tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-01-2018

  • Cập nhật : 06/01/2018

Kinh tế năm 2018 sẽ xoay chuyển nhưng cần đề phòng bong bóng

Các chuyên gia kinh tế phân tích về chất lượng tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 cũng như dự báo tăng trưởng năm 2018.

Tại diễn đàn Cơ hội đầu tư kinh doanh năm 2018 diễn ra ngày 5/1/2018 tại Thanh Hóa, TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần bàn sâu hơn nữa về chất lượng tăng trưởng GDP và xuất nhập khẩu. Điều này quan trọng hơn con số tăng trưởng GDP 6,81%, bởi dường như nền kinh tế đã xác lập được động thái tăng trưởng mới, dù chưa thay đổi được mô hình tăng trưởng.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Bản thân sự thay đổi về mặt chất lượng thể hiện ở mức nào? TS Trần Đình Thiên phân tích: Thứ nhất, cơ chế tăng trưởng đã nghiêng về chế biến chế tạo, giảm khai thác tài nguyên. 

Thứ hai, Chính phủ đã có nỗ lực thay đổi môi trường kinh doanh, thực sự tạo được niềm tin cho doanh nghiệp và có hiệu ứng tích cực thực sự. Thủ tướng cũng khẳng định phải làm ráo riết, chứ buông tay một chút là không được. Người ta nói “trên nóng dưới vẫn lạnh” nhưng thật ra ở dưới cũng đang nóng dần lên.

Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân đã tự mình khẳng định được mình. Từ lâu nó đã quan trọng rồi nhưng năm nay thể hiện rất nhiều, đặc biệt là vốn tư nhân thay được vốn đầu tư công chậm. Điển hình như Tập đoàn SunGroup làm sân bay ở Quảng Ninh trong vòng 18 tháng và tháng 6 sẽ khai trương đường bay. Nếu Nhà nước làm thì có khi sẽ mất 15 - 20 năm. 

Theo chuyên gia này, có một số điểm về mặt chính sách tới đây sẽ cần đẩy mạnh trong năm 2018: Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, tạo đột phá mạnh trong phân cấp, phân quyền nhưng không dễ dàng khi áp dụng vào thực tế. Cần bàn lại Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để ban hành trong tháng 5 này, khi đó sẽ có tác động mở cửa, đột phá mạnh nhất. Cần có các nghị quyết để giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, sở hữu chéo ngân hàng. Đổi mới về thể chế, cơ chế rất quan trọng, sẽ tạo niềm tin cho năm 2018, mang đến những chỉ tiêu thành tích.

"Dự báo kinh tế năm 2018 có thể tích cực, con số rất cao do FDI, đầu tư tư nhân tăng cao. Nhưng kinh nghiệm giải ngân chậm năm 2017 là bài học của Chính phủ. Năm nay sẽ là năm xoay chuyển nhưng cũng có thể gây ra bong bóng vì cách đây 10 năm cũng xảy ra bong bóng khi bùng nổ FDI, bùng nổ thị trường chứng khoán và bất động sản", ông Thiên dự báo.

6,81% không phải con số ảo

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, con số tăng trưởng năm 2017 là kết quả phản ánh đúng nỗ lực phấn đấu của tất cả các thành viên tham gia từ lập chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp. 

"Những lần gặp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và chứng kiến các chuyên viên thực hiện, tôi khẳng định các công thức tính là chuẩn xác, không cần hoài nghi, phần còn lại là số liệu đầu vào có chuẩn hay không. Ví dụ như số liệu ở các bộ ngành, địa phương đưa lên có mức chính xác như thế nào, có thể ảnh hưởng phần nào. Nhưng tôi thấy con số địa phương cũng khá sát. Ví dụ như Hà Nội - khu vực đầu tàu có mức tăng trưởng trên 7% là con số khá chính xác", ông Đông cho hay.

Ông Đông đồng tình với việc không nên "ru ngủ" bằng các con số, nhưng khi các con số thống kê là xác thực thì ta phải tự tin để tiếp tục. Nên đặt tiếp vấn đề là nhìn ở góc độ doanh nghiệp thì nên lường trước các rủi ro như thế nào trong hoàn cảnh sắp tới.

"Chính phủ kiến tạo cần tiếp tục kiểm soát vấn đề chi phí, kết cấu hạ tầng cần tiếp tục làm tiếp. Cải thiện hạ tầng để thay đổi chi phí logistics. Nhà nước cũng không cần làm hạ tầng mà ra chính sách thu hút dòng vốn xã hội. Như ông Trần Đình Thiên nói các công ty tư nhân xây dựng họ làm rất nhanh. Trên thế giới xây sân bay rất to có 2 năm, giá rất rẻ. Nhà máy điện cũng vậy, phải nhanh hơn chứ không thể cứ 5 năm", ông Đông đề nghị.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS Võ Trí Thành: Đây là giai đoạn phục hồi rõ hơn

Theo TS Thành, đây là giai đoạn phục hồi rõ hơn, tốt hơn, chứ chưa tăng trưởng bền vững và có tính lâu dài, thể hiện ở tăng trưởng GDP cả ba năm qua là trên 6%.

"Phải nói Việt Nam đến năm 2015 đã tạo ra "thế trận" hay vì có 3 lợi thế: Một là lợi thế của người đi trước so với nhiều nước trên khu vực và thế giới. Hai là thế trận kết hợp giữa mạng sản xuất và xuất khẩu. Ba là vai trò đối tác chiến lược trong các hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, từ 2016 có các tác động phát sinh làm thế trận ấy không còn đẹp, do các vấn đề khách quan như câu chuyện bất định trong hiệp định TTP, hay câu chuyện ASEAN+6. Trong 2018, chúng ta cần duy trì các lợi thế và không làm giảm thiểu thế trận hiện tại", chuyên gia nhận định.(baotintuc)
---------------------------

8 Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt vừa có hiệu lực

Chính phủ vừa ban hành 8 Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại với một số nước.

Cụ thể, Nghị định 150/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên giai đoạn 2018 - 2022.

Nghị định này quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên (Hiệp định VN-EAEU FTA) giai đoạn 2018 - 2022 và điều kiện được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này.

Nghị định 153/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018 - 2022.

Nghị định này quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018 - 2022 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này.

Bên cạnh đó là Nghị định 154/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chile giai đoạn 2018 - 2022.

Nghị định 155/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác kinh tế giai đoạn 2018 - 2023.

Nghị định 156/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018 - 2022.

Nghị định 158/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand giai đoạn 2018 - 2022.

Nghị định 159/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2018 - 2022.

Nghị định 160/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2023.

8 Nghị định trên có hiệu lực từ 1/1/2018.
-----------------------------------

Nợ toàn cầu đạt mức kỷ lục 233 nghìn tỉ USD

Bloomberg hôm 5.1 dẫn thông tin từ một phân tích của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 233.000 tỉ USD trong quý 3/2017.

Con số trên đã tăng hơn 16.000 tỉ USD kể từ cuối năm 2016. Nợ khối phi tài chính tư nhân đạt mức cao nhất mọi thời đại tại Canada, Pháp, Hồng Kông, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tỷ lệ giữa nợ và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm trong quý thứ tư liên tiếp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tăng nhanh. Theo IIF, tỷ lệ này hiện nay khoảng 318%, giảm 3% so với quý 3/2016.

“Sự kết hợp giữa đồng bộ hóa tăng trưởng toàn cầu, lạm phát tăng tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nỗ lực ngăn chặn tình trạng nợ nần đang gia tăng tại Canada và Trung Quốc là các yếu tố dẫn đến sự sụt giảm tỷ lệ nợ và GDP”, các nhà phân tích của IIF viết trong một báo cáo.

Song, cũng theo các nhà phân tích của IIF, khoản nợ khổng lồ này có thể sẽ kiềm chế nỗ lực tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương do lo lắng về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp và chính phủ.(Thanhnien)
----------------------------

66 cổ phiếu không được ký quỹ trên sàn TP.HCM

Trong quý 1 năm nay, sẽ có 66 cổ phiếu trên sàn TP.HCM không được giao dịch ký quỹ, theo thông tin mới công bố của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Như vậy so với quý 4/2017, số lượng cổ phiếu (CP) không được giao dịch ký quỹ (margin) đã giảm từ 99 cổ phiếu xuống còn 66 cổ phiếu.

Cụ thể, có 13 CP không được ký quỹ do thời gian niêm yết dưới 6 tháng gồm những CP vừa chào sàn như VPB - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; VRE - CTCP Vincom Retail; AST - CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco; VDP - CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha; IBC - CTCP Đầu tư Apax Holdings; VCI - CTCP chứng khoán Bản Việt...

Bên cạnh đó, 13 CP không được ký quỹ do lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng là số âm gồm: BTP - CTCP Nhiệt điện Bà Rịa; HDG - CTCP Tập đoàn Hà Đô; PVD - Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí; TDC - CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương; VPK - CTCP Bao bì Dầu thực vật…

Ngoài ra, nhiều CP đang thuộc diện cảnh báo hay kiểm soát không được ký quỹ bao gồm: EIB - Ngân hàng TMCP Eximbank; AGF - CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang; HVG - CTCP Hùng Vương; JVC - CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật; KSA - CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận; NVT - CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay... Duy nhất SFC không được ký quỹ do có kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm pháp luật về thuế.

Hoạt động margin, cho vay ký quỹ mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hiện rất sôi động. Theo báo cáo tổng hợp của các công ty chứng khoán tính đến hết quý 3.2017, Tính dư nợ cho vay margin đạt hơn 36.155 tỉ đồng, tăng 9,2% so với cuối quý 2.2017 và tăng hơn 22% so với cùng kỳ. (Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục