tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 06-01-2018

  • Cập nhật : 06/01/2018

Lazada phân phối các sản phẩm Apple chính hãng tại Việt Nam từ ngày 5/1/2018

Là đơn vị bán hàng trực tuyến được ủy quyền bởi chính Apple, Lazada sẽ phân phối toàn bộ các sản phẩm của hãng công nghệ này bao gồm điện thoại iPhone, máy tính MacBook, MacBook Pro, máy tính bảng iPad, iPad Pro, Apple TV, tai nghe Beats by Dr. Dre, và các sản phẩm phụ kiện khác.

Khi mua các sản phẩm Apple tại Lazada, khách hàng sở hữu thẻ của các ngân hàng liên kết có thể mua trả góp với  lãi suất 0%. Đặc  biệt, khách hàng khi thanh toán  bằng thẻ Citibank sẽ được giảm tới 15% tối đa 1 triệu đồng vào mỗi thứ 6 hàng tuần trong 2 tháng từ 5/1/2018 - 5/3/2018.  

Ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam cho biết: “Việc trở thành nhà phân phối Apple chính hãng sẽ góp phần đem đến cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội mua sắm các sản phầm tốt từ những thương hiệu uy tín lớn trên thế giới”. (Baotintuc)
-------------------------------

Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại biển Việt Nam giai đoạn 2025 -2035

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại biển Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương chính thức phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 4693/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại biển Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch phấn đấu đến năm 2025 công nghiệp, thương mại luôn là ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực ven biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thương mại dịch vụ có trình độ, chất lượng cao.

Về các mục tiêu cụ thể, Quy hoạch xác định, tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ven biển giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 9,0 - 9,5%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10,5-11,0%/năm; Tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 khoảng 16,5 - 17,0%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 17,5%- 18,0%/năm; Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 -2020 đạt khoảng 13,5% - 14,0%/năm và giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 13,0%-13,5%/năm.

Quy hoạch cũng chỉ rõ, định hướng phát triển cụ thể đối với ngành công nghiệp tập trung vào các ngành có tiềm năng và lợi thế: khai thác và chế biến than, dầu khí, hóa chất, sản xuất điện (nhiệt điện và năng lượng tái tạo), cơ khí, luyện kim, điện tử, chế biến thủy, hải sản; Ưu tiên phát triến các lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh; các sản phẩm trong chuỗi sản xuất toàn cầu thuộc các ngành cơ khí, điện, hoá chất và các sản phấm linh kiện, phụ tùng.

Đối với ngành thương mại, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa từ các chương trình hợp tác kinh tế quốc tế, kết hợp phát triển nhanh các hình thức thương mại hiện đại để từng bước mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất - nhập khẩu và thương mại trong nước; Phát triển hệ thống logistics, hệ thống chợ đầu mối thủy sản, nông sản tổng hợp, các trung tâm trung chuyển và kho vận đảm bảo đáp ứng cho hoạt động lưu thông hàng hóa nội địa và quốc tế.(Baodautu)
--------------------------

Ông Dương Công Minh và nhiều đại gia chọn ngân hàng bỏ công ty

Nhiều ông chủ ngân hàng đã đưa ra lựa chọn khi quy định sếp ngân hàng không được đồng thời giữ các chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác sắp có hiệu lực.

 

ong duong cong minh hien chi con giu chuc chu tich hdqt ngan hang sacombank. anh: quang dinh.

Ông Dương Công Minh hiện chỉ còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank. Ảnh: QUANG ĐỊNH.

 

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank vừa có thông báo về việc thay đổi thông tin của người nội bộ là ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này.

Theo đó, ông Minh chính thức từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại 4 công ty gồm Him Lam, Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Phát triển Xín Mần, Chứng khoán Liên Việt. 

Hiện tại, ông Minh chỉ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Việc ông Dương Công Minh thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại hàng loạt doanh nghiệp khác nhằm tuân theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 15-1-2018.

Trong Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo.

Trong số đó có quy định chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của một tổ chức tín dụng (TCTD) không được đồng thời giữ các chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác.

Quy định này sẽ dẫn đến tình trạng ông chủ ngân hàng buộc phải lựa chọn từ bỏ một trong hai chức danh. 

Thực tế hiện nay đa số chủ tịch Hội đồng quản trị của các ngân hàng cổ phần đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên hội đồng quản trị của doanh nghiệp khác.

Ngoài trường hợp ông Dương Công Minh, còn có ông Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Đỗ Quang Hiển hiện là chủ tịch của Tập đoàn T&T và Công ty Chứng khoán SHS... 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh là phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Masan Group.

Ngoài ra chủ tịch Hội đồng quản trị VIBank Đặng Khắc Vỹ là chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings. Ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch ABBank, đang là chủ tịch Geleximco. 

Chủ tịch Kiên Long Bank Võ Quốc Thắng là chủ tịch kiêm tổng giám đốc Đồng Tâm Group và VPF.

Ông Phương Hữu Việt, chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Á, cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư Việt Phương…

Mới đây, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc đá quý DOJI kiêm Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng đã đưa ra lựa chọn của mình, theo đó ông Đỗ Minh Phú sẽ thôi làm chủ tịch DOJI sau Đại hội cổ đông của TPBank vào tháng 4 tới.

Ông Đỗ Quang Hiển cũng cho biết sẽ thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc ở Tập đoàn T&T để làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SHB.

Trả lời Tuổi Trẻ Online trước đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết việc bổ sung quy định các sếp ngân hàng không kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác là để hạn chế lạm dụng quyền nhằm thực hiện các hoạt động đầu tư cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường và tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ông Hưng đánh giá đó là nội dung bổ sung rất quan trọng để ngăn ngừa việc thao túng, đảm bảo minh bạch, an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận mục đích của quy định trên là để tránh doanh nghiệp sử dụng ngân hàng như một sân sau vì khi sếp ngân hàng cũng là chủ doanh nghiệp thì việc ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn là rất dễ dàng.(tuoitre)
--------------------------------

Bất động sản TP.HCM thiết lập mặt bằng giá mới

Đó là nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp tại sự kiện công bố báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM năm 2017 do Công ty Danh Khôi Á Châu (DKRA) công bố.

Cụ thể, theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA, sau giai đoạn đóng băng từ năm 2010 - 2013, thị trường BĐS TP.HCM bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển sôi động. Bắt đầu từ năm 2014, thị trường BĐS TP.HCM khởi sắc trở lại. Đến nay, BĐS TP.HCM đã thiết lập nên mặt bằng giá mới với giá trị BĐS cao hơn hẳn so với năm 2012.

Đối với loại hình căn hộ, theo ghi nhận của DKRA, phân khúc căn hộ hạng C năm 2012 có mức giá trung bình khoảng 13 triệu đồng/m2 thì đến nay (2017) có giá trung bình dao động khoảng từ 18 - 20 triệu đồng/m2, tính ra tăng 54% sau 5 năm. Phân khúc căn hộ hạng B năm 2012 có mức giá khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2 thì đến nay rơi vào khoảng 27 - 30 triệu đồng/m2, tăng 67%. Phân khúc căn hộ hạng A năm 2012 có mức giá trung bình khoảng 33 triệu/m2 thì đến nay vào khoảng 55 triệu đồng/m2, tăng 47%. 

Với loại hình nhà phố/biệt thự, do đặc thù phụ thuộc chủ yếu vào sự gia tăng giá đất nên trong 5 năm qua, biên độ tăng giá của phân khúc này không cao, dao động chỉ từ 20 - 56%. Phần lớn, loại hình nhà phố, biệt thự tập trung tại khu Đông như quận 2, 9 và khu Nam điển hình là Phú Mỹ Hưng. Khu vực quận 9 ghi nhận có mức giá tăng cao nhất, khoảng 56% sau 5 năm do những năm qua khu vực này đã có những thay đổi tích cực về hạ tầng giao thông.

Giá bán của biệt thự, có sự phân hóa rõ ràng theo từng khu vực, phụ thuộc lớn vào quy hoạch và chất lượng dịch vụ của từng khu vực. Điển hình là khu vực quận 9 có biên độ tăng giá cao nhất song khu vực này chỉ dao động trung bình khoảng 42 triệu/m2. Trong khi Phú Mỹ Hưng có mức giá mới vào trung bình khoảng 150 triệu đồng/m2.

Với đất nền do là loại hình được người Việt ưa chuộng nên luôn trong tình trạng quỹ đất khan hiếm, thị trường này càng được nhiều khách hàng mua ở và khách đầu tư đặc biệt quan tâm. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy giá đất nền tăng cao trong thời gian qua.

Biên độ tăng giá không đồng đều phụ thuộc lớn vào sự phát triển hạ tầng giao thông. Điển hình như khu Đông, ghi nhận tăng giá từ 130 - 170% do nơi đây có sự phát triển giao thông mạnh mẽ nhất trong hơn 3 năm qua. Hiện nay, giá đất nền tại khu vực phường Phước Long B (quận 9) dao động phổ biến khoảng 27 - 35 triệu đồng/m2. Khu Nam mà điển hình là khu vực phường Tân Thuận Đông (quận 7) giá tăng khoảng 50%, dao động từ 42 - 55 triệu đồng/m2.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục