tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 05-04-2017

  • Cập nhật : 05/04/2017

Đại gia bất động sản Sài Gòn lần đầu báo lãi nghìn tỷ

Nguồn thu tài chính đột biến nhờ đánh giá lại các khoản đầu tư và thoái vốn tại công ty con giúp lợi nhuận sau thuế của Novaland tăng 275% so với năm trước.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 vừa được Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, MCK: NVL) công bố cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng khả quan dù thị trường bất động sản TP HCM đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của hàng loạt “ông lớn”.  

Novaland ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.359, tăng 10,2% so với năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 62%. Cơ cấu doanh thu đang dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ lệ doanh thu phân khúc thương mại và giảm mạnh phân khúc căn hộ.Theo đó, phân khúc căn hộ trung và cao cấp đóng góp 5.633 tỷ đồng, tương đương 76,5% tổng doanh thu. Phân khúc thương mại ghi nhận doanh thu xấp xỉ 822 tỷ đồng, chiếm 11,2% nhưng tăng vọt so với mức 0,6% của năm trước và được dự báo còn phát triển mạnh trong năm nay do sự đổ bộ của nhiều doanh nghiệp bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Nguồn thu còn lại đến từ hoạt động cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ tư vấn phát triển dự án và bán hàng… tiếp tục chiếm tỷ trọng ổn định khoảng 10% tổng doanh thu.

loi nhuan cua novaland can moc nghin ty sau 9 nam tham gia linh vuc bat dong san.

Lợi nhuận của Novaland cán mốc nghìn tỷ sau 9 năm tham gia lĩnh vực bất động sản.

Doanh thu tài chính tăng thêm 2.190 tỷ đồng so với năm trước, đạt mức kỷ lục 2.523 tỷ đồng. Nguồn thu đột biến này chủ yếu từ khoản 457 tỷ đồng lãi của việc thoái vốn tại các công ty con và 1.597 tỷ đồng từ công tác đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Thế kỷ 21, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Nhà Rồng, Công ty cổ phần Ngôi nhà Mega.

Báo cáo tài chính hợp nhất lần đầu ghi nhận các khoản thu này nên kéo theo lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 1.659 tỷ đồng, tương đương mức tăng 275% so với năm trước. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 3.396 đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ từ khi chính thức tham gia lĩnh vực bất động sản cách đây gần 10 năm trên cơ sở hợp nhất các công ty con.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Novaland đạt 36.527 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm đến 83%. Nợ phải trả là 26.480 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn tăng 61% so với năm trước lên mức 11.469 tỷ đồng. Khoản nợ này phần lớn phát sinh từ việc phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn lực tài chính cho hoạt động M&A gia tăng quỹ đất. Trong năm qua, chi phí lãi vay cũng tăng hơn 510 tỷ đồng.

Thông qua hoạt động M&A “đi trước đón đầu” tập trung vào khu Đông và khu Tây Sài Gòn nên hiện doanh nghiệp này sở hữu quỹ đất dự trữ 10 triệu m2 sàn xây dựng, đủ để phát triển ổn định trong vòng 5 năm tới. Chiến lược phát triển quỹ đất của đại gia bất động sản TP HCM trong thời gian tới tiếp tục là mua lại từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước muốn tái cơ cấu hệ thống kinh doanh, mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành và các dự án bị thế chấp ngân hàng, cần được làm sạch khỏi danh mục nợ xấu…

Năm 2016, Novaland bán hơn 8.000 sản phẩm và chiếm 23% sức tiêu thụ của thị trường TP HCM. Dự kiến trong năm nay, doanh nghiệp này tiếp tục bàn giao khoảng 4.700 sản phẩm và ghi nhận 17.528 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 3.144 tỷ đồng, lần lượt tăng 138% và 119% so với năm trước.(VNEX)
--------------------------------------------

Ngân hàng Nga mở văn phòng ở Trung Quốc: Tới đích gần, nhằm đích xa

Sự kiện lớn đã diễn ra một cách khá im ắng khi Ngân hàng trung ương Nga mở văn phòng đầu tiên ở nước ngoài, đặt tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. 

Qua đó có thể thấy hợp tác song phương về chính sách tiền tệ tin cậy và hiệu quả như thế nào. Đây đồng thời còn phản ánh mức độ phát triển ấn tượng của hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa 2 nước.

Ngoài ra, cách đây khá lâu, Moscow và Bắc Kinh có thỏa thuận về sử dụng đồng tiền của nhau để thanh toán trong trao đổi thương mại song phương. Tiếp theo là thỏa thuận về bên này có thể phát hành trái phiếu nhà nước của mình bằng đồng tiền của bên kia. Như vậy, hai bên không chỉ thúc đẩy rất mạnh mẽ quan hệ hợp tác mà còn hậu thuẫn đắc lực cho nhau mỗi khi gặp phải khó khăn ngắn hạn về tài chính và tiền tệ.

Hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực này còn phục vụ một mục tiêu chung khác nữa là từng bước đẩy lùi sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ (USD), thu hẹp ảnh hưởng của USD trong phạm vi không gian kinh tế và thị trường của họ rồi dần thay thế vai trò đồng tiền chủ đạo trên thế giới. Cạnh tranh về vai trò, vị thế và ảnh hưởng với đồng USD thực chất là cạnh tranh giành vai trò chủ chốt trong hệ thống tài chính thế giới.

Nhắm tới cái đích xa ấy, Nga và Trung Quốc trước mắt vươn tới đích gần là gây dựng hệ thống và cơ chế thanh toán quốc tế dựa trên kim loại vàng chứ không dựa vào USD nữa. Đúng là đích ấy còn cách xa, nhưng rõ ràng không phải là bất khả thi.(Thanh Niên)
-----------------------------------------------

57,8% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất quý 2 sẽ tốt hơn quý 1

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy có 33,7% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 24,5% số DN đánh giá gặp khó khăn và 41,8% số DN cho rằng tình hình hoạt động ổn định.

Đồng thời khi đưa ra dự kiến quý 2, có 57,8% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, có 9,8% số DN dự báo khó khăn hơn và 32,4% số DN cho rằng hoạt động kinh doanh sẽ ổn định. Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN quý 1 năm nay, có 56,2% DN cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất.

Bên cạnh đó, có 44,2% DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 34,5% DN cho rằng do khó khăn về tài chính và 22,9% DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng…(TN)
----------------------------------------

Nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng hơn 28%

Số liệu từ Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, trong quý 1 năm nay, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 89,36 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 43,73 tỉ USD, tăng 12,8% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 45,63 tỉ USD, tăng 22,4%. Đặc biệt, trong tháng 3, VN xuất khẩu tăng mạnh các mặt hàng điện thoại và các loại linh kiện (đạt 2,7 tỉ USD, tăng 14,4%), hàng dệt may (ước đạt 2,1 tỉ USD, tăng 51,4% khiến kim ngạch xuất khẩu cả quý 1 tăng hơn 10% so cùng kỳ năm trước).

Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, ước tính trong tháng 3 đạt khoảng 2,8 tỉ USD, tăng 11,5% so với tháng trước. Tính nguyên quý 1, cả nước nhập khẩu nhóm hàng này đạt 7,62 tỉ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 3 ước tính 1,1 tỉ USD, tăng 15,1% so với tháng trước; trong quý 1 đạt 2,89 tỉ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.(TN)
-----------------------------------------------

Ngân sách Hà Nội mới đáp ứng được 20% tổng nhu cầu đầu tư

Sáng 3.4, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 và 3 năm thực hiện luật Thủ đô.

Theo báo cáo tại hội nghị, kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát triển nông nghiệp và nông thôn được tập trung thực hiện đạt những kết quả tích cực, quản lý và phát triển đô thị được đẩy mạnh...

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết có 5 chỉ tiêu đến năm 2020 khả năng sẽ không đạt được, gồm tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ đô thị hóa, xây dựng chính quyền điện tử và 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Theo ông Hải, tốc độ đô thị hóa không theo kịp tăng trưởng kinh tế cũng như tốc độ tăng dân số cơ học dẫn đến quá tải, nguồn lực ngân sách TP mới chỉ đáp ứng 20% tổng nhu cầu đầu tư của TP, 80% còn lại phải huy động từ xã hội trong khi các cơ chế về nguồn đầu tư từ xã hội không rõ ràng và mạch lạc. Bí thư Thành ủy cho biết sẽ làm rõ hơn về cơ cấu nguồn lực, giải pháp để TP thu hút tốt hơn nguồn lực xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển.(TN) 

Trở về

Bài cùng chuyên mục