tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-01-2018

  • Cập nhật : 07/01/2018

Bất động sản là khoản đầu tư tốt nhất trong 150 năm qua

Cổ phiếu giúp tài sản của bạn bay cao, song sẽ rớt giá định kỳ. Trái phiếu kho bạc là nơi an toàn để trữ tài sản của bạn, song không đem lại nhiều lợi nhuận. 

bat dong san la khoan dau tu tot nhat trong 150 nam qua

Bất động sản là khoản đầu tư tốt nhất trong 150 năm qua

Nhà đất là kênh đầu tư duy nhất vừa đem lại lợi nhuận, vừa an toàn. Theo trang Quartz, ở những nước giàu, đầu tư nhà đất trong khoảng thời gian rất dài cũng đem lại lợi nhuận không kém gì chứng khoán. Điểm mạnh của bất động sản là mức biến động giá cả thấp.

Đây là lập luận trong báo cáo mới của Đại học California-Davis, Đại học Bonn và Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bundesbank). Các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu lợi nhuận hằng năm của các loại tài sản như trái phiếu kho bạc, chứng khoán, cổ phiếu và nhà ở từ năm 1870 đến năm 2015 tại 16 nước giàu trên thế giới, trong đó có Mỹ, Đức và Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên bộ dữ liệu loại này được soạn thảo.

Giới nghiên cứu nhận thấy rằng ở một nước giàu trung bình, lợi nhuận hằng năm mà nhà đất đem lại trong giai đoạn 1870 - 2015 đạt hơn 7% sau khi điều chỉnh lạm phát, trong khi lợi nhuận từ chứng khoán là dưới 7%. Rủi ro liên quan đến nhà đất cũng thấp hơn nhiều. Theo nhiều biện pháp đo lường sự thiếu chắc chắn chuẩn, nhà ở chỉ có nửa rủi ro so với cổ phiếu, và ít rủi ro hơn nhiều so với trái phiếu.

Phát hiện này đáng chú ý vì nó không đi theo các lý thuyết kinh tế về định giá tài sản, vốn cho rằng các tài sản rủi ro như chứng khoán sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn các khoản đầu tư ổn định như nhà đất. Một nhà đầu tư giỏi thực tế sẽ có danh mục đầu tư bất động sản đa dạng trên trường quốc tế, thậm chí đa dạng hơn danh mục đầu tư chứng khoán. Giới nghiên cứu chưa đưa ra giải thíchcho phát hiện này, song họ kỳ vọng các nhà nghiên cứu khác sẽ sử dụng dữ liệu để trả lời vấn đề trên.

Dù nhìn chung, bất động sản thể hiện tốt hơn cổ phiếu, hai khoản đầu tư này vẫn có sự khác biệt ở 16 quốc gia được nghiên cứu. Pháp là nơi có mức chênh lợi nhuận đầu tư bất động sản và cổ phiếu lớn nhất với 3,3%. Các khoản đầu tư cổ phiếu đặc biệt thấp thời hậu Thế chiến thứ hai, khi làn sóng quốc hữu hóa doanh nghiệp tư nhân xảy ra và cuộc khủng hoảng dầu thô đến vào thập niên 1960.

Lịch sử đầu tư cổ phiếu gần đây lại tốt hơn. Từ năm 1980, tỷ suất lợi nhuận cổ phiếu hằng năm tại 16 nước là 10,7%, cao hơn so với mức 6,4% của nhà đất. Giới nghiên cứu cho rằng điều này liên quan đến đợt giảm giá nhà đất ở Nhật Bản sau năm 1990 và tăng trưởng bất động sản để ở của Đức chậm lại. Cùng lúc, cổ phiếu tại các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan lại bùng nổ.

Song từ năm 1980, sau khi được điều chỉnh rủi ro, đầu tư nhà đất có lợi hơn đầu tư cổ phiếu. Theo tỷ lệ Sharpe, từ năm 1980, nhà đất là khoản đầu tư tốt tại 14/16 quốc gia được khảo sát. Tỷ lệ Sharpe là thước đo phổ biến về lợi nhuận đầu tư có tính đến biến động của cổ phiếu. Thước đo này hữu dụng với các nhà đầu tư muốn có lợi nhuận cao, nhưng không muốn chi quá đậm.

Một hạn chế của nghiên cứu này là nó không tính đến thuế. Giới nghiên cứu bỏ yếu tố thuế vì nó khác nhau giữa các quốc gia. Dù vậy, phát hiện này vẫn hữu ích với giới đầu tư muốn cân nhắc đổ tiền vào nhiều bất động sản. Một căn nhà là tài sản rủi ro hơn nhiều so với một danh mục đầu tư nhiều bất động sản để ở đa dạng.

Ngay cả khi bạn không phải là triệu phú đô la, bạn vẫn có thể đa dạng hóa khoản đầu tư nhà đất của mình thông qua các sản phẩm tài chính như quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT). Nói cách khác, phát hiện của nghiên cứu này không khuyến khích bạn tậu một căn nhà lớn, mà nếu bạn đang tìm kiếm khoản đầu tư có giá trị và an toàn về lâu dài, bạn sẽ muốn mua một phần nhỏ của nhiều bất động sản khác nhau trên thế giới.(Thanhnien)
------------------

Lạm phát trên thế giới năm 2018 sẽ diễn biến ra sao?

Trong khi lạm phát tại các nước mới nổi tăng thì lạm phát tại các nước phát triển lại không tăng đạt mục tiêu, người ta băn khoăn điều gì sẽ xảy ra trong năm 2018. 

Lạm phát trên thế giới năm 2018 sẽ diễn biến ra sao?

Ảnh: Daily Meal

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh là lý do tại sao thị trường chứng khoán thế giới khởi đầu năm 2018 trong không khí hết sức lạc quan, chỉ số công nghiệp Dow Jones vượt mức 25 nghìn điểm. 

Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng tốt, nhiều doanh nghiệp vẫn thấy khó tuyển nhân viên hoặc mua được đầy đủ những nguyên vật liệu mà họ cần bởi thường cả giá nhân công cũng như nguyên vật liệu đều tăng mạnh lúc kinh tế thuận lợi, nhu cầu tăng cao.

Ngân hàng Trung ương các nước khi đó phản ứng bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ, quá trình này cuối cùng có thể lại khiến thị trường và nền kinh tế đi xuống.

Sau nhiều năm duy trì chính sách lãi suất siêu thấp, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong năm 2017, Fed đã ba lần nâng lãi suất cơ bản đồng USD và dự kiến trong năm nay sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm ba lần nữa. Fed muốn thắt chặt dần dần chính sách tiền tệ để ngăn lạm phát tăng quá cao. 

Định hướng chính sách rõ ràng như vậy nhưng nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: Lạm phát đi đâu? Ở hiện tại, lạm phát lõi ở Mỹ tăng chỉ 1,7% và như vậy vẫn dưới mốc 2% mục tiêu của Ngân hàng Trung ương. 

Còn theo báo cáo về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,1%, mức lương tăng trưởng vẫn chỉ 2,5%.

Nhiều chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ING nhận định lạm phát lõi sẽ tăng lên bởi những lý do sau đây:

Giá quần áo hiện đang ở mức siêu thấp trong khi phí điện thoại thấp cũng khiến cho lạm phát thấp hơn. Những yếu tố này sẽ thay đổi trong năm nay. 

Không chỉ giới hạn bên trong nước Mỹ, lạm phát bên ngoài nước Mỹ cũng sẽ tăng lên trong năm nay. Anh đang đối diện với vấn đề lạm phát không tăng đạt mức mục tiêu thế nhưng nguyên nhân chính của điều này là việc đồng bảng Anh giảm giá sâu sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Châu Âu và Nhật cũng đang đau đầu khi lạm phát đang không tăng đạt mức mục tiêu, lạm phát tại châu Âu hiện chỉ 1,5%, lạm phát tại Nhật trong khi đó vẫn ở mức 0,5%. Tuy nhiên, gần đây có nhiều báo cáo cho thấy kinh tế Nhật đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khoảng thời gian trước, tiêu dùng cá nhân tăng trưởng mạnh, vì vậy lạm phát cũng sẽ sớm tăng theo.

Trong khi lạm phát tại các nước phát triển luôn dưới mức mục tiêu thì xu thế ngược lại lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển tăng cao. Tổ chức tư vấn Capital Economics dự báo lạm phát tại các nước mới nổi trong tháng 7/2017 đã chạm mức thấp trong nhiều năm là 3,3% nhưng nay đã lên mức 3,7% và nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức trung bình 4,4% trong năm 2018. 

Lạm phát tại Ấn Độ tháng 11/2017 chạm mức 4,9%, Capital Economics dự báo lạm phát tại nước này sẽ còn tăng cao hơn nữa. Cũng trong năm nay, lạm phát tại Trung Quốc sẽ tăng cao hơn khi giá thực phẩm cao. Cùng lúc đó, giá dầu cao có thể khiến lạm phát tại nhiều nước khác trên thế giới tăng. 

Tuy nhiên, nhìn chung cho đến hiện tại chưa có dấu hiệu gì cho thấy các Ngân hàng Trung ương cần phải ráo riết hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu khả năng đó xảy ra, thị trường chứng khoán chắc chắn chịu tác động tiêu cực, tin xấu cho thị trường chứng khoán nhiều khi không hẳn đã là tin xấu với nhiều lĩnh vực khác. (Bizlive)
-----------------------

Trung Quốc thề không xây thêm nhà máy thép trong năm nay

Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện lời thề cắt giảm sản xuất thép và sẽ phạt nặng nếu bất kì nhà máy thép nào được thành lập trong năm 2018, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc vừa công bố.

trung quoc vua tieu huy 120 trieu tan cong suat thep thanh pham bat hop phap co cong nghe thap. (nguon: scmp).

Trung Quốc vừa tiêu hủy 120 triệu tấn công suất thép thành phẩm bất hợp pháp có công nghệ thấp. (Nguồn: SCMP).

“Chúng tôi sẽ nghiêm túc cấm bất kì nhà máy sản xuất thép nào mở cửa và cũng sẽ đảm bảo rằng tất cả các nhà máy có công nghệ cũ kỹ, lạc hậu sẽ bị giới hạn và không được mở thêm nữa”, Bộ trưởng Bộ này nói.

Theo đó, đất nước có công suất sản xuất thép lớn nhất thế giới này đã nỗ lực thực hiện được mục tiêu cắt giảm 50 triệu tấn thép trong năm 2017.

Đáng nói, vừa qua, Trung Quốc cũng đã tiêu hủy 120 triệu tấn công suất thép thành phẩm bất hợp pháp có công nghệ thấp.

Tờ South China Morning Post, Trung Quốc cũng có kế hoạch đạt mục tiêu cắt giảm năng suất giai đoạn 2016 – 2020 là loại bỏ 150 triệu tấn thép vào năm 2018.

Tuy nhiên, sản lượng thép thô của Trung Quốc năm 2017 vẫn dự kiến ​​vượt quá mức kỷ lục vào năm 2016 khi tăng lên 832 triệu tấn và tiếp tục tăng vào năm 2018 khi các nhà máy lớn tăng tốc để tận dụng cơ hội tăng giá.

“Chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo và giám sát của chính quyền địa phương với các nhà máy thép nhằm đảm bảo mục tiêu cắt giảm năng suất đã đề ra”, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho hay.

Ngoài ra, Bộ này cũng cho biết sẽ khuyến khích các nhà máy thép sử dụng công nghệ lò nung điện, ít ô nhiễm hơn so với các lò nung truyền thống, phù hợp với chiến dịch chống ô nhiễm của Bắc Kinh.(Dantri)
----------------------

Tiêu giảm giá 50%

Giá tiêu vẫn theo đà giảm nhiều ngày qua, giá bán sỉ giữ ở mức 69.000 - 71.000 đồng/kg, giảm 50% so cùng kỳ năm trước, theo Bộ NN-PTNT.

VN hiện là nước sản xuất - xuất khẩu hạt tiêu đen lớn nhất thế giới, chiếm hơn 30% thương mại hạt tiêu toàn cầu.

VN cũng mua hạt tiêu từ Campuchia, Indonesia và Brazil để tái xuất. Trong đó, hạt tiêu trắng chiếm gần 15% tổng xuất khẩu hạt tiêu của VN.

Diện tích trồng hạt tiêu hiện tại ở VN đã vượt mục tiêu sản xuất 140.000 tấn từ 50.000 ha đến năm 2020.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục