WB tài trợ 415 triệu USD nâng cao an toàn đập ở Việt Nam
Hãng đồ hiệu Italy điêu đứng vì kinh tế Trung Quốc
Sacombank chính thức có ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Lào
Số tỷ phú nữ trên thế giới tăng gần 7 lần trong vòng hai thập niên
Du khách Việt Nam tiêu hơn 6.000 tỷ đồng tại Nhật trong 9 tháng đầu năm
Tin kinh tế đọc nhanh 20-12-2015
- Cập nhật : 20/12/2015
Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu than đá Việt Nam
Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu than đá là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng xuất khẩu than đá của Việt Nam 11 tháng đầu năm giảm gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,68 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu cũng tương ứng giảm 65%, với trị giá 178 triệu USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Một báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá kỷ nguyên vàng của than đá Trung Quốc dường như đã qua. Trung Quốc vốn là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới nhưng sức tiêu thụ đang yếu đi vì nước này chuyển dịch sang nền kinh tế ít tiêu thụ năng lượng, nhằm giải quyết nạn ô nhiễm môi trường, khói mù đang hoành hành ở các thành phố lớn.
IEA dự báo nhu cầu than của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 2,64 tỷ tấn vào năm 2020 so với mức gần 2,85 tỷ tấn trong năm 2014.
Như vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này không còn là đối thác nhập khẩu than đá lớn nhất của Việt Nam, thay vào đó là Nhật Bản. 11 tháng đầu năm, quốc gia "Mặt trời mọc" nhập 630.000 tấn than, kim ngạch 69 triệu USD; tiếp theo là Hàn Quốc với 262.000 tấn, trị giá 23,8 triệu USD...
Mặt khác, do nguồn cung sắt thép trong nước đang dồi dào, Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu sang các nước lân cận. Việt Nam 11 tháng đầu năm đã nhập từ nước này 8,4 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 58% và chiếm 61% tổng lượng sắt thép nhập về. Nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép cũng đạt 1,23 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đề xuất phạt 150 triệu với dự án chậm giao nhà
Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất nếu chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt ở mức 120-150 triệu. Đây cũng là mức phạt áp dụng với hành vi không làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ hoặc không cung cấp hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan cho người mua, thuê mua nhà ở.
Mức phạt tối đa 300 triệu đồng sẽ áp dụng trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao nhà khi chưa kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực hoặc bàn giao nhà, công trình khi chưa hoàn thành việc xây dựng theo tiến độ ghi trong dự án được phê duyệt. Đối với trường hợp dự án giao nhà, công trình xây thô, chủ đầu tư chưa hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài cũng bị xử phạt như trên.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến chứng chi hành nghề môi giới bất động sản, mức phạt từ 10-15 triệu đồng. Các vi phạm bao gồm việc kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản mà không có chứng chỉ hoặc chứng chỉ đã hết hạn, việc tẩy xóa, sữa chữa, cho mượn, cho thuê chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định phạt về việc các chủ đầu tư khởi công không giấy phép, bán bất động sản không đủ điều kiện, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác hồ sơ.
Vingroup giảm sở hữu cổ phần tại Triển lãm Giảng Võ
Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) vừa thông báo bán 15,8 triệu cổ phần, tương ứng 9,42% vốn điều lệ của Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam - đơn vị đang sở hữu Trung tâm triển lãm Giảng Võ.
Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 22/12/2015 đến 20/1/2016 theo phương thức khớp lệnh. Dự kiến, cổ phiếu VEF của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam sẽ chào sàn UpCom ngày 22/12 tới và các cổ phiếu tự do chuyển nhượng sẽ được giao dịch trên sàn này.
Nếu bán thành công gần 16 triệu cổ phiếu nêu trên, Vingroup sẽ giảm sở hữu xuống 133,3 triệu cổ phần, tương ứng 80% vốn điều lệ. Mục đích của giao dịch này là giảm sở hữu của Vingroup trong công ty con và thu hút thêm các nhà đầu tư cùng tham gia vào Công ty Trung tâm hội chợ triển lãm.
Trước đó, theo phương án cổ phần hóa ban đầu, Công ty Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam có vốn điều lệ dự kiến 1.666 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 10% cổ phần, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 80% cổ phần (hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm), còn lại bán đấu giá ra thị trường.
Tuy nhiên, phiên đấu giá ra công chúng của công ty không thành công đã khiến phía Vingroup phải nhận chuyển nhượng thêm 9,42% vốn, đạt tỷ lệ sở hữu 89,42%. "Việc mua thêm 9,42% không nằm trong kế hoạch ban đầu của Vingroup và do đây là một dự án đầu tư dài hơi, đòi hỏi cam kết tài chính và đầu tư lớn trong nhiều năm", đại diện doanh nghiệp lý giải, đồng thời cho biết việc chào bán cổ phần sẽ giúp doanh nghiệp thu hút thêm nhà đầu tư đảm bảo tính minh bạch cho hoạt động, trong khi không ảnh hưởng đến cam kết và quyền kiểm soát.
Công ty Trung tâm triển lãm Việt Nam có trụ sở tại 148 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, trên khu đất rộng gần 7ha với hệ thống nhà trưng bày, phòng hội thảo cùng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, có thể tổ chức những cuộc triển lãm có quy mô tầm cỡ quốc tế hoặc cùng lúc tổ chức nhiều sự kiện khác nhau.
Ba năm qua, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ dao động 3-6,2 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần khoảng 1,6-9%.
Giá cổ phiếu thấp kỷ lục, Bầu Đức mất hơn 3.600 tỷ đồng
Những phiên giao dịch cuối đang dần khép lại một năm 2015 đáng quên của cổ phiếu HAG. Tính đến ngày 18/12, mã này mất giá trên 49% so với đầu năm, về 11.300 đồng mỗi đơn vị. Đây cũng là mức đáy của giá cổ phiếu HAG từ khi niêm yết năm 2008.Trong năm 2015, cổ phiếu HAG hầu như chỉ ghi nhận diễn biến giảm giá và đi ngang, số phiên tăng điểm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cuối tháng 6, Bầu Đức đã mua vào 6 triệu đơn vị để nâng sở hữu lên gần 347,8 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 44,03% vốn điều lệ của Hoàng Anh Gia Lai. Dù vậy, việc giá cổ phiếu lao dốc khiến tài sản của Bầu Đức bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng. Tính đến 18/12, tài sản cổ phiếu của ông còn tương ứng gần 3.930 tỷ đồng, giảm hơn 3.600 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Là một năm sôi động và nhiều thành quả với Bầu Đức trong bóng đá nhưng 2015 cũng là khoảng thời gian khó khăn với ông trên mặt trận kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế quý III của Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 429 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, dù doanh thu tăng 117%, đạt 5.203 tỷ đồng song lợi nhuận của tập đoàn vẫn giảm gần 19% xuống 1.342 tỷ đồng. So với kế hoạch 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp đã hoàn thành 72% mục tiêu.
Trong khi đó, tính đến 30/9, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt 47.603 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả là 30.722 tỷ đồng, tăng gần 48% so với con số 20.929 tỷ đồng hồi đầu năm. Riêng nợ ngắn hạn đã vượt 13.000 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 17.600 tỷ đồng.
Để giải quyết việc này, Hoàng Anh Gia Lai đã giao Ban Tổng giám đốc rà soát hiệu quả sử dụng vốn đối với tất cả khoản vay; tiến hành làm việc với các trái chủ, tổ chức tín dụng để đưa ra các phương án tái cấu trúc kỳ hạn vay phù hợp. Từ đó, công ty sẽ quản lý dòng tiền tốt hơn, tránh áp lực thanh khoản ngắn hạn và phù hợp với các nguồn thu dài hạn của tập đoàn.
Năm 2015, Credit Suisse - nhà đầu tư ngoại từng có nhiều năm gắn bó với Hoàng Anh Gia Lai cũng bán ra một lượng lớn cổ phiếu HAG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 33,9 triệu cổ phần và không còn là cổ đông lớn của tập đoàn này.
Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai cũng đưa ra một quyết định chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam là phát hành cổ phiếu của công ty con để trả cổ tức cho công ty mẹ. Cụ thể, theo nghị quyết ban hành đầu tháng 12, doanh nghiệp sẽ phát hành cổ phiếu HNG (công ty con) để trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông của công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai. Khoản cổ tức này từng được lên kế hoạch trả bằng 118 triệu cổ phần HAG phát hành thêm (tương đương tỷ lệ cổ tức 15%).
2015 cũng là năm Bầu Đức vướng vào nhiều tin đồn về việc Hoàng Anh Gia Lai vỡ nợ, khiến cổ phiếu của tập đoàn lao dốc mạnh. Để ngăn chặn, doanh nhân này phải lên tiếng phủ nhận và tuyên bố sẽ báo cáo cơ quan chức năng xử lý người tung tin. Trước tình trạng cổ phiếu lao dốc khi đó, Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ mua thêm 10 triệu cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không thành công do tập đoàn cần tập trung vốn cho các dự án trọng điểm.
Điểm sáng nhất của Hoàng Anh Gia Lai trong năm qua là đưa cổ phiếu HNG của Công ty Nông nghiệp quốc tế (vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng) chào sàn HOSE ngày 20/7 với giá 28.000 đồng. Đồng thời, nguồn thu từ bán bò của Hoàng Anh Gia Lai cũng được ghi nhận khả quan và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
Sản lượng rượu sản xuất của các DN rượu VN giảm sút
Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN công bố rượu dân tự nấu mỗi năm hơn 223 triệu lít, gấp 2 lần rượu công nghiệp và rượu nhập khẩu (khoảng 100 triệu lít/năm).
Sẽ yêu cầu dán nhãn cảnh báo sức khỏe với rượu. Đó là công bố của ông Phan Chí Dũng, vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương, tại tọa đàm về “văn hóa uống” ngày 18-12 của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA).
Theo ông Dũng, để thực hiện cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới đối với tác hại của việc lạm dụng rượu bia, sắp tới VN sẽ có thay đổi trong quản lý các sản phẩm này theo hướng chặt hơn.
Cụ thể, dự kiến Quốc hội sẽ ban hành Luật phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia.
Theo đó, sẽ yêu cầu dán nhãn cảnh báo sức khỏe (giống thuốc lá), hạn chế hình thức khuyến mãi, hạn chế quảng cáo với rượu dưới 15 độ, hạn chế việc tài trợ (trừ viện trợ nhân đạo được cho phép nhưng không công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng). Trong đó có việc hạn chế bán rượu tại các địa điểm nhạy cảm như bệnh viện, trường học, nơi công cộng...
Theo báo cáo của VBA, từ năm 2011 sản lượng rượu sản xuất của các doanh nghiệp rượu VN giảm sút liên tục.
Nhiều doanh nghiệp rượu lao đao. Trong khi đó, VBA công bố rượu dân tự nấu mỗi năm hơn 223 triệu lít, gấp 2 lần rượu công nghiệp và rượu nhập khẩu (khoảng 100 triệu lít/năm).