tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-05-2017

  • Cập nhật : 22/05/2017

Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ

Sáng 20.5, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đề án này.

Chế biến sâu mới nâng cao giá trị

Chuỗi này thực hiện tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2016 sản lượng cá ngừ đánh bắt của 3 tỉnh này là 92.192 tấn. Từ năm 2015, công tác bảo quản, chế biến cá ngừ vây vàng, mắt to đã được cải thiện, cùng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường xuất khẩu nên giá cá ngừ câu vàng (câu truyền thống) dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, giá cá ngừ câu tay (câu hiện đại) từ 83.000 - 95.000 đồng/kg, riêng cá ngừ vằn giá ổn định từ 25.000 - 32.000 đồng/kg.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết sau khi triển khai thí điểm chuỗi cá ngừ thì chất lượng cá ngừ ở khâu nguyên liệu đã nâng cao nhờ áp dụng công nghệ trong khâu đánh bắt, bảo quản.

Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết năm 2016, tỉnh Bình Định tổ chức 12 chuyến biển cho 25 tàu cá tham gia khai thác theo công nghệ Nhật Bản, đã đánh bắt được 5.147 con với tổng trọng lượng 207.787 kg, nhưng chỉ đưa sang Nhật Bản 28 con (1.225 kg) để bán đấu giá. “Số lượng cá ngừ đạt chất lượng để xuất khẩu sang Nhật Bản chưa nhiều nên chưa tăng giá trị, tạo thu nhập cho ngư dân. Hơn nữa, chi phí lưu kho, vận chuyển máy bay, bán đấu giá… tại Nhật Bản rất cao nên doanh nghiệp không có lãi mà chỉ mới xây dựng thương hiệu cho cá ngừ VN tại Nhật Bản”, ông Phúc nói.

Trong khi đó, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP thủy sản Bình Định, cho biết công ty đưa cá ngừ Bình Định sang Nhật Bản với giá bán từ 230.000 - 240.000 đồng/kg, nhưng phải bù lỗ gần 30.000 đồng/kg. “Chi phí đưa cá ngừ sang Nhật Bản để bán đấu giá rất cao, chiếm hơn 60% giá trị nên chúng tôi phải bù lỗ”, bà Lan giải thích.

Công ty TNHH Nguyễn Hưng (Phú Yên) liên kết tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm cá ngừ vằn với 25 tàu cá của ngư dân. Tuy nhiên, công ty này cũng chỉ mới chế biến thô cá ngừ vằn làm nguyên liệu để bán cho một công ty Thái Lan làm đồ hộp. Khi tham quan công ty này, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đã mong muốn công ty xây dựng nhà máy chế biến thành sản phẩm đồ hộp, các sản phẩm phụ trích xuất từ cá ngừ như omega, collagen… thì mới nâng cao giá trị cá ngừ, tăng thu nhập cho ngư dân được.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhìn nhận trong quá trình thí điểm sẽ có mô hình hiệu quả và chưa hiệu quả nên phải rút kinh nghiệm. “Hiện vẫn còn 2 vấn đề tồn tại lớn nhất, đó là liên kết chuỗi và sản phẩm tiêu thụ chỉ mới tiêu thụ thô, chưa có chế biến sâu. Chúng ta chưa làm chủ công nghệ và chưa có những sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt sản phẩm từ phụ phẩm con cá ngừ. Thành thử giá trị con cá ngừ vẫn chưa được nâng lên. Tới đây, chúng ta cần tập trung vào chế biến sâu để nâng cao giá trị”, ông Tám nói.

Cần cảng chuyên dụng cho cá ngừ

Bà Cao Thị Kim Lan cũng chỉ ra nguyên nhân chất lượng cá ngừ giảm một phần do chưa có cảng cá chuyên dụng. “Cá đánh bắt về cảng, nhưng để vận chuyển lên bờ thì phải di chuyển từ tàu này qua tàu nọ nên chất lượng cá ngừ sẽ suy giảm. Cần phải có cảng cá ngừ chuyên dụng mới giải quyết dứt điểm được vấn đề này”, bà Lan đề nghị.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết hiện Bộ NN-PTNT đang đầu tư cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng. “Khi có cảng cá ngừ chuyên dụng rồi, chúng ta sẽ xây dựng quy chuẩn chuyên biệt cho cá ngừ”, ông Tám nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: qua 2 năm thực hiện thí điểm chuỗi cá ngừ đã có một số mô hình chuỗi thực hiện khá tốt, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Nhiều mô hình để khẳng định tính bền vững còn phải thử thách thời gian. Theo Bộ trưởng, hiện nay các doanh nghiệp chế biến cá ngừ chú trọng thị trường xuất khẩu nhưng lại bỏ quên thị trường trong nước.(Thanhnien)
--------------------------------------

OPEC không còn kiểm soát được giá dầu

Sự bùng nổ mạnh mẽ dầu đá phiến của Mỹ đang là một trong những nguyên nhân khiến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hết thời.

Khả năng chi phối to lớn lên giá dầu của OPEC trong nhiều thập niên qua là vô song, nhưng có lẽ thời huy hoàng đó sẽ không còn kéo dài được lâu vì cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ.

“Ả Rập Xê Út và OPEC không còn khả năng kiểm soát được giá dầu nữa. Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã làm thay đổi thị trường. Các nhà sản xuất dầu đá phiến có thể bơm dầu ngay cả trong thời kỳ giá dầu xuống thấp”, Douglas Rachlin, Giám đốc điều hành Neuberger Berman’s Rachlin Group, cho biết tại Hội nghị SkyBridge Alternatives Conference (SALT) diễn ra ở Las Vegas (Mỹ) hôm 17.5.

Theo CNN, vào đầu tháng này, OPEC đã phải gửi một yêu cầu nhằm đề nghị Mỹ ngưng bơm quá nhiều dầu. Lời phàn nàn được đưa ra sau khi các nhà sản xuất của Mỹ đã cung cấp lượng lớn dầu đá phiến ra thị trường, đặc biệt là ở Permian Basin, khu vực thềm đá phiến nằm ở phía tây Texas và phía đông nam New Mexico, khiến khả năng bình ổn giá dầu của OPEC giảm sút.

“Thực tế Mỹ đang là nhà sản xuất dầu có quyền lực hiện nay”, Michael Hintze, tỉ phú sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm CQS, nói tại Hội nghị SALT. Ông Hintze cũng chỉ ra rằng cùng với điều kiện địa chất thuận lợi từ tự nhiên cho phép nhiều lớp đá phiến dễ dàng bị va đập và bẻ gãy để giải phóng dầu kẹt ở bên trong, các nhà sản xuất dầu ở Permian Basin còn sử dụng công nghệ tiên tiến để giảm chi phí khoan dầu vốn tốn kém.

Được biết trong những ngày gần đây, OPEC đã tìm cách trấn an tinh thần các nhà đầu tư. Ả Rập Xê Út và nước ngoài OPEC Nga đã đẩy giá dầu lên cao sau khi cam kết sẽ làm “bất cứ điều gì” cần thiết để hỗ trợ thị trường, bao gồm cả việc mở rộng sản lượng cắt giảm cho đến tháng 3.2018.

Tuy nhiên, ông Hintz cho biết Ả Rập Xê Út “không thể là nhà sản xuất có khả năng chi phối giá dầu được nữa vì tình hình tài chính của nước này”, đặc biệt khi Ả Rập Xê Út đang tập trung phần lớn tiềm lực để thực hiện một chương trình đầy tham vọng có tên “Vision 2030” nhằm tìm cách phá vỡ sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đa dạng nền kinh tế.

“Hy vọng đến năm 2030, tôi sẽ không còn phải quan tâm đến giá dầu cho dù giá dầu lúc đó chìm xuống chỉ còn ở mức số không”, Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê Út Mohammed Al Jadaan nói với CNN.

Song một yếu tố khác cũng đang góp phần làm mất dần ngôi vị quyền lực trong thị trường dầu mỏ của OPEC chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Chính quyền Mỹ đang hỗ trợ rất nhiều cho ngành dầu mỏ”, ông Rachlin nói. Ví dụ cụ thể là Rex Tillerson, cựu Giám đốc Exxon Mobil, đã trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và Rick Perry, cựu Thống đốc bang Texas, trở thành Bộ trưởng Năng lượng Mỹ. Nhưng ông Rachlin cũng thừa nhận rằng những rắc rối gần đây của Tổng thống Trump có thể sẽ gây ra sự thay đổi không chỉ trong môi trường chính trị mà còn tác động đáng kể đến cả thị trường năng lượng này.(Thanhnien)
----------------------------

Việt Nam lọt top 30 ngân hàng tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương

Tổ chức uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính Global Finance vừa công bố bảng xếp hạng thường niên các ngân hàng tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương 2017.

Theo danh sách, Maritime Bank (Việt Nam) nằm trong danh sách 30 ngân hàng uy tín cùng Mizuho (Nhật Bản), Commonwealth (Úc), Shinhan (Hàn Quốc), The bank of East Asia (Hong Kong)...

Best Bank là giải thưởng do Global Finance sáng lập từ năm 1994, được tổ chức bình chọn hằng năm với các ứng viên là những ngân hàng đến từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các ứng viên được bình xét theo các tiêu chí nghiêm ngặt do Global Finance đặt ra như sự tăng trưởng về tài sản, khả năng sinh lời, phạm vi địa lý, mối quan hệ chiến lược, sự phát triển kinh doanh và cải tiến sản phẩm do các chuyên gia phân tích tài chính, chuyên gia phân tích tín dụng, tư vấn ngân hàng… đánh giá và xếp hạng. Ngoài ra, Global Finance còn tham khảo ý kiến tư vấn từ các nhà điều hành doanh nghiệp, các nhà tư vấn và phân tích trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trên toàn thế giới. Để tăng thêm tính khách quan, sự chính xác và độ tin cậy của kết quả, Global Finance còn tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của độc giả trên diện rộng.

Danh sách Best Bank 2017 khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự góp mặt của nhiều ngân hàng tên tuổi lớn của khu vực và thế giới như: Commonwealth Bank (Top 5 ngân hàng lớn nhất Úc), ICBC (ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thế giới 2016), The Bank of East Asia (một trong ba ngân hàng lớn nhất tại Hồng Kông), State Bank of India (ngân hàng lớn nhất Ấn Độ), Mizuho Bank (Top 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản), Shinhan Bank (ngân hàng đầu tiên của Hàn Quốc)… Năm nay, đại diện Việt Nam duy nhất được Global Finance lựa chọn vinh danh là Maritime Bank (Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam).

Phát biểu về tiêu chí chấm giải, ông Joseph D. Giarraputo - Giám đốc xuất bản và biên tập của Global Finance, cho biết: “Giải thưởng thường niên Best Bank của Global Finance nhằm vinh danh những tổ chức tài chính đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Những ngân hàng này có thể không phải là ngân hàng lớn nhất hay lâu đời nhất tại quốc gia đó mà chúng tôi đánh giá ở họ sự nỗ lực không ngừng và khả năng thích ứng tốt với những thay đổi của thị trường khiến họ trở nên nổi bật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”.

Riêng về Maritime Bank của Việt Nam, ông Joseph D. Giarraputo cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao mục tiêu ngân hàng này đặt ra cho hoạt động của mình là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng và Maritime Bank trong thời gian qua đã thể hiện rõ được những nỗ lực mang đến hiệu quả cao của mình để đạt được mục tiêu đó. Sự tiên phong của ngân hàng này trong nhiều lĩnh vực đã giúp họ gia tăng nhanh chóng số lượng khách hàng và có được sự phát triển ổn định trong môi trường vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như hiện nay là một trong những điểm nhấn quan trọng giúp Maritime Bank giành được giải thưởng này”.

Global Finance được thành lập vào năm 1987, có trụ sở chính đặt tại New York (Mỹ) và các văn phòng đại diện tại London (Anh) và Milan (Ý). Global Finance phát hành tạp chí chuyên nghiên cứu thị trường tài chính quốc tế có lượng ấn phẩm hơn 50.000 bản, phát hành rộng rãi ở 192 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Giải thưởng Best Bank 2017 của Global Finance tại các khu vực khác trên thế giới sẽ tiếp tục được công bố trên tạp chí Global Finance số ra tháng 5.2017.(Thanhnien)
-------------------------

Kinh tế Nga hồi phục ấn tượng

Theo báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Nga đang phục hồi tốt từ đợt suy thoái và có thể tăng trưởng 1,4% trong năm nay.

anh: bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô và từng bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu lao dốc vào năm 2014. Tiếp đó, những biện pháp trừng phạt kinh tế do các nước phương Tây áp đặt vì căng thẳng ở Ukraine càng khiến Nga thêm chật vật. Đợt suy thoái kinh tế diễn ra với việc đồng rúp trượt giá và cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Song hiện tại, CNN trích báo cáo của IMF cho biết kinh tế nước này đang dần sáng hơn.

“Nền kinh tế đang thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài hai năm nhờ phản ứng chính sách hiệu quả từ chính phủ và các bộ đệm mạnh mẽ tồn tại”, IMF viết. Giá dầu hạ xuống 26 USD/thùng hồi đầu năm ngoái nhưng từ đó hồi phục trở lại quanh mốc 50 USD, một phần là nhờ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đồng ý hạ sản lượng.

IMF hoan nghênh kế hoạch của Moscow trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách, tái xây dựng dự trữ ngoại hối, tư hữu hóa một số doanh nghiệp quốc doanh và thanh lọc nhiều ngân hàng yếu kém khỏi hệ thống tài chính.

Dù vậy, tổ chức quốc tế cũng cảnh báo rằng hậu quả kéo dài của lệnh trừng phạt vẫn có thể là trở ngại cho đầu tư. Chính phủ Nga cần theo đuổi chương trình cải cách rộng hơn, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và các loại hàng hóa khác của nền kinh tế. Vài năm tới, IMF dự báo kinh tế Nga sẽ tăng khoảng 1,5%, gần bằng một nửa so với mức tăng trưởng 3,5% giai đoạn 2010 - 2012.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục