tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 29-09-2017

  • Cập nhật : 29/09/2017

Gần 2.000 tỉ đồng 'ít mà chắc' đầu tư vào Hậu Giang

Hậu Giang kêu gọi đầu tư 7 dự án có thế mạnh tổng vốn 261 triệu USD, kết quả có gần 2.000 tỉ đã được cam kết, con số được Thủ tướng ví là "ít mà chắc".

 

Gần 2.000 tỉ đồng ít mà chắc đầu tư vào Hậu Giang - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng của các doanh nghiệp tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư - Ảnh: LÊ DÂN

Ngày 28-9, hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, chủ đề "Hậu Giang - tiềm năng đầu tư và phát triển" được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại hội nghị này, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 5 giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp với số vốn 1.944 tỉ đồng.

Thủ tướng cho rằng con số đầu tư vào Hậu Giang còn khiêm tốn nhưng đây là con số thực, "ít mà làm chắc" chứ không tổ chức rầm rộ nhưng triển khai ít.

"Doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh dài hơi, bền vững ở địa phương, đề cao bảo vệ môi trường và phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. 

Gần 2.000 tỉ đồng ít mà chắc đầu tư vào Hậu Giang - Ảnh 2.

Hậu Giang có nhiều tiềm năng để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư - Ảnh: DUY KHƯƠNG

Ông Nguyễn Phương Lam, phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho rằng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hậu Giang dù không nằm trong tốp cao, tuy nhiên chỉ số gia nhập thị trường đứng đầu cả nước năm 2015.

"Đặc biệt đầu tư tại Hậu Giang doanh nghiệp ít phải trả chi phí không chính thức", ông Lam nói.

Một trong những lợi thế của Hậu Giang là tỉnh mới nên được hưởng nhiều ưu đãi, đồng thời có thể tận dụng được cơ sở hạ tầng của Cần Thơ, nơi được coi là trung tâm của ĐBSCL.

Hậu Giang luôn thực hiện nhất quán quan điểm "ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của doanh nghiệp thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ'

Chủ tịch UBND Hậu Giang Lữ Văn Hùng

Một số doanh nghiệp tại hội nghị đã tiếp tục cam kết tiếp tục đầu tư vào tỉnh này.

Một trong số đó là Công ty TNHH Lạc Tỷ II, doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy sản xuất giày trên diện tích 4ha tại KCN Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A) với số vốn chỉ 6 triệu USD. 

Sau 6 năm, công ty đã mở rộng dự án đầu tư nhà máy sản xuất giày thể thao, công suất 32 triệu đôi/năm với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD, giải quyết việc làm cho 10.000 lao động, trong đó 70% là người Hậu Giang.

Ông Trần Công Minh Khoa, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ II, cho biết tiếp tục gắn kết với Hậu Giang vì ở đây được chính quyền quan tâm, hỗ trợ, tổ chức định kỳ đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Một công ty khác là Masan cũng đã đầu tư một nhà máy bia trị giá 1.300 tỉ đồng và một nhà máy thức ăn gia súc ở đây.(Tuoitre)
-----------------------------

Thị trường mua bán căn hộ TP.HCM giảm mạnh

Nguồn cung và thanh khoản căn hộ tại TPHCM sa sút trong quý III do vướng rào cản tâm lý của tháng 7 Âm lịch.

Nguồn ảnh: Báo Công Thương

CBRE Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường căn hộ TP HCM trong quý III/2017, cho thấy sự sụt giảm nguồn cung vào tháng 7 Âm lịch, kéo theo hệ quả là sức mua sa sút. Mặc dù đây là dấu hiệu chậm lại có tính chu kỳ nhưng toàn cảnh thị trường căn hộ của tháng Ngâu năm nay đã giảm tốc rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý III, TPHCM chỉ có hơn 7.200 căn hộ giao dịch thành công, giảm 25% so với quý trước do nguồn cung đột ngột chững lại.

Cụ thể, trong 3 tháng qua, số dự án tung hàng mới đã sụt giảm, với chỉ 7.651 căn hộ được mở bán từ 21 dự án. Phần lớn sản phẩm được tung ra vào tháng 7, 8 và teo tóp dần vào tháng 9. Xét về nguồn cung, rổ hàng giảm 20% vo với quý trước và giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá biệt, rổ hàng phân khúc cao cấp giảm đến 32%.

Hệ quả của việc nguồn cung chững lại là các giao dịch cũng đi xuống. Lượng căn hộ đã bán được trong quý vừa qua đạt 7.207 căn, giảm 25% so với quý II/2017 và mất 9% so với 12 tháng qua.

Giá bán trung bình của căn hộ tại TPHCM trên thị trường sơ cấp ghi nhận ở mức 1.500 USD/m2, giảm 3% so với quý trước và giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nguồn cung lũy kế đến tháng 9/2017 ước tính khoảng 220.000 căn.

Lý giải về sự hạ nhiệt của thị trường căn hộ TPHCM, CBRE cho rằng, thực trạng không mấy khả quan này phần lớn do các chủ đầu tư và cả khách hàng bị tác động tâm lý hạn chế mua bán, xuống tiền vào tháng 7 Âm lịch.

Các doanh nghiệp có xu hướng chậm ra hàng vào thời điểm thị trường vướng rào cản tâm lý nhưng nhiều khả năng nguồn cung sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.

Đơn vị này dự báo thêm, trong quý IV/2017, thị trường căn hộ TP HCM sẽ đón nhận nhiều sản phẩm cao cấp được tung ra tại trục đô thị phía Đông, cụ thể là Thủ Thiêm và quận 2. Với các dự án cao cấp sẽ ra mắt vào quý sau, giá bán bình quân toàn thị trường sẽ bật tăng trở lại.(NCĐT)
-----------------------

Rủi ro ngân hàng và “chiếc áo không túi”

Lỗ hổng khó xử lý qua nhiều vụ việc khách gửi tiền tại ngân hàng bị rút ruột...

Nguồn ảnh: VnEconomy

Cách đây hơn chục năm, bên lề hoạt động ngân hàng từng ồn ào trước quy định phải mặc áo không có túi khi giao dịch kho quỹ với Ngân hàng Nhà nước. Một quy định có phần đụng chạm đến vấn đề đạo đức.

Cụ thể, quy định do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ năm 2002 nêu rõ: “Những người có nhiệm vụ vào quầy giao dịch tiền mặt hoặc kho tiền phải mặc bảo hộ lao động không có túi hoặc trang phục giao dịch không có túi”.

Đụng chạm đến vấn đề đạo đức, đã có một số bàn luận nhất định thời đó. Nhưng quan điểm chung xem quy định trên là bình thường, tương tự như nhân viên hàng không cũng phải được kiểm tra an ninh kỹ càng mỗi khi vào trong sân bay.

Hoạt động ngân hàng, tiếp xúc với tiền, nhạy cảm. Có thể xem “chiếc áo không túi” nói trên là một nguyên tắc, một trong những quy định đến mức độ nhỏ nhất để hạn chế rủi ro trong giao dịch, vận hành.

Và cho đến nay, hoạt động giám sát càng chặt chẽ với sự hỗ trợ của kỹ thuật công nghệ, nhiều quy định đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong kiểm soát, giám sát nội bộ với nhiều tầng, cấp…

Dù vậy, lỗ hổng rủi ro đạo đức vẫn là thử thách các ngân hàng phải đối mặt, qua nhiều vụ việc xẩy ra thời gian gần đây.

Ngày 27/9, Tòa án Nhân dân Tp HCM xét xử vụ nguyên phó phòng kế toán giao dịch và ngân quỹ tại một ngân hàng thương mại rút ruột 38 sổ tiết kiệm của khách hàng bằng chứng từ khống (ngân hàng đã trích quỹ chi trả cho khách hàng).

Một ngày trước nữa, 26/9, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) có thông báo đã bắt giữ nguyên giám đốc và hai nhân viên của một chi nhánh ngân hàng tại Hải Phòng sau khi phát lệnh truy nã, liên quan đến khoản tiền gửi 400 tỷ đồng của 17 khách hàng đang khiếu nại không có trong hệ thống.

Một tháng trước, tại Phú Thọ, hai vụ việc tại hai chi nhánh ngân hàng khác nhau cùng nội dung khách hàng báo tiền gửi bị mất, cùng chuyển sang cơ quan công an xử lý (trong đó một trường hợp được ngân hàng chi trả phần lớn số tiền với những hồ sơ hợp lệ).

Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ việc có dáng dấp tương tự xẩy ra, hầu hết đều được chuyển sang cơ quan công an điều tra và chờ kết luận.

Có nhiều nguyên do có thể dẫn đến rủi ro liên quan.

Tìm hiểu từ phía ngân hàng, điểm chung tại nhiều vụ việc được xác định: giữa cán bộ ngân hàng liên quan và khách hàng thường có quan hệ cá nhân trong đời thường, quy trình giao dịch bị đơn giản hóa và dựa trên cơ sở niềm tin cá nhân, lạm dụng quyền hạn; thậm chí có trường hợp nhân viên ngân hàng và khách hàng tự viết giấy thỏa thuận rồi đóng dấu ngân hàng…

Thứ hai, ngân hàng gặp rủi ro nội bộ khi chính nhân viên có chủ đích lừa đảo, lạm dụng quyền hạn để giả mạo, rút ruột tiền gửi.

Thứ ba, khách hàng quá tin tưởng, chủ quan hoặc không nắm rõ quy trình giao dịch, thụ động trong việc ký các thủ tục giấy tờ dẫn tới tình huống có thể bị lợi dụng và gặp rủi ro.

Thứ tư, có những khách hàng không sử dụng các sản phẩm tiện ích như tin nhắn tự động, thư điện tử để gián tiếp quản lý biến động, thay đổi số dư tiền gửi tại ngân hàng. Thực tế có những vụ việc khoản tiền gửi và rủi ro xẩy ra sau một thời gian dài khách hàng mới phát hiện ra.

Thứ năm, lỗ hổng có thể xẩy ra trong chính sách “chiều” khách hàng có những khoản tiền gửi lớn. Để cạnh tranh và giữ chân khách, áp lực chỉ tiêu kinh doanh…, chi nhánh hoặc phòng giao dịch ngân hàng rút ngắn hoặc đi tắt quy trình, thậm chí cho nhân viên đến tận nhà thu/chi tiền gửi…

Tựu trung, lỗ hổng về rủi ro đạo đức đang là thử thách khó xử lý trong an toàn hoạt động của các ngân hàng thương mại, ngay cả khi đã áp dụng nhiều tầng, cấp giám sát và quản lý, áp dụng nhiều kỹ thuật công nghệ hỗ trợ.

Ở một diễn biến khác, sau những vụ việc xẩy ra gần đây, ngày 26/9, trên trang Facebook của một ngân hàng thương mại xuất hiện giới thiệu về một chương trình huy động với tiêu đề: Gửi tiền mọi nơi không lo “bốc hơi”.

Trong giới thiệu này có đề cập đến lo lắng của khách hàng về việc “có sổ thật nhưng tiền gửi không hiển thị trên hệ thống ngân hàng?”. Cùng đó là giới thiệu về những tiện ích trong kiểm chứng xác nhận giao dịch, kiểm soát tức thời số dư, chủ động theo dõi khoản tiết kiệm bất cứ khi nào qua các kênh hỗ trợ trực tuyến.

Ngày 25/9 vừa qua, một ngân hàng thương mại khác cũng công bố thư ngỏ, khuyến nghị khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư tiền gửi tiết kiệm để chủ động kiểm soát giao dịch, cũng như chủ động trước các trường hợp bất thường có thể xẩy ra.(Vneconomy)
---------------------------

Bất động sản bị “thổi” giá

gia dat, gia nha, gia mat bang... duoc het len troi trong khi gia thuc te thap hon rat nhieu. ngay tai nhung diem nong nhat, giao dich thanh cong rat it.nguon anh: thanh nien

Giá đất, giá nhà, giá mặt bằng... được hét lên trời trong khi giá thực tế thấp hơn rất nhiều. Ngay tại những điểm nóng nhất, giao dịch thành công rất ít.Nguồn ảnh: Thanh Niên

Vậy ai đã 'thổi' giá đất?

Những tỉ phú ảo

Tối 10.9, nhóm bạn của chị H. cùng có đất ở Q.2 (TP.HCM) thảo luận rôm rả cả đêm và hẹn "mai làm một chầu ăn mừng" bởi dự án xây cầu bắc qua đảo Kim Cương đã biến cả 5 người trong nhóm thành... tỉ phú.

Trước đó, chị H. dẫn đường link một trang báo nói về việc xây cầu qua đảo Kim Cương làm giá đất Q.2 “nóng rẫy”, rồi tính toán, chị có mảnh đất 270 m2 (2 nền sát nhau) tại Bình Trưng Tây (Q.2). Với giá được các cò đất, các công ty môi giới bất động sản (BĐS) ở khu vực này “hét” lên 100 triệu đồng/m2, chị H. vui mừng: "Trúng rồi bà con ơi, nhờ cây cầu, em có 30 tỉ trong tay". Đáng nói là trước đó chưa đầy 1 tháng, miếng đất này được ngân hàng định giá chưa tới 10 tỉ đồng khi chị H. thế chấp vay tiền để đầu tư phòng khám của gia đình.

Thực tế ngay sau khi cây cầu nối đại lộ Mai Chí Thọ với đảo Kim Cương được khởi công, giá đất Q.2 đã được "thổi" lên dữ dội, thậm chí còn hơn cả thời điểm sốt đất cách đây 10 năm trước. Theo chị Hạnh, môi giới nhà đất khu vực Q.2, thì thời điểm sốt đất năm 2007, giá đất tại Q.2 tăng một đợt và khi trung tâm hành chính Q.2 dời về đây vào năm 2013, giá đất khu vực gần đảo Kim Cương và Thạnh Mỹ Lợi tăng lần nữa, lên mức 35 - 50 triệu đồng/m2. Nay khi làm cầu, giá đã tăng lên khoảng 100 triệu đồng/m2. Như đường Tạ Hiện có giá 95 triệu/m2, đường Lê Hiến Mai 83 triệu/m2, đường Trương Văn Bang giá 113 triệu/m2, thậm chí giá đất mặt tiền một số tuyến đường khu trung tâm hành chính Q.2 và gần đảo Kim Cương dao động 110 - 120 triệu/m2. Số liệu nghiên cứu thị trường từ một công ty cho biết, giá trị bất động sản tại một số tuyến đường P.Thạnh Mỹ Lợi và P.Bình Trưng Tây quanh khu vực đảo Kim Cương (Q.2) có xu hướng tăng cao suốt 8 tháng qua đã thiết lập một mặt bằng giá mới cục bộ ở khu vực này.

Nhưng mọi việc không hề “ngon ăn” như vậy. Anh N. có mảnh đất 165 m2 ở Bình Trưng Đông (Q.2) vui mừng khôn xiết khi nghe nói khu này hiện giá 45 triệu đồng/m2 “không có để mua”, trong khi trước đó anh rao bán 30 triệu đồng/m2 vẫn ế. Bất chấp lời can ngăn của nhiều người chờ giá tăng thêm, anh N. quyết định nhờ môi giới bán gấp với giá 45 triệu đồng/m2, nhưng cả tuần trôi qua vẫn không bán được. Anh hạ xuống 42, 40 rồi 35 triệu đồng/m2, vẫn không ai mua.

Dùng hàng rong, trà sữa “tạo sóng” thị trường

Suốt thập niên qua, cơn sốt giá hoành hành liên tục ở thị phần đất nền, căn hộ, căn hộ thương mại, căn hộ nghỉ dưỡng... nhưng nhà phố trong đô thị hiện hữu luôn đứng ngoài lề nóng lạnh của thị trường bởi ít có sự thay đổi về số lượng hay hạ tầng, nhất là trong khu vực trung tâm. Rất khó để tưởng tượng hàng rong, quán trà sữa, những món ăn vỉa hè lại là cái cớ để tạo sóng giá đất ở thị phần này. Mới đây, khi TP.HCM công bố phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm (Q.1), dù chỉ một đoạn đường rất ngắn nhưng thị trường nháo nhào với thông tin giá đất khu vực này tăng vọt.

Cụ thể, theo giới kinh doanh nhà đất, tính đến cuối tháng 8.2017 giá nhà đất ghi nhận tại con đường này tăng lên gần 382 triệu đồng/m2, tăng 23% so với đầu năm và tăng 26% so cùng kỳ năm trước. Tính trong 8 tháng qua, giá đất tuyến phố này đã đội lên gần 72 triệu đồng/m2 chỉ vì mấy “gánh hàng rong”. Hay tại đường chuyên doanh “trà sữa” như Ngô Đức Kế (Q.1), cùng kỳ năm ngoái, giá đất mặt tiền chỉ ở mức 593,75 triệu đồng/m2 nhưng cùng với số lượng gia tăng của các quán trà sữa, giá đất ở đây đã đạt ngưỡng 762,4 triệu đồng vào tháng 8. "Sốc" hơn là giá đất các tuyến đường quanh khu Bùi Viện (Q.1) khi khu phố Tây trở thành phố đi bộ vào 2 ngày cuối tuần. Theo công bố, trong hơn 2 quý vừa qua, tỷ lệ tăng giá đất bình quân tại khu vực này đạt mức 34,7%, có những cung đường ghi nhận biên độ tăng giá từ 50 - 130%. Cụ thể, giá đất đường Bùi Viện tăng 59%, giao dịch ở mốc 508,65 triệu đồng/m2. Thời điểm tháng 1.2017, giá đất tuyến đường Đề Thám, thuộc P.Phạm Ngũ Lão, đoạn đi ngang Bùi Viện ở mức 194,8 triệu đồng/m2 thì đến đầu tháng 8 đã chạm mức 450,5 triệu đồng/m2, tăng 131%.

Thế nhưng chị Nguyễn Thanh Thùy, vừa bán xong căn nhà trong hẻm, chỉ cách mặt đường Bùi Viện 10 m với diện tích 49,5 m2 gồm 1 trệt, 1 lầu với giá chưa đến 6,5 tỉ đồng, chia sẻ: “Cũng trầy trật giao dịch gần cả tháng mới có người hỏi mua. Tôi cũng tham khảo giá đất nhiều nguồn rồi, làm gì có chuyện nửa tỉ đồng/m2 đất như thế”.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục