tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 24-05-2017

  • Cập nhật : 24/05/2017

Moody’s: Dòng vốn FDI mạnh giúp Việt Nam đa dạng hóa nền kinh tế

Moody’s dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc trong các quý tới, và GDP cả năm sẽ đạt 6,5%, đồng thời nhận định bảo hộ thương mại của các đối tác lớn gây tác động tới kinh tế Việt Nam.

moody's danh gia viet nam co loi the lon o mot so nganh san xuat tham dung lao dong nhu giay dep va may mac. nguon anh: internet

Moody's đánh giá Việt Nam có lợi thế lớn ở một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như giầy dép và may mặc. Nguồn ảnh: Internet

 

Trong thông báo ra ngày 22/5, Moody’s Investors Service cho biết mức xếp hạng tín nhiệm B1 và triển vọng tích cực của Việt Nam phản ánh kỳ vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục giúp Việt Nam đa dạng hóa nền kinh tế so với các nước cùng xếp hạng.

Đồng thời, Moody’s cho rằng nhịp độ tăng trưởng GDP nhanh sẽ tiếp tục, cùng với ổn định vĩ mô và tình hình quốc tế, sẽ tạo thuận lợi cho ổn định nợ chính phủ.

Trong báo cáo phân tích tín nhiệm hàng năm, Moody’s đánh giá 4 yếu tố để xem xét xếp hạng của Việt Nam như sau: Sức mạnh kinh tế ở mức Cao (-), Sức mạnh thể chế ở mức Thấp (+), Sức mạnh tài khóa ở mức Trung bình (-), và Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro ở mức Cao.

Cơ quan này cũng cho rằng ngành ngân hàng vẫn là một rào cản lớn đối với tín dụng của Việt Nam, và sự phục hồi của cầu trong nước kể từ năm 2015 diễn ra cùng lúc với tăng trưởng tín dụng nhanh, tạo ra những thách thức đối với hệ thống ngân hàng vẫn chịu tỷ lệ vốn thấp và nợ xấu.

Những tiến bộ của Việt Nam trong sức cạnh tranh và cải cách trong thời gian qua một phần nhờ vào việc tham gia vào các thỏa thuận tự do thương mại. Việt Nam có lợi thế lớn ở một số ngành như hàng hóa nông nghiệp, các ngành sản xuất thâm dụng lao động như giầy dép và may mặc, và gần đây là một số ngành có giá trị gia tăng cao như điện thoại và hàng điện tử.

Moody’s dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc trong các quý tới, và GDP cả năm sẽ đạt 6,5%, thấp hơn mục tiêu 6,7% của Chính phủ. Môi trường bên ngoài cải thiện cũng giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 16,4% trong 4 tháng đầu năm nay, so với mức 9,1% cả năm ngoái.

Sức cạnh tranh và đà cải cách của Việt Nam cũng giúp thu hút vốn FDI, vốn chiếm tỷ lệ 5,2% GDP trong giai đoạn 2014-2016, cao hơn mức bình quân 3,6% của các nước cùng xếp hạng B1.

Moody’s cũng nhận xét sự bảo hộ ngày càng tăng của các đối tác thương mại chính là một rủi ro lớn cho đầu tư, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sự chuyển dịch trong chính sách của Mỹ sang bảo hộ làm chậm đà tăng trưởng thương mại toàn cầu, đồng thời tác động tới kinh tế Việt Nam, vốn phụ thuộc vào thương mại.

Sức mạnh tài khóa ở mức Trung bình (-) của Việt Nam phản ánh nợ chính phủ ở mức 50-55% GDP và khả năng trả nợ cao. Cơ quan này cho rằng thâm hụt tài khóa sẽ vẫn tăng trong trung hạn, nhưng sẽ không đẩy nợ công tăng cao hơn so với mức cuối năm 2016.

Nợ công đã đạt mức 63,7% GDP trong năm 2016, gần sát mức trần 65%, khiến Chính phủ phải giảm lượng bảo lãnh mới.

Rủi ro thanh khoản của chính phủ được xếp ở mức Thấp do nhu cầu vay vốn ở mức trung bình và tỷ lệ nợ nước ngoài thấp. Ngoài ra, Chính phủ đã có vài đợt phát hành trái phiếu bằng đồng USD tại thị trường quốc tế trong vòng 1 thập kỷ qua.

Cải thiện trong lĩnh vực ngân hàng

Moody’s đánh giá Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro chủ yếu đến từ rủi ro lĩnh vực ngân hàng, vốn được đánh giá ở mức cao nhất trong số các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cơ quan này đánh giá nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng vẫn ở mức cao, nhưng tính minh bạch đã được cải thiện nhiều nhờ tiêu chuẩn phân loại nợ và công bố thông tin chặt chẽ hơn.

“Tăng trưởng kinh tế nhanh đã làm tăng triển vọng phục hồi của các tài sản xấu mang tính di sản, đồng thời giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 6,8% vào năm 2016 từ mức 9% trong năm 2012”, Moody’s viết.

  lich su moody's xep hang tin nhiem viet nam. nguon: moody's

  Lịch sử Moody's xếp hạng tín nhiệm Việt Nam. Nguồn: Moody's


(Bizlive)
-----------------------------------------------

Sẽ có cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý nợ xấu

Căn cứ Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng,...

 

pho thu tuong thuong truc chinh phu truong hoa binh. anh vgp/nhat bac

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Hôm nay 22/5, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV chính thức bắt đầu. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 trong đó nhấn mạnh nội dung về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và giải quyết nợ xấu.

Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, vấn đề này đã đạt được kết quả bước đầu, giữ vững an toàn hệ thống. Tuy nhiên, việc triển khai phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC còn nhiều khó khăn; năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp.

Theo đó, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

“Căn cứ Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; hoàn thiện các phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc khẩn trương, quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền. Củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; xử lý dứt điểm các quỹ yếu kém”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; hoàn thiện phương án cơ cấu lại từng tổ chức tín dụng. Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát. Có cơ chế phù hợp thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sáng 17/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53-55% tổng dư nợ tín dụng trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống TCTD chỉ chiếm khoảng 13-15% đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các TCTD sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ thi trường vốn, thị trường chứng khoán; nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng.

Thống đốc cũng cho biết, tính đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VND tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.(Bizlive)
---------------------------------

Thị trường tiền tệ bất ngờ đảo chiều do đâu?

Thị trường tiền tệ đang ghi nhận những biến động đầy bất ngờ chỉ trong vòng 2 tuần qua. Từ đầu năm 2017 đến nay, thanh khoản của toàn hệ thống luôn trong trạng thái căng thẳng do tín dụng tăng trưởng cao hơn huy động ngay từ những tháng đầu năm.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong khi tín dụng của toàn hệ thống tăng 5,2% thì huy động vốn chỉ tăng 3,7% trong 4 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, thị trường tiền tệ đã bất ngờ đảo chiều khi thanh khoản đã được cải thiện rõ rệt.

Diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (interbank) trong tuần qua trái ngược hoàn toàn so với tuần trước, khi giảm mạnh từ mức bình quân 4,7-4,9% xuống còn 3,9-4,1% đối với kỳ hạn qua đêm (Overnight – O/N).

Trên thị trường mở (Open Market Operations – OMO), lần đầu tiên kể từ đầu năm 2017 đến nay không có bất kỳ ngân hàng nào đăng ký vay vốn từ NHNN trong phiên giao dịch ngày 19/5/2017. Số dư bình quân trên OMO trong tháng 4 luôn duy trì ở mức trên 35 nghìn tỷ đồng thì nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 4 nghìn tỷ.

Dòng tiền đổ vào hệ thống ngân hàng đến từ đâu?

Về mặt lý thuyết thì việc lãi suất trên thị trường 2 đột ngột đảo chiều giảm mạnh chỉ khi NHNN thực hiện bơm vốn ra thị trường, và cách nhanh nhất để NHNN có thể hỗ trợ thanh khoản là bơm vốn thông qua OMO. Lượng vốn bơm ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản sẽ đúng bằng hoặc lớn hơn số dư đi vay của các ngân hàng trên OMO.

Tuy nhiên, kịch bản thứ nhất này đã không xảy ra khi dư nợ của các ngân hàng trên OMO đang ngày càng giảm dần và tiệm cần về 0 trong tuần tới.

Kịch bản thứ 2 có thể là NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ rất lớn từ thị trường. Đó có thể là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investments) hay nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (Foreign Indirect Investments – FII) hay thậm chí có thể là nguồn vốn bằng ngoại tệ từ chính các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước.

Tuy nhiên, cả ba trường hợp trên đều rất khó và gần như không thể xảy ra chỉ trong khoảng thời gian 1 tuần. Bởi lẽ, sẽ rất khó khi các nhà đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp hoặc/và gián tiếp) giải ngân hơn 1 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tuần vào thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, mức giá mua vào ngoại tệ của NHNN hiện nay ở mức 22.675 đồng/USD, vẫn còn cách khá xa so với giá giao dịch thực tế giữa các ngân hàng hiện nay, vào khoảng 22.700 đồng/USD.

Kịch bản thứ 3, cũng là kịch bản có xác suất cao nhất vào thời điểm này. Đó là việc NHNN đã tái cấp vốn cho các ngân hàng thông qua việc chiết khấu trái phiếu đặc biệt VAMC. Và chắc chắn lãi suất chiết khấu trái phiếu VAMC sẽ phải thấp hơn so với lãi suất mua vốn trên OMO. Với số dư trái phiếu VAMC của toàn hệ thống hiện lên tới con số trên 280 nghìn tỷ đồng thì việc NHNN chiết khấu khoảng 35-40 nghìn tỷ, tương đương khoảng 13% thì cũng không có gì quá bất ngờ và đáng quan ngại cho hệ thống.

Cần những thông tin kịp thời từ các cơ quan quản lý Nhà nước

Nếu như nhận định như ở kịch bản thứ 3 là đúng thì một câu hỏi được đặt ra lúc này cần được làm rõ? Đó là NHNN đã bơm ra khối lượng bao nhiêu, cho những ngân hàng nào và mức lãi suất cụ thể ra sao? Hay NHNN có tiếp tục bơm vốn ra nữa hay không? Các NHTM có tiêu chí như thế nào để được NHNN tái cấp vốn? Bởi lẽ chỉ khi toàn thị trường đều nắm được thông tin, cũng như hiểu được chính sách điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước thì họ mới chủ động để đưa ra các kịch bản ứng phó trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc minh bạch thông tin sẽ giúp các thành viên thị trường tin tưởng hơn vào sự điều hành của các cơ quan quản lý. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5/2017 vừa qua.(CafeF)
--------------------------------

Ngân hàng tăng vốn ồ ạt: Có lo vốn ảo?

Với gần 37 nghìn tỷ đồng vốn dự kiến được bổ sung trong năm nay, hoạt động hệ thống ngân hàng Việt được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều khởi sắc. Dù vậy, có lẽ thị trường vẫn chưa thể quên tình trạng vốn ảo của các nhà băng từ làn sóng tăng vốn trong giai đoạn 2008-2010.

16 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn năm nay

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng được các yêu cầu của Basel II, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hiệu lực từ tháng 9/2017 đối với 10 ngân hàng thí điểm và từ năm 2019 đối với tất cả các nhà băng, trong năm nay, rất nhiều ngân hàng sẽ tích cực thực hiện kế hoạch tăng vốn.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 nhà băng công bố kế hoạch tăng vốn trong năm nay với tổng mức vốn tăng dự kiến gần 37 nghìn tỷ đồng.

“Ông lớn” Vietcombank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 35.977 tỷ đồng lên 39.575 tỷ đồng trong năm nay qua phương án chào bán bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức có năng lực tài chính, có thể bao gồm cả một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank, tối đa 10 nhà đầu tư.

BIDV cũng dự định tăng thêm 4.445 tỷ đồng vốn điều lệ, lên 38.632 tỷ đồng thông qua chương trình ESOP và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. MB tăng thêm hơn 1000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức và ESOP, VPBank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 14.059 tỷ đồng, tương đương mức tăng 53% thông qua trả cổ tức và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, ngân hàng Techcombank lại chọn phương án tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, NamABank dự kiến phần lớn số vốn gần 2.000 tỷ đồng tăng thêm sẽ thông qua việc phát hành cổ phiếu mới.

Có lo vốn ảo?

Với gần 37 nghìn tỷ đồng vốn dự kiến được bổ sung trong năm nay, hoạt động hệ thống ngân hàng Việt được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều khởi sắc. Dù vậy, có lẽ thị trường vẫn chưa thể quên tình trạng vốn ảo của các nhà băng từ làn sóng tăng vốn trong giai đoạn 2008-2010.

Trước đó, nhằm tạo ra lớp đệm an toàn về năng lực tài chính cho quá trình hoạt động của các ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2006/NĐ-CP về danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, mức vốn pháp định tối thiểu áp dụng đến năm 2008 là 1.000 tỷ đồng và hạn cuối 31/12/2010 là 3.000 tỷ đồng.

Quy định là vậy, nhưng do thị trường chứng khoán thời điểm đó trì trệ, các phương án tăng vốn khác cũng khó khăn khiến không ít ngân hàng lâm vào bế tắc, đứng trước nguy cơ phải hợp nhất, sáp nhập hay thậm chí, là phải tự giải thể. Và hậu quả tất yếu, khi không thể tăng vốn thực thì những “mạng nhện” sở hữu chéo, vốn ảo đã xuất hiện trong hệ thống.

Và trường hợp của bầu Kiên là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự thất bại này.

Tuy vậy, trong lần tăng vốn này, giới chuyên gia cho rằng, việc tăng vốn ảo ở các ngân hàng là rất khó.

Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc tăng vốn ảo giờ đây gần như là không thể thực hiện được do Ngân hàng Nhà nước đã giám sát rất chặt chẽ, có thể theo dõi, kiểm soát trên hệ thống. Đặc biệt, NHNN cũng rất tích cực đưa ra các biện pháp để chống việc tăng vốn ảo, giúp minh bạch hoá thông tin, chống sở hữu chéo trong hệ thống.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, qua những vụ việc xảy ra trong giai đoạn 2008-2010, các ngân hàng cũng tự nhận thấy mức độ rủi ro của việc tăng vốn ảo để có thể tìm cho mình phương án tìm “tiền tươi thóc thật”.

Theo vị chuyên gia này, có lẽ việc cần làm là Chính phủ, NHNN cần phải tháo gỡ để giúp cho các ngân hàng có thể huy động được vốn, tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel II cũng như đáp ứng được nguồn vốn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay.

Ví dụ, có thể cho phép ngân hàng phát hành cổ phiếu cho nhân viên, cho cổ đông hiện hữu. Về lâu về dài thì có thể cho phép các ngân hàng giữ lại cổ tức tiềm ẩn để tăng vốn. Phương án này tôi thấy một số nước đã thực hiện, tất nhiên là họ không cho giữ lại tất cả nhưng cho giữ một tỷ lệ % nhất định, khoảng 50-60%. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến trính tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu đẻ tháo gỡ nút thắt trong dòng vốn tín dụng. "Nếu như xử lý nợ xấu được thực hiện nhanh hơn thì các ngân hàng cũng đỡ phải trích lập rủi ro nhiều hơn và có nguồn vốn để bổ sung vốn điều lệ", ông Lực nói.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục