tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-11-2017

  • Cập nhật : 10/11/2017

Bộ Xây dựng cảnh báo tình trạng đầu cơ, môi giới làm sai lệch thông tin bất động sản

anh minh hoa nguon internet.

Ảnh minh họa nguồn Internet.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, đã có dấu hiệu về đầu cơ bất động sản, làm sai lệch thông tin thông qua khâu phân phối.

Bộ Xây dựng cho biết hiện nay thị trường BĐS đang tồn tại 4 vấn đề lớn. Đầu tiên là thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như người dân khi tham gia thị trường. Đã có dấu hiệu về đầu cơ, làm sai lệch thông tin thông qua khâu phân phối.

Vấn đề thứ hai là tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, tốc độ giảm tồn kho những tháng gần đây có chậm lại do phần lớn các dự án tồn kho nằm ở xa trung tâm, hạ tầng chưa có nên rất khó bán được hàng; nguồn cung nhà ở cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu rất nhiều so với yêu cầu; việc triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở vẫn còn chậm.

Tồn tại thứ ba là công tác rà soát, điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu các dự án bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường đã được triển khai, nhưng nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi hoặc tạm dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu thực của thị trường.

Thứ tư là công tác phát triển nhà ở xã hội tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; việc huy động nguồn vốn cho thị trường bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng; thiếu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, từ trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn cho vay trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi cho Nhà ở xã hội; thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn.

Một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp. Số lượng nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê còn rất hạn chế.

Từ 4 hạn chế trên Bộ Xây dựng đã kiến nghị 5 giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống công cụ để quản lý, kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng ổn định, bền vững, có cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ, kết nối liên thông với các thị trường khác của nền kinh tế; chủ động xây dựng các kịch bản và các giải pháp để điều tiết, kiểm soát, bình ổn thị trường.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở, bao gồm nhà ở để bán, nhà ở cho thuê, thuê mua, có giá cả phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số đối tượng trong xã hội; kiểm soát cơ cấu phân khúc sản phẩm, đẩy mạnh phát triển phân khúc bất động sản cho thuê.

Thứ ba, đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét bố trí đủ kế hoạch vốn trung hạn để cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ;

Thứ tư, đề nghị các cấp có thẩm quyền phải kiểm soát chặt chẽ khi quyết định hoặc chấp thuận đầu tư các dự án căn hộ trung và cao cấp. Khuyến khích các dự án căn hộ diện tích nhỏ, giá trung bình để tránh xảy ra tình trạng lệch pha cung - cầu dễ gây bất ổn cho thị trường;

Thứ năm, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp sau: Tập trung đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, quan tâm bố trí quỹ đất và có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho thuê (đặc biệt là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố có nhiều công nhân lao động).

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản, tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản. Trước khi cho phép đầu tư dự án phải đánh giá nhu cầu trung và dài hạn đối với nhà ở cũng như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng; Tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa không phù hợp nhu cầu thị trường, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho dãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án;

Bên cạnh đó, bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện điều tra, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu để triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản để làm cơ sở quản lý, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản ổn định, bền vững; lập kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để triển khai thực hiện quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương;

Công khai danh sách các dự án chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án chậm tiến độ có vướng mắc về vấn đề pháp lý, có quyết định thu hồi dự án và thông tin về danh sách các chủ đầu tư có sai phạm, năng lực yếu kém để người dân mua nhà ở biết, tránh được rủi ro tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch mua bán nhà ở;

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và bong bóng bất động sản.(CafeF)
-------------------------

Khi giấc mơ TPP quay về

 

Còn rất nhiều doanh nghiệp khác từng chờ mong TPP sẽ mang lại phép màu cho họ khi TPP được đánh giá sẽ tạo ra bộ quy tắc chung, tiêu chuẩn mới cho thương mại các quốc gia. Giấc mơ của doanh nghiệp Việt một lần nữa lại quay lại khi TPP đã đi qua được một điểm chốt quan trọng khi đạt được thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng sau nhiều tháng đàm phán hôm qua.

Giấc mơ TPP một lần nữa quay về với doanh nghiệp Việt khi hôm qua 11 thành viên còn lại của Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được một thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng sau nhiều tháng đàm phán.

Giấc mơ TPP quay về

"Nhiều doanh nghiệp Việt sẽ "mang chuông đi đánh xứ người" sau TPP", "Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tâm thế hội nhập với TPP", "Sẽ có nhiều doanh nghiệp mới hình thành nhờ TPP"…là một trong số ít những tựa đề các bài viết mà truyền thông Việt Nam đăng tải gần 2 năm trước khi những cơ hội từ TPP được doanh nghiệp nhận ra.

TPP như một giấc mơ của nhiều doanh nghiệp Việt trong suốt thời gian dài từ khi hình thành ý tưởng đến khi đàm phán. Nhiều doanh nghiệp Việt thậm chí đã lên kế hoạch kinh doanh cho mình để đón đầu cơ hội từ TPP. Và rôi, giấc mơ vỡ òa khi Mỹ quyết định rút lui khỏi hiệp định. Không có Mỹ, tác động kinh tế của TPP nhỏ hơn rất nhiều. 11 nước còn lại chiếm 13.5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu (con số lần lượt là 38,2% và 26,5% nếu có Mỹ).

Giấc mơ TPP một lần nữa quay về với doanh nghiệp Việt khi hôm qua 11 thành viên TPP đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng sau nhiều tháng đàm phán.

Nhiều doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội từ TPP

Theo đánh giá từ các tổ chức và chuyên gia trên thế giới hồi cuối năm 2015, nếu TPP được thông qua, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhất trong 12 nước thành viên (thời điểm này Mỹ chưa rút khỏi TPP). Trong đó, ngành thủy sản, dệt may được nhận định đạt nhiều tác động tích cực nhất.

Ông Nguyễn Văn Thời- Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) là một doanh nghiệp dệt may hàng đầu của Việt Nam từng nhận định: “Hiệp định TPP được ký kết sẽ giúp xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thêm một lần cất cánh bay xa. Trong quá khứ, ngành dệt may đã 2 lần được hưởng lợi là khi Việt- Mỹ bình thường hóa quan hệ và xóa bỏ hạn ngạch hàng may mặc nhập khẩu. Việc ký kết TPP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng đơn hàng do sự dịch chuyển nguồn đầu tư cho dệt may từ các quốc gia không tham gia TPP (như Trung Quốc- hiện là nguồn nhập khẩu dệt may lớn nhất của Hoa Kỳ), sang các nước thuộc TPP để hưởng lợi thuế suất. Cùng với đó, TPP cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh thị phần tại các quốc gia Canada, Mexico, Nhật Bản….”

Một doanh nghiệp dệt may khác là Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may G.Home (G20) cũng từng chia sẻ: “Nhằm đón đầu các cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới, mà điển hình là TPP, Công ty không ngừng mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nguyên phụ liệu vốn là thế mạnh của G20 so với các DNNY khác trên thị trường”.

Chủ tịch Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng từng nói, dù con tôm không được hưởng lợi nhiều từ thuế khi TPP được thông qua nhưng TPP vì tôm đã được hưởng thuế suất 0% vào các quốc gia như Mỹ, Canada, Australia đã về 0% từ lâu rồi nhưng TPP sẽ giúp Minh Phú hưởng lợi từ hàng rào phi thuế quan hay còn gọi là hàng rào kỹ thuật. Minh Phú luôn muốn có một sân chơi thực sự công bằng. Hiện tại các hàng rào phi thuế quan có khi khiến giá vốn của Minh Phú bị đội lên tới 20% - cao hơn thuế rất nhiều lần.

Hồi cuối năm 2015, khi hiệp định TPP đang trong vòng đàm phán thì Trisedco đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản có vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng để đón đầu cơ hội từ TPP. “Việc đầu tư nhà máy thức ăn thủy sản quy mô lớn nằm trong chiến lược đầu tư chiều sâu trong lĩnh vực thủy sản của Tập đoàn, đồng thời là một bước tiến trong lộ trình khép kín sản xuất ngành hàng cá tra từ khâu nuôi trồng đến chế biến và tận thu tất cả các sản phẩm phụ để nâng cao chuỗi giá trị hướng đến phát triển bển vững tạo nền tảng vững chắc đón đầu cơ hội kinh doanh khi “cánh cửa” TPP chính thức được mở ra”, Ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai (Trisedco là một thành viên của Tập đoàn Sao Mai) chia sẻ.

Còn rất nhiều doanh nghiệp khác từng chờ mong TPP sẽ mang lại phép màu cho họ khi TPP được đánh giá sẽ tạo ra bộ quy tắc chung, tiêu chuẩn mới cho thương mại các quốc gia. Dẫu biết rằng con đường để TPP thành hiện thực vẫn còn dài nhưng giấc mơ của doanh nghiệp Việt một lần nữa lại quay lại khi TPP đã đi qua được một điểm chốt quan trọng khi đạt được thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng sau nhiều tháng đàm phán hôm qua.(cafeF)
-----------------------------

ADB bảo lãnh cho Thế Giới Di Động phát hành tối đa 1.200 tỷ đồng trái phiếu

 

hdqt cong ty co phan dau tu the gioi di dong (hose: mwg) vua thong qua viec phat hanh toi da la 1.200 ty dong trai phieu co ky han 5 nam.

HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) vừa thông qua việc phát hành tối đa là 1.200 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo lãnh và không phải là nợ thứ cấp của Công ty.

Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, giá phát hành đúng bằng mệnh giá. Số lượng phát hành tối đa là 1.200 trái phiếu. Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2017.

HĐQT Thế Giới Di Động cho biết, mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động; thực hiện các chương trình và dự án đầu tư; và các mục đích chung khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017, Thế Giới Di Động có tổng nguồn vốn 14.651 tỷ đồng được tài trợ bởi 9.972 tỷ đồng nợ và 4.679 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu.

Tại thời điểm 30/6/2017, MWG đang có 3.978 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hoàn toàn chưa có khoản vay dài hạn nào.

Hoạt động kinh doanh của MWG vẫn đang tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Công ty này cũng đang đầu tư mở rộng chuỗi siêu thị hiện nay thông qua việc mở rộng hệ thống, sáp nhập Trần Anh và M&A chuỗi phân phối dược phẩm.

9 tháng đầu năm nay, MWG cho biết đã mở thêm 524 siêu thị mới trên toàn quốc. Trong đó có 107 siêu thị thế giới di động; 275 siêu thị Điện máy Xanh và 142 siêu thị Bách hóa Xanh. Tính đến 30/9, MWG có 1.779 siêu thị đang phục vụ khách hàng. Trong đó có 1058 siêu thị thế giới di động; 531 siêu thị Điện máy Xanh và 190 siêu thị Bách hóa Xanh.(cafeF)
---------------------------

Vietnam Airlines lên kế hoạch bán tiếp 4,1% cổ phần cho các nhà đầu tư

 

Vietnam Airlines sẽ bán thêm cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, có thể là 1 hãng hàng không khác, trong bối cảnh hãng chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào năm 2018 và Chính phủ có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại đây xuống còn 51%.

Vietnam Airlines đang lên kế hoạch bán tiếp 4,1% cho các nhà đầu tư, sớm nhất là ngay trong tháng 11 này, và hãng đang thảo luận với các nhà đầu tư tiềm năng cho kế hoạch bán vốn này, ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, cho biết trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Bloomberg.

Năm ngoái, Vietnam Airlines đã bán 8,8% cho hãng hàng không đến từ Nhật Bản ANA Holdings với giá 108 triệu USD. Trả lời Bloomberg, ông Thành cũng cho biết thêm ANA Holdings – vốn bị giới hạn bởi pháp luật Nhật Bản quy định chỉ được nắm 10% cổ phần của Vietnam Airlines - có thể sẽ quan tâm đến “những cơ hội khác tại các công ty con của hãng.

Trao đổi thêm với Bloomberg bên lề APEC CEO Summit đang diễn ra ở Đà Nẵng, ông Thành cho biết “việc bán cổ phần sẽ cho phép Vietnam Airlines tiếp tục triển khai kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng và nâng cấp đội tàu bay cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ nói chung”.

Vietnam Airlines, hiện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn Upcom, cũng có kế hoạch sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong năm tới. Lô đầu tiên trong số cổ phần sẽ bán thêm có thể được bán ra vào cuối năm nay hoặc năm 2018. Trong số các nhà đầu tư đang quan tâm có thể có 1 hãng hàng không khác hoặc 1 định chế tài chính tài chính.

Ông Thành cũng cho biết Vietnam Airlines dự báo tổng lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 sẽ đạt khoảng 32 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2017, trong khi lượng khách trong nước cũng sẽ tăng 12% cho toàn thị trường hàng không nội địa. Vietnam Airlines dự báo doanh thu năm 2018 sẽ tăng trưởng khoảng 13% so với năm nay, trong khi lợi nhuận trước thuế có thể đạt ít nhất 1.600 tỷ đồng (tương đương 70 triệu USD) và lượng hàng khách của hãng sẽ có thể tăng khoảng 10% trong năm sau từ mức 22 triệu của 2017.

Trở về

Bài cùng chuyên mục