tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-09-2018

  • Cập nhật : 01/09/2018

Trump: Mỹ mạnh hơn Trung Quốc nhiều trong chiến tranh thương mại

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Trung Quốc sẽ không vượt qua Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Mỹ đang tái đánh giá cách thức xác định một quốc gia thao túng tiền tệ.

“Chúng tôi là quốc gia mạnh hơn nhiều”, Tổng thống Donald Trump cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 30/8. “Không bên nào có thể chờ đến khi Mỹ làm gì đó. Quốc gia của chúng ta đang mạnh chưa từng thấy về tài chính”.

Ông Trump từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng nhân dân tệ dù quan điểm này không được chính quyền Mỹ công khai ủng hộ. Trong báo cáo nửa năm về chính sách ngoại hối hồi tháng 4, Bộ Tài chính Mỹ không nêu đích danh Trung Quốc, EU hay một nước nào đó thao túng tiền tệ.

“Đó là một công thức”, ông Trump nói. “Và chúng tôi đang xem xét rất kỹ công thức này”.

Mỹ không chính thức cáo buộc một quốc gia thao túng tiền tệ kể từ năm 1994. Theo hướng dẫn thiết lập năm 2016, một quốc gia được xác định là thao túng tiền tệ nếu đủ ba tiêu chí: thặng dư thương mại tối thiểu 20 tỷ USD với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai vượt 3% GDP và nhiều lần can thiệp thị trường tiền tệ.

Ông cho rằng Trung Quốc phá giá nhân dân tệ để ứng phó với sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế. “Họ tìm cách hỗ trợ bằng việc phá giá nội tệ. Điều đó không tốt. Họ không thể làm vậy”.

Nhân dân tệ đã mất giá 6% trong 3 tháng qua, trở thành đồng tiền có diễn biến tệ nhất châu Á. Để ứng phó, giới chức Trung Quốc đã can thiệp kiểm soát tỷ giá. Nhân dân tệ đã phục hồi 1,4% sau khi chạm đáy thấp nhất kể từ tháng 1/2017 hồi đầu tháng.

Trung Quốc thông báo sẽ không dùng lợi thế từ phá giá nội tệ hoặc tỷ giá hối đoái làm công cụ đối phó căng thẳng thương mại. “Tỷ giá hối đoái nhân dân tệ do thị trường quyết định”, Li Bo, lãnh đạo phòng chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói.

Trump từng nói ông “hoãn” việc áp thuế và coi Trung Quốc là bên thao túng tiền tệ bởi ông "muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ nhất có thể từ Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên”.

“Nhưng giờ tôi không thể trì hoãn nữa”, ông Trump cho biết. “Họ đã rút quá nhiều tiền ra khỏi quốc gia của chúng tôi”.(NDH)
----------------------------

Trung Quốc "tháo chạy" khỏi dự án thủy điện, Nepal chới với

Trung Quốc muốn rút khỏi dự án thủy điện West Seti có công suất 750 MW ở Nepal sau 6 năm ký thỏa thuận với quốc gia Nam Á này.

Một phái đoàn cấp cao thuộc Tập đoàn Đầu tư CWE của Trung Quốc trong tuần này đã thông báo với các nhà chức trách Nepal rằng họ muốn rút khỏi dự án sau khi nhận thấy không khả thi về tài chính do chi phí tái định cư quá cao.

CWE là công ty con của Tập đoàn China Three Gorges (Trung Quốc) - đơn vị từng ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Nepal về việc xây dựng dự án thủy điện vào năm 2012.

Trung Quốc tháo chạy khỏi dự án thủy điện, Nepal chới với - Ảnh 1.

Sông West Seti tại Nepal. Ảnh: SCMP

Theo một quan chức Ủy ban Đầu tư Nepal, MOU và một thỏa thuận được ký sau đó giữa Trung Quốc với Cơ quan Điện lực Nepal đều bị hủy bỏ. 

Trong nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận, các quan chức cấp cao Nepal, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Yubaraj Khatiwada và Bộ trưởng Năng lượng Barshaman Pun, đã đề xuất giảm công suất chung của dự án thủy điện từ 750 MW xuống còn 600 MW trong cùng gói hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD, đồng thời mở rộng thỏa thuận mua bán điện từ 10 năm lên 12 năm.

Quan chức này cho biết: "Phía China Three Gorges cho hay dù đề xuất mới của Nepal đã giải quyết một số vấn đề họ quan tâm nhưng việc tái định cư và ổn định cuộc sống của những người dân ở khu xây dựng công trình thủy điện, cùng với việc đưa điện từ một dự án ở khu vực xa xôi hẻo lánh tới thủ đô Kathmandu sẽ gặp khó khăn về kỹ thuật và chi phí tốn kém. Phía Trung Quốc cần xem xét lại quan điểm của họ".

Trung Quốc tháo chạy khỏi dự án thủy điện, Nepal chới với - Ảnh 2.

Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli (phải) gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Việc ký MOU về dự án thủy điện West Seti hồi năm 2012 được xem là sự khởi đầu của mối quan hệ hợp tác giữa Nepal và Trung Quốc trong việc khai thác tài nguyên thủy điện tiềm năng của Nepal - lĩnh vực từng do Ấn Độ giữ thế độc quyền.

Trung Quốc đã thâm nhập thị trường thủy điện của Nepal một năm sau khi công ty Snowy Mountain của Úc không huy động đủ kinh phí để thực hiện dự án thủy điện. Tiềm năng thủy điện của Nepal ước tính khoảng 42.000 MW và được xem là chìa khóa giúp quốc gia này thoát nghèo.

Trung Quốc và Nepal từng tranh cãi về dự án thủy điện West Seti, có lần Bắc Kinh lên tiếng bác bỏ thông tin Nepal có ý định hủy bỏ thỏa thuận giữa hai nước. Trong ngân sách thường niên cho tài khóa 2018-2019 được công bố hôm 29-5, chính quyền Kathmandu cho biết dự án West Seti sẽ được phát triển dựa trên "các nguồn lực trong nước".

Tân Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli đang trông cậy vào các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ từ Trung Quốc nhằm giảm bớt sự phụ thuộc Ấn Độ trong nhiều năm qua. Ngoài lĩnh vực thủy điện, Nepal cũng hy vọng có thể hợp tác với Trung Quốc trong các dự án xây đường và tuyến đường sắt.

Chính quyền Nepal cũng mong muốn khôi phục dự án thủy điện Budhi Gandaki công suất 1.200 MW với Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc – kế hoạch bị chính quyền tiền nhiệm của Thủ tướng Sharma Oli hủy bỏ. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh rút khỏi dự án West Seti sẽ phủ bóng lên ý định phát triển dự án Budhi Gandaki của Nepal.(NLĐ)
--------------------

Trung Quốc bớt lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế

Lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã tăng trưởng vượt dự kiến trong tháng 8/2018, sau khi chứng kiến hai tháng suy giảm trước đó.

Một nhà máy sản xuất thép ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này góp phần xoa dịu những quan ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giữa bối cảnh Mỹ tiếp tục đẩy nhanh các mức áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc. 

Báo cáo ngày 31/8 từ Chính phủ Trung Quốc cho hay, Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) thuộc lĩnh vực chế tạo trong tháng Tám đã tăng lên 51,3, từ mức 51,2 của tháng Bảy, đánh dấu tháng thứ 25 liên tiếp chỉ số này ở trên ngưỡng 50- phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Kết quả này vượt ngoài dự kiến của các chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Reuters khi cho rằng, PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc sẽ đi xuống tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Tám, xuống 51.

Theo ông Zhao Qinghe, quan chức của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), số liệu tích cực về hoạt động chế tạo trong tháng vừa qua chứng tỏ lĩnh vực này của Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng ổn định. 

Tuy nhiên, ông Zhao Qinghe thừa nhận rằng những tranh chấp thương mại quốc tế, cũng như tình hình bất ổn từ bên ngoài đang gây tổn thương cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc.

Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của nước này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8/2018, cho thấy một loạt biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ thông qua việc đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã bắt đầu phát huy tác dụng. 

Đứng trước sức ép từ các chi phí tài chính tăng cao, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu “hạ nhiệt” ngay từ trước khi tranh chấp thương mại với Washington leo thang, với mức tăng trưởng đầu tư ở mức thấp kỷ lục và người tiêu dùng có xu hướng thận trọng hơn trong chi tiêu.

Điều này đã thúc giục Bắc Kinh đẩy mạnh chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và đề xuất hỗ trợ các công ty nhỏ hơn nhằm ngăn chặn một sự suy giảm mạnh hơn, dù cho các nhà hoạch định chính sách nước này đã cảnh giác với việc gia tăng núi nợ công, vốn đã quá lớn do các chương trình kích thích kinh tế trước đây. 

Cuộc khảo sát mới đây của NBS cho hay, tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cũng đi lên trong tháng 8/2018, với chỉ số PMI phi chế tạo tăng từ 54 của tháng Bảy lên 54,2. 

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang định hướng lại mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng, thay vì phụ thuộc quá lớn vào đầu tư và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ hiện chiếm hơn một nửa nền kinh tế Trung Quốc, trong khi tốc độ tăng lương cao khiến người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu mạnh tay hơn. 

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán mới về thương mại trong các ngày 22 và 23/8 mà không đạt được bất kỳ đột phá nào. Trong khi đó, căng thẳng thương mại song phương tiếp tục leo thang sau khi hai nước áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chính thức áp thuế nhập khẩu mới đối với một loạt mặt hàng của Trung Quốc từ nội thất tới xe đạp bắt đầu từ tháng Chín tới. (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục