tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 15-05-2016

  • Cập nhật : 15/05/2016

Báo Hàn nói Triều Tiên triển khai tên lửa đạn đạo gần biên giới Trung Quốc

Triều Tiên dường như đang triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa tại các căn cứ quân sự gần biên giới với Trung Quốc.
ten lua kn-08 cua trieu tien. anh: yonhap

Tên lửa KN-08 của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Sau khi theo dõi việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) di động được gọi là KN-08 trong hai năm qua, các quan chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ phát hiện Triều Tiên đang trong quá trình triển khai các tên lửa ở ba hoặc 4 căn cứ tại biên giới, Chosun Ilbo đưa tin.

Triều Tiên đã xây dựng các căn cứ ICBM ở gần biên giới với Trung Quốc, với mục đích dường như là tránh để KN-08 bị phá hủy bởi bom chính xác của liên minh Mỹ - Hàn, trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ,Chosun Ilbo nói thêm.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, một quan chức của bộ nói rằng các quan chức tình báo từ Seoul và Washington đang xem xét cẩn thận tất cả khả năng và theo dõi sát sao chuyển động của các binh sĩ Triều Tiên.

"Có rất nhiều bàn luận về việc Triều Tiên ngày càng tiến gần đến việc triển khai tên lửa ICBM di động", quan chức giấu tên này nói. "Nhưng chúng tôi cần phải kiểm tra thêm thông tin để xác nhận các chi tiết".

Hồi tháng hai, truyền thông Hàn Quốc đưa tin rằng chính quyền của ông Kim Jong-un đã thành lập một lữ đoàn mới để chuyên triển khai ICBM KN-08.

KN-08 lần đầu tiên được hé lộ trong cuộc diễu binh tháng 4/2012, tại lễ kỷ niệm ngày sinh thứ 100 của người sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông của nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un.

Triều Tiên được cho là đang phát triển khả năng để chế tạo một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ gắn trên KN-08.

Trong báo cáo thường niên trước Quốc hội, Lầu Năm Góc hồi tháng hai nói rằng nếu KN-08 được thiết kế và phát triển đúng cách, sẽ rất khó có thể theo dõi vì tính di động của nó.


Khủng hoảng Brazil có thể gây bất ổn khu vực

Chính phủ nhiều nước châu Mỹ cũng như các tổ chức quốc tế tại khu vực đã bày tỏ lo ngại nguy cơ cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil có thể gây bất ổn ở Tây Bán Cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngay sau khi Thượng viện Brazil thông báo đồng ý mở một phiên luận tội đối với bà Dilma Rousseff với những cáo buộc vi phạm các luật ngân sách quốc gia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã kêu gọi người dân Brazil bình tĩnh để đối thoại, đồng thời bày tỏ tin tưởng nhà chức trách nước Nam Mỹ này tôn trọng dân chủ và Hiến pháp. 

Tổng thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn ở Brazil có thể làm lây lan mối nguy hiểm cho khu vực, ảnh hưởng tới thể chế dân chủ ở Mỹ Latinh. 

 
nguoi dan brazil bieu tinh phan doi luan toi ba rousseff tai sao paulo ngay 12/5. anh: afp/ttxvn

Người dân Brazil biểu tình phản đối luận tội bà Rousseff tại Sao Paulo ngày 12/5. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) Alicia Bárcena cho rằng quyết định của Thượng viện Brazil phức tạp và khó hiểu. Bà kêu gọi Brazil nỗ lực khắc phục khủng hoảng kinh tế và nhấn mạnh khi xảy ra khủng hoảng ở Mỹ Latinh cơ cấu xã hội mất nhiều thời gian để phục hồi hơn so với các chỉ số kinh tế vĩ mô. 

Các Tổng thống Venezuela, Nicaragua và Bolivia đều bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff. Trong khi đó, nghị sĩ Héctor Rodríguez, thủ lĩnh phe cầm quyền tại Quốc hội Venezuela, cáo buộc việc đình chỉ chức vụ của Tổng thống Rousseff là một cuộc đảo chính. Ông này cho rằng những âm mưu tương tự đã từng xảy ra ở Honduras và Paraguay.
 
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Chile bày tỏ quan ngại về tình hình Brazil, quốc gia có tiềm năng kinh tế lớn cũng như bề dày lịch sử văn hóa và ngoại giao với Santiago. Chính phủ Chile bày tỏ tin tưởng người dân Brazil sẽ khắc phục những thách thức hiện nay bởi sự vững chắc của nền dân chủ của nước này. 

Chính phủ Cuba cũng bày tỏ tình đoàn kết với bà Rousseff và cáo buộc cơ quan lập pháp và tư pháp ở Brazil tiến hành đảo chính với sự ủng hộ của các thế lực phản động nhằm phá hoại những dự án chính trị của đảng Lao động (PT). 

Nhiều tổ chức và chính đảng ở Mỹ Latinh đã ra thông cáo và kêu gọi tuần hành thể hiện tình đoàn kết với bà Rousseff và phản đối phiên tòa xét xử bà này. Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng, ông Josh Earnest nhận định Brazil đủ mạnh để đối phó cuộc khủng hoảng chính trị, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ luôn đồng hành cùng quốc gia Nam Mỹ trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
 
 
tong thu ky lien minh cac quoc gia nam my (unasur) ernesto samper cho biet to chuc nay dang theo doi sat sao dien bien chinh tri tai brazil. anh: afp/ttxvn

Tổng thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper cho biết tổ chức này đang theo dõi sát sao diễn biến chính trị tại Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

 

"Thắt lưng buộc bụng" 

Ngày 13/5, tân Bộ trưởng Kinh tế Brazil Henrique Meirelles cho biết sẽ theo đuổi chính sách "thắt lưng buộc bụng" nhằm giảm tối đa thâm hụt ngân sách.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Meirelles nhấn mạnh chính phủ mới sẽ phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng của đất nước. Tuy nhiên, ông này đã không đề cập tới những chính sách cụ thể sẽ áp dụng bởi cho rằng cần có thời gian để xem thực trạng những gì mà chính phủ của Tổng thống vừa bị bãi nhiệm Dilma Rousseff để lại.

Theo ông Meirelles, người từng giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Brazil trong giai đoạn 2003-2010, Brazil cần phải thay đổi xu hướng gia tăng nợ công cho tới thời điểm này cũng như cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư. Ông này nhận định thâm hụt ngân sách ban đầu của nền kinh tế số một Mỹ Latinh có thể lên tới 28 tỷ USD trong năm nay.

Ông Meirelles cũng không lại trừ khả năng gia tăng thu thuế và cho rằng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương sẽ phải là một chuyên gia tài chính giỏi cũng như cần loại trừ can thiệp chính trị vào các hoạt động của ngân hàng. Ông nhấn mạnh chính phủ cần có sự đồng thuận của Quốc hội để thông qua các chính sách cải cách kinh tế.

Brazil đang ở trong năm suy thoái thứ hai và các dự báo đều cho thấy nước này sẽ không thể phục hồi trước năm 2018. Là một quốc gia có sự phân hóa giàu nghèo rất lớn trong nhiều thập kỷ, Brazil đã có một sự chuyến biến đáng kể trong vòng 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động (PT) với Tổng thống Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva, với các chương trình xã hội giúp hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo. Nhiều chuyên gia lo ngại chính phủ mới của Tổng thống lâm thời Michel Temer có thể đẩy lùi những tiến bộ này.

Khủng hoảng chính trị tại Brazil xảy ra đúng lúc nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua. Bên cạnh đó, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% GDP. Dự kiến năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái và ở mức âm 3,6%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần chín thập niên, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.

Trung Quốc đang vũ khí hóa các đảo nhân tạo

Ước tính hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đã mở rộng thêm được 1.300 héc-ta trên 7 thực thể mà Bắc Kinh chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong 2 năm qua.

trung quoc da ngang nhien trien khai ten lua tren dao phu lam cua viet nam. anh: afp

Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: AFP

Một báo cáo mới của Lầu Năm Góc ngày 13/5 trước Quốc hội Mỹ ước tính hoạt động bồi đắp đất đá của Trung Quốc ở Biển Đông đã mở rộng thêm được 1.300 héc-ta trên 7 thực thể mà Bắc Kinh chiếm giữ tại quần đảo Trường Sathuộc chủ quyền Việt Nam trong 2 năm qua. Nhưng trọng tâm của Bắc Kinh đã chuyển sang phát triển và vũ khí hóa các đảo nhân tạo để cho phép Bắc Kinh kiểm soát tốt hơn vùng biển này mà không dẫn đến xung đột vũ trang.

Trong đánh giá chi tiết nhất của mình cho đến nay về chương trình xây đảo của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định 3 trong số những thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam giờ đã có những đường băng dài gần 3 km và các cảng lớn đang trong những giai đoạn xây dựng khác nhau. Bắc Kinh cũng đã đào kênh, nạo vét các bến cảng và xây dựng các cơ sở thu thập tình báo, hậu cần cũng như thông tin liên lạc.

Báo cáo của Lầu Năm Góc tuyên bố nỗ lực như vậy không mang lại cho Trung Quốc bất kỳ quyền lãnh thổ mới nào, tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhận định nó sẽ cho phép Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện lâu dài ở khu vực này.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đang sử dụng "các chiến thuật cưỡng bức" khi mở rộng sự hiện diện của mình ở Biển Đông và những nơi khác, trong khi cùng lúc tránh những hành động có thể gây ra xung đột vũ trang.

Trong báo cáo hàng năm trước Quốc hội khái quát các động thái an ninh và quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã làm rõ thêm về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới và việc Bắc Kinh đẩy căng thẳng lên cao ở khu vực Biển Đông có tranh chấp như thế nào. Báo cáo nêu rõ: "Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật cưỡng bức nhằm thúc đẩy những lợi ích của họ theo cái cách được tính toán để không đến mức gây ra xung đột".

Ngoài ra, báo cáo của Lầu Năm Góc cũng mô tả về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố đang thiết lập một cơ sở quân sự ở Djibouti, quốc gia có tầm quan trọng chiến lược ở Đông Phi.


Mỹ: Trung Quốc dùng chiến thuật cưỡng bức trên biển Đông

Thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục đà cải tạo cũng như tăng trang bị thiết bị cho biển Đông.

Trung Quốc đã cải tạo trái phép hơn 3.200 ha đất ở các đảo, đá trên biển Đông trong hai năm qua. “Trung Quốc sử dụng chiến lược đi từng bước để tăng kiểm soát vùng biển tranh chấp và tránh nguy cơ xung đột quân đội. Trung Quốc đã dùng các chính sách thương mại để cưỡng bức, đè nén các nước trong tranh chấp ở biển Đông và có thể sẽ tiếp tục dùng chiến thuật này với các tranh chấp trong tương lai”.

Đây là nội dung báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo trình lên Quốc hội ngày 13-5, theo báo Wall Street Journal (Mỹ).

trung quoc da trien khai ten lua phong khong ra dao phu lam dau nam nay. (anh: getty images)

Trung Quốc đã triển khai tên lửa phòng không ra đảo Phú Lâm đầu năm nay. (Ảnh: GETTY IMAGES)

Báo cáo có đưa nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy quá trình cải tạo trái phép biển Đông của Trung Quốc trong hai năm qua. Đến cuối năm 2015, Trung Quốc về cơ bản đã hoàn thành các hạng mục giúp tạo thuận lợi cho việc tiếp cận đảo, đá ở biển Đông như xây dựng ba cầu cảng nhân tạo có khả năng đón các tàu cỡ lớn, xây dựng ba sân bay.

Báo cáo dự đoán thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục đà cải tạo cũng như tăng trang bị thiết bị cho biển Đông.

Năm 2015 Trung Quốc chi tiêu quân sự hơn 180 tỉ USD, cao hơn ngân sách quốc phòng chính thức năm này tới 40 tỉ USD. Báo cáo dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 9,8% mỗi năm trong tương lai, bất kể đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế.

Trong báo cáo, Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị lãnh thổ Đài Bắc - Trung Hoa tiếp tục tăng chi tiêu quân sự, tăng đầu tư vào công nghệ quân sự nhằm tăng khả năng đối phó Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột.

Tại cuộc họp báo công bố báo cáo ngày 13-5, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Abraham M. Denmark cho biết thời gian tới Mỹ vẫn sẽ duy trì ưu tiên quân đội. Chính phủ Tổng thống Obama đang mong muốn sẽ chi cho quân đội khoảng 583 tỉ USD trong năm 2017.


Tổng thống Venezuela ban bố tình trạng khẩn cấp, lo Mỹ lật đổ

Tổng thống Nicolas Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày, do điều ông gọi là các âm mưu từ lực lượng đối lập và Mỹ nhằm lật đổ chính phủ của ông. 
tong thong venezuela nicolas maduro. anh: reuters

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Reuters

"Washington đang bắt đầu các biện pháp theo yêu cầu của phe cánh hữu phát xít của Venezuela, những kẻ bị kích động từ cuộc đảo chính ở Brazil", Reuters dẫn lời ông Maduro hôm qua tuyên bố trên truyền hình nhà nước. 

Ông Maduro ký ban bố tình trạng khẩn cấp và kéo dài tình trạng khẩn cấp kinh tế để bảo vệ đất nước khỏi "những mối đe doạ" bên trong và ngoài. Tổng thống Venezuela không cung cấp chi tiết về biện pháp. Tình trạng khẩn cấp được ban bố năm ngoái ở các bang gần biên giới với Colombia ngừng các đảm bảo về hiến pháp ở những khu vực này, ngoại trừ đảm bảo liên quan đến nhân quyền. 

Các quan chức tình báo Mỹ cùng ngày trước đó nói với các phóng viên họ đang ngày càng quan ngại về nguy cơ bất ổn chính trị và kinh tế ở Venezuela, đồng thời dự đoán ông Maduro nhiều khả năng sẽ không hoàn thành được nhiệm kỳ. 

Phe đối lập Venezuela đang tìm cách bãi nhiệm tổng thống 53 tuổi, trong bối cảnh khủng hoảng đang trầm trọng hơn, trong đó có việc thiếu lương thực và dược phẩm, mất điện thường xuyên, nạn hôi của thỉnh thoảng xảy ra và lạm phát phi mã. 

Nhưng ông Maduro quyết duy trì nhiệm kỳ và cáo buộc Mỹ xúi giục bí mật đảo chính chống lại ông. Ông viện dẫn việc bà Dilma Rousseff, Tổng thống Brazil cũng theo phái tả, tuần này bị đình chỉ chức vụ và xét đưa ra toà là một dấu hiệu cho thấy ông có thể là người tiếp theo. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục