tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vì sao nói Triều Tiên vẫn “sống tốt” dù bị trừng phạt?

  • Cập nhật : 21/03/2016

(The gioi)

Câu trả lời đó là than – lá bài cứu Triều Tiên khỏi các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Nhiều nhà phân tích cho rằng, một lỗ hổng trong nghị quyết của LHQ đã giúp Bình Nhưỡng vẫn có thể thực hiện những giao dịch liên quan tới than với Bắc Kinh.

mot nguoi dan ong trieu tien dang ngoi canh mot dong than tren bo song yalu, trieu tien.

Một người đàn ông Triều Tiên đang ngồi cạnh một đống thạn trên bờ sông Yalu, Triều Tiên.

Theo Reuters, hơn 2 tuần sau khi Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên, một số nguồn tin từ ngành thương mại và vận chuyển Trung Quốc vẫn cho biết không thấy bất cứ thông báo hạn chế nào về việc nhập khẩu than từ Triều Tiên.

Trong khi đó, Reuters khẳng định, than là một đường sống đối với nền kinh tế Bình Nhưỡng.

Reuters cho hay, than đặc biệt quan trọng đối với kinh tế của Triều Tiên vì nó là một trong những nguồn ngoại tệ ổn định nhất và là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất. Bình Nhưỡng cũng có thể đổi than để lấy những mặt hàng thiết yếu khác như dầu mỏ, thực phẩm và máy móc thiết bị.

Ông Jong Kyu Lee của Viện Phát triển Hàn Quốc cho rằng: "Đó là nguồn ngoại tệ mạnh của chính phủ cũng như quân đội Triều Tiên. Ngoại tệ có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Triều Tiên”.

Mặc dù một số lệnh cấm đã được áp dụng tại thành phố biên giới Đan Đông, nhưng tại các cảng phía đông bắc Trung Quốc vẫn chưa thấy bóng dáng của các lệnh cấm. Trong khi đó, những cảng này chiếm phần lớn giao dịch than giữa hai nước.

cac cong nhan khai thac than tai thi tran sinuiju cua trieu tien, doi dien voi thanh pho dan dong, trung quoc.

Các công nhân khai thác than tại thị trấn Sinuiju của Triều Tiên, đối diện với thành phố Đan Đông, Trung Quốc.

Reuters dẫn lời một lãnh đạo tại một công ty than ở thành phố cảng Đại Liên, chuyên nhập khẩu than và nhiều hàng hóa khác từ Triều Tiên cho hay: "Hiện chưa có ai bảo chúng tôi không được làm gì. Tôi cũng không rõ lệnh trừng phạt cụ thể ra sao”.

Ông này nói thêm: "Thật sự hỗn loạn. Lúc này không ai biết nhữngbiện pháp trừng phạt sẽ tác động thế nào với chúng tôi”.

Ngoài ra, theo Reuters, đại diện từ một công ty hậu cần thương mại Sơn Đông chuyên về nhập khẩu than từ Triều Tiên cho biết."Chúng tôi đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt, nhưng việc kinh doanh của chúng tôi vẫn chưa bị ảnh hưởng gì. Chính phủ vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào với chúng tôi về các biện pháp trừng phạt”.

Vì sao lại có tình trạng như vậy khi trước đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từng cam kết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc và quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp có giao dịch với Triều Tiên?

Theo nhiều nhà phân tích, đó là do một lỗ hổng trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

voi lo hong trong nghi quyet cua lien hop quoc, trung quoc van co the nhap than tu trieu tien.

Với lỗ hổng trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc vẫn có thể nhập than từ Triều Tiên.

Theo đó, nghị quyết cấm các quốc gia thành viên LHQ nhập khẩu than, sắt và quặng sắt từ Triều Tiên trừ trường hợp những giao dịch đó vì “mục đích sinh nhai” và không tạo ra thu nhập cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Andrea Berger, chuyên gia về phi hạt nhân hóa tại Viện nghiên cứu Royal United Services Institute (Anh) nhận định: "Tôi nghĩ rằng đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã cố thương lượng để miễn trừng phạt cho các giao dịch về than với Triều Tiên”.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích khác cũng nhận định, cụm từ "mục đích sinh nhai" trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc đã mở một cánh cửa cho Trung Quốc tiếp tục giao dịch thương mại với Triều Tiên.

Ông Adam Cathcart, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên tại Đại học Leeds (Anh) cho biết: "Đây rõ ràng là một kẽ hở. Than là một đòn bẩy lớn. Trung Quốc đã khôn ngoan khi giữ lại một lối thoát để họ sẽ không bị gọi là những kẻ vi phạm các biện pháp trừng phạt nếu một tàu (mang theo tài nguyên) đang trên tuyến đường Trung Quốc - Triều Tiên.

Năm 2015, khối lượng than từ Triều Tiên nhập vào Trung Quốc tăng 26,9% lên 19,63 triệu tấn, khiến Bình Nhưỡng trở thành nhà cung cấp than lớn thứ 3 của Trung Quốc sau Úc và Indonesia.

Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu than có giá trị lên tới 1 tỷ USD và quặng sắt có giá trị 73 triệu USD trong năm 2015.

Trung Quốc chiếm khoảng 90 % các giao dịch thương mại của Triều Tiên; do vậy, những nỗ lực của Bắc Kinh có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục