tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 10-11-2017

  • Cập nhật : 10/11/2017

Nỗi buồn đằng sau những con số tăng trưởng kinh tế cao của Nhật

Kinh tế Nhật đang trải qua thời kỳ tăng trưởng dài nhất trong hơn 60 năm, thế nhưng đối với nhiều người Nhật, họ chẳng cảm thấy cuộc sống của họ có gì tốt đẹp hơn. 

anh: japan times

Ảnh: Japan Times

 

Trong tháng 9, kinh tế Nhật tăng trưởng tháng thứ 58 liên tiếp, như vậy kinh tế Nhật đang có thời kỳ tăng trưởng dài nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai, theo những số liệu mới công bố bởi chính phủ Nhật. 

Tuy nhiên đằng sau con số đầy hào nhoáng đó, tăng trưởng mức lương và tiêu dùng thấp đang là hai yếu tố khiến các nhà hoạch định chính sách kinh tế Nhật vô cùng đau đầu. 

Thời gian tăng trưởng dài của kinh tế Nhật bắt đầu từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng Mười Hai năm 2012. Các chương trình kích thích kinh tế đã được đưa ra ở thời điểm đó sau khi tham khảo với đội ngũ chuyên gia tư vấn chính sách kinh tế. Các chỉ số kinh tế tháng Chín đều cho thấy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định. 

Cũng phải xét đến thực tế rằng kinh tế Nhật tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong xu thế tăng trưởng tốt. Tất cả 45 nền kinh tế thuộc nhóm do OECD theo dõi đều tăng trưởng trong năm nay. Lần gần nhất kinh tế tăng trưởng ổn định tương tự là từ năm 2004 đến năm 2007, trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Là một nền kinh tế xuất khẩu, có thể khẳng định rằng kinh tế Nhật hưởng lợi nhiều khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt. Ngoài ra, phải kể đến việc kinh tế Nhật hưởng lợi nhiều nhờ chính sách kích thích tiền tệ với quy mô chưa từng có tiền lệ của Ngân hàng Trung ương Nhật. Chính sách đã làm yếu đồng yên và giúp vực dậy lợi nhuận doanh nghiệp. 

Thế nhưng cùng lúc đó, thu nhập của các hộ gia đình tăng quá thấp khiến các nhà hoạch định chính sách không khỏi lo lắng. Tổng thu nhập tính trên mỗi người đi làm tăng chỉ 1,6% tính từ tháng Mười một năm 2012. Điều này cho thấy dù kinh tế tăng trưởng nhưng thực ra đối với nhiều người, cuộc sống của họ chẳng có gì khác trước. 

Tiêu dùng người dân luôn ở mức thấp, đặc biệt từ sau khi thuế tiêu dùng được điều chỉnh tăng vào năm 2014. Nếu điều chỉnh với tỷ lệ lạm phát, tiêu dùng người dân chỉ tăng chưa đến 3% suốt trong thời gian kinh tế tăng trưởng vừa qua. 

Nếu so với những thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng mạnh trước đây, mức tăng của tiêu dùng người dân lần này quá thấp. Thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng từ 1965 đến 1970 được gọi với cái tên “Izanagi boom” chứng kiến tiêu dùng người dân tăng 50%; sau đó, thời kỳ "Izanami boom" khi kinh tế Nhật tăng trưởng liên tiếp 73 tháng tính từ năm 2002, trong giai đoạn này tiêu dùng người dân tăng trưởng 7%. 

Tuy nhiên cả hai thời gian tăng trưởng trên đều không thể dài bằng những gì đang diễn ra. Đáng tiếc, nó lại không giúp người Nhật cảm thấy họ trở nên giàu có hơn. Nguyên nhân cũng bởi cách kinh tế Nhật tăng trưởng hiện tại cũng khác trước đây rất nhiều. 

Trong thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng dài hiện tại, xuất khẩu tăng trưởng được 26%, con số có thể cao nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 83% trong những thời kỳ tăng trưởng dài trước đó. Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật tăng trưởng tốt, nhưng tuy nhiên nguồn lợi của những khoản đầu tư này lại không dành cho người Nhật bình thường. 

Cùng lúc đó, kỳ vọng vào khả năng kinh tế Nhật tiếp tục tăng trưởng đã giảm bớt. Khảo sát của Nội các Nhật vào tháng Một vừa qua cho thấy, nhóm các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán khẳng định rằng kinh tế chỉ tăng trưởng được 1% trong năm năm tới. Mức kỳ vọng của doanh nghiệp vào tăng trưởng kinh tế như vậy thấp hơn so với tỷ lệ 1,5% vào tháng Một năm 2014. 

Nếu thời gian tăng trưởng hiện tại của kinh tế Nhật kéo dài đến tháng Một năm 2019, và nhiều chuyên gia dự báo có thể nó sẽ kéo dài đến giữa năm 2019. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của kinh tế Nhật sẽ đến từ việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

“Các chương trình giảm thuế mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng khi mà chính sách nới lỏng định lượng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc”, chuyên gia kinh tế tại viện nghiên cứu Norinchukin – Tokyo, ông Takeshi Minami, nhận định. 

Tại Nhật, chắc chắn hoạt động kinh tế sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực sau khi công tác chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 kết thúc. Hoạt động xây dựng và chỉnh trang cơ sở hạ tầng phục vụ cho Olympic sẽ đạt đỉnh vào năm 2018, sau đó bắt đầu chấm dứt từ năm 2019, theo tính toán của chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán JP Morgan, ông Hiroshi Ugai.

Thuế tiêu dùng tại Nhật nhiều khả năng sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng vào tháng Mười năm 2019, như vậy, kinh tế Nhật năm 2019 sẽ đối diện thêm một rủi ro cản trở tăng trưởng khác.(Bizlive)
------------------------

'Thị trường tài chính quốc tế đang đối mặt với nguy cơ bất ổn lớn'

Thống đốc các ngân hàng trung ương ở khu vực Nam Mỹ ngày 8/11 cho rằng các thị trường tài chính quốc tế đang đối mặt với nguy cơ “bất ổn lớn”.

Theo các quan chức trên, “trong năm 2017, nền kinh tế thế giới cho thấy ít có dấu hiệu tăng tốc, trong khi giá nguyên liệu thô tiếp tục đi lên với triển vọng ổn định trong tương lai gần.

Tuy vậy, họ cho rằng “trong bối cảnh như thế, các thị trường tài chính tiến triển mạnh sẽ tạo ra một tình trạng bất ổn lớn”.

Về khu vực Nam Mỹ, giới chức trên cho rằng “kinh tế của khu vực này trong năm 2017 hồi phục nhẹ, trong khi lạm phát hướng tới các mức mục tiêu dự kiến trước đó".

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc đã thành lập một ủy ban thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc để giám sát các diễn biến và sự ổn định tài chính.

Ủy ban sẽ tập trung vào việc xem xét kỹ lưỡng và phối hợp trong các vấn đề chính liên quan tới sự ổn định tài chính cũng như cải cách liên quan.

Bên cạnh đó, ủy ban cũng sẽ có trách nhiệm phân tích tình hình tài chính trong nước và quốc tế, việc ứng phó với những rủi ro tài chính quốc tế và nghiên cứu phương cách ngăn chặn rủi ro có tính hệ thống, xử lý và ổn định tài chính.(Vietnam+)
------------------------

10 doanh nghiệp Hà Nội nợ tiền thuê đất 375 tỷ đồng

Cục Thuế Tp. Hà Nội vừa công khai 133 đơn vị nợ thuế, phí, các khoản về đất lên tới 448 tỷ đồng.

Trong đó, chỉ riêng 10 doanh nghiệp đã nợ tiền thuê, sử dụng đất lên tới 375 tỷ đồng. "Danh sách đen" này được Cục Thuế Tp.Hà Nội điểm mặt chỉ tên rõ ràng.

Đứng đầu danh sách nợ là Công ty TNHH Đá quý Thế giới có địa điểm đất thuê là toà nhà hỗn hợp AZ SKY tại lô đất CN1 khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, nợ tiền sử dụng đất là hơn 97 tỷ đồng.

Tiếp theo là Công ty Cổ phần Quốc tế CT Việt Nam với số nợ trên 95,5 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác có số nợ tiền sử dụng đất lớn như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn (nợ 49,3 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đồng Tháp (nợ 31,5 tỷ đồng), Công ty TNHH một thành viên Cầu 1 Thăng Long (nợ gần 27,5 tỷ đồng)…

Hai doanh nghiệp nợ tiền thuê đất là Hợp tác xã Công nghiệp Đống Đa (nợ gần 8,9 tỷ đồng) và Công ty TNHH Tiền phong nợ 906 triệu đồng.

Ngoài 10 doanh nghiệp trên, danh sách cũng nêu tên 123 doanh nghiệp nợ thuế, phí với tổng số nợ gần 73 tỷ đồng.

Một số công ty nợ lớn như: Công ty Cổ phần Sông Hồng số 8 (nợ 11 tỷ), Công ty Cổ phần Xây dựng 699 (nợ hơn 9,4 tỷ), Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng Sông Hồng (nợ gần 3,4 tỷ), Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Lao động xã hội (nợ 2,9 tỷ), Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Phát triển dịch vụ thương mại T&T (còn nợ 1,5 tỷ),…

Cục Thuế Tp.Hà Nội cho biết, cơ quan này đã thực hiện công khai nợ của 1.318 doanh nghiệp và dự án trong năm nay với tổng số nợ là trên 3.130 tỷ đồng. Sau công khai đã có 425 doanh nghiệp nộp lại ngân sách gần 227,6 tỷ đồng.(Vneconomy)
----------------------------

Ông Trump: "Ai có thể trách một quốc gia lợi dụng nước khác vì lợi ích công dân của mình?"

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không đổ lỗi cho nền kinh tế đối thủ vì ‘đã lợi dụng’ mối quan hệ thương mại của 2 bên.

Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ngày 9/11, ông Trump đánh giá cao sự ủng hộ của chủ tịch Tập Cận Bình đối với những nỗ lực gần đây để kiềm chế các chương trình vũ khí của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ngoài ra, ông cũng khen ngợi vị chủ nhà "ấm áp và nhã nhặn".

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ hối thúc ông Tập "hành động nhanh hơn và hiệu quả hơn vì thời gian sắp hết". "Tôi biết một điều về chủ tịch của các bạn: nếu ông ấy cố gắng, việc đó sẽ xảy ra", ông Trump nói với khán giả là các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà báo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự buổi lễ chào đón với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh

Ngoài vấn đề Triều Tiên, vị nguyên thủ cũng nhắc đến mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung không cân bằng đến mức "gây sốc", khiến Mỹ mất 300 tỷ USD một năm.

"Không may đây là một mối quan hệ rất phiến diện và không công bằng. Nhưng tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc. Sau cùng, ai có thể trách một quốc gia lợi dụng nước khác vì lợi ích công dân của mình?", ông Trump phát biểu. Mặc dù vậy, ông nói rằng 2 bên cần phải xem lại vì tình trạng này "không bền vững".

Ông Trump hạ cánh ở Bắc Kinh vào chiều 8/11, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày. 2 nước đã ký kết nhiều thỏa thuận trị giá 9 tỷ USD chỉ vài giờ sau đó.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục