tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-06-2018

  • Cập nhật : 08/06/2018

Mỹ đạt thỏa thuận nới lỏng trừng phạt Tập đoàn ZTE của Trung Quốc

Ngày 7/6, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Washington, theo đó giúp Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc tránh được nguy cơ phá sản.

bieu tuong cua tap doan zte. anh: reuters.com

Biểu tượng của Tập đoàn ZTE. Ảnh: Reuters.com

Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, theo thỏa thuận trên, ZTE sẽ phải nộp khoản phạt 1 tỷ USD và trong vòng 30 ngày phải thay ban giám đốc điều hành hiện tại. Ngoài ra, hãng sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc còn phải nộp một khoản "cọc" 400 triệu USD trong trường hợp vi phạm các điều khoản trong tương lai. Ông Ross khẳng định thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết Mỹ có thể sẽ áp đặt trở lại lệnh cấm ZTE nhập khẩu linh kiện của Mỹ trong 10 năm nếu hãng này tái phạm.

Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là hãng viễn thông lớn thứ 2 ở Trung Quốc và là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 4 vừa qua cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Trước đó, thông tin về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định "cứu" ZTE đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của nhiều nghị sĩ từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh mạng của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lập luận việc này nhằm tránh làm mất việc làm của nhiều công dân Mỹ.

Thỏa thuận nới lỏng trừng phạt ZTE được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, với việc Tổng thống Trump dọa áp thuế quan đánh vào các mặt hàng công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm giảm cán cân thâm hụt thương mại khổng lồ giữa hai nước.(TTXVN)
-----------------------

20 DN thương mại điện tử ở VN, hết 17 DN có vốn nước ngoài

Năm 2017 tại VN có khoảng 20 doanh nghiệp thương mại điện tử đang hoạt động, trong đó, có đến 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu nhận vốn từ Trung Quốc.

20 DN thương mại điện tử ở VN, hết 17 DN có vốn nước ngoài - Ảnh 1.

Kinh tế số đang thay đổi những ngành công nghiệp truyền thống. Trong ảnh, các start-up tại Ngày hội công nghệ Blockchain vừa được tổ chức ở TP.HCM tháng 5-2018 - Ảnh: N.BÌNH

Đưa ra thông tin này tại buổi nói chuyện với các doanh nghiệp VN thuộc CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) ở TP.HCM ngày 6-6, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết các startup VN trong lĩnh vực này sau một thời gian thành lập, hoạt động đều tìm cách bán đi vì ngại cạnh tranh không nổi. 

"Ngoài yếu tố tư duy văn hóa thì câu chuyện này còn có yếu tố thể chế mà Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc", Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nói.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng công nghệ số đang hình thành các mô hình kinh tế chia sẻ tạo cơ hội lớn cho startup ra đời, nhiều ngành công nghiệp mới xuất hiện. 

Không ít quốc gia đã nắm bắt cơ hội này, xây dựng được những hệ sinh thái mới phát triển doanh nghiệp, tạo thành động lực tăng trưởng mới. 

Tuy nhiên, việc khai thác các cơ hội đó đòi hỏi rất nhiều vào thể chế. Nhà hoạch định chính sách phải nhìn được khía cạnh nền kinh tế mới, điều hành đi từ góc độ thị trường, bám sát thực tiễn để đưa ra chính sách phù hợp, tạo lực đẩy bằng chính sách. 

Chẳng hạn sự ra đời của startup kỳ lân (những doanh nghiệp khởi nghiệp đạt giá trị ngưỡng 1 tỉ USD) đang làm hình thành ra một hệ sinh thái riêng khiến vai trò của định chế trung gian bị thách thức. 

Những hệ sinh thái như Alibaba không chỉ cung cấp cho việc thanh toán, mua bán thương mại mà còn huy động vốn, cho vay... làm thay vai trò của một ngân hàng, hay công ty bảo hiểm. 

Mô hình mới này đòi hỏi một chính sách điều hành cởi mở hơn là cấm đoán và chính quyền Trung Quốc đang tận dụng tốt điều này để làm động lực tăng trưởng mới. 

Theo thống kê của Mc Kinsey, mặc dù được mệnh danh là quốc gia của những khoản đầu tư mạo hiểm nhưng trong 3 năm gần đây, số thương vụ đầu tư mạo hiểm của 3 tập đoàn công nghệ lớn nhất của Mỹ chỉ đạt 24 trong khi 3 tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc đầu tư mạo hiểm cho 38 thương vụ. 

Ngoài sức mạnh tự có, các doanh nghiệp Trung Quốc còn nhận được sự hậu thuẫn rất lớn của chính phủ nước này. 

Thực tế, trong quá trình phát triển của cách mạng số, rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được công nghệ hay không bắt kịp được xu hướng có thể bị tụt hậu hoặc bị phá sản. 

Trong khi đó với mô hình tăng trưởng cũ, gần 85% doanh nghiệp VN đang sản xuất và sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, chưa liên kết được với chuỗi, hệ thống tài chính hiện cũng chưa tạo được nền tảng tài chính vững chắc.

Ông Vũ Viết Ngoạn cho biết hiện nay Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đang đề xuất xây dựng chương trình quốc gia về tăng suất lao động, trong đó lấy nền tảng công nghệ làm định hướng,  nhằm đẩy nhanh, thay đổi phần nào văn hóa chia sẻ ý tưởng, truyền bá kinh nghiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp VN.(Tuoitre)
------------------------------

Các công ty Mỹ đang rút khỏi thị trường Iran

Chuyên gia các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 ký năm 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã nhóm họp tại thủ đô Tehran ngày 7/6.

Ngày 6/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Motahari (trong ảnh) khẳng định thỏa thuận hạt nhân ký giữa nước này và nhóm P5+1 là thỏa thuận duy nhất có thể định đoạt chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: Tehran Times/TTXVN

Phiên họp kín này có sự tham gia của đại diện các nước Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Liên minh châu Âu (EU). Một nguồn tin ngoại giao xác nhận, đây là một trong những cuộc họp kỹ thuật được tổ chức định kỳ. Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ rút khỏi JCPOA tháng trước và các bên còn lại đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận. 

JCPOA ký giữa Iran và nhóm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cùng với Đức, quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt Iran để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. Theo thỏa thuận này, Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm phục vụ các mục đích dân sự, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran chỉ có thể làm giàu urani ở mức 3,67%.     

JCPOA có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Nhà Trắng cũng quyết định tái khởi động các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran. Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này vì coi đây là cơ hội tốt nhất để ngăn chặn Tehran phát triển bom nguyên tử. Tuy nhiên, các nước châu Âu cảnh báo rằng nếu Iran không tuân thủ các điều khoản trong JCPOA, họ cũng sẽ buộc phải rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các trừng phạt nhằm vào Iran giống như hành động của Mỹ.

Việc Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân đã khiến nhiều nhà đầu tư ngừng kinh doanh tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, để tránh các lệnh trừng phạt kinh tế, ít nhất 17 công ty của Mỹ đang làm ăn tại Iran thông qua các công ty chi nhánh đăng ký hoạt động tại nước ngoài đã rút khỏi thị trường này. Nhiều công ty trong số này đã đạt được lợi nhuận cao nhờ sự tăng trưởng trở lại của lĩnh vực năng lượng Iran sau khi JCPOA có hiệu lực. Theo phân tích của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ, lợi nhuận của các công ty trên trong đó có Honeywell, tập đoàn Dover, General Electric đã lên tới hơn 175 triệu USD.

Bộ Tài chính Mỹ thông báo các công ty có trụ sở tại Mỹ phải rút khỏi thị trường Iran trước ngày 5/11 nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, một số công ty có thể không bị trừng phạt nếu được cấp phép đặc biệt trong thương mại với Iran trong lĩnh vực y tế và thực phẩm.(TTXVN)
------------------------

Facebook chia sẻ thông tin với doanh nghiệp Trung Quốc

 Reuters hôm qua (6-6) cho hay Tập đoàn Facebook cho biết doanh nghiệp này có quan hệ đối tác chia sẻ thông tin với ít nhất bốn công ty của Trung Quốc, bao gồm cả Huawei - doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới, dưới sự giám sát của các cơ quan tình báo Mỹ về vấn đề an ninh.

Facebook cho biết Huawei, tập đoàn sản xuất máy tính Lenovo, nhà sản xuất điện thoại thông minh OPPO và Tập đoàn TCL là bốn trong số 60 doanh nghiệp trên toàn thế giới nhận được quyền truy cập vào một số dữ liệu người dùng sau khi họ ký hợp đồng tạo ra các trải nghiệm theo kiểu Facebook đối với người dùng của họ.

Các thành viên Quốc hội Mỹ bày tỏ lo ngại khi hôm Chủ nhật vừa rồi, New York Times đưa tin dữ liệu bạn bè của người dùng Facebook đã bị truy cập mà không có sự đồng ý rõ ràng của họ. Facebook đã phủ nhận thông tin này. Dù vậy Facebook cho biết sẽ kết thúc hợp đồng với Huawei cuối tuần này và hợp đồng với ba doanh nghiệp Trung Quốc còn lại cũng sẽ dừng lại.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục