tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-08-2016

  • Cập nhật : 19/08/2016

Quả bom nghìn tỷ USD đang chờ phát nổ ở Trung Quốc

 

Nếu không quản lý sát sao, những khoản đầu tư mờ ám trị giá hàng nghìn tỷ USD có thể đẩy kinh tế Trung Quốc vào khủng hoảng. 

Một công ty đầu tư ở Thượng Hải đã đưa ra cam kết sẽ đem đến cho nhà đầu tư mức lợi nhuận lên đến 10% một năm - con số làm lu mờ thị trường chứng khoán và lãi suất ngân hàng. Công ty này yêu cầu số tiền đầu tư tối thiểu vào khoảng 15 USD, khiến bất cứ ai cũng có thể tham gia. Các nhà đầu tư có thể rút tiền chỉ sau 7 ngày. Quan trọng nhất, tiền đầu tư được bảo lãnh.

Các ưu đãi trên nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng có một vấn đề: nhà đầu tư không biết tiền của mình sẽ được rót vào đâu.

Công ty nói trên, State Gold Treasure, cho biết tiền sẽ được đầu tư vào một công ty bất động sản đang xây một tổ hợp chung cư cao cấp ở Thượng Hải. Nhưng công ty này không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào, kể cả điều đơn giản như địa chỉ của tổ hợp chung cư.

Trường hợp trên chỉ là một trong vô vàn những khoản đầu tư mờ ám, không được quản lý, nhưng đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn cho hệ thống tài chính Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại rằng, khi nền kinh tế nước này giảm tốc, nhiều quỹ đầu tư sẽ sụp đổ. Và chính phủ có thể không biết làm thế nào để xử lý cú sốc này với hệ thống tài chính.

Trong 5 năm qua, nhà đầu tư Trung Quốc đã rót ít nhất 2,8 nghìn tỷ USD vào các quỹ đầu tư thuộc sở hữu của ngân hàng. Sau khi tăng gấp 5 lần kể từ năm 2011, những khoản đầu tư này, còn được gọi là sản phẩm quản lý tài sản, hiện nay có giá trị bằng 1/3 GDP cả nước. Hoạt động đầu tư trên vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc.

Đấy là mới nói đến những quỹ đầu tư được quản lý bởi các ngân hàng. Còn nhiều công ty khác như State Gold Treasure đang bán sản phẩm quản lý tài sản, nhưng vẫn chưa được biết đến.

Vấn đề của Trung Quốc là phần lớn số tiền trên đang đổ vào các ngành làm ăn yếu kém như xây dựng và bất động sản. Sự sụp đổ của các khu vực này có thể gây ra những chấn động kinh hoàng cho nền kinh tế.

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc đã ra tay để ngăn chặn sự đổ vỡ của các sản phẩm quản lý tài sản, nhằm tránh hiệu ứng dây chuyền và xoa dịu cơn giận dữ của nhà đầu tư. Nhưng không phải tất cả nhà đầu tư đều được giải cứu.

Li Wenyuan, một bác sĩ ở Bắc Kinh, cho biết năm ngoái cô đã đầu tư gần 140.000 USD vào một sản phẩm quản lý tài sản gắn với một công ty thép. Sau khi công ty làm ăn thua lỗ, cô được trả lãi chưa đến 2.000 USD. Trước đó, cô đã lên kế hoạch dùng toàn bộ tiền đầu tư gốc để gửi con trai đến học cấp 3 ở Canada, nơi có không khí sạch hơn và giúp con cô cải thiện tiếng Anh.

“Đó là một tổn thất lớn cho gia đình tôi. Chúng tôi vẫn có thể xoay xở được. Nhưng đó là một số tiền lớn và tôi ngờ rằng mình sẽ không bao giờ lấy lại được tiền. Tôi rất lo lắng”, cô chia sẻ.

Sản phẩm quản lý tài sản là một phần trong hệ thống đầu tư và ngân hàng ngầm khổng lồ của Trung Quốc. Nhiều người tìm đến hệ thống này để vay vốn làm ăn. Ngày càng có nhiều quan ngại về việc điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống này sụp đổ và chính phủ có thể phản ứng lại như thế nào.

“Rủi ro trong hệ thống này đang lớn dần lên, và quan trọng hơn, nhiều hệ lụy nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu hệ thống sụp đổ”, David Daokui Li, kinh tế gia của đại học Thanh Hoa, đồng thời là thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết. “Nhiều khả năng sẽ có một cuộc khủng hoảng xảy ra. Câu hỏi là khủng hoảng sẽ lớn hay nhỏ”.

Sản phẩm quản lý tài sản của Trung Quốc không phải là chứng khoán, trái phiếu hay quỹ tương hỗ. Một sản phẩm quản lý tài sản điển hình thường cam kết lợi nhuận cố định trong một kỳ hạn định trước. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc xem chúng như tài khoản tiền gửi ở ngân hàng vì chúng được bán bởi các ngân hàng quốc doanh. Các ngân hàng sẽ chống lưng cho các quỹ này trên danh nghĩa. Nhưng không giống như tài khoản tiền gửi, chúng không được bảo lãnh. Chúng được cơ cấu sao cho ngân hàng không phải chịu trách nhiệm nếu các khoản đầu tư này sụp đổ.

Các nhà phát hành sản phẩm quản lý tài sản lớn nhất là hàng trăm ngân hàng và tổ chức tài chính ở các tỉnh nghèo nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc. Chính quyền địa phương đang gây sức ép lớn, buộc các ngân hàng này phải tiếp tục cho vay và bơm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang giảm tốc.

Để có tiền cho vay trên quy mô lớn, các ngân hàng này đã tăng cường phát hành sản phẩm quản lý tài sản. Họ đã bán 187.000 sản phẩm quản lý tài sản vào cuối năm ngoái, tăng 56% so với một năm trước đó.

Công nghệ đã giúp các công ty như State Gold Treasure bán sản phẩm của mình qua Internet và ứng dụng smartphone dễ dàng hơn so với ngân hàng. “Trong quá khứ, bạn cần tới ngân hàng hoặc một công ty quỹ để mở tài khoản. Giờ đây, với ứng dụng smartphone, bạn chỉ cần đăng ký thông tin cá nhân và mua sản phẩm quản lý tài sản qua Internet”, He Zhirui, một nhân viên tài chính ở Bắc Kinh, đồng thời cũng là một nhà đầu tư vào sản phẩm quản lý tài sản cho biết.

Sự phổ biến của sản phẩm quản lý tài sản đã làm chính phủ lo lắng. Trong tháng 5, ủy ban ngân hàng của Trung Quốc cảnh báo rằng, ngành kinh doanh này đang gặp nhiều vấn đề, trong đó có các sản phẩm không được cấp phép.

Sự chuyển hướng của dòng tiền từ tiền gửi ngân hàng sang sản phẩm quản lý tài sản đã làm lung lay hệ thống tài chính của Trung Quốc. Trung Quốc đã chống đỡ được cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhờ dòng tiền gửi ổn định của các hộ gia đình và doanh nghiệp vào bốn ngân hàng quốc doanh lớn. Nhưng nếu tính tổng thể, các ngân hàng nhỏ hiện nay đã lớn gần bằng 4 ngân hàng trên cộng lại. Sản phẩm quản lý tài sản chiếm gần 1/3 số vốn của các ngân hàng vừa và nhỏ.

Các quan chức và chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho biết, chính phủ có đủ nguồn lực để trang trải các khoản lỗ nếu hệ thống sản phẩm quản lý tài sản sụp đổ. Họ cũng cho biết việc thắt chặt giới hạn gửi tiền ra nước ngoài sẽ giúp duy trì dòng tiền trong nước trong trường hợp hệ thống trên sụp đổ.

“Hệ thống tài chính Trung Quốc có thể khắc phục được vấn đề thanh khoản - tiền không thể chạy ra nước ngoài”, Chang Chun, giám đốc Viện tài chính cấp cao Thượng Hải ở Đại học giao thông Thượng Hải nhận định.

Nhưng một số chuyên gia về tài chính Trung Quốc cho rằng khủng hoảng sẽ xuất hiện nhanh và nghiêm trọng hơn dự đoán. Các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư có thể trở tay không kịp nếu hệ thống sụp đổ.(Trí thức trẻ/New York Times) 


Thép Việt lấy lại phong độ?

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thép khẳng định: Nếu tận dụng tốt thời gian 4 năm bảo hộ trước làn sóng tấn công của thép nhập khẩu giá rẻ, các doanh nghiệp Việt sẽ đủ sức làm chủ thị trường.
Thị trường thép 6 tháng đầu năm 2016 có những tín hiệu khả quan. Không ít doanh nghiệp thép Việt “gặt hái” kết quả kinh doanh khá tốt. Tập đoàn thép Tiến Lên tăng 23% doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến đến 22 lần, đạt 261 tỷ đồng. Thép Dana Ý báo lãi gần gấp 5 lần. Thép Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế cao chất ngất: 3.000 tỷ đồng. Thép Tisco, Thép Việt Ý, Thép Nam Kim, VnSteel, Povina… đều báo lãi. Không thể không ghi nhận.

Theo giới phân tích, có nhiều yếu tố đã giúp không ít doanh nghiệp thép đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong những tháng đầu năm, đặc biệt là quyết định của Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu đã cứu nguy cho không ít doanh nghiệp thép Việt.

Tuy nhiên, nhìn sâu một chút vào thị trường thép trong nước vẫn thấy còn nhiều quan ngại.

Do hiệu ứng của chính sách tự vệ thương mại cộng với hiện tượng đầu cơ đã đẩy giá thép trong nước tăng cao tại thời điểm tháng 3, sau đó quay đầu giảm dần trong tháng 4 và giảm mạnh trong tháng 5. Đến đầu tháng 6, giá thép cả miền Bắc và miền Nam đồng loạt giảm về mức trước khi áp thuế tự vệ tạm thời. Hiệp hội Thép (VSA) phải nhóm họp các nhà máy thép, đề nghị không giảm giá để chiếm thị phần của nhau, cạnh tranh kiểu “gà nhà đá nhau”.

Những con số xuất nhập khẩu khẩu sắt thép của Tổng cục Thống kê công bố cũng đáng chú ý. Nhập khẩu sắt thép 7 tháng đầu năm 2016 tới 4,53 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015; kim loại thường 2,63 tỷ USD, tăng 18%. Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép chỉ đạt 988 triệu USD, giảm 3%. Việc nhập siêu sắt thép nói lên điều gì? Có lẽ chỉ khi nào chiều hướng xuất - nhập đảo ngược mới khẳng định được thực lực mạnh của doanh nghiệp thép Việt chăng?

Theo dự báo của các chuyên gia và doanh nghiệp, thị trường thép những tháng cuối năm 2016 sẽ tiếp tục khả quan, tiêu thụ thép trong quý IV có thể tăng nhẹ. Nếu diễn biến đúng như vậy, ngành thép Việt Nam sẽ có 1 năm “hoan hỷ” bởi những lợi thế và cơ hội từ biện pháp tự vệ thương mại.

Song, tự vệ thương mại chỉ mang lại lợi ích trong ngắn hạn. Nếu không liên kết, tập trung đầu tư chiều sâu ngay từ bây giờ, khi hết bảo hộ, ngành thép Việt Nam sẽ ra sao khi lợi thế đã mất mà cơ hội cũng chẳng còn?

Nhiều giải pháp tăng giá trị sản phẩm cao su, giảm xuất thô

Trước sự chênh lệch cung - cầu lớn về cao su trên thị trường thế giới dẫn tới giá cao su giảm, xuất khẩu khó khăn, ngành cao su Việt Nam đang đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp cao su phát triển.   

Thông tin trên vừa được ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam - cho biết tại họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy và thiết bị ngành công nghiệp nhựa, cao su Việt Nam, diễn ra chiều 17/8.

Ông Võ Hoàng An cho hay, để đối phó với tình trạng nguồn cung lớn hơn cầu, các nước xuất khẩu cao su lớn trên thế giới đã cùng liên kết nhằm đưa ra giải pháp giảm sản lương cao su, phối hợp với nhau để hình thành thị trường tiêu thụ cao su chung trong khu vực…

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC), trong nửa đầu năm 2016, sản xuất cao su tự nhiên của các quốc gia thành viên đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,928 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc giảm 12%, Malaysia giảm 3,8%, Ấn Độ giảm 3%, Indonesia giảm nhẹ 0,3%; trái lại, Thái Lan và Việt Nam lại tăng tương ứng là 1% và 5,3%. Tuy nhiên, hiện Thái Lan đã ra tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 15% so với mức đang sản xuất nhằm giảm nguồn cung trên thị trường. Tương tự, Việt Nam cũng đang có kế hoạch nhằm giảm bớt áp lực nguồn cung hiện nay. Với những nỗ lực trên, dự báo đến năm 2019-2020, giá cao su thế giới sẽ được cải thiện hơn.

Về tiêu thụ cao su từ nay đến cuối năm, theo dự báo của ANRPC thị trường vẫn còn yếu bởi những yếu tố bất ổn trên thế giới, triển vọng thị trường dầu mỏ không sáng sủa và sự đi xuống của đồng nội tệ các nước xuất khẩu cao su chủ chốt. Thuế chống phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ áp dụng kể từ tháng 6/2016 đối với một số loại lốp xe ô tô do Trung Quốc sản xuất được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu cao su thiên nhiên của quốc gia này.

Thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu cao su tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Võ Hoàng An cho biết, để thúc đẩy sự phát triển của ngành cao su, Việt Nam đã và đang tìm nhiều giải pháp nhằm tăng giá trị sản phẩm cao su, giảm xuất thô, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất săm lốp-vỏ xe. Riêng bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có sự phối hợp với nhiều nhà sản xuất cao su lớn của thế giới để tạo đầu ra cho sản phẩm.

“Cái khó lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp sản xuất cao su Việt Nam là yếu về tài chính, hệ thống phân phối yếu, chưa có thương hiệu… Do đó, chúng ta cần hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất cao su có thương hiệu lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng của họ”, ông Võ Hoàng An cho biết thêm.(BCT)

Trung Quốc yêu cầu các nhà máy thép cắt giảm sản lượng

Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy thép sẽ chỉ sản xuất 47% kế hoạch sản lượng thép trong năm.

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục yêu cầu các nhà máy thép Trung Quốc cắt giảm sản lượng, điều này đã khiến giá thép tại các sàn giao dịch chạm mức cao kể từ tháng 4 do giới đầu cơ đặt cược vào khả năng nguồn cung bị hạn chế.

Theo Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, nước này đã yêu cầu các nhà máy thép sẽ chỉ sản xuất 47% kế hoạch sản lượng thép trong năm cũng như khai thác chỉ dừng ở mức 38% kế hoạch sản lượng. Tuy nhiên, một số khu vực vẫn đang lưỡng lự về kế hoạch giảm sản lượng sau khi nhận thấy giá thép hồi phục trong năm nay.

Đa số hàng hoá công nghiệp đều tăng trong năm 2016 sau khi Trung Quốc tăng cường các chính sách kích cầu nhằm ổn định nền kinh tế sau khi chứng kiến mức tăng trưởng yếu sau nhiều thập kỷ.

Thông tin trên khiến giá thép cây tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng 3,8% mỗi tấn lên 2.669 nhân dân tệ mỗi tấn, mức cao nhất trong 4 tháng. Kể từ đầu năm, giá thép đã tăng 50%. Giá than giao kỳ hạn tại Đại Liên cũng tăng 6%.

Trong năm nay, Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm 45 triệu tấn thép thô, tính đến tháng 7, sản lượng thép thô đã 21 triệu tấn. Sản lượng than cũng giảm khoảng 95 triệu tấn, gần đạt một nửa so với mục tiêu 250 triệu tấn.

Ngoài ra, vì lo sợ các biện pháp bảo hộ thương mại ngày càng tăng tại châu Âu, chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tìm kiếm những phương thức bảo vệ quyền lợi thép Trung Quốc xuất khẩu.(NDH)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục