tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-07-2017

  • Cập nhật : 22/07/2017

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước 2015: Hé lộ nhiều sai sót của Agribank

Chiều 21/7, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo Công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016.

Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của 08 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cùng hệ thống CNTT liên quan đến lập BCTC của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã được thực hiện kiểm toán trong năm qua.

Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều thiếu sót trong hạch toán cùng sai phạm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) trong thời gian qua.

Năm 2015, Agribank đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, kinh doanh thu lãi 3.133,01 tỷ đồng. Tuy vậy, đến 31/12/2015, Agribank có 06/09 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư). Đối với dự phòng rủi ro tín dụng, KTNN xác định Agribank trích lập thiếu 2.848,7 tỷ đồng.

Nợ xấu của hệ thống TCTD đến 31/12/2015 tính đầy đủ (cả nợ tồn đọng tại VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra NHNN) là 476,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu của Agribank nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC là 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ.

Báo cáo cũng nhận định hầu hết các chi nhánh Agribank được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay (một số khoản vay thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo. Agribank để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,50 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị đang chưa thể thu hồi được tiền gửi Công ty cho thuê tài chính I và Công ty cho thuê tài chính II - Agribank như Công ty Tài chính Cao su (599,50 tỷ đồng), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (1.531 tỷ đồng nợ gốc + lãi).

Hoạt động kiểm toán hệ thống CNTT tại Vietcombank cũng cho thấy Vietcombank chưa hạch toán theo phương pháp dồn tích đối với các khoản lãi và phí phải thu thẻ tín dụng như thông tin đã được các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa trước đó. Theo đó, từ năm 2001 đến nay, chưa tính và hạch toán đầy đủ trên hệ thống phần mềm tiền lãi của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 VND hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ. Đến nay, ngân hàng này đã có những thay đổi như kiến nghị của KTNN.(NDH)
---------------------

8.000 nhân viên Vinasun nghỉ việc

Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) công bố cho thấy, hầu hết chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, doanh thu thuần quý II năm nay đạt 810 tỷ đồng và ghi nhận mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay. Luỹ kế doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.903 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ vận tải hành khách vẫn là mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu, nhưng có dấu hiệu giảm mạnh cả về giá trị và tỷ trọng. Bù lại, doanh thu cung cấp dịch vụ khác bao gồm quảng cáo, lữ hành… đạt 160 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế quý II cũng giảm gần phân nửa so với năm ngoái, chỉ đạt 46 tỷ đồng và nâng luỹ kế bán niên lên mức 101 tỷ.

Đáng chú ý là tổng số nhân viên của Vinasun tính đến cuối kỳ báo cáo giảm gần 8.000 người so với thời điểm đầu năm, chỉ còn 9.179 người. Trước đó, trong công văn kiến nghị Thủ tướng hồi giữa tháng 5, Vinasun cho biết chỉ riêng trong quý I năm nay đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi mà nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab.

Kết quả kinh doanh của Vinasun liên tiếp tuột dốc trong khoảng một năm trở lại đây.

Tổng giá trị tài sản của Vinasun hiện tại là 2.914 tỷ đồng, giảm 269 tỷ so với thời điểm đầu năm do công ty tập trung thanh lý phương tiện vận tải xuống cấp với giá trị hơn 219 tỷ đồng.

Theo phân tích của ban lãnh đạo Vinasun, hoạt động kinh doanh năm nay vẫn gặp phải nhiều tác động không thuận lợi như sức mua trong nước chưa phục hồi, sự cạnh tranh khốc liệt từ Grab và Uber tại thị trường TP HCM. Ngoài ra, giá xăng dầu nhiều khả năng tăng đột biến, chi phí nhân viên tăng theo lương tối thiểu cùng hàng loạt khoản phát sinh khấu hao, lãi vay… cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Vinasun cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh. Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 4.256 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 10,6% và 34% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước bình quân mỗi km vào khoảng 15.887 đồng.

Trong thời gian tới, Vinasun sẽ thay chiến lược kinh doanh theo hướng đa dạng hoá hình thức hợp tác với lái xe (vừa khoán xe, vừa ăn chia theo tỷ lệ) và nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến để tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.(Vnexpress)
------------------------

Việt Namxuất khẩu vali ba lô túi xách hạng 5 thế giới 

Với giá trị xuất khẩu ba lô, vali, túi xách trong năm qua đạt con số 3,5 tỉ USD, Việt Nam đã trở thành một "ông lớn" trong ngành, được nhiều thương hiệu lớn chọn đặt nhà máy sản xuất.

Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (LEFASO), cho biết theo ghi nhận mới nhất của Hiệp hội da giày túi xách thế giới, Việt Nam đã đóng góp 3,2 tỉ USD từ việc xuất khẩu ba lô, vali, túi xách các loại sang 10 thị trường tiêu thụ lớn nhất hiện nay.

Theo LEFASO, Việt Nam hiện xếp thứ 5 trong top 10 quốc gia xuất khẩu ba lô vali túi xách lớn nhất của thế giới, chiếm 5,4% trong tỉ lệ nguồn cung toàn cầu.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch LEFASO, cho biết ngành hàng vali, ba lô túi xách có tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 10-15%/năm trong 5 năm qua.

Riêng với mặt hàng túi xách đã có rất nhiều thương hiệu quốc tế chọn Việt Nam đặt nhà máy sản xuất.

Theo LEFASO, năm 2016, toàn thế giới tiêu thụ khoảng 2,5 tỉ ba lô, túi xách với trị giá lên tới hơn 300 tỉ USD.

Ba thị trường nhập khẩu balo, vali túi và túi xách lớn nhất thế giới năm 2016 là Hoa Kỳ, Hong Kong và Nhật Bản.

Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất của ngành này, chiếm đến 40,8% tổng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này trên toàn cầu.(Tuoitre)
-------------------------------

Đủ chiêu thải loại lao động trên tuổi 35

Doanh nghiệp thải loại lao động (LĐ) lớn tuổi (khi tới 35-40 tuổi) ở các doanh nghiệp (DN) đã được ghi nhận trên thực tế. Tình trạng này sẽ còn gia tăng khi những chính sách liên quan lao động đã và sắp thay đổi.

Đủ chiêu thải loại lao động trên tuổi 35

Tình trạng thải loại lao động 35-40 tuổi ở các doanh nghiệp đã được ghi nhận trên thực tế. Ảnh: Như Ý.

Lách luật

Chị Nguyễn Thị Hạnh, rời Quảng Xương (Thanh Hóa) từ năm 1999, khi vừa học hết cấp 3. Chị Nam xin làm công nhân. Tới nay, đã 38 tuổi, chị Hạnh có thâm niên 20 năm làm cho công ty giày da của Đài Loan đặt tại quận Gò Vấp (TPHCM). Trong khi bạn bè chuyển hết công ty này tới công ty khác, chị Hạnh vẫn gắn bó một nơi. Nhờ đó, sau hơn 5 năm, chị được chuyển lên làm tổ trưởng một dây chuyền gồm 8 người.

Chị Hạnh cho biết, khoảng từ năm 2010 tới nay, kinh tế khó khăn, lương và bảo hiểm tăng, các công ty đẩy mạnh thay lao động lâu năm bằng người trẻ hơn ở những công việc chỉ học 2-3 tuần là làm được. Nhiều công ty thông báo chỉ tuyển lao động dưới 33 tuổi, nên nhiều bạn bè chị Hạnh không tìm được việc ở công ty mới, đành về chạy chợ, đi lượm ve chai, nhặt đồng nát.

“Những người gắn bó với công ty gần 20 năm như tôi, lương và phụ cấp được gần 8 triệu đồng, chúng tôi làm tăng ca ít, con cái ốm đau nên nghỉ nhiều. Trong khi công nhân trẻ mới vào, lương chỉ 3-4 triệu đồng mỗi tháng, họ chịu khó tăng ca, ít nghỉ. Mới năm ngoái thôi, công ty thông báo ai trên 35 tuổi nếu tự xin nghỉ sẽ được nhận trợ cấp một lần bằng 6-7 tháng lương. Nếu không nghỉ, công ty sẽ chuyển sang dây chuyền khác”, chị Hạnh kể.

Như phản ánh của PV, thực tế DN tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động, thải loại công nhân khi họ tới 35 đến 40 tuổi đang có xu hướng phổ biến hơn. Tới nay chưa ghi nhận trường hợp DN nào loại công nhân ở tuổi đó bị xử lý, thậm chí một khảo sát trên diện rộng cũng chưa được thực hiện.

Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương cũng cho biết, trên địa bàn có tình trạng trên (đặc biệt với lao động nữ). Việc loại lao động tuổi 35 trở lên chủ yếu diễn ra ở DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sản xuất trong ngành sử dụng nhiều LĐ, như may mặc, giày da, điện tử… “DN luôn muốn giảm tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền nghỉ phép, thưởng lễ tết… Qua đó tối đa hóa lợi nhuận, nên luôn tìm cách chấm dứt hợp đồng LĐ đối với công nhân lớn tuổi”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, DN có nhiều cách để chấm dứt hợp đồng với LĐ lớn tuổi như tăng định mức, sản lượng phải hoàn thành để số LĐ lớn tuổi không đáp ứng được và bị chấm dứt hợp đồng, hoặc họ tự nghỉ. Một cách khác là họ bố trí dây chuyền có số LĐ lớn tuổi ít người hơn so với dây chuyền có lao động trẻ với lý do LĐ lớn tuổi làm lâu thạo nghề, quen tay hơn người trẻ… Có DN cào bằng mức lương giữa LĐ lớn tuổi và LĐ trẻ khiến nhiều LĐ lớn tuổi cảm thấy bị đối xử không công bằng, từ đó họ tự nghỉ việc. Thậm chí, DN thay đổi dây chuyền, công nghệ nên đưa đơn xin nghỉ việc cho NLĐ ký, thay vì đào tạo lại theo luật.

Hậu quả nặng nề

Mới đây, Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam) đã khảo sát mẫu tại 64 DN cả nước và cũng ghi nhận có tình trạng thải loại lao động lớn tuổi. Tuy nhiên, tới nay chưa có một khảo sát, điều tra đầy đủ nào về vấn đề này, tất cả mới dừng lại ở ghi nhận hiện tượng.

Tại Công ty Honda Việt Nam ở Vĩnh Phúc, theo khảo sát của tổ liên ngành tỉnh này, giai đoạn 2013-2016, mỗi năm DN này tuyển mới từ 1.000- 3.000 LĐ, chủ yếu LĐ phổ thông. Cùng đó, mỗi năm Honda chấm dứt hợp đồng LĐ với từ 1.000 tới gần 3.000 người (tương đương số tuyển mới), chỉ giữ lại mỗi năm vài trăm người. Để “thay máu” LĐ, Honda Việt Nam tổ chức các kỳ thi sát hạch tay nghề, và đa số người thi đều bị… rớt. Do Honda làm không trái luật, nên đoàn liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ có thể kiến nghị: “Honda Việt Nam xem xét điều chỉnh nội dung đánh giá năng lực để ký hợp đồng không thời hạn cho phù hợp với thực tế Việt Nam”.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ LĐ (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam) cho rằng, dù ghi nhận có việc DN thải người LĐ lớn tuổi, nhưng rất khó xử phạt, vì DN có nhiều cách lách luật. Như chỉ ký 2 hợp đồng ngắn hạn rồi thôi, thậm chí trả thêm tiền để LĐ lớn tuổi tự xin nghỉ việc.

Cần nghiên cứu lại luật lao động

Theo một nguyên lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng chấm dứt hợp đồng với LĐ lớn tuổi sẽ nghiêm trọng hơn nếu Bộ luật Lao động sửa đổi (đang lấy ý kiến) được thông qua. Theo đó bộ luật lao động sửa đổi, chủ sử dụng LĐ chỉ được ký 2 hợp đồng xác định thời hạn liên tục, hợp đồng thứ 3 phải ký không thời hạn. Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi sẽ mở hơn, nếu hợp đồng LĐ có thời hạn hết hiệu lực, người LĐ vẫn tiếp tục làm việc thì xem như hợp đồng “tự động ký mới” với thời hạn như hợp đồng cũ. Chỉ khi người LĐ và chủ sử dụng ký lại hợp đồng mới, thì đó mới là hợp đồng không xác định thời hạn.

“Nếu quy định mới này được thông qua, DN chỉ cần ký một hợp đồng có thời hạn, sau đó không ký lại hợp đồng mới, LĐ vẫn làm việc bình thường nhưng mãi mãi vẫn là hợp đồng có thời hạn. Như vậy, chủ sử dụng thích chấm dứt hợp đồng khi nào cũng được”, ông này phân tích.

Ông Lê Đình Quảng cho rằng, những thay đổi trong Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi về hợp đồng LĐ sẽ phải nghiên cứu lại. Do khi xây dựng dự thảo, vấn đề thải loại LĐ lớn tuổi chưa nóng như hiện nay.(Tienphong)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục