tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-08-2016

  • Cập nhật : 15/08/2016

Xuất khẩu thủy sản đạt 3,65 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 7 giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 564 triệu USD (giảm 2,2% so với tháng 6). Lũy kế 7 tháng, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,65 tỷ USD.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Các thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (11%), Trung Quốc (55,1%), Thái Lan (7,7%) và Hà Lan (7,3%).

Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2016, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cần kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu, đánh giá xếp loại doanh nghiệp nhập khẩu để được xét ưu tiên miễn/giảm kiểm dịch.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên ngành đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long để có các biện pháp nhằm cân đối ba yếu tố thời vụ thả nuôi, sản xuất giống, sản xuất thức ăn nhằm tránh tình trạng thiếu thừa dẫn đến tăng cao giá thành sản xuất nguyên liệu, sản lượng thu hoạch và chất lượng nguyên liệu thủy sản.

Nhanh chóng nghiên cứu các biện pháp và có các chiến lược cụ thể đối với sản xuất giống thủy sản. Đầu tư, hỗ trợ công nghệ đánh bắt xa bờ và bảo quản sau thu hoạch để tăng năng suất và lợi nhuận cho ngư dân khai thác thủy sản, tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước để xuất khẩu. Ngoài ra, thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thị trường theo tiếp cận liên kết chuỗi, hợp tác công tư (PPP)...

Đối với khai thác thủy sản, trong 7 tháng sản lượng khai thác ước đạt 1,776 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ; trong đó, khai thác biển ước đạt 1,676 triệu tấn, tăng 2,8%; khai thác nội địa ước đạt 100.000 tấn tương đương cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi 7 tháng ước đạt 1,97 triệu tấn, tăng 1,3%.

Như vậy, lũy kế 7 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,741 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đợt mưa bão vừa qua đã làm thiệt hại 8.756ha nuôi trồng và 12.763 lồng bè thủy sản.

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngay trong tháng 8/2016 ngành thủy sản sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, khí hậu, nhất là tại các vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn và ô nhiễm nguồn nước để hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất và điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, hướng dẫn các giải pháp phòng trị bệnh, kịp thời xử lý các ổ dịch.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức lại sản xuất trên biển, tăng cường hợp tác liên kết để tăng hiệu quả khai thác, tăng hoạt động của các tàu hậu cần, dịch vụ; đẩy nhanh chuyển giao các ứng dụng khoa học, công nghệ trong khai thác thủy sản.(TTXVN)


Mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2016 khó khả thi

Tuy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm vẫn còn cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng đang có dấu hiệu “đuối sức” khi những tháng gần đây đã giảm dần.

Nếu năm 2015, kết quả xuất khẩu của ngành tôm rất ảm đạm, chỉ đạt gần 3 tỷ USD, bằng 75% của năm trước đó, thì bước sang năm 2016, tình hình đã có chuyển biến tích cực hơn khi xuất khẩu đã tăng khá mạnh so với năm 2015.

Cụ thể, số liệu báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong quí 1-2016, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 619,2 triệu đô la Mỹ, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. “Đặc biệt, xuất khẩu trong từng tháng của quí 1 đều tăng trưởng dương so với các tháng của cùng kỳ năm 2015”, báo cáo của VASEP cho biết.

Top 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam trong quí 1-2016, gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Úc, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ với kim ngạch chiếm trên 94% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Tôm xuất khẩu sang các thị trường chính đồng loạt tăng so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, xuất sang Mỹ tăng mạnh nhất là 30,6%; tiếp đó là Trung Quốc tăng 24,3%, sang EU tăng 2,9% và Nhật Bản tăng nhẹ 0,7%...

Riêng đối với thị trường Hàn Quốc, dù được kỳ vọng xuất khẩu vào đây sẽ tăng mạnh nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), nhưng mức tăng lại giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, bước sang tháng 4-2016, xuất khẩu tôm tuy vẫn còn duy trì mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã có dấu hiệu sụt giảm khi tốc độc tăng trưởng của tháng 4 chỉ còn 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, mức bình quân của quí 1-2016 là 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn số liệu báo cáo mới nhất được VASEP công bố trên website của đơn vị này hôm nay, 4-8, cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của quí 2-2016 so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 2,3%, thấp hơn nhiều so với con số của quí 1-2016 là 7,9%, dù trước đó VASEP đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong quí 2-2016 là 10% so với cùng kỳ.

Do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quí 2-2016 chậm lại nên mức tăng trưởng bình quân trong 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015 chỉ còn 4,8%, với kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD.

Như vậy, dù giảm trở lại, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng xuất khẩu tôm cả nước vẫn tăng và điều này được VASEP lý giải là nhờ nhu cầu từ các thị trường chính hồi phục, tồn kho giảm, tỷ giá tiền tệ ổn định hơn, giá tôm thế giới và giá xuất khẩu trong nước có xu hướng tăng.

Với tình hình tăng trưởng xuất khẩu tôm có dấu hiệu đã “đuối sức” như gần đây, thì mục tiêu cả năm xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái như dự báo của VASEP, khó khả thi.


Nga lãi 11 tỷ USD sau 35 năm liên doanh khai thác dầu tại Việt Nam

Riêng trong năm 2015, lợi nhuận từ Vietsovpetro của phía Nga khoảng 124 triệu USD, trong khi phía Việt Nam là khoảng 129 triệu USD.

Theo thông tin từ Công ty Liên doanh Dầu khí Việt Nga (Vietsovpetro), 6 tháng đầu năm, liên doanh này đã khai thác 2,5 triệu tấn dầu, cung cấp 906 triệu m3 khí vào bờ. Cùng với đó là việc hoàn thành các kế hoạch khoan thăm dò, khoan khai thác và gia tăng trữ lượng dầu khí, xây dựng các công trình biển…Doanh thu 6 tháng của liên doanh đạt 763 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 423 triệu USD. Lợi nhuận phía Nga đạt 72,5 triệu USD, phía Việt Nam là 75,5 triệu USD.

den nay lien doanh vietsovpetro da khai thac 220 trieu tan dau.

Đến nay Liên doanh Vietsovpetro đã khai thác 220 triệu tấn dầu.

Năm 2016, dự kiến với sản lượng khai thác vượt 5 triệu tấn dầu, giá trung bình mỗi thùng khoảng 45 USD, doanh thu của Vietsovpetro sẽ ở mức 1,7 USD. Lợi nhuận Việt Nam nhận về khoảng 129 triệu USD, Nga là 124 triệu USD.

Đến nay, sau 35 năm hoạt động, liên doanh này đã khai thác được 220 triệu tấn dầu thô, doanh thu bán dầu đạt trên 74 tỷ USD, nộp ngân sách và lợi nhuận của Việt Nam là 47 tỷ USD. Trong khi đó, Liên bang Nga thu lợi nhuận khoảng 11 tỷ USD. Vietsovpetro cũng đã cung cấp vào bờ trên 30 tỷ mét khối khí đồng hành, thúc đẩy phát triển công nghiệp khí, điện, đạm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tổng giám đốc Từ Thành Nghĩa nhận định giá dầu liên tục giảm ở những tháng đầu năm và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi ổn định đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Vietsovpetro. Tuy nhiên, công ty đã chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm, tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ khai thác dầu.

Vietsovpetro được thành lập từ năm 1981, tại Vũng Tàu. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm 51% vốn tại liên doanh, còn phía Nga là Công ty cổ phần Zarubezhneft nắm 49%. Gần đây, Vietsovpetro chủ động tái cơ cấu tổ chức nội bộ, tinh giản biên chế, sáp nhập các phòng ban... để đảm bảo hoạt động trong bối cảnh giá dầu giảm.


Ngân hàng vẫn chật vật với nợ xấu

Nợ xấu của các ngân hàng đang trên xu hướng tăng cao trong 6 tháng đầu năm, có nhà băng tỷ lệ vượt 5% tổng dư nợ. 

Báo cáo tài chính cuối quý II/2016 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy nợ xấu tăng ở hầu hết các nhà băng. Thống kê tại 9 ngân hàng thương mại đang niêm yết trên thị trường đến cuối tháng 6/2016 cho thấy các nhà băng này đang mang hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng cuối năm 2015.

Trong đó, xét về tỷ lệ thì Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là nhà băng có nợ xấu tăng cao nhất. Nợ xấu của ngân hàng này từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý II/2016 (tương đương hơn 4.200 tỷ đồng). Kế tiếp là Sacombank - ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối, với nợ xấu tăng mạnh từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83%.

no xau mot so ngan hang tang cao. 

Nợ xấu một số ngân hàng tăng cao. 

Còn nếu tính theo giá trị nợ tuyệt đối thì hiện nay các "ông lớn" khối quốc doanh đang dẫn đầu. Nhiều nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi nợ xấu cuối tháng 6/2016 chạm 13.184 tỷ đồng (tương đương 2%), so với con số hơn 10.000 tỷ đồng cuối năm 2015, tức tăng thêm 3.000 tỷ đồng.

Với Vietcombank, dù nợ xấu xét về tỷ lệ đã giảm từ mức 1,8% cuối năm ngoái xuống 1,7% nhưng số tuyệt đối lại tăng từ mức 7.136 tỷ đồng lên 7.470 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 4.676 tỷ đồng. Tương tự, nợ xấu tại Vietinbank tăng từ 4.911 tỷ đồng lên 5.366 tỷ đồng dù tỷ lệ nợ xấu ở nhà băng này vẫn duy trì ở mức 0,9%.

Lý giải về nguyên nhân khiến nợ xấu tăng vọt, lãnh đạo Eximbank cho rằng, do ngân hàng đang trong quá trình xử lý các tồn đọng trong quá khứ và đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc bộ máy cũng như hoạt động kinh doanh nên khó tránh được nợ xấu tăng.

Một chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến không ít ngân hàng lớn có con số nợ xấu cao là do xuất phát từ Quyết định 780 năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Từ đó, một lượng lớn dư nợ lẽ ra đã là nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và nay thì nó trở thành nợ xấu. 

Ông cũng phân tích thêm, để giảm nợ xấu, trước giờ ngân hàng thường áp dụng hai cách. Một là, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài sản các Tổ chức tín dụng (VAMC), cách này được các ngân hàng áp dụng nhiều. Hai là tăng mạnh dư nợ tín dụng để tỷ lệ nợ xấu giảm. Tuy nhiên, thời gian qua, hai cách này có vẻ dần mất tác dụng bởi VAMC nửa năm nay có dấu hiệu giảm tốc việc mua nợ mới để lo tập trung xử lý số nợ cũ. Trong khi đó, ngân hàng cũng khó tăng mạnh dư nợ trong bối cảnh hiện nay. 

Ngoài ra, theo vị này, nguyên nhân khác có thể là do sự ghi nhận nợ xấu hiện nay thực chất hơn, hạch toán nợ gần với chuẩn quốc tế hơn. Mặc dù vậy, ông nhìn nhận việc nợ xấu tăng lên hàng nghìn tỷ sau 6 tháng đầu năm là đáng lo ngại. Trước hết là nó khiến các ngân hàng "đau đầu" vì lo ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nợ xấu tăng sẽ đòi hỏi trích dự phòng của các ngân hàng cao, dẫn đến kết quả kinh doanh còn lại sau dự phòng sẽ sụt giảm.

Điều quan ngại hơn, một khi "cục máu đông nợ xấu" quá lớn sẽ khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì nó sẽ làm cho mạch máu liên quan đến dòng vốn bị tắc nghẽn. 

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, trước tình hình nợ xấu ở một số ngân hàng trên địa bàn thành phố tăng mạnh 6 tháng đầu năm (tăng trên 3% so với mục tiêu đặt ra, thậm chí có nơi tăng trên 5%), cơ quan này đã yêu cầu các ngân hàng báo cáo cụ thể và đề xuất phương án giải quyết lên Ngân hàng Nhà nước.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục