tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-05-2017

  • Cập nhật : 23/05/2017

Đức, Pháp mong muốn đẩy nhanh tiến trình hội nhập châu Âu

Pháp và Đức cam kết đẩy nhanh tiến trình hội nhập châu Âu thông qua việc thành lập ủy ban song phương có nhiệm vụ xem xét các đề xuất cụ thể để khởi động tiến trình cải cách.

bo truong kinh te phap bruno le maire (phai) va nguoi dong cap duc wolfgang schaeuble (trai) tai cuoc hop bao o berlin, duc ngay 22/5. anh: afp/ttxvn

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire (phải) và người đồng cấp Đức Wolfgang Schaeuble (trái) tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức ngày 22/5. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Phát biểu với báo giới ngày 22/5, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Wolfgang Schaeuble trước đó cùng ngày tại Berlin, hai nước đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình hội nhập châu Âu "theo một cách rất cụ thể", đồng thời cam kết đóng vai trò đầu tàu trong việc củng cố Liên minh châu Âu (EU) trong những giai đoạn thách thức. Ông Le Maire nêu rõ Pháp và Đức đã thảo luận về tiến trình này trong nhiều năm qua, song chưa đạt được kết quả khả quan. 

Cũng theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp, không chỉ tại Pháp và Đức, người dân các nước châu Âu khác cũng mong đợi những đề xuất và kế hoạch đầu tư cụ thể mà có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. 

Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm cho biết ủy ban song phương thúc đẩy hội nhập châu Âu sẽ xem xét những khía cạnh như làm thế nào để EU có thể cân đối hệ thống thuế, cũng như tính khả thi của việc phối hợp các chính sách kinh tế, và tìm kiếm những hình mẫu đầu tư mà Pháp và Đức có thể cấp vốn. Dự kiến, ủy ban này sẽ công bố báo cáo cụ thể tại cuộc họp song phương cấp bộ trưởng diễn ra vào tháng 7 tới. 

Liên quan tới vấn đề Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), Bộ trưởng Pháp Le Maire nhận định sự kiện này cũng là cơ hội cho lĩnh vực tài chính và có thể mang lại "việc làm và sự thịnh vượng" cho các nền kinh tế EU. Ông đồng thời kêu gọi các công ty tài chính EU nắm bắt.(Baotintuc)
--------------------------

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng bước bình thường hóa quan hệ thương mại

Ngày 22/5, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận hướng tới bình thường hóa quan hệ thương mại giữa hai nước, theo đó Moskva chấp thuận dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt thương mại mà nước này áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga năm 2015.

Theo hãng thông tấn Anadolu, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek và người đồng cấp Nga Arkady Dvorkovich đã ký thỏa thuận liên quan đến vấn đề trên bên lề một hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo khu vực Biển Đen đang diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. 

Anadolu nhận định văn kiện là một bước tiến quan trọng hướng tới bình thường hóa quan hệ kinh tế và tăng giao thương giữa hai nước. Chính phủ Nga đã xác nhận chứng kiến lễ ký thỏa thuận "dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt" có Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Tuy nhiên, nội dung chi tiết thỏa thuận không được công bố. 

Sự việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy báy chiến đấu của Nga ngày 24/11/2015 đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai nước, khiến Moskva áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt Ankara. Ngoài các lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa, Nga cũng cấm mọi hoạt động du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ khiến ngành "công nghiệp không khói" của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Hiện quan hệ giữa hai nước đang dần cải thiện sau khi đạt được một thỏa thuận hòa giải vào mùa Hè năm 2016. Hai nước cũng đang hợp tác trong nỗ lực chấm dứt tình hình xung đột tại Syria.(TTXVN)
---------------------------

Tình hình tài chính của Eurozone đã có sự cải thiện

Trong báo cáo đánh giá hàng năm về ngân sách của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) mới công bố, Ủy ban châu Âu (EC) nhận định tình hình tài chính của các nước ở Khu vực sử đụng đồng euro (Eurozone) đã có sự cải thiện, một dấu hiệu cho thấy khối này đang ổn định hơn, nhưng Pháp và Tây Ban Nha vẫn tiếp tục vi phạm quy định về thâm hụt ngân sách, trong khi Italy đối mặt với các thách thức khẩn cấp.

Theo EC, tổng mức thâm hụt ngân sách của Eurozone đã giảm xuống 1,5% GDP trong năm 2016 và sẽ giảm thêm nữa trong năm nay và năm tới, xuống thấp hơn nhiều so với mức trần mà EU đặt ra là 3% GDP. 

Nhờ tình hình tài chính công của Bồ Đào Nha cải thiện, EC muốn dừng quy trình kỷ luật đối với nước này, điều sẽ cần được các bộ trưởng tài chính EU ủng hộ. EC cho biết, thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã giảm xuống mức 2% GDP vào năm 2016. 

Trong khi đó, Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, vẫn thâm hụt ngân sách vượt mức trần. Mức thâm hụt ở nước này vào năm ngoái là 3,4% GDP và được dự báo sẽ giảm trong năm 2017, nhưng sẽ tăng trở lại vượt trần vào năm 2018, trừ phi Tân Tổng thống Emmanuel Macron thông qua các cải cách kinh tế mới trong những tháng tới. 

Tây Ban Nha cũng trong tình trạng tương tự, khi thâm hụt ngân sách 4,5% GDP trong năm 2016, một trong những mức cao nhất ở EU. 

Còn với Italy, tổng nợ của nước này tương đương 133% GDP, cao thứ hai trong khối, sau Hy Lạp, vượt xa mức trần nợ 60% GDP theo quy định. EC cho rằng các biện pháp ngân sách bổ sung mà nước này thông qua hồi tháng Tư là đủ để Italy tuân thủ các quy định của khối trong năm nay. (TTXVN)
------------------------

EU 'bật đèn xanh' cho đàm phán Brexit với Anh

Ngày 22/5, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí ủy quyền cho ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán của EU - khởi động các cuộc đàm phán với Anh về việc nước này rời khỏi EU (gọi là Brexit).

 

ong michel barnier tai cuoc hop bao o brussels, bi ngay 22/5. afp/ttxvn

Ông Michel Barnier tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 22/5. AFP/TTXVN

 

Các quan chức cho biết trong cuộc họp tại Brussels, Hội đồng đối ngoại 27 nước thành viên EU đã nhất trí thông qua các chỉ thị định hướng cũng như nhóm đàm phán Brexit. 


Các bộ trưởng EU cũng tái khẳng định sẽ không đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit trước khi London nhất trí giải quyết các bất đồng với EU. Các chỉ thị định hướng cho các đàm phán với nước Anh liên quan đến giai đoạn đầu tiên của các cuộc đàm phán, vạch ra một số vấn đề cần ưu tiên trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo nước Anh có thể rút lui một cách có trật tự. 

Phát biểu với báo giới, ông Barnier cho biết cuộc đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra vào tuần bắt đầu từ ngày 19/6. Theo ông, hai bên càng sớm nhất trí về các vấn đề chủ chốt liên quan đến việc rời khỏi EU, thì sẽ càng sớm thỏa luận về các điều khoản của thỏa thuận thương mại trong tương lai. Ông Barnier cũng nhấn mạnh quyền công dân và thỏa thuận tài chính giữa Anh và EU phải là vấn đề được giải quyết trước. 
        
Đầu tháng 5, ông Michel Barnier đã đưa ra chi tiết lịch trình đàm phán, theo đó dự kiến đạt thỏa thuận giai đoạn một trong khoảng thời gian tháng 10-12 năm nay, tiếp theo sẽ khởi động giai đoạn 2 trong thời gian tháng 12/2017 và mùa Xuân 2018 để kết thúc thỏa thuận về việc Anh rút khỏi EU vào tháng 11/2018. Như vậy, EU sẽ có khoảng 6 tháng cuối cùng, tức đến tháng 3/2019, để các nước thành viên phê chuẩn thỏa thuận "ly hôn" với Anh.(Baotintuc)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục