DN tư nhân bước vào cuộc chơi TPP với thế yếu
WB thêm chỉ tiêu đánh giá, ngành thuế lo?
Giao dịch liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN bơm ròng hơn 700 tỷ đồng trên OMO
Thái Lan thế chân Hàn Quốc xuất nhiều ôtô nhất sang Việt Nam
Dắt bò từ Ấn Độ về Việt Nam bán
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-12-2015
- Cập nhật : 19/12/2015
Tại sao Việt Nam phải đi đàm phán nhiều hiệp định FTA?
Việc tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp Việt Nam có điều kiện cân bằng lại cán cân thương mại và tạo động lực cho cải cách.
Quan điểm trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra khi phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia.
Quá trình hội nhập của Việt Nam đã được diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Cùng với các hiệp định đã ký kết với các nước trong khu vực ASEAN và châu Á, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng tiến trình hội nhập chủ động và tích cực thời gian qua là sự hiện thực hóa chủ trương Đảng và Nhà nước. Theo đó, Việt Nam đã tham gia đàm phán một số thoả thuận thương mại tự do quan trọng, nổi bật là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Liên minh châu Âu (EU), FTA với Liên minh Kinh tế Á Âu trong đó có liên bang Nga, đã được ký kết chính thức và chuẩn bị có hiệu lực.
“Các FTA vừa kết thúc đàm phán trong năm 2015 đều có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, giúp mở ra các cơ hội mới cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP hay là FTA với EU cũng sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tiếp tục hoàn thiện thể chế dựa trên thể chế kinh tế thị trường” – Thứ trưởng Khánh cho biết.
Theo đó, hiện nay Đảng xác định ba đột phá chiến lược, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như tái cơ cấu nền kinh tế. Từ đó, các Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn, dễ dự đoán hơn và tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN.
Những hiệp định thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết cũng giúp cân bằng lại cán cân thương mại. Theo ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết hiện nay Việt Nam đang nhập siêu từ các thị trường Trung Quốc, ASEAN và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với một số thị trường vừa đàm phán, ký kết các FTA mới như Mỹ, EU, Nhật Bản… Việt Nam đang xuất siêu.
“Có tới 80% kim ngạch xuất khẩu đang tập trung vào các Hiệp định Thương mại tự do mới mà Việt Nam đàm phán, ký kết. Do đó, đây sẽ là là cơ hội để Việt Nam cân bằng cán cân thương mại trong thời gian tới” – ông Tùng nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng bên cạnh các cơ hội thì các hiệp định mới cũng đặt ra các thách thức không nhỏ cho cả DN và cho các nhà quản lý.
Với DN đó là sức ép cạnh tranh và là sức ép hoàn thiện chính mình để vươn lên, nắm bắt được các cơ hội do các hiệp định đem lại.
Với các nhà quản lý, đó là sức ép về thay đổi tư duy quản lý, tư duy minh bạch hóa khi làm chính sách và tăng cường khả năng tương tác với khu vực DN, để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, kiến tạo trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu vào khu vực cũng như kinh tế toàn cầu.
Dòng tiền bị rút ra trong ngắn hạn, chứng khoán mất 9 điểm
Sau 3 phiên tăng điểm, thị trường chứng khoán VN ngày 18-12 quay đầu giảm, VN-Index rơi một mạch xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 570 điểm đóng cửa còn 568,18 điểm, mất 8,93 điểm tương đương giảm 1,55%.
Thị trường đã có một ngày giao dịch lình xình dưới áp lực bán ra chốt lời của các nhà đầu tư. Trong phiên giao dịch chiều, nhiều cổ phiếu lớn cũng đuối sức trước lực cung quá mạnh, nhiều cổ phiếu lớn đã bị bán rất mạnh.
HNX-Index cũng mất 1,03 điểm (tương đương 1,3%) xuống còn 78,29 điểm.
Ông Phan Hữu Khánh, giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng những diễn biến trên sàn ngày 18-12 cho thấy khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng rất mạnh, trong ngắn hạn dòng tiền đang bị rút ra.
Đã có câu hỏi tại sao đến hôm nay chứng khoán mới giảm điểm trong khi đáng ra nó phải giảm từ ngày trước. Rõ ràng, việc Fed tăng lãi suất không gây bất ngờ thị trường VN.
Quan sát trong hai tuần qua cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ra khỏi VN, bán nhiều hơn mua. Nhìn lại năm 2015, dòng vốn ngoại vẫn giữ xu hướng đổ vào thị trường chứng khoán VN tuy nhiên, quy mô đã nhỏ hơn so với các năm trước.
Một bất lợi nữa, sau khi FED quyết định tăng lãi suất lên 0,25% giá hàng hóa đều lao dốc, trong đó giá dầu rớt về dưới 35 USD/thùng đã tạo áp lực giá cổ phiếu ngành dầu khí.
Máy biến thế xuất khẩu từ Việt Nam thoát án thuế của Úc
Bộ Công nghiệp Úc đã chính thức huỷ bỏ quyết định áp thuế chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm máy biến thế nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông tin ngày 18-12 từ Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương), đây là mặt hàng thứ hai từ đầu năm đến nay (trước đó là thép mạ kẽm) thoát án thuế AD tại thị trường Úc.
Khởi xướng điều tra từ tháng 7-2013, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng máy biến thế nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác.
Tháng 12-2014, ADC đã ban hành báo cáo về kết quả điều tra cuối cùng của vụ việc. Theo đó, biên độ phá giá của dành cho VN là 3,8%.
Ngay lập tức, Công ty ABB của VN - doanh nghiệp giữ vai trò bị đơn trong vụ kiện đã đệ trình một bản kiến nghị tới Ban Phúc thẩm chống bán phá giá (ADRP) của Chính phủ Úc đề nghị xem xét lại quyết định nói trên.
Đến tháng 9-2015, ADRP đã công bố báo cáo rà soát quyết định áp thuế AD đối với sản phẩm nói trên theo hướng khuyến nghị Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Úc hủy bỏ quyết định áp thuế đã ban hành.
"Nô lệ" chế biến thủy sản ở Thái Lan làm việc ra sao?
Chính phủ Thái Lan đang tăng cường nỗ lực đấu tranh chống nạn cưỡng bức lao động và sử dụng lao động như nô lệ trong ngành chế biến thủy sản ở nước này.
Phó cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Srivara Ransibrahmanakul hôm 17-12 cho hay Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã chỉ đạo ông phụ trách việc dẹp bỏ vấn nạn này.
Quyết tâm của chính phủ Thái được đưa ra sau khi hãng tin AP có bài điều tra về tình trạng sử dụng lao động như nô lệ tại một khu công nghiệp ở tỉnh Samut Sakhon.
Theo đó, như Bangkok Post cho biết, chính quyền sở tại đang có những biện pháp tăng cường xử lý những ai dính líu đến cưỡng bức lao động và buôn người để lấy lại hình ảnh và lòng tin ở Thái Lan.
Ông Srivara cũng cho hay ông đã yêu cầu các quan chức ngành công nghiệp ở tỉnh này nghiêm ngặt hơn trong việc cấp phép cho các nhà máy và áp dụng các tiêu chuẩn đối với điều kiện làm việc tại nhà máy.
Trước đó, ông Prayuth đã tuyên bố sẽ trừng phạt các quan chức nào không dẹp bỏ được nạn cưỡng bức lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản.
Bài điều tra của AP đăng tải hồi đầu tuần này kể lại câu chuyện của những công nhân nhập cư người Myanmar tại một nhà máy ở Samut Sakhon.
Trong nhà máy này có khoảng 80 người và họ phải làm việc trong điều kiện như nô lệ.
Một trong số này là Tin Nyo Win, năm nay 22 tuổi, đã làm việc trong nhà máy này được 5 tháng cùng người vợ đang mang thai là Mi San.
Theo lời những người này, họ bị lừa từ Myanmar qua Thái làm việc mà không có visa hay giấy phép làm việc.
Họ bị ép phải lột gần 80kg tôm một ngày với giá chỉ 144 baht/ngày (90.000 đồng).
Bài điều tra của AP còn nói các lao động tại nhà máy này bị đánh thức lúc 2 giờ sáng và làm liên tục 16 tiếng sau đó.
Công nhân ở đây bao gồm cả trẻ em, bị chửi mắng, bị hành hung và bị ép làm việc ngay cả khi họ bị bệnh.
Cặp vợ chồng Myanmar này đã tìm cách trốn thoát được và vụ việc bị vỡ lở.
Tôm được chế biến trong nhà máy này được xuất sang các thị trường ở Mỹ, châu Âu và các nước châu Á khác.
Hôm 17-12, cảnh sát cũng đã tiến hành kiểm tra nhà máy chế biến tôm kể trên nhưng phát hiện ra nơi này đã đóng cửa.
Thực phẩm biến đổi gen phải ghi trên nhãn mác
Thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn lưu thông tại VN bắt buộc phải ghi rõ bằng tiếng Việt cụm từ “biến đổi gen” ...
Từ ngày 8-1-2016, thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn lưu thông tại VN bắt buộc phải ghi rõ bằng tiếng Việt cụm từ “biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm.
Quy định này áp dụng với tất cả sản phẩm có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm. Thực phẩm biến đổi gen đã có nhãn hàng hóa không phù hợp với quy định này không được phép tiếp tục sản xuất và nhập khẩu sau ngày 8-1-2017.
Trường hợp thực phẩm biến đổi gen đang lưu thông trên thị trường chưa tiêu thụ hết thì được tiếp tục lưu thông nhưng không quá thời hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm. Đồng thời phải được tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu tự thực hiện việc khắc phục, sửa chữa bằng cách bổ sung cụm từ “biến đổi gen” trên nhãn mác.
Đây là những quy định trong thông tư liên tịch vừa được Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ NN&PTNT ban hành và áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen tại VN.