tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bộ Tài chính giải đáp về thuế nhập khẩu linh kiện xe ô tô

  • Cập nhật : 29/08/2017

Ngày 14/8/2017, Bộ Tài chính có Công văn số 10750/BTC-CST gửi Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng giải đáp về thuế nhập khẩu linh kiện xe ô tô của Công ty TCIE Việt Nam.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước đó, Bộ Tài chính nhận được Công văn số 5448/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ chuyển Công văn số 3617/UBND-KT ngày 16/5/2017 của Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng về việc ưu đãi thuế nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước của Công ty TNHH TCIE Việt Nam.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương tại Công văn số 6949/BCT-CNNg ngày 3/8/2017, Bộ Tài chính cho biết, tại điểm b.5 khoản 3 phần I Chương 98 Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan quy định về điều kiện áp dụng tính thuế nhập khẩu theo linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu thì hàng hóa nhập khẩu là hộ linh kiện rời đồng hộ và không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc nhóm 98.21.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu linh kiện theo hình thức bộ linh kiện rời đồng bộ hoặc không đồng bộ được phân loại theo mã hàng và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của từng linh kiện, phụ tùng ghi tại 97 chương thuộc mục I phụ lục II nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b.5.1 và điểm b.5.2 khoản này.

Cụ thể, theo điểm b.5.1 về điều kiện áp dụng thì linh kiện phải do các DN đảm bảo Tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương trực tiếp nhập khẩu để sản xuất, ủy quyền nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu hoặc nhập khẩu kinh doanh.

Trường hợp ủy thác nhập khẩu thì phải có hợp đồng ủy thác, trường hợp nhập khẩu kinh doanh thì phải có hợp đồng mua bán với DN có đủ điều kiện lắp ráp xe ô tô theo quy định của Bộ Công Thương khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu.

Các linh kiện (các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận) là những sản phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa được lắp ráp hoặc chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng cơ bản của sản phẩm hoàn thiện với mức độ rời rạc tối thiểu bằng mức độ rời rạc của linh kiện ô tô theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Trong khi đó, theo điểm b.5.2, trường hợp trong bộ linh kiện rời đồng bộ hoặc không đồng bộ có một hoặc một số linh kiện chưa đảm bảo độ rời rạc như quy định tại gạch đầu dòng thứ 2 điểm b.5.1 khoản này thì vẫn được thực hiện phân loại mã hàng, áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của cả bộ linh kiện theo mã hàng và thuế suất của từng linh kiện ghi tại 97 chương thuộc mục I phụ lục II nêu DN có văn bản cam kết đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, tổng trị giá của các linh kiện nhập khẩu chưa đảm bảo mức độ rời rạc không vượt quá 10% tổng trị giá của các linh kiện (nhập khẩu và mua trong nước nếu có) để sản xuất, lắp ráp thành ô tô hoàn chỉnh hoặc xe ô tô sát xi (không phân biệt theo từng loại xe mà tính chung cho các loại xe của DN sản xuất, lắp ráp trong một năm tài chính). Trong đó, tổng trị giá của các linh kiện (nhập khẩu hoặc mua trong nước nếu có) để sản xuất, lắp ráp thành ô tô hoàn chỉnh bao gồm cả phần linh kiện tự gia công, sản xuất, lắp ráp nếu có.

Thứ hai, linh kiện đó không phải là: Khung xe, thân xe, thùng xe (không phân biệt loại xe); ca bin (đối với xe tải). Theo quy định, các DN thực hiện tính thuế theo quy định tại điểm b.5.2 khoản này phải thực hiện quyết toán với cơ quan hải quan việc nhập khẩu và sử dụng.

Theo thông tin của Công ty TCIE Việt Nam cung cấp tại Công văn số 123/2017/CV-TCIE ngày 10/04/2017 và Công văn số 368/2016/CV-TCIE ngày 9/7/2016 thì Công ty TCIE Việt Nam chỉ đảm nhận hợp đồng lắp ráp, gia công, việc nhập khẩu linh kiện sẽ do bên thứ ba thực hiện (Proton - nhà sản xuất ô tô tại Malaysia sẽ chỉ định đối tác tại Việt Nam là bên nhận nhượng quyền thương mại), sau đó linh kiện sẽ được chuyển đến nhà máy TCIE để lắp ráp và xe sau khi được lắp ráp sẽ chuyển cho nhà phân phối.

Như vậy, theo tại điểm b.5 khoản 3 phần I Chương 98 Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi nêu trên, đối với trường hợp của Công ty TCIE Việt Nam để được áp dụng tính thuế nhập khẩu theo linh kiện, phụ tùng đối với bộ linh kiện nhập khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại gạch đầu dòng thứ hai điểm b.5.1 và b.5.2, điểm b.5 khoản 3, phần I Chương 98 thì phải đáp ứng các điều kiện theo các trường hợp sau:

Một là, trường hợp Công ty TCIE Việt Nam ủy quyền cho Công ty Việt Nam khác nhập khẩu bộ kinh kiện thì TCIE Việt Nam phải đảm bảo Tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương;

Hai là, trường hợp Công ty TCIE Việt Nam ủy thác cho Công ty Việt Nam khác nhập khẩu bộ kinh kiện thì TCIE Việt Nam phải đảm bảo Tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương và Công ty Việt Nam nhập khẩu phải có hợp đồng ủy thác với TCIE Việt Nam.

Ba là, trường hợp Công ty Việt Nam khác nhập khẩu kinh doanh và bán cho Công ty TCIE Việt Nam thì cả Công ty Việt Nam và TCIE Việt Nam phải đảm bảo Tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương và khi Công ty Việt Nam nhập khẩu phải có hợp đồng mua bán với TCIE Việt Nam.

Theo đó, Công ty TCIE Việt Nam cần đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô theo Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN ngày 27/10/2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành quy định tiêu chuẩn DN sản xuất lắp ráp ô tô để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng theo quy định của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
 

Theo mof.gov.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục