tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-12-2015

  • Cập nhật : 19/12/2015

S&P: Thu hút đủ vốn FDI, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc

thu hut du von fdi, kinh te viet nam bat dau khoi sac

Thu hút đủ vốn FDI, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc

Quỹ Standard & Poor (S&P) mới đây đã công bố báo cáo nhận định rằng "kinh tế Việt Nam đang bắt đầu khởi sắc" trong khi kinh tế hầu hết các nước châu Á khác đang phát triển chậm lại hướng tới tăng trưởng tiêu dùng.

Theo S&P, cách đây 4 năm, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn "vật lộn" với các khoản nợ xấu đặc biệt khi chính phủ ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên đến nay, Việt Nam đã thu hút được đủ vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu và giá cả trên thế giới giảm sút.

Xuất khẩu điện tử của Việt Nam tăng 33%/năm trong vòng 3 năm qua, chiếm 18-29% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi lĩnh vực dệt may chiếm 20% xuất khẩu.

Tổng thể, đầu tư nước ngoài tăng gấp đôi trong giai đoạn năm 2012-2014 so với ba năm trước đó, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc mỗi nước chiếm 22%; Singapore chiếm 16%; Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 13% và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7,5%...

Thương mại giữa Australia và Việt Nam năm 2014 đã tăng 35%, lên mức 8 tỷ đôla Australia (AUD) - tương đương 5,7 tỷ USD, dù đầu tư của nước này tại Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn 1,2 tỷ AUD (0,7 tỷ USD).

S&P cho rằng lực lượng lao động Việt Nam trong số khoảng 91 triệu dân là một nhân tố quan trọng, có năng suất cao do được cung cấp các trang thiết bị tiên tiến.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán dân số ở tuổi lao động của Việt Nam sẽ tăng đến năm 2030, trong khi dân số lao động Trung Quốc giảm sút. Mức lương trung bình hàng năm của công nhân Việt Nam hiện hơn 2.800 AUD (gần 2.000 USD), tương đương mức lương của công nhân Trung Quốc cách đây 10 năm - hiện nay mức lương trung bình của công nhân Trung Quốc là 11.200 AUD/năm (gần 8.000 USD).

So với các nước có mức lương thấp, Việt Nam được hưởng lợi từ "thái độ khá cởi mở với đầu tư nước ngoài."

Tuy nhiên, S&P cũng cho rằng Việt Nam sẽ gặp phải thách thức từ việc đồng USD tăng giá và tỷ giá tăng, do Việt Nam duy trì tỷ giá cố định và mức dự trữ ngoại tệ thấp, 31 tỷ USD (43 tỷ AUD) vào tháng Chín.

Cơ quan phân tích kinh doanh của Singapore, IMA Asia cho biết Việt Nam sẽ được lợi hơn 11 nước thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thông qua việc hưởng thuế thấp hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu có tiếng.

Theo dự báo của IMA, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2% năm 2015 và 6,4% năm 2016.


Đảm bảo tính chặt chẽ khi cổ phần hóa DN quy mô lớn

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên quy mô lớn của các tập đoàn kinh tế.

Để bảo đảm tính chặt chẽ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp quy mô lớn thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng do tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi cổ phần hóa thực hiện như đối với các doanh nghiệp đặc thù quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp.

Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành kinh doanh chính của tập đoàn kinh tế lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa (lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa); quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp.


Giá dầu “chạm đáy”, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam “mất” bao nhiêu?

Giá dầu thô đã liên tục lao dốc trong những ngày gần đây khi xuống dưới mức 35 USD/thùng, là phiên giảm giá thứ 7 liên tiếp và là giai đoạn giảm dài nhất trong vòng 1 năm qua.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2015 lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 668 nghìn tấn, giảm 12,3% so với tháng trước.

Do giá dầu giảm sâu nên trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng chỉ đạt 221 triệu USD, giảm 20% so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 11/2015, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 8,35 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,48 tỷ USD, mặc dù chỉ giảm giảm 1,2%  về lượng nhưng lại giảm tới 49% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu thống kê chi tiết của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng qua, dầu thô của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc 1,76 triệu tấn, tăng 20,24%, sang Singapore 1,2 triệu tấn, tăng 2 lần; sang Nhật Bản 1,4 triệu tấn, giảm 17,2%; sang Malaysia 1,36 triệu tấn, tăng 34,24%  so với cùng kỳ năm 2014.

Ở chiều ngược lại, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu trong tháng 11/2015 đạt 958 nghìn tấn với đơn giá nhập khẩu bình quân 454 USD/tấn - mức thấp nhất gần 7 năm qua.

Lũy kế 11 tháng năm 2015, cả nước nhập khẩu 9,04 triệu tấn xăng dầu với giá trị đạt 4,92 tỷ USD, tăng 16,6% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này giảm 2,17 tỷ USD; trong đó do giá giảm lên tới 3,35 tỷ USD


Dầu mỏ của Mỹ có khả năng sẽ tràn ngập thị trường quốc tế

Quốc hội Mỹ dự kiến ​​sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã kéo dài trong bốn thập niên, trong bối cảnh sản lượng “vàng đen” của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo lên mức cao kỷ lục.

Đề xuất trên là một phần trong gói chi tiêu khổng lồ có giá trị lên tới 1.146 tỷ USD trong thời gian từ nay đến hết tháng 9/2016 đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua.

Rõ ràng, những công ty dầu mỏ lớn của Mỹ như Exxon Mobil và ConocoPhillips sẽ là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định tháo gỡ rào cản đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Tuy nhiên, những lợi ích của việc này, theo các chuyên gia kinh tế, còn rộng lớn hơn thế.

Xuất khẩu dầu mỏ khởi sắc sẽ giúp thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất và vận chuyển mặt hàng này, kiến tạo thêm việc làm, giúp nguồn cung dầu khí ổn định hơn và cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ...

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ “bật đèn xanh” đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ cũng sẽ giúp các đồng minh châu Âu của nước này, vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, có thêm lựa chọn (về nguồn cung).

Giới đầu tư cũng dự đoán quyết định này sẽ không tác động đáng kể tới thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các nhóm hoạt động vì môi trường lại quan ngại rằng việc các công ty năng lượng Mỹ đẩy mạnh hoạt động sản xuất và khai thác dầu sẽ tác động xấu tới môi trường.

Quyết định cấm xuất khẩu dầu được Washington áp đặt hồi năm 1975 trong bối cảnh Quốc hội nước này quan ngại về tình trạng thiếu nguồn cung sau khi giá năng lượng thế giới tăng vọt.

Cuộc cách mạng khai thác dầu đá phiến là một trong những nguyên nhân giúp Mỹ vươn lên trở thành một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn của thế giới.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng từ 5 triệu thùng/ngày lên 8,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ năm 2008-2014. Đặc biệt, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2014 đạt mức cao nhất kể từ năm 1985./.


Gạo lậu Thái Lan đổ về Sài Gòn

gao lau thai lan do ve sai gon

Gạo lậu Thái Lan đổ về Sài Gòn

Theo ghi nhận trong nhiều năm qua, đây là lần đầu tiên Chi cục Quản lý thị trường (QLTT)TP HCM phát hiện và tạm giữ một số lượng lớn gạo nhập lậu. Bởi đối với gạo lậu, việc ngăn chặn sẽ dễ hơn từ biên giới, khi đi sâu trong nội địa, nếu các đối tượng xé bỏ bao bì gốc thì rất khó xác định đâu là gạo ngoại đâu là gạo nội.

Gạo Thái trong “vựa gạo Tiền Giang”

Ngày 17-12, ông Trần Thanh Tùng, Đội trưởng Đội QLTT quận Tân Phú, có văn bản đề xuất phạt “vựa gạo Tiền Giang” (49 Bác Ái, phường Tân Thành, quận Tân Phú) 52,5 triệu đồng và tịch thu tang vật gồm hơn 14 tấn gạo Thái Lan nhập lậu tại đây.

Vụ việc đã được lực lượng QLTT quận Tân Phú theo dõi và nắm thông tin trong một thời gian dài, đến ngày 14-12 mới bất ngờ kiểm tra địa chỉ trên và phát hiện 292 bao gạo Thái Lan (49 kg/bao, tương đương hơn 14 tấn) không có hóa đơn chứng từ. Trên bao bì ghi chữ nước ngoài và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định nên cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ. Bà Đỗ Thị Tú Anh, chủ hàng, thừa nhận đây là gạo nhập từ Thái Lan, được mua với giá 16.000 đồng/kg từ mối ở miền Tây chở lên. Dù kinh doanh và chứa gạo với số lượng lớn nhưng cơ sở không có giấy phép kinh doanh theo quy định.

Đến chiều 17-12, theo ghi nhận của phóng viên, vựa gạo trên vẫn kinh doanh bình thường. Khi chúng tôi hỏi mua gạo Thái, người bán nói chỉ bán gạo Việt Nam, kể cả gạo cắm biển “gạo Miên” cũng là giống Campuchia trồng trong nước. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ thì tại đây vẫn còn một số biển ghi “Thái nhập” nhưng quay vào trong, với giá niêm yết là 20.500 đồng/kg.

Một vụ việc khác xảy ra vào trưa 15-12, Đội QLTT huyện Củ Chi phối hợp với Đội CSGT Củ Chi đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Làu Táu (ấp Làu Táu Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) tiến hành kiểm tra xe tải do ông Trần Thành Tài (SN 1994) điều khiển, phát hiện vận chuyển gạo và đường nhãn mác nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng từ. Kiểm kê chi tiết thì có 4 loại gạo (Thai Hom Mali Broken, Thai Glutinuos Rice, Bun Hour Rice Mille và một không hiệu), số lượng 17 bao, tương đương 850 kg.

Gạo ngoại vẫn có chỗ đứng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, nhận định từ nay đến Tết, tình hình thẩm lậu hàng hóa từ các nước giáp biên giới với Việt Nam diễn biến phức tạp. Trong đó, lực lượng chức năng đang chú trọng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là gạo do nhu cầu gia tăng dịp cuối năm. “Đối với gạo nhập lậu, nếu còn nguyên bao bì gốc thì dễ xử lý. Nhưng nếu đối tượng thay đổi bao bì, trà trộn với gạo trong nước sẽ rất khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc xuất xứ. Đây là rào cản lớn nhất trong công tác ngăn chặn gạo lậu tràn vào TP HCM” - ông Bách nhận định.

Về hướng xử lý đối với gạo nhập lậu, ông Bách cho biết theo quy định, mặt hàng gạo không bị tiêu hủy mà sẽ tịch thu và bàn giao cho cơ quan chức năng thực hiện phát mãi, bán đấu giá để thu nộp ngân sách.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng thị trường nội địa lại “chia sẻ” cho gạo Thái, Campuchia? Lý giải vấn đề này, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) - chuyên xuất khẩu gạo, cho rằng dù gạo Việt nhiều đến đâu thì vẫn có chỗ cho gạo ngoại vì nhu cầu của người tiêu dùng rất phong phú, không phải ai cũng trung thành với gạo Việt và nhất là tâm lý sính ngoại của người Việt còn rất nặng nề.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là thị trường gạo trong nước trước giờ chủ yếu do các tiểu thương, thương lái nắm giữ; thị phần gạo đóng gói của các doanh nghiệp có thương hiệu còn rất ít. Ông Tuấn cho biết công ty của ông rất muốn tham gia thị trường nội địa nhưng vì vướng thuế nên không cạnh tranh được với thương lái. “Trong khi gạo xuất khẩu không chịu thuế nhưng nếu bán cho các đại lý, đăng ký thuế khoán thì phải chịu thuế 5%. Quy định này có nhiều điểm vô lý nên đã được đề xuất bỏ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ” - ông Tuấn nói.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh 21-12-20151

    Tin kinh tế đọc nhanh 21-12-2015

    TPHCM: Đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng xây dựng cụm cảng trung chuyển mới
    Khánh thành Thủy điện Đồng Nai 5
    FTA Việt Nam-Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12
    "Trong 3h đồng hồ có 14 xe lợn béo được xuất sang Trung Quốc"
    Quảng Ninh tiếp tục mời gọi FLC đầu tư

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-12-20152

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-12-2015

    'Thuế ngành dệt may vào Mỹ cao nhất trong các nước TPP'
    Khó tiếp cận đầu tư công trong nông nghiệp
    Thêm DN Hàn Quốc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ
    Sau Trung Quốc, hàng Thái Lan đang "đổ bộ" vào Việt Nam
    Tập đoàn Xăng dầu công bố quỹ bình ổn giá còn dư 2.282 tỷ đồng

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-12-20153

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-12-2015

    Lập hai sổ kế toán sẽ bị coi là phạm pháp
    Cảnh báo bò Ấn nhập lậu theo đường bộ
    Tân Hoàng Minh làm đường 746 tỷ đồng, đổi khu đất khoảng 20ha
    CEO Google đến Việt Nam ngày 22/12
    TPP sẽ tiết kiệm cho dệt may, da giày Việt Nam hơn tỷ USD tiền thuế vào Mỹ hàng năm

  • Tin kinh tế đọc nhanh 20-12-20154

    Tin kinh tế đọc nhanh 20-12-2015

    Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu than đá Việt Nam
    Đề xuất phạt 150 triệu với dự án chậm giao nhà
    Vingroup giảm sở hữu cổ phần tại Triển lãm Giảng Võ
    Giá cổ phiếu thấp kỷ lục, Bầu Đức mất hơn 3.600 tỷ đồng
    Sản lượng rượu sản xuất của các DN rượu VN giảm sút

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-12-20155

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-12-2015

    FBI đưa kẻ đội giá thuốc bị ghét nhất mạng xã hội ra tòa
    FED tăng lãi suất ảnh hưởng rất ít đến VN
    Làm ăn kiểu may rủi
    Khó cạnh tranh với “con cưng” của các bộ
    Tôm Thái Lan đối mặt nguy cơ bị tẩy chay

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-12-20156

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-12-2015

    Tại sao Việt Nam phải đi đàm phán nhiều hiệp định FTA?
    Dòng tiền bị rút ra trong ngắn hạn, chứng khoán mất 9 điểm
    Máy biến thế xuất khẩu từ Việt Nam thoát án thuế của Úc
    "Nô lệ" chế biến thủy sản ở Thái Lan làm việc ra sao?
    Thực phẩm biến đổi gen phải ghi trên nhãn mác

  • Tin kinh tế đọc nhanh 19-12-20157

    Tin kinh tế đọc nhanh 19-12-2015

    Cổ phần hóa Tập đoàn cao su trong năm 2016
    Phí và lệ phí sẽ minh bạch hơn từ 1/1/2017
    Đà Nẵng hủy nhiều dự án có chủ đầu tư Trung Quốc
    Sắt thép Trung Quốc vẫn “ồ ạt” tràn vào Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-12-20158

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-12-2015

    Báo cáo Beige Book: Kinh tế Trung Quốc "suy yếu trên mọi mặt trận"
    100 tỉ USD bốc hơi cùng 90% giá trị hãng dầu thô lớn thứ năm thế giới
    Sản lượng khí tiêu thụ của PV GAS cao nhất trong 25 năm
    Châu Á có thể rơi vào tình trạng căng thẳng tín dụng sau khi Fed nâng lãi suất
    Tòa án Pháp ra lệnh triệu tập Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-12-20159

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-12-2015

    Suýt mất 63 container gạo vì... nhẹ dạ
    Rau câu, đậu phộng da cá… sang Mỹ
    Nhiều doanh nghiệp Việt đang lơ mơ phòng vệ thương mại
    Xuất khẩu gạo Japonica Nhật bất ngờ tăng mạnh
    Big C Việt Nam sẽ được bán với giá hơn 800 triệu USD?

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-12-201510

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-12-2015

    Casino Group muốn bán Big C VN
    Dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu năm
    Quản lý thị trường nộp ngân sách 400.000 đồng/vụ vi phạm
    Việt Nam buộc khai thác thêm dầu vì giá giảm?
    Tháng 12 sẽ có kết luận về vụ phân bón của Công ty Thuận Phong