tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-07-2017

  • Cập nhật : 22/07/2017

Lập ngân hàng con ở Việt Nam, UOB toan tính gì?

UOB dự kiến mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành phía Bắc, đồng thời kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt và khách hàng của ngân hàng này trong khu vực.

 

chi nhanh uob tai tp.hcm. anh: uob

Chi nhánh UOB tại TP.HCM. Ảnh: UOB

 

Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về nguyên tắc để thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Đây là ngân hàng đầu tiên của Singapore được chấp thuận thành lập ngân hàng con tại thị trường 93 triệu dân sau khi xin cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài cách đây gần 1 thập kỷ.

Bộ Kế hoạch và đầu tư từ tháng 5/2015 đã kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét cấp phép cho UOB mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Lý do được đưa ra là Singapore là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam mà chưa có ngân hàng 100% vốn tại đây, trong khi quốc gia khác đầu tư ít hơn nhưng đã được cho phép.

Trong một thông cáo gửi Sàn Giao dịch chứng khoán Singapore ngày 20/7, UOB cho biết ngân hàng này sẽ mở rộng mạng lưới chi nhánh ra ngoài TP.HCM và cung cấp các sản phẩm và giải pháp tài chính cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân ở các tỉnh thành khác.

Theo website của NHNN, UOB được cấp phép mở chi nhánh tại TP.HCM tháng 3/1995, được đặt ở Quận 1 và hiện  có vốn 262 tỷ đồng.

NHNN còn chấp thuận chủ trương cho phép UOB được thành lập một chi nhánh trực thuộc trên cơ sở tiếp quản (tiếp nhận tài sản, công nợ và đóng cửa) chi nhánh này ngay sau khi được NHNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động UOB Việt Nam.

Trong thông báo, UOB cho biết sẽ xem xét mở một chi nhánh tại Hà Nội để làm bàn đạp tấn công các tỉnh thành lớn khác ở miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.

  uob du kien se mo rong hoat dong ra cac tinh thanh mien bac.

  UOB dự kiến sẽ mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành miền Bắc.

Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm CEO của UOB, cho biết ngân hàng này đã và sẽ hỗ trợ khách hàng ở châu Á làm ăn ở Việt Nam, đồng thời kết nối các doanh nghiệp Việt với mạng lưới khách hàng của ngân hàng.

Tháng 4/2015, UOB và Cục Đầu tư nước ngoài đã ký thỏa thuận hợp tác, theo đó UOB sẽ được hỗ trợ khách hàng mở rộng đầu tư vào các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cần Thơ, Hải Phòng...

UOB cho biết, ngân hàng này đã hỗ trợ khách hàng tại châu Á đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam kể từ năm 2013. Các khách hàng trong khu vực của UOB đã đầu tư vào một số ngành tại Việt Nam, như xây dựng, bất động sản, chế tạo và hàng tiêu dùng nhanh, thông cáo cho biết.

Với ngân hàng con tại Việt Nam, UOB dự kiến sẽ hỗ trợ thêm doanh nghiệp Việt mở rộng hoạt động thông qua các dịch vụ tư vấn và giải pháp tài chính như tín dụng thương mại, quản lý dòng tiền và tài trợ vốn cho dự án.

Ngoài ra, UOB cũng hướng đến ngành công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam thông qua chương trình FinLab, một liên doanh giữa UOB và SGInnovate nhằm thúc đẩy các startup fintech tại châu Á.

Theo đó, cùng với chương trình này, UOB sẽ tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm và kết nối giữa các startup Việt với các nhà đầu tư tiềm năng và các chuyên gia.

Được thành lập năm 1935, UOB đã hiện diện tại Việt Nam từ hơn 2 thập kỷ. Ngân hàng này từng là cổ đông chiến lược nắm 20% vốn tại Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) đến khi SouthernBank sáp nhập vào Sacombank tháng 10/2015. Với tỷ lệ hoán đổi 1 cổ phiếu của PNBank bằng 0,75 cổ phiếu Sacombank, UOB trở thành cổ đông của Sacombank với 3,33% vốn điều lệ.

UOB cũng đã từng tìm hiểu để tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) nhưng thương vụ thất bại vì các bên được cho là không đạt được thỏa thuận về giá.

Với hoạt động từ lâu tại Việt Nam, không loại trừ khả năng sắp tới UOB sẽ mua lại cổ phần của các nhà băng trong nước trong bối cảnh Chính phủ đang mời gọi vốn nước ngoài để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. (Bizlive)
-------------------

Có 7 đơn vị cung ứng dịch vụ tương tự Grab và Uber

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 (tháng 6-2017) liên quan đến việc thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab và Uber.

Văn bản nêu rõ: Qua xem xét báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, ý kiến của các bộ ngành liên quan, sự phản ánh tích cực của các chuyên gia, của nhân dân và xu thế phát triển chung, Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Thời gian thí điểm 2 năm (từ tháng 1-2016).

Thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép áp dụng với tất cả đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học - công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải. Như vậy, việc thí điểm này không dành riêng cho Grab hay Uber mà được thực hiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng xe dưới 9 chỗ có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.

Cho đến nay, không chỉ có Grab, Uber mà đã có 7 đơn vị trong nước tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab và Uber, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh; cụ thể là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty CP Sun Taxi (S.CAR), Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (M.car), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (Taxi Long Biên, LB.car).

Qua việc đang triển khai thí điểm cũng cho thấy việc phát triển trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Nhiều doanh nghiệp, HTX vận tải đã được thành lập và kinh doanh vận tải thông qua áp dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực vận tải.

Về quy hoạch, Thủ tướng cho biết các địa phương cùng các bộ ngành cũng cần xem xét lại sự đáp ứng đồng bộ giữa quy hoạch và nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời cần đẩy mạnh việc tối ưu hóa trong tổ chức giao thông đô thị, qua đó ưu tiên tạo thuận lợi cho xe buýt, taxi, các phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay cho dùng phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông.

Với thực tiễn đang diễn ra, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, đây là quy luật tất yếu nhưng mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân với chi phí phù hợp hơn, bảo đảm thuận tiện an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao, lĩnh vực thuế thực hiện sát sao hơn…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận mỗi việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc tiêu cực, hạn chế. Cụ thể, Thủ tướng cho rằng phải có sự phối hợp sát sao hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới… Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó bổ sung quy định quản lý phù hợp đối với xe hợp đồng và xe taxi, quản lý và áp dụng hợp đồng điện tử, kết nối quản lý thuế...(NLĐ)
-------------------------

Vụ ngân hàng ngoại đồng loạt thoái vốn: Đại diện NHNN nói gì?

Một số chuyên gia cho rằng, việc một số ngân hàng ngoại rút vốn khỏi ngân hàng nội trong thời gian gần đây cho thấy một xu hướng đáng lo ngại, cho thấy thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận kỳ vọng cho các nhà đầu tư ngoại...

Vụ ngân hàng ngoại đồng loạt thoái vốn: Đại diện NHNN nói gì?

Ảnh minh họa.

Trong thời gian gần đây có hiện tượng một số ngân hàng ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng Việt như HSBC rút khỏi Techcombank hay thu hẹp hoạt động như hiện tượng CBA chuyển giao toàn bộ chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho ngân hàng VIB. Một số chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy một xu hướng đáng lo ngại, cho thấy thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận kỳ vọng cho các nhà đầu tư ngoại.

Tuy vậy, chia sẻ tại buổi Họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 sáng nay, ông  Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng, không những đây không phải là hiện tượng không tích cực mà, còn ngược lại. CBA đóng cửa chi nhánh để tập trung vào quan hệ cổ đông chiến lược với VIB tại Việt Nam, thậm chí đã đặt vấn đề dùng toàn bộ vốn điều lệ của chi nhánh để tăng vốn góp của VIB. Tuy nhiên, hiện giờ room của ngân hàng không còn.

Còn tại HSBC, do đã có có ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, nên HSBC không có nhu cầu là cổ đông chiến lược tại Techcombank nữa.

“Đây cũng là điểm phù hợp với chiến lược của NHNN là giảm đầu mối quản lý số lượng TCTD và tăng quy mô và hiệu quả, lành mạnh của hoạt động”, ông Thọ nhấn mạnh.

Liên quan đến Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua, ông Thọ cho rằng, sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới liên quan đến việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Về mặt thực tiễn, xử lý tài sản đảm bảo là linh hồn của việc xử lý nợ xấu, nếu không tháo gỡ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD hay khi bán một khoản nợ hay xử lý tài sản bảo đảm dưới mệnh giá thì cán bộ tín dụng và cả VAMC đều không dám làm. Do vậy, Nghị quyết 42 đã tháo gỡ cho những lo ngại về trách nhiệm, thậm chí là mặt hình sự cho các cán bộ của TCTD.

Cũng theo ông Thọ, với Nghị quyết 42, nợ xấu sẽ có những bước đột phá có tác động đến M&A trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

“Giả sử nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng mua lại bắt buộc đương nhiên phải nhìn thấy triển vọng xử lý nợ xấu như nào nếu triển vọng không có được thì không ai dám mua cả. Đơn cử quy định hiện giờ, VAMC vẫn chưa được mua nợ xấu của ngân hàng 100% vốn nc ngoài tại Việt Nam nhưng tới đây tháo gỡ được thì sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư ngoại họ tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, ngân hàng mua lại bắt buộc tại Việt Nam”, đại diện NHNN nói.(Bizlive)
-------------------

Vì sao nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn “tháo chạy” khỏi thị trường Bình Dương?

Từ năm 2005, thị trường nhà đất tỉnh Bình Dương khá hấp dẫn đối với người mua từ các tỉnh/ thành khác, đặc biệt là từ TP.HCM và Hà Nội. Hầu hết người mua là các nhà đầu tư dài hạn nhằm kiếm lời từ nhà đất tăng giá hoặc cho thuê.

Vì sao nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn “tháo chạy” khỏi thị trường Bình Dương?

Ảnh minh họa.

Trước đây, Bình Dương thường được đánh giá là thị trường nhiều cơ hội đầu tư nhất so với những tỉnh ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An cho những ai muốn bỏ vốn vào bất động sản. Bởi Bình Dương được quy hoạch tốt, hệ thống giao thông và hạ tầng xã hội hiện đại và đồng bộ, trung tâm chính là thành phố mới Bình Dương.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương còn là địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ kỹ thuật cao hiện đại bậc nhất cả nước, thu hút đông đảo các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư nhà xưởng sản xuất như Khu công nghệ cao Maple Tree hay VSIP Bình Dương.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng về một thành phố sinh động và đáng sống với hàng loạt dự án BĐS tầm cỡ, có dự án được "vẽ" ra với quy mô hàng tỷ đô la, hiện Bình Dương mới chỉ có số ít dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, còn lại nhiều khu đô thị hơn 10 năm qua vẫn còn dang dở, bỏ hoang không người ở.

Một xu hướng thấy rõ, có nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn đã tính chuyện bán đứt dự án, rút khỏi thị trường Bình Dương, hoặc bắt tay hợp tác cùng đối tác khác để cầm cự, và cũng có tình trạng chủ dự án ký gửi toàn bộ tài sản của mình cho các sàn môi giới muốn làm gì thì làm, thu từng đồng bạc lẻ nếu số sản phẩm còn lại bán được.

Đơn cử như Tập đoàn Đất Xanh, được biết đến như một nhà môi giới đi lên từ Bình Dương thì nay công ty này gần như rút khỏi thị trường này, nhằm đẩy mạnh đầu tư ở các địa phương khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Long An và Đồng Nai.

Theo lý giải của giám đốc một công ty BĐS, Bình Dương được quy hoạch rất bài bản, đồng bộ và đầu tư hạ tầng khá tốt nên đã thu hút được khá nhiều DN địa ốc lớn, và những nhà môi giới lớn như Đất Xanh đến làm ăn. Tuy nhiên, cũng vì sự phát triển "nóng" trước đây nên hiện cung - cầu đất nền ở Bình Dương đang có sự lệch pha. Giai đoạn 2003-2006 nhà đất Bình Dương luôn ở tình trạng "sốt" nên những nhà môi giới lớn như Đất Xanh hoạt động rất tốt, và họ cũng đã dự đoán được đó là thời đỉnh điểm nên đã dần rút khỏi thị trường này để chuẩn bị cho chiến lược mới ở nơi khác.

Hay như một doanh nghiệp khác là Công ty Tổ chức phát triển nhà quốc gia (N.H.O) cũng đã từng công bố nhiều dự án hợp tác với các nhà đầu tư Singapore sẽ được xây dựng tại đây. Tuy nhiên, khi thị trường "ảm đạm" kéo dài, doanh nghiệp này đã bán lại dự án nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 13 cho một đối tác trong nước. Nhà đầu tư Nhật Bản đang đầu tư vào dự án Tokyu Bình Dương bằng việc hợp tác với Becamex cũng đang tìm cách thoái vốn.

Nhiều dự án điển hình như Ecolakes Mỹ Phước đang là nơi sa lầy của rất nhiều nhà đầu tư. Đã nhiều năm qua họ chấp nhận cắt lỗ rao bán biệt thự, nền đất nhưng cũng không tìm được người mua. Có khá nhiều dự án BĐS hoành tráng được đầu tư xây dựng cả khu biệt thự cao cấp nhưng thiếu người ở. Nhiều dự án đô thị mới với hàng loạt dãy nhà bị bỏ hoang,, nhiều con đường vắng lặng người dân, cỏ dại mọc len lỏi, mặt đường đầy rác thải,...

Theo nhiều chuyên gia nhận định, chính việc quy hoạch bài bản và đồng bộ thành phố mới Bình Dương quy mô 1.000ha, sẽ là trung tâm đã tạo nên sự kỳ vọng rất lớn của các doanh nghiệp BĐS trong vào ngoài nước không ngần ngại rót vốn đầu tư vào các dự án.

Có thể kể tới nhiều dự án "khủng" đã được đăng ký và cấp phép đầu tư như Tokyu Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Becamex Tokyu, liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu Nhật Bản và Tập đoàn Becamex IDC của Việt Nam đầu tư. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt dự án khác như Khu công nghệ kỹ thuật cao Mapletree của Singapore; phố Golden Town, dự án Aroma; dự án khách sạn cao cấp và căn hộ của công ty N.H.O…

Tuy nhiên, khi cơn khủng hoảng thị trường bất động sản "càn quét" liên tiếp từ các năm 2008-2013, hàng loạt dự án nhà ở tại tỉnh này đều rơi vào tình trạng "đóng băng" mãi cho đến tận thời điểm hiện nay. Nhiều năm qua, rất nhiều chủ đầu tư lớn nhỏ, ngay cả các công ty môi giới thứ cấp cũng đã phải "khóc ròng" trên đống tài sản không thể nào bán được.

Nhiều công ty đã đổ ra hàng tỷ đồng để chạy chiến lược quảng bá, vực dậy dự án nhưng đến nay mọi thứ vẫn rất "im ắng". Tại đây, hàng ngày vẫn diễn ra hiện tượng người rao bán nhà đất thì nhiều nhưng người mua thì không nhiều!

Theo ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land, Bình Dương hơn 10 năm qua được quy hoạch rất tốt, từ chính sách quản lý, hệ thống giao thông đến cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do các loại hình bất động sản phần lớn không phải đáp ứng nhu cầu ở thực, dẫn đến nhiều khu vực "nhà thì có, người ở thì không", đô thị để hoang.

Theo ông Phúc, mức sống của người dân Bình Dương không cao, đa phần là công nhân lao động nên nhu cầu mua BĐS cao cấp không nhiều. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư trước đây lại phát triển nhiều dự án khá cao cấp. Chỉ xây lên rồi bán chứ không chú trọng phát triển hạ tầng xã hội, tiện ích thì không ai về sinh sống là điều dễ hiểu.(Nhipsongkinhte)

Trở về

Bài cùng chuyên mục