tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-05-2017

  • Cập nhật : 24/05/2017

Tập đoàn Teakwang Hàn Quốc ngỏ ý muốn thâu tóm Gemadept

Tập đoàn Taekwang bắt đầu tham gia "cuộc đua" thâu tóm công ty logistics lớn nhất Việt Nam là Gemadept. Đây là một phần nỗ lực của tập đoàn nhằm thiết lập mạng lưới logistics khu vực Đông Nam Á.

Theo nguồn tin tiết lộ hôm 22/5 cho biết, Taekwang mới gửi thư ngỏ ý muốn mua lại công ty Gemadept. Thành lập năm 1990, Gemadept có khoảng hơn một chục công ty con hoạt động trong các lĩnh vực logistics, cảng và phát triển bất động sản.

Gemadept cũng đang kinh doanh các dịch vụ nâng cấp, lắp đặt cơ sở vật chất cho các nhà máy không chỉ ở Việt Nam mà còn các nước Lào và Campuchia. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 200 tỷ won với lợi nhuận sau thuế đạt 20-30 tỷ won.

Taekwang đang đẩy mạnh tiến trình thâu tóm Gemadept như một cách để tạo ra sức mạnh tổng hợp bằng việc kết hợp với các hợp động kinh doanh logistics của Gemadept ở Việt Nam.

Taekwang là một tập đoàn lớn của Hàn Quốc ra đời năm 1950 hoạt động trong lĩnh vực sợi tổng hợp, dệt may, hóa dầu và chất liệu nâng cao. Taekwang bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 1994, và hiện đang sở hữu nhiều công ty con trong đó có công ty sản xuất giầy Taekwang Vina, nhà máy nhiệt điện Nam Định (dự án 2,2 tỷ USD), mới đây nhất là xây nhà máy giày tại Cần Thơ với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD, nhà máy phân bón Hàn Việt sản xuất NPK tại khu công nghiệp Hiệp Phước TP.HCM với số vốn 60 triệu USD.(NDH)
--------------------

Lo ‘bong bóng’ tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng mới đây cho hay tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 vừa qua đã đạt 5,76%. Đây là mức cao nhất trong vòng tám năm qua.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng chỉ ra trong quý I-2017 nhóm ngân hàng thương mại dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 4,9%. Nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh tín dụng khá cao ngay trong quý đầu năm như Lienvietpostbank là 11%, Kiên Long 10,3%, SCB 9%, ACB 8,3% và Vietcombank 8,3%.

Một số chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng cao là tín hiệu tích cực, thể hiện sự hấp thu vốn khá tốt của nền kinh tế. Nhưng cũng lo ngại về nguy cơ có thể xuất hiện “bong bóng” tín dụng như từng xảy ra giai đoạn năm 2009 khi tín dụng tăng trưởng nóng. Do vậy đề nghị cần giám sát và theo dõi chặt chẽ tín dụng. Đặc biệt là các cơ quan quản lý cần đảm bảo nguồn tín dụng hoạt động hiệu quả, chảy vào đúng nơi, đúng chỗ… Qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn không để “bong bóng” xảy ra.(PLO)
-------------------------

Tạm áp dụng thuế nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch từ Lào

Trong thông báo ngày 23-5, Tổng cục Hải quan cho biết vừa có công văn hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam tạm áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch 80% đối với đường thô, 85%, 100% đối với đường tinh.

Đây là động thái nhằm tránh ách tắc đường nhập từ Lào tại cửa khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, và mức thu trên theo quy định tại nghị định số 124/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Được biết, liên quan đến vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến Bộ Công thương về việc áp dụng thuế suất đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt - Lào.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn nội dung này.

Trong khi chờ văn bản của Bộ Tài chính, để tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch như trên. 

Trường hợp doanh nghiệp được Bộ Công thương giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan năm 2017 đối với mặt hàng đường và đáp ứng được các điều kiện về vận chuyển và xuất xứ thì doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa là bù trừ hoặc hoàn lại.(Tuoitre)
-------------------------------

Sản lượng cao su Ấn Độ tăng vọt trong tháng 4

Sản lượng cao su tháng 4/2017 của Ấn Độ đạt 48.000 tấn tăng 9.000 tấn so với cùng kỳ năm 2016.

Một số quan chức trong ngành nhận định nếu xu thế này vẫn tiếp diễn thì sản lượng cao su tự nhiên trong suốt năm tài khóa có thể chạm mốc 800.000 tấn.

Uỷ ban Cao su Ấn Độ vẫn đang phối hợp với Hiệp hội các Nhà sản xuất Cao su (RPS) thực hiện các chính sách nhằm tăng lợi nhuận việc trồng cây cao su bằng cách đẩy mạnh sản lượng ở các đồn điền đồng thời giảm chi phí sản xuất.

Bắt đầu từ năm nay các thiết bị phục vụ tưới tiêu, che chắn cây trồng của RPS đều do các công ty thuộc quyền sở hữu của Uỷ ban Cao su Ấn Độ cung cấp.

Uỷ ban Cao su Ấn Độ đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu 1 triệu tấn cao su trên thị trường bằng cao su sản xuất trong nước thông qua việc thực hiện một loạt các sáng kiến trong đó có áp dụng mô hình SHG nhằm khai thác tối đa các khu vực trồng cao su đồng thời tăng thêm 10.000 ha diện tích cao su mỗi năm.

Động thái này nhằm khai thác triệt để các khu đất tiềm năng có thể trồng cây cao su từ đó tăng sản lượng và năng suất khai thác thông qua các kỹ thuật nông nghiệp mới. Kể từ năm 2013 đến năm 2016 tỷ lệ diện tích đất trồng cao su chưa khai thác tăng từ 8% lên 30%.(NDH)
------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục