tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-10-2017

  • Cập nhật : 09/10/2017

Lợi nhuận ngành ngân hàng 9 tháng đầu năm ước tăng 39%, dự phòng rủi ro tăng lên 110.000 tỷ

Hệ thống TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối T9/2017, số dư dự phòng rủi ro (DPRR) tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016.

Lợi nhuận tăng nhờ “nồi cơm chính” cho vay khách hàng, huy động vốn tăng chậm

Theo báo cáo 9 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận sau thuế toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 47 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh (15,8%). Đồng thời, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên tăng lên mức 2,8%, trong khi cùng kỳ năm 2016 là 2,7%.

Lợi nhuận trước trích lập DPRR tăng khoảng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ chi phí DPRR tín dụng/tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng khoảng 49%, giảm từ 53% cùng kỳ năm 2016.

Hoạt động cho vay khách hàng tăng trưởng tích cực với tín dụng 9 tháng đầu năm ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016. Nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tăng trưởng tín dụng đạt 12,9% cao hơn mức 12,5% cùng kỳ năm 2016.

Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm với tỷ trọng đạt 54%, thấp hơn mức cùng kỳ 2016 (55,6%). Tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn ước đạt 10,7%, trong khi cùng kỳ năm 2016 là 14,9%.

Theo loại tiền, dù tín dụng VND vẫn chiếm tỷ trọng lớn (91,6%) nhưng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 9 tháng đầu năm 2017 đạt 12,9% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016 là 5,4%. Tín dụng VND ước tăng 13% so với cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ 2016 tăng 14,4%.

Xu hướng cho vay tập trung vào hoạt động sản xuất, giảm tỷ trọng cho vay bất động sản. Cụ thể, cho vay đối với hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình ước tính đến cuối T9/2017 chiếm tỷ trọng 15,7% tổng cho vay, từ mức 11,2% cuối năm 2016. Tỷ trọng cho vay ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 22,4% lên 23,4%; tỷ trọng cho vay ngành nông lâm thủy sản giảm từ 8,3% xuống 7,6%, bán buôn bán lẻ giảm từ 18,6% xuống 17,7%.

Trong khi đó, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ từ 17,1% (T12/2016) xuống 16,8% (T9/2017), trong đó cho vay ngành xây dưng chiếm 10,3%, cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 6,5%.

Huy động vốn 9 tháng đầu năm 2017 ước tăng 11,2% so với cuối năm 2016 thấp hơn mức 14,1% cùng kỳ năm trước và ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của hình thức huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá. Tiền gửi khách hàng ước tăng khoảng 10,9% so với cuối năm 2016, phát hành GTCG ước tăng 18,6%. Huy động ngoại tệ tăng 4,3%, chiếm khoảng 10,2% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tính tăng 12,5%, chiếm 89,8%.

Tăng trưởng huy động vốn (11,2%) thấp hơn cho vay (11,5%). Dù vậy, thanh khoản vẫn được UBGSTCQG đánh giá là khá tốt. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 87,2%. Các yếu tố hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất vẫn còn trong quý IV.

>>UBGSTC: Vẫn còn yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trong quý IV

Có sẵn gần 4,84 tỷ USD dự phòng rủi ro tín dụng

Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo khoảng 2,9%, tương đương thời điểm hồi cuối tháng 6/2017 và cao hơn so với thời điểm năm 2016 (khoảng 2,6%). Theo UBGSTC, tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số TCTD yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu.

Dù tỷ lệ nợ xấu tăng nhưng thực tế trong 9 tháng đầu năm 2017, nợ xấu thực tế đã giảm so với cuối năm 2016. Nguyên nhân bởi các khoản mục TPDN phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ và TPDN phân loại từ nhóm 3-5 giảm và các khoản đầu tư, đặt cọc, ký quỹ, các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi đều giảm mạnh.

Về xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống TCTD ước tính xử lý khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%; sử dụng DPRR để xử lý nợ xấu ước khoảng 26,3%; bán nợ cho VAMC khoảng 31,7%; bán TSBĐ khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác.

Hệ thống TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối T9/2017, số dư dự phòng rủi ro (DPRR) tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016. (NDH)
------------------

Công ty cổ phần phim Giải Phóng: Kiện tụng và nợ nần

Nếu Hãng phim truyện Việt Nam ở phía Bắc đã hoàn thành tiến trình cổ phần hóa thì quá trình cổ phần tại Hãng phim Giải Phóng ở phía Nam còn khá ì ạch. Sau khi lên sàn giao dịch, dù trở thành Công ty cổ phần phim Giải Phóng, nhưng nhà nước vẫn giữ 99,7% cổ phần.

Vì thế, công ty tiếp tục xác định lại tài sản đưa lên sàn giao dịch đợt 2, nhằm tìm nhà đầu tư. Trong khi tiến trình này còn khá chậm, công ty phải đối mặt với nhiều lùm xùm, kiện tụng và nợ nần.

Những khoản nợ khổng lồ

Năm 2015, khi ông Nguyễn Thái Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, nghỉ hưu, ban lãnh đạo mới tiếp quản khi trong két sắt chỉ còn khoảng 90 triệu đồng và khoản nợ 23 tỷ đồng. Bỏ qua những xì xầm bàn tán về việc ông Nguyễn Thái Hòa vừa “hạ cánh” thì cái “ghế to nhất” lại về tay em ruột ông Hòa là ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần phim Giải Phóng. Và toàn bộ nhân viên hãng phim phải đối diện với việc hết tiền làm phim và tiền trả lương cho CBCNV.

cong ty co phan phim giai phong kien tung va no nan

Trụ sở Công ty cổ phần phim Giải Phóng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

 

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, trong các khoản nợ nần, có những khoản nợ ông không thể hiểu nổi, như: hơn 1 tỷ đồng nợ tiền phạt vì đóng thuế chậm; hơn 20 tỷ đồng nợ tiền thuế đất... Vậy trong bao nhiêu năm làm giám đốc đương nhiệm, ông Nguyễn Thái Hòa đã không đóng những khoản này, để rồi nợ chồng nợ!

Trong khi đó, theo giấy tờ chứng minh, trong giai đoạn 2013 - 2015, Hãng phim Giải Phóng đã có những khoản thu lớn: 29 tỷ đồng Công ty Bắc-Nam 79 bồi thường mặt bằng 15 Thi Sách; hơn 16 tỷ đồng nhà nước tài trợ bộ phim Đường xuyên rừng; hơn 16 tỷ đồng nhà nước tài trợ phim Mỹ nhân và 46 tỷ đồng bộ phim Cao hơn bầu trời (dài 50 tập, trong đó ngân sách nhà nước cấp hơn 38 tỷ đồng, phần còn lại xã hội hóa). Vậy vì sao khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Thái Hòa để lại những khoản nợ kếch xù trên?

Đó là chưa kể, bộ phim Cao hơn bầu trời đã được chi ngân sách 80% (nhà nước giữ lại 20% ngân sách, sau khi nghiệm thu phim, sẽ chi trả nốt), nhưng phim không đạt chất lượng, phải sửa đi sửa lại nhiều lần, phát sinh thêm chi phí sửa chữa, làm kỹ xảo gần 300 triệu đồng. Số tiền này theo ban giám đốc mới cho biết, phải đi vay mượn để hoàn thành xong bộ phim này. Hiện nay, phim đã hoàn chỉnh 50 tập và đã được Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân duyệt nội dung, Hội đồng Duyệt phim quốc gia duyệt, nên đã có giấy phép phát hành.

Cũng trong thời gian đương nhiệm (năm 2012), ông Nguyễn Thái Hòa có hợp đồng vay 500 triệu đồng của bà Đặng Thị Vạn (mẹ ruột của 2 ông Hòa và Hưng). Hiện nay, ông Nguyễn Thái Hòa và anh ruột thay mặt mẹ đòi tiền công ty và được tổng giám đốc Đặng Phúc Yên ký giấy hẹn nợ trả trong 2 tháng (đến tháng 9-2017), nhưng đến nay công ty chưa có tiền trả bà Vạn.
 

ben trong phim truong cua cong ty co phan phim giai phong anh: dung phuong

Bên trong phim trường của Công ty cổ phần phim Giải Phóng Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, khi ông còn đương nhiệm, tiền thu từ việc cho thuê mặt bằng (212 Lý Chính Thắng) trên 800 triệu đồng/tháng nhưng nay Công ty cổ phần phim Giải Phóng cho thuê gần 3 tỷ đồng, nên không thể nói là không có tiền trả mẹ của ông! Không biết số tiền thật sự công ty cho thuê là bao nhiêu, nhưng hiện nay, công ty đang cho thuê phim trường dài hạn - tòa nhà 11 tầng chỉ giữ lại tầng 4 cho hãng phim, tầng 2 làm phòng dựng và phòng âm thanh, còn lại các tầng khác đều cho thuê.

Cảnh “nồi da xáo thịt”

Từ năm 2015 đến 2017, Công ty cổ phần phim Giải Phóng không có bất cứ một phim nhà nước đặt hàng nào. Anh chị em nghệ sĩ phải ra ngoài làm phim cho tư nhân để vừa được làm nghề, vừa thêm thu nhập. Công ty sống chủ yếu bằng tiền cho thuê mặt bằng, cho thuê thiết bị máy móc và làm gia công phim truyền hình cho các đài truyền hình và công ty quảng cáo. Mới đây, Công ty cổ phần phim Giải Phóng nhận được kế hoạch đặt hàng từ nhà nước cho 5 phim tài liệu, 1 phim truyện video phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, 1 phim hoạt hình và phim điện ảnh Hợp đồng bán mình (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Trần Ngọc Phong). Tình hình có dấu hiệu khả quan, anh em hãng phim có thể thở phào, nhưng đúng lúc này, đơn thưa kiện Công ty cổ phần phim Giải Phóng bắt đầu được gửi đi khắp nơi.

Người đứng đơn chính là anh ruột của ông Nguyễn Tiến Hưng và đơn thưa của bà Nguyễn Như Ngọc Quyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quảng cáo và phát hành Công ty cổ phần phim Giải Phóng, hiện đang chung sống như vợ chồng với ông Nguyễn Thái Hòa. Anh trai của ông Nguyễn Tiến Hưng thưa kiện về số tiền 500 triệu đồng mà hãng đã vay. Bà Nguyễn Như Ngọc Quyên thưa kiện vì ban lãnh đạo mới giải tán trung tâm dịch vụ quảng cáo và phát hành còn bà bị buộc thôi việc.

Được biết, bà Nguyễn Như Ngọc Quyên được ông Nguyễn Thái Hòa nhận vào Hãng phim Giải Phóng, sau đó ông lập trung tâm dịch vụ quảng cáo và phát hành rồi giao bà làm giám đốc. Điều lạ là trung tâm này chỉ có bà Quyên, không có ai khác.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Công ty cổ phần phim Giải Phóng đang khó khăn, không thể để bộ máy cồng kềnh và việc trung tâm chỉ có bà Quyên là rất lãng phí, nên ông xin Bộ VH-TT-DL cho giải thể trung tâm này. Trong thời gian đó, bà Quyên cũng tự ý nghỉ không xin phép, nên lãnh đạo công ty cho bà thôi việc (Quyết định Xử lý kỷ luật lao động số 55/QĐ-PGP ngày 15-9-2017 do ông Nguyễn Tiến Hưng ký).

Trong thời gian ông Nguyễn Thái Hòa lãnh đạo Hãng phim Giải Phóng, ông Hòa giao cho gia đình bà Quyên thầu bãi giữ xe của hãng phim. Nhưng khi ông Nguyễn Tiến Hưng về tiếp quản, bãi giữ xe được chuyển sang con rể ông Hưng là ông Nguyễn Văn Dũng thầu bãi giữ xe này đến nay. Công ty cổ phần phim Giải Phóng cũng vay của vợ ông Hưng 6,5 tỷ đồng mà theo ông Hưng, số tiền này được dùng vào việc trả nợ một số đơn vị đã cho Hãng phim Giải Phóng vay trước đây với lãi suất cao và một phần dùng vào việc gia công sản xuất phim.

Vậy là, cán bộ - công nhân viên Công ty cổ phần phim Giải Phóng chưa kịp mừng khi lại được nhà nước đặt hàng làm phim, có thể tiếp tục làm nghề, cải thiện thu nhập; đã phải chứng kiến việc kiện cáo ì xèo từ nội bộ gia đình của chủ tịch hội đồng quản trị. Các đơn thư tố cáo này hiện được thanh tra bộ và các cơ quan thẩm quyền thanh tra, làm rõ. Dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, nhưng việc kiện tụng này đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý của người lao động công ty. (SGGP)
------------------------

Sếp Samsung VN: DN Việt đừng tham vọng vào ngay chuỗi cung ứng Samsung cấp 1

Sản phẩm của Samsung hiện nay được xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới. Tất cả các linh kiện mà Samsung nhập thì cần sự tin tưởng và chất lượng vô cùng cao. Để doanh nghiệp nội địa có thể đáp ứng được là một bài toán không hề đơn giản.

Chia sẻ tại Hội thảo "30 năm lan tỏa vốn FDI", Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam, ông Bang Hyun Woo cho biết câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất là làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung.

Thực tế, theo ông Bang Hyun Woo, một doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung là một điều vô cùng khó khăn.

pho tong giam doc samsung viet nam, ong bang hyun woo

Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, ông Bang Hyun Woo

“Các sản phẩm của Samsung đang được xuất khẩu đi toàn cầu và những linh kiện mà chúng tôi sử dụng đòi hỏi phải rất tin tưởng, liên quan đến chất lượng vô cùng cao. Nói là doanh nghiệp Việt Nam ngay bây giờ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này vô cùng nan giải. Không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng có thể đáp ứng”, Phó Tổng Giám đốc Samsung cho biết.

Theo ông Bang, doanh nghiệp nội địa Việt Nam đừng tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung với vai trò là nhà cung cấp cấp 1 trước. Chuỗi cung ứng của Samsung còn có cấp 2, cấp 3 cung cấp sản phẩm gián tiếp, các doanh nghiệp Việt có thể tham gia từ đây. Doanh nghiệp có thể trở thành nhà cung cấp cấp 1 khi tích lũy đủ kinh nghiệm.

“Làm thế nào rà soát lại và lựa chọn các doanh có năng lực và tiềm năng như vậy sẽ là đề án rất hay”, ông Bang nói. Hiện Samsung vẫn phải tự đi tìm những doanh nghiệp tiềm năng tham gia vào chuỗi.

“Chúng tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp cho chúng tôi. Hy vọng họ có thể vượt qua các điều kiện về vốn, quy mô để đạt được các điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung”, ông nói.

Dù vậy, theo chia sẻ của vị Phó TGĐ Samsung, quan hệ hợp tác giữa Samsung và các doanh nghiệp Việt Nam đang tốt lên. Ba năm trước, chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng cấp 1 của Samsung. Tính đến 6 tháng đầu năm 2017 con số này đã tăng lên 25 doanh nghiệp, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ là 29 doanh nghiệp và đến năm 2020 sẽ là 50 doanh nghiệp.

Đại diện Samsung cũng kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương quan tâm đến một số trở ngại khi giao dịch. Với nhiều nơi, Việt Nam chưa đc công nhận là nền kinh tế thị trường, do đó quá trình có những giao dịch với nước ngoài không tránh khỏi mất ưu thế riêng của mình.

“Hi vọng nền kinh tế thị trường của Việt Nam sớm được nhiều nước công nhận. Khi cải thiện các điều kiện liên quan giao dịch thì tôi tin tưởng sản phẩm “made in Việt Nam” hoàn toàn có vị thế cao trên thị trường thế giới”, ông Bang nhận định.

Đồng tình với ví dụ thực tiễn mà đại diện Samsung chia sẻ, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói, tác động lan tỏa của FDI tỷ lệ thuận với độ lớn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ gần như không nhận được hiệu quả lan tỏa từ FDI, chỉ có doanh nghiệp vừa và lớn có cơ hội.

“Như vậy có một hàm ý chính sách cần doanh nghiệp Việt Nam phải lớn lên. Không thể nhỏ mãi được, như vậy sẽ cản trở tiếp thu công nghệ và tác động của FDI”, TS Tuệ Anh nhận định.

GS Nguyễn Mại cũng lưu ý Chính phủ về tác động lan toả của FDI, chính sách với các doanh nghiệp trong nước làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông cho biết từng có đề xuất những xí nghiệp trong nước làm việc với doanh nghiệp nước ngoài cũng nên được ưu đãi.

Ngoài ra, ông cho rằng cần phải điều chỉnh chính sách đầu tư. Từ đầu năm tới nay có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô rất nhỏ mà vẫn được cấp phép trong khi các doanh nghiệp Việt Nam cũng đảm đương được. Ông cho rằng nên ưu tiên các dự án FDI lớn đủ tác động lan tỏa. (Infonet)
-----------------------

Cá tra “quên” thị trường nội địa?

Dù là sản phẩm lợi thế số 1 và xuất khẩu trên 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, tuy nhiên thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Bắc, sản phẩm cá tra vẫn còn “bỏ ngỏ”.

Cá tra “quên” thị trường nội địa?

Ngày 6/10 đã diễn ra Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản

Đẩy mạnh thị trường ra miền Bắc

Hôm qua (6/10), Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản - hội chợ chuyên ngành thủy sản lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội. Hơn 70 gian hàng, của gần 40 doanh nghiệp tham gia hội chợ, trong đó, có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp hàng đầu về thủy sản Việt Nam như: Vĩnh Hoàn, Agrifish, IDI, Hùng Cá, Gò Đàng…

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, cá tra và các sản phẩm từ cá tra có giá trị dinh dưỡng cao, giá cả phải chăng đáp ứng được nhu cầu và thu nhập của người tiêu dùng trong nước, đặc biệt ở các lứa tuổi từ 25 đến 45. Tuy nhiên, theo ông Luân, thời gian qua, người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc chỉ biết đến các sản phẩm cá tra qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cá tra là sản phẩm chủ lực quốc gia có nhiều lợi thế phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dù xuất khẩu trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là ở miền Bắc còn rất hạn chế.

Ông Tám cho rằng: “Nếu các doanh nghiệp xem nhẹ, đánh giá thấp thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân thì đó là một sai lầm. Trước đây, thu nhập của người dân còn thấp, tuy nhiên, đến nay thu nhập của họ đã tăng lên, thậm chí là người tiêu dùng chịu chi nhất thế giới”.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, mỗi thị trường có một đặc thù riêng. Do vậy, để giới thiệu sản phẩm cá tra và các sản phẩm thủy sản khác ra Bắc, trong đó có Hà Nội, cần phải nghiên cứu về tính hợp khẩu vị.

Ngay tại hội chợ đã thiết kế một gian hàng ẩm thực, trong đó có nhiều sản phẩm mới lần đầu tiên công bố tại Việt Nam, như cá tra giòn, bởi trước đây chúng ta chỉ có cá chép giòn và trắm giòn. “Hơn nửa năm qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, phát triển loại cá tra giòn này. Sản phẩm này rất phù hợp với thị trường miền Bắc”, ông Tám nói.

Đa dạng hóa sản phẩm, thị trường

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, cá tra là sản phẩm quốc gia của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 6%, nhưng bù lại thị trường Trung Quốc tăng tới 44%.

Theo ông Quốc, xuất khẩu cá tra đến nay đã đạt 1,2 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tình hình thuận lợi, cả nước có thể thu về 1,8 tỷ USD từ cá tra trong năm nay. “Năm 2017 là năm với rất nhiều khó khăn với cá tra, từ thuế chống bán phá giá, truyền thông bôi bẩn ở một số nước EU, đạo luật Nông trại của Mỹ…Tuy nhiên, ngành cá tra từ khâu nuôi trồng, chế biến đã đạt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ, EU, cũng như nhiều thị trường khác. Chúng ta sẽ giải quyết những trở ngại, khó khăn để đạt mục tiêu”, ông Quốc nói.

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Cá tra, lâu nay, cá tra Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dạng thô là miếng phi lê. Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đến nay, số sản phẩm có giá trị gia tăng từ cá tra đã lên 30- 40 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm đã xuất khẩu. Cùng đó, các phụ phẩm cá tra cũng được tận dụng, như mỡ có thể dùng để sản xuất dầu ăn, da cá tra để sản xuất thực phẩm chức năng, làm mỹ phẩm… “Nếu chúng ta làm được, kim ngạch xuất khẩu không chỉ 1,8 tỷ USD, mà giá trị cao hơn nữa”, ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, thị trường Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Đương nhiên, để thị trường bền vững, trước tiên doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng kể cả xuất chính ngạch hay tiểu ngạch. Cùng đó các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết tốt với các nhà phân phối uy tín ở Trung Quốc, và đưa ra các phương thức thanh toán phù hợp, hạn chế rủi ro”, ông Quốc nói.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, diện tích nuôi cá tra cả nước hơn 5.500 ha, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn, kim ngạch gần hơn 1,7 tỷ USD. Nếu có thị trường, diện tích cá tra có thể mở rộng lên 8.000- 10.000 ha và sản lượng có thể đạt trên 2,5- 3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu sẽ cao hơn nữa.  (Tienphong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục