tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-04-2017

  • Cập nhật : 23/04/2017

Puma bị phạt ở Trung Quốc vì vi phạm logo công ty nội địa

Một tòa án ở Thượng Hải vừa yêu cầu nhà sản xuất đồ thể thao Đức Puma trả 2,9 triệu nhân dân tệ, tương đương 421.340 USD, vì vi phạm logo của một công ty sản xuất len Trung Quốc.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo tờ Shanghai Daily, tòa án phán quyết rằng Puma đã sao chép hình ảnh đặc biệt được sáng tạo cho năm Ất Mùi 2015 và sử dụng nó trên các sản phẩm áo tay dài và giày.

Tòa án cho hay thương hiệu Hengyuanxiang 90 tuổi của Trung Quốc đã đăng ký logo này, với hình ảnh vốn được chuyển thể từ chữ tượng hình xưa của Trung Quốc. Khác biệt duy nhất giữa logo hai hãng là kích thước, tòa án Thượng Hải kết luận.

Puma bác bỏ cáo buộc này, cho biết họ sử dụng chữ tượng hình cho logo và đây là loại chữ mà bất cứ ai cũng có thể dùng. Dù vậy, tòa vẫn không thay đổi phán quyết cho rằng nhà sản xuất đồ thể thao quốc tế sao chép logo từ công ty Hengyuanxiang, đánh lừa khách hàng khi khiến họ nghĩ rằng một dòng sản phẩm của Puma có liên quan đến thương hiệu Đại lục.

Nhà sản xuất đồ thể thao kiếm được gần 6 triệu nhân dân tệ từ dòng sản phẩm nói trên, theo kết quả điều tra doanh số bán hàng. Dù hàng Puma bán chạy không phải là vì danh tiếng của Hengyuanxiang, hãng này vẫn bị yêu cầu phải trả một nửa doanh thu để bồi thường.

Các vụ tranh chấp thương hiệu tương tự xuất hiện thường xuyên ở Đại lục. Hồi tháng 12.2016, một tòa án Trung Quốc từng xử huyền thoại bóng rổ Mỹ thắng kiện. Họ yêu cầu hãng đồ thể thao Qiaodan ngừng sử dụng chữ viết tiếng Hoa của cái tên Jordan.(Thanhnien)
--------------------------

Bảo hiểm Quân đội bị phạt 125 triệu đồng do không đưa chứng khoán đã chào bán vào giao dịch

Ngày 21/04/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 408/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), địa chỉ: Tầng 15, tòa nhà MIPEC, số 229 Tây Sơn, Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội.

Theo đó, doanh nghiệp này bị phạt 125 triệu đồng do không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Cụ thể, ngày 4/3/2014, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã hoàn thành đợt chào bán 10 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng theo Giấy chứng nhận số 69/GCN-UBCK ngày 03/12/2013 của UBCKNN. Tuy nhiên, đến nay Công ty chưa thực hiện đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức.(NĐH)
-------------------------------------------

Ông Trump ký một loạt sắc lệnh phục vụ cuộc "hồi sinh kinh tế vĩ đại"

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/4 đã ký các sắc lệnh hành pháp yêu cầu xem xét lại các quy định tài chính, đặt nền tảng cho điều mà ông gọi là "sự hồi sinh kinh tế vĩ đại".
Một sắc lệnh quan trọng trong số đó yêu cầu việc xem xét trong sáu tháng đối với các nội dung cốt lõi trong Đạo luật Dodd-Frank được người tiền nhiệm Barack Obama ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với việc tăng cường giám sát các tập đoàn tài chính của Mỹ thuộc diện quá lớn để phá sản.

Dodd-Frank được ban hành năm 2010 với mục tiêu ngăn chặn các doanh nghiệp Mỹ có các hoạt động rủi ro trên thị trường tài chính theo cách mà ngân hàng đầu tư bị phá sản Lehman Brothers đã làm.

Ông D.Trump cam kết hủy bỏ Đạo luật Dodd-Frank mà ông gọi là "thảm họa," cho rằng nó quá phiền hà đối với các ngân hàng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng.

Một sắc lệnh khác yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin xem xét điều khoản về đóng cửa có trật tự các công ty bị tịch biên tài sản và liệu gắn với luật phá sản có hiệu quả hơn không.

Sắc lệnh thứ ba yêu cầu ông Mnuchin xem xét đơn giản hóa các quy định về thuế của Mỹ để đưa vào các cải cách nhằm giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và các doanh nghiệp.

Ông Trump nói nước Mỹ đang trong quá trình xây dựng lại và đang thực hiện các bước nhằm làm cho nền kinh tế công bằng hơn và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

Tổng thống Trump kế thừa một nền kinh tế Mỹ với tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng GDP vững vàng ở mức 1,6%. Ông cam kết đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại mức 3%/năm hoặc hơn, một mục tiêu mà nhiều nhà kinh tế cho rằng là không thực tế nếu không tăng năng suất và tăng quy mô lực lượng lao động.

Tổng thống Mỹ cũng cam kết công bố về kế hoạch cải cách thuế vào tuần tới. Ông D.Trump và đảng Cộng hòa trong Quốc hội xem cải cách thuế là cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp Mỹ chuyển trụ sở, cơ sở sản xuất và việc làm ra nước ngoài./. (Vietnam+)
---------------------

Nối gót The KAfe, chuỗi cà phê nổi tiếng thế giới Gloria Jean's cũng “lặng lẽ” đóng cửa tại Việt Nam

Dù đã thâm nhập 39 thị trường trên toàn cầu với độ phủ hơn 1.000 cửa hàng, nhưng tại Việt Nam, Gloria Jean's Coffees cũng vừa chịu chung số phận với The KAfe.

Thời gian qua dư luận đổ dồn sự chú ý vào việc đóng cửa The KAfe của Đào Chi Anh mà không để ý rằng một ông lớn trong ngành cũng đã rời khỏi Việt Nam. Gloria Jean’s Coffees, thương hiệu cà phê phổ biến tại Úc, đã “ngậm ngùi” đóng cửa quán cà phê cuối cùng tại Grand View, Phú Mỹ Hưng, trong tháng 4 này. Sự kiện đáng buồn này cũng đánh dấu 10 năm thâm nhập thị trường Việt Nam của Gloria Jean’s.

Năm 2006, tập đoàn cà phê đa quốc gia Gloria Jean's đến Việt Nam thông qua hợp đồng nhượng quyền (franchise) với một công ty trong nước.

Khi đó, ông Billy Sin, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á khẳng định Việt Nam, cũng giống một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... là thị trường tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ đồ uống. Dù là nước xuất cà phê lớn nhất, nhì thế giới, Việt Nam chỉ có thế mạnh về cà phê robusta, còn Gloria Jean's tập trung phát triển cà phê arabica nên "cũng không ảnh hưởng gì".

Tuy nhiên mọi chuyện không dễ như tưởng tượng của ông Billy Sin. Sau gần 6 năm tiến vào Việt Nam, Glorian mới chỉ mở được 6 cửa hàng tại khu vực thành phố Hồ Chí Mình, tốc độ phát triển khá chậm so với các chuỗi còn lại.

Đến năm 2012, “biểu tượng” của Gloria Jean’s trên đường Đồng Khởi đã bị đóng cửa do chi phí thuê mặt bằng quá cao trong khi lợi nhuận từ kinh doanh không đáp ứng nổi. Đến cuối năm 2015, số chuỗi cà phê Gloria tại thành phố Hồ Chí Minh giảm một nữa và tiếp tục giảm xuống còn 2 cửa hàng vào cuối năm 2016.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống Gloria Jean’s Coffees đã đóng cửa. Fanpage Gloria ngừng cập nhật từ tháng 12/2016 và website của thương hiệu tại Việt Nam đã không tồn tại. Gloria tại khu vực hồ Con Rùa, một trong hai cửa hàng “sống sót” cuối cùng, đã nhường chỗ cho Highland.

khong gian mot quan gloria jean's coffees tai tp hcm.

Không gian một quán Gloria Jean's Coffees tại TP HCM.

Chị Nguyễn Phi Vân, người đầu tiên đưa Gloria Jean’s Coffees vào Việt Nam, đã từng nhận định, nguyên nhân thất bại ban đầu là việc rập khuôn mô hình từ công ty mẹ. “Sai lầm đáng tiếc của những người nhận nhượng quyền khi đó là sợ sai nên đã áp dụng nguyên xi mô hình Gloria Jean’s tại Úc vào các khu vực khác. Chúng tôi cũng vậy”, chị nói.

Dù về sau, Gloria Jean’s cho phép người mua nhượng quyền chỉ giữ lại những yếu tố cốt lõi của thương hiệu, còn lại cải tiến cho phù hợp với từng thị trường nhưng vấn đề kinh doanh vẫn không khả quan. Chi phí mặt bằng quá cao cộng thêm sự xuất hiện của đối thủ ngoại Starbucks và sự trỗi dậy của chuỗi quán cà phê bản địa như The Coffee House, Phúc Long, Urban Station hay Trung Nguyên đã đánh bại thương hiệu cà phê lớn đến từ Úc.

Thực tế, Việt Nam không phải là nơi duy nhất Gloria Jean’s Coffee không đạt kết quả như mong muốn. Năm 1992, thương hiệu này đã vào thị trường Indonesia và nhanh chóng mở 15 cửa hàng. Tuy nhiên, họ cũng nhanh chóng đóng cửa gần hết số cửa hàng đó và hiện tại chỉ còn 2. Nguyên nhân thất bại được cho là do người nhận nhượng quyền khi đó chỉ lo mở rộng hệ thống cửa hàng mà không tìm hiểu kỹ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng khu vực.(Trithuctre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục