để ổn định việc làm, đáp ứng nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ.

Cụ thể về các chỉ tiêu chủ yếu gồm than nguyên khai sản xuất 8 triệu tấn, cả năm đạt 35 triệu tấn; than tiêu thụ 10,2 triệu tấn, cả năm tối thiểu 34,5 triệu tấn và phấn đấu ở mức cao hơn; bóc đất đá 40 triệu m3, cả năm 135 triệu m3; mét lò đào 70.000m, cả năm 240.000m; sản xuất alumin 340.000 tấn, cả năm 1,1 triệu tấn; sản xuất điện 2,7 tỷ kWh, cả năm 9,3 tỷ kWh...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh rằng Tập đoàn và các đơn vị cần tiếp tục đổi mới quản lý, công nghệ, dây chuyền sản xuất, mở rộng các lĩnh vực có thế mạnh, thực hiện tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, tăng cường quản lý tài nguyên than, công tác an toàn, môi trường...

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải cho biết trong quý IV/2017, Tập đoàn tiếp tục bám sát diễn biến, dự báo thị trường, cân đối sản xuất và tiêu thụ; sản xuất các chủng loại than chất lượng cao cho xuất khẩu và một số hộ tiêu dùng trong nước; quyết liệt các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, môi trường, công tác tuyển dụng, đào tạo và giữ chân thợ lò...; tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD quý IV và cả năm 2017, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch 2018. (NDH)
--------------------------

Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia: Tăng trưởng GDP cả năm có thể vượt chỉ tiêu 6,7%

Báo cáo Tình hình kinh tế - tài chính 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) nhận định, tăng trưởng cả năm có thể vượt mức 6,7% - chỉ tiêu được coi là không thể đạt được vài tháng trước đây.

Ông Dương Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cũng có nhận định tương tự và cho rằng "đây không phải là dự báo quá lạc quan".

UBGSTCQG đánh giá tăng trưởng GDP trong quý III/2017 đã đạt kết quả ấn tượng với mức tăng 7,46% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân GDP tăng mạnh trong quý III là do cả 3 khu vực của nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.

Phân rã tăng trưởng cho thấy, thành phần xu thế - thể hiện năng lực cung của nền kinh tế đã liên tục cải thiện. Qua đây, UBGSTCQG nhận định rằng, các giải pháp của Chính phủ đề ra nhằm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp đã đạt được những kết quả rất tích cực, tạo xung lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

UBGSTCQG cho rằng, cầu tiêu dùng, cầu đầu tư sẽ tăng mạnh hơn khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh trong quý 4. Đồng thời, xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn do những diễn biến thuận lợi của tình hình kinh tế thế giới cũng như tăng trưởng thương mại toàn cầu.

“Do đó, tiếp đà phục hồi mạnh của quý II và quý III, UBGSTCQG dự báo tăng trưởng quý IV sẽ đạt khoảng 7,5-7,7%. Tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt trên 6,7%” – Bản báo cáo viết.

Về lạm phát, UBGSTCQG nhận thấy xu hướng hiện đang ổn định do giá hàng hoá lương thực, thực phẩm ít có khả năng biến động. Trong trường hợp không có sự đột biến về điều chỉnh giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm thì lạm phát 2017 chỉ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.

Trước đó, các ý kiến phân tích tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2017 cũng chỉ ra rằng quý IV còn nhiều dư địa cho tăng trưởng. Nếu thực hiện tốt thì tăng trưởng kinh tế năm nay có thể còn lớn hơn 6,7%.

Tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ vượt 6,7% cũng là ý kiến của ông Dương Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê). Theo ông, đây không phải dự báo “quá lạc quan” mà hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, Quý IV còn xuất hiện thêm nhiều nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: miễn thị thực nhập cảnh đối với 5 quốc gia châu Âu; giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống thêm 0,5%, đồng thời tăng trưởng tín dụng đạt 21-22% thay vì 18%; rà soát để loại bỏ giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh không cần thiết

Hiện nay, nhiều bộ ngành đang khẩn trương rà soát và giảm các loại phí, lệ phí, giấy phép. Bộ Tài chính đã giảm hàng loạt các loại phí, lệ phí và đang rà soát cắt giảm thêm các loại phí, lệ phí khác. Bộ Công thương vừa đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Đây cũng là động lực để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp mới, mở rộng hoạt động kinh doanh.(Tri Thức Trẻ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục