tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-06-2018

  • Cập nhật : 07/06/2018

“GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% năm 2018”

Viện Kế toán công chứng Anh (ICAEW) dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm nhẹ trong năm 2018, xuống 4,9%. Riêng Việt Nam, dự báo tăng trưởng giảm 0,2% so với năm ngoái, ở mức 6,6%.

Ngày 6/6/2018, ICAEW đã tổ chức Hội thảo báo cáo "Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á", trong đó tập trung vào một số quốc gia lớn trong khu vực như Singapore, Indonesia, Philipines, Việt Nam...

Theo đó, báo cáo của ICAEW cho biết, không như Mỹ và châu Âu, châu Á ngay từ đầu năm 2018 đã có bước khởi đầu đầy khả quan, trong đó các nền kinh tế Đông Nam Á có mức tăng 5,2% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức 5,3% của quý trước.

Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế có giảm trong quý 1/2018, xuống mức 7,7% so với cùng kỳ, sau khi đã đạt kết quả rất tốt vào thời điểm cuối 2017. Tuy nhiên, nếu tính từng quý thì đây vẫn là kết quả quý 1 tốt nhất trong 10 năm qua nhờ duy trì tiềm lực của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngành dịch vụ hoạt động tốt và sản lượng nông nghiệp tăng.

"Nhìn chung, năm 2018, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,6%, giảm nhẹ so với 6,8% của năm ngoái", ICAEW nhận định.

Ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW cho rằng, tuy sức cầu ngoài nước của Việt Nam dự kiến giảm nhẹ nhưng cầu trong nước trong năm 2018 dự báo tăng, nhờ thu hút luồng vốn FDI tốt, chi tiêu tiêu dùng sôi động và nới lỏng chính sách tiền tệ.

"Trong giai đoạn 2019-2020, dự kiến tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 6,3% so với mức dự báo 6,6% cho năm nay, do giảm nới lỏng chính sách tiền tệ và chu kỳ thương mại toàn cầu bão hòa", ông Mark Billington nói.

Cụ thể hơn, đại diện ICAEW cho biết, số vốn FDI đăng ký mới tăng 40% trong quý 1 cho thấy 2018 sẽ là một năm nữa Việt Nam đạt kết quả tốt về đầu tư, qua đó phần nào bù đắp cho dự báo tăng trưởng xuất khẩu giảm.

Về trung hạn, thu hút vốn FDI dự kiến sẽ vẫn đạt kết quả tốt, do Việt Nam có lực lượng lao động lớn và mức lương tương đối thấp, có chủ trương mở cửa thương mại với số lượng lớn các hiệp định thương mại được ký kết, và cải thiện được môi trường kinh doanh.

Đồng thời, diễn biến tiền tệ cũng sẽ tiếp tục có lợi cho sức cầu trong nước, khi tháng 7/2017, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn xuống còn 4,25% và 6,25%. Tín dụng cá nhân tăng cũng sẽ khuyến khích chi tiêu hộ gia đình.

Tuy nhiên, ICAEW cũng lưu ý, việc Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đạt 17% sau khi cho vay ngân hàng năm 2017 tăng 18,2% sẽ làm tăng rủi ro về ổn định tài chính và lạm phát.

"Có thể nói, dù lạm phát toàn phần tính đến nay vẫn thấp hơn mức chỉ tiêu 4% của Chính phủ cho năm nay, nhưng lạm phát dự kiến sẽ tăng lên bình quân 3,9% do sức hãm của giá lương thực sẽ giảm. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ là áp lực về giá sẽ tăng đáng kể. Trong trường hợp đó, các cấp hoạch định chính sách sẽ cần phải hoặc chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn hoặc chấp nhận lạm phát", ICAEW cảnh báo.

Ngoài ra, báo cáo của ICAEW cũng đề cập một khó khăn khác với Việt Nam là mâu thuẫn về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tăng nguy cơ dẫn đến kịch bản chiến tranh thương mại theo tình huống xấu.

Là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa, phụ thuộc nhiều vào thương mại đối ngoại, bảo hộ tăng và thương mại toàn cầu giảm sẽ có hiệu ứng lan tỏa đáng kể đến Việt Nam, dù Việt Nam không phải là mục tiêu trực diện của chính sách tăng thuế quan. Sự phụ thuộc của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài cũng sẽ khiến Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng khi tâm lý toàn cầu thay đổi.

Đánh giá về tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á nói chung, bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế ICAEW kiêm Trưởng chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á của Oxford Economics cho biết: "Chỉ số Quản lý thu mua sản xuất (PMI) và các số liệu thương mại gần đây đều cho thấy triển vọng tăng trưởng của khu vực ở mức vừa phải trong thời gian tới. Xu hướng này phù hợp với quan điểm của chúng tôi là tăng trưởng xuất khẩu toàn khu vực sẽ giảm so với năm 2017, phản ánh sức cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm và việc chu kỳ toàn cầu của ngành hàng điện tử đi vào ổn định".

Trên cơ sở đó, bà Sian Fenner dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm nhẹ trong năm 2018 xuống 4,9%. Tăng trưởng chậm lại dự kiến sẽ diễn ra tương đối toàn diện, trong đó chỉ có Indonesia sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2017.(Vneconomy)
----------------------

Nhà đầu tư lo ngại tương lai Starbucks sau khi CEO hãng từ nhiệm

Cổ phiếu Starbucks Corp. giảm hơn 1% hôm 5.6 sau khi tin ông Howard Schultz, giám đốc điều hành kiêm người một tay xoay chuyển Starbucks vào thập niên 1980, sắp từ chức.

Ông Howard Schultz /// Ảnh: Reuters

Ông Howard Schultz - ẢNH: REUTERS

Theo Reuters, sự ra đi của ông Schultz thêm vào nhiều nỗi lo mà Starbucks đã và đang có. Ông Schultz sẽ rời chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới sau gần bốn thập niên nỗ lực đưa ra một loạt lựa chọn cho khách hàng.

Cổ phiếu hãng có trụ sở ở Seattle giảm 1,3% trong phiên giao dịch sớm hôm 5.6 (giờ Mỹ). Trước đó, cổ phiếu đã giảm 2% khi thông tin ông Schultz ra đi được thông báo ở thời điểm thị trường đóng cửa hôm 4.6.

Starbucks đã và đang chịu cạnh tranh từ công ty lớn hơn là JAB Holdings cũng như nhiều cửa hàng cà phê độc lập khác, trong bối cảnh hãng nỗ lực lấy lại hình ảnh doanh nghiệp hậu bê bối bắt giữ hai khách da đen tại cửa hàng ở Philadelphia hồi tháng 4.

“Nhà đầu tư không kỳ vọng ông Schultz trở lại vai trò CEO để giúp cải thiện xu hướng trong nước, song chúng tôi xem việc từ chức là tín hiệu tiêu cực gia tăng với cổ phiếu vì ông Schultz ra đi khiến Starbucks mất một cái đầu quyền lực. Đó là sự kết thúc của một kỷ nguyên”, nhà phân tích Andrew Charles của Cowen & Co viết.

Cổ phiếu Starbucks đã giảm gần 4% kể từ khi quản lý ở cửa hàng tại Philadelphia gọi cảnh sát hôm 12.4 vì hai khách ngồi ở quán mà không gọi nước. Vụ việc làm công chúng phẫn nộ, và hãng phải đóng cửa 8.000 cửa hàng để huấn luyện chống phân biệt hồi tháng trước.

Ông Schultz sẽ rời ghế lèo lái doanh nghiệp vào ngày 26.6, 26 năm sau ngày ông đưa Starbucks lên sàn chứng khoán. Quyền điều hành sau này nằm trong tay Giám đốc điều hành Kevin Johnson và tân Chủ tịch Myron Ullman, người từng là CEO của J.C. Penney.

Đặc biệt, chuyện ông Schultz rời Starbucks thúc đẩy suy đoán cho rằng vị sếp nổi tiếng với quan điểm về nhiều vấn đề xã hội khác nhau có thể tranh cử tổng thống Mỹ.(Thanhnien)
-----------------------

Gần 23% dư nợ của Maritimebank là bất động sản và hạ tầng

Một đề xuất trong phương án tái cơ cấu là việc trích lập dự phòng đối với một số khoản trái phiếu đặc biệt mới hiện đã trình NHNN và đang chờ phê duyệt.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 với ý kiến chấp nhận toàn bộ của kiểm toán viên. Tuy nhiên, một vấn đề được kiểm toán nhấn mạnh trong báo cáo liên quan trực tiếp đến việc xác định lợi nhuận năm 2017 của ngân hàng này.

Kiểm toán viên cho biết việc trích lập dự phòng cho một số khoản cho vay khách hàng và trái phiếu đặc biệt năm vừa rồi đã được thực hiện theo phương án được đề xuất trong phương án tái cơ cấu.

Phương án trên đã được Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thẩm định và trình Ban Lãnh đạo NHNN phê duyệt ngày 18/3. Tuy nhiên, đến thời điểm lập báo cáo (18/5), NHNN vẫn chưa thông qua phương án tái cơ cấu này.

Do mục đích lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, Ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng như phương án đã trình. Phía kiểm toán khẳng định các vấn đề này không ảnh hưởng tới ý kiến kiểm toán.

Trong năm 2017, Maritime Bank đã trích dự phòng 1.017 tỷ đồng, giảm 41% so với năm trước. Trong đó, chỉ riêng trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC xấp xỉ 435 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ trích 1.098 tỷ đồng. Dự phòng cho vay khách hàng cũng giảm từ 583,5 tỷ đồng xuống còn hơn 200 tỷ đồng.

Giảm chi phí dự phòng cũng là một trong hai nguyên nhân chính giúp Maritimebank lãi trước thuế 164 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận đạt được năm trước. Khoản lỗ quý IV đã kéo giảm đáng kể lợi nhuận của ngân hàng bởi lợi nhuận tới 9 tháng đầu năm vẫn đạt tới 589 tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng này giảm 29%, xuống còn hơn 1.600 tỷ đồng. Nguồn thu nhập tăng đáng kể nhất trong kỳ này là lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư. Maritime Bank lãi gần 1.030 tỷ đồng việc thoái toàn bộ khoản đầu tư vào MBB vàCông ty chứng khoán Maritime.

Khoản lãi này đã giúp trang trải chi phí hoạt động (2.065 tỷ đồng), cứu cánh đáng kể lợi nhuận của ngân hàng.


Danh mục chứng khoán vốn sẵn sàng để bán năm 2016

Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 112.238 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đạt 36.212 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục cho vay là cho vay hộ kinh doanh, cá nhân với giá trị khoản vay 9.722 tỷ đồng (26,85%). Dư nợ kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm gần 23% với tổng số tiền cho vay 8.262 tỷ đồng. Cả hai khoản cho vay này đều giảm so với thời điểm cuối năm trước. Trong khi đó, ngân hàng đẩy mạnh một số mảng kinh doanh khác như xây dựng, thương mại và hàng tiêu dùng...

Kết quả kinh doanh quý I của Maritime Bank lãi 233 tỷ đồng, Trong khi cùng kỳ lỗ 31 tỷ đồng. Hai nguồn thu lãi chính là thu nhập lãi thuần và lãi mua bán chứng khoán đầu tư đóng góp lần lượt 440 tỷ đồng và 153 tỷ đồng. Tổng tài sản của Maritimebank xấp xỉ 116.108 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng sau một năm. Lợi nhuận chưa phân phối đạt xấp xỉ 1.391 tỷ đồng.(NDH)
-----------------------

Không nên phát triển thêm nhiệt điện than sau 2020

Ngày 5.6, tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (VUSTA) và Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức hội thảo 'Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững ở VN'.

Tại hội thảo, GreenID công bố nghiên cứu “Bảng thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của VN”. Nghiên cứu chỉ ra rằng sau năm 2020, VN có khả năng không cần xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới mà vẫn duy trì hệ thống năng lượng an toàn với giá cả hợp lý. Các nghiên cứu được tính toán dựa theo nhu cầu năng lượng tương lai của VN và mục tiêu của Thỏa thuận Paris - cắt 30 GW điện than, tương đương với đưa ra khỏi quy hoạch 25 nhà máy điện than.

Việc giảm 30 GW tránh đốt khoảng 70 triệu tấn than mỗi năm, tương ứng với 7 tỉ USD/năm cho việc nhập khẩu than, giảm phát thải khoảng 116 triệu tấn CO2/năm so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, giúp VN thực hiện đúng với mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, ước tính sẽ giúp tránh được khoảng 7.600 ca tử vong sớm hằng năm từ năm 2030 so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục