tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-11-2017

  • Cập nhật : 11/11/2017

Nền kinh tế kỹ thuật số sẽ chiếm 35% GDP Trung Quốc

Viện CNTT và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) và Bộ Công nghiệp - CNTT (MIIT) dự đoán kinh tế kỹ thuật số nước này sẽ đạt 4.800 tỉ USD vào năm 2020, chiếm 35% GDP đất nước.

nguoi trung quoc dang ngay cang quan tam hon den thanh toan di dong anh: afp

Người Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn đến thanh toán di động ẢNH: AFP

Theo Neowin, điều này dự kiến sẽ tăng lên nhiều hơn nữa vào năm 2030 khi kỹ thuật số chiếm hơn một nửa GDP của đất nước đông dân nhất thế giới.

Bản báo cáo của CAICT và MIIT nói rằng nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 30,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm ngoái, tăng 18,9% trong năm đó. Đây được xem là tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với nền kinh tế tổng thể, tăng 6,7%.

Một trong những điểm nổi bật của cuộc cách mạng kỹ thuật số của Trung Quốc là thanh toán di động. Vào năm 2016, có đến 790 tỉ USD khoản thanh toán của bên thứ ba được thực hiện qua giao dịch di động. Tại Mỹ, con số này thấp hơn đến 11 lần, ở mức 74 tỉ USD.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng các doanh nghiệp Trung Quốc ra thế giới, do đó trong những năm tới có thể thấy người dùng bên ngoài Trung Quốc giúp đẩy mạnh GDP nước này.

Một báo cáo vào tháng 9 của Trung Quốc cho biết, các ngân hàng nước này đã xử lý 8,6 tỉ USD bằng thanh toán di động trong quý 2, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái.(Thanhnien)
--------------------------

Nguyễn Kim đổ thêm vốn vào công ty dược phẩm

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (chủ hệ thống điện máy Nguyễn Kim) vừa có nghị quyết HĐQT về việc chào mua công khai cổ phiếu của Công ty CP Dược Lâm Đồng (Ladophar - LDP).

Cụ thể, Nguyễn Kim sẽ mua vào hơn 2,12 triệu cổ phiếu LDP để nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên hơn 51% vốn điều lệ Ladophar. Giá chào mua tối đa 32.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền bỏ ra khoảng 68 tỉ đồng. Thời gian thực hiện đến hết ngày 10-12.

Theo Nguyễn Kim, mục đích chào mua là tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Lâm Đồng từ 24% lên 51%, đồng thời chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Nguyễn Kim Group. Sau chào mua, Dược Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất nông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu. 

Nguyễn Kim đổ thêm vốn vào công ty dược phẩm - Ảnh 1.

Một siêu thị điện máy của Nguyễn Kim

Cổ phiếu LDP đang được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và có giá thị trường 30.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, khả năng việc chào mua cổ phiếu của Nguyễn Kim cũng sẽ được thực hiện thông qua giao dịch thỏa thuận, khi mà cổ phiếu LDP trên sàn chứng khoán hầu như không có giao dịch. Bình quân 3 tháng gần nhất, LDP chỉ giao dịch trung bình gần 5.000 cổ phiếu. Mức giá hiện tại ở ngưỡng hơn 30.500 đồng cũng được duy trì trong hơn nửa tháng gần đây.

Được biết, bên cạnh Dược Lâm Đồng, Nguyễn Kim còn đầu tư vào Dược 3/2 (FT Pharma).

Thời gian gần đây, một số chuỗi điện máy lớn như Thế giới Di động, FPT Retail hay Digiworld cũng quyết định tấn công vào thị trường dược phẩm và phân phối dược phẩm với tham vọng định hình lại thị trường.

Gần đây nhất, Thế Giới Di Động cho biết sẽ thâu tóm một chuỗi dược phẩm và đang trong quá trình tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực này nhằm triển khai trong thời gian tới.

Theo số liệu từ Business Monitor International (BMI) trong báo cáo về ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam, quy mô thị trường ước tính đạt doanh số 4,7 tỉ USD năm 2016, tăng trưởng 13% so với năm trước đó và sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong 5 năm tiếp theo. Trong đó, doanh số bán lẻ dược phẩm chiếm một phần ba về giá trị, tương đương 1,56 tỉ USD.(NLĐ)
-----------------------------

Doanh nghiệp Nhật đầu tư 5 tỷ USD vào Việt Nam

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe vừa chứng kiến lễ trao đổi văn kiện ký kết hợp tác giữa các bộ, ngành và các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam với tổng trị giá khoảng 5 tỷ USD.

chu tich nuoc tran dai quang tiep thu tuong nhat ban shinzo abe. anh: ttxvn

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: TTXVN

Sáng 10/11, tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Thủ tướng Shinzo Abe cảm ơn Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị, chu đáo; khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam trong triển khai chính sách ở khu vực và sẽ hợp tác vì sự phát triển của Việt Nam và lợi ích của cả hai nước; đánh giá cao nỗ lực, sáng kiến cũng như vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC 2017, khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để bảo đảm thành công cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ cảm thông sâu sắc trước tổn thất về người và tài sản do bão số 12 vừa qua gây ra và thông báo Nhật Bản viện trợ 105 máy lọc nước cho nhân dân tại các địa phương chịu tác động của bão; cam kết tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đề nghị cho các doanh nghiệp của Nhật Bản tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Thủ tướng Shinzo Abe được bầu lại làm Thủ tướng Nhật Bản và thắng lợi của Đảng Dân chủ Tự do tại cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua; cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã kịp thời hỗ trợ các tỉnh miền Trung chịu tác động của cơn bão vừa qua, khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao về chính trị; giao lưu cấp cao hai nước diễn ra hết sức sôi động, trong đó có chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe đầu năm nay.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam; mong muốn thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại song phương và Nhật Bản sớm cấp phép nhập khẩu hoa quả tươi Việt Nam vào Nhật Bản, trước mắt là quả vải và nhãn, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để nâng cao năng lực đàm phán và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và lao động, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có dự án tẩy độc dioxin sân bay Biên Hòa…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh và khẳng định tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, ưu tiên trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Tại buổi tiếp, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ hợp tác song phương thời gian qua, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác để thúc đẩy sớm hiện thực hóa TPP.

Hai bên nhất trí duy trì các chuyến thăm cấp cao, nâng cao hiệu quả của các cơ chế đối thoại, thúc đẩy trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước và giao lưu nhân dân, đặc biệt vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Biển Đông và khẳng định phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, APEC, Liên Hợp Quốc...

Hai bên nhất trí giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Sau buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến lễ trao đổi văn kiện ký kết hợp tác giữa các bộ, ngành và các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam với tổng trị giá khoảng 5 tỷ USD, bao gồm: Biên bản hợp tác về lĩnh vực năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản; hợp đồng Nhà máy Nhiệt điện than Nghi Sơn 2; trao giấy phép đầu tư cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện than Vân Phong 1; hợp đồng mua bán điện ký tắt của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Mitsubishi; trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án thành lập Khoa chăm sóc sức khỏe theo công nghệ Nhật Bản tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án khí tự nhiên hóa lỏng giữa Tập đoàn Mitsui Bussan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.(TTXVN)
-------------------------------------

Tránh sai lầm như Singapore, VN mở casino cả 3 đặc khu

Tại phiên thảo luận tổ chiều nay về dự án luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu), có nhiều ý kiến khác nhau về việc mở casino tại 3 đặc khu của VN: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Mở 3 casino có thừa?

Ủng hộ thành lập đặc khu song Phó trưởng đoàn ĐB TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê kiến nghị cần làm rõ ngành nghề đặc trưng của từng khu.

“Cần phải có đặc trưng riêng về kinh tế, gắn kết với vùng, không lẽ Phú Quốc casino, Vân Đồn, Vân Phong cũng là casino?”, ông Khuê cho rằng như này cử tri dễ hiểu là 3 đặc khu hợp thức hoá cho casino.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu quan điểm, casino là loại hình kinh doanh đặc biệt, vì thế các đặc khu nên tranh thủ loại hình này.

Tuy nhiên, ông lưu ý cần một số quy định cụ thể như người Việt có được vào khu casino hay không và kinh doanh casino thế nào cho phù hợp.

Trong khi đó uỷ viên thường trực UB Kinh tế Đỗ Văn Sinh khá gay gắt. Ông đánh giá, dự thảo luật đang đưa ra những ngành tại 3 đặc khu na ná giống nhau.

uy vien thuong truc ub kinh te do van sinh

Ủy viên thường trực UB Kinh tế Đỗ Văn Sinh

Ông nhấn mạnh, nếu muốn có sự đột phá thì cần đột phá ngay trong tư duy. Chính sách đưa ra nếu vẫn bình bình thì không có gì khác, phải so sánh với quốc tế, chỉ so sánh “ta với ta” thì không thể vươn ra quốc tế.

Nêu lại bài học thất bại từ phát triển mô hình dịch vụ casino tại Đồ Sơn (Hải Phòng) trước đây, ông Sinh băn khoăn: "Việc cho cả 3 đặc khu phát triển casino “có thực sự cần, có bị thừa hay không?".

“Việt Nam có 3 casino cùng đầu tư lại hưởng những chính sách ưu đãi, cạnh tranh với nhau thì không hợp lý. Nên phát triển một casino tại 1 đặc khu và phát triển cho xứng tầm khu vực, thế giới”, ĐB bày tỏ.

Ông cũng lưu ý không nên phát triển trùng nhau về ngành nghề, nếu vẫn quy định “rải mành mành như dự thảo thì khó thành công”.

Tránh lặp lại sai lầm như Singapore

Trước băn khoăn của các ĐB, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, casino là loại hình mà các nước đang đua nhau mở để thu hút dòng tiền từ cờ bạc vào.

Bộ trưởng dẫn chứng, ở Singapore trước đây cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từng chia sẻ rằng trong cuộc đời chính trị của ông có 2 sai lầm lớn nhất là không cho Liên hợp quốc đặt trụ sở và không cho mở cờ bạc ở Singapore.

bo truong kh-dt nguyen chi dung

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Nhưng khi Thủ tướng Lý Hiển Long lên thì đã thay đổi tư duy, cho mở casino ở Singapore và hiện giờ đất nước này nổi lên như một thái cực, tạo nên sức hút dòng tiền cờ bạc của thế giới về, đóng góp cho ngân sách rất lớn.

"Chúng ta cũng thế, chúng ta có muốn làm cái đó không? Nếu chúng ta cho, mắc mớ gì chúng ta cho Phú Quốc mà không cho Vân Đồn, cho Vân Đồn mà không cho Bắc Vân Phong? Cái này chúng ta cũng nên thay đổi quan điểm. Nếu có lợi mà không có hại thì không có gì phải cấm, phải hạn chế. Cái gì phát huy được lợi thế của địa phương, nếu các tỉnh đều làm tốt, các khu đều làm tốt thì chúng ta ủng hộ các khu cùng làm một việc như thế", Bộ trưởng KH&ĐT nói.

Bộ trưởng cho biết, qua tính toán có tư vấn của nước ngoài, loại hình này thực chất, phù hợp với điều kiện địa phương.

"Chúng tôi thiết kế ngành nghề trụ cột của 3 đặc khu này khác nhau, còn một số ngành nghề phụ thì có thể trùng nhau, như du lịch, casino. Tinh thần chung là không để cạnh tranh lẫn nhau, mà bổ sung cho nhau, để cạnh tranh với thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.(Vietnamnet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục