tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

ASEAN phải duy trì vị trí trung tâm trong quan hệ Mỹ - Trung

  • Cập nhật : 10/03/2016

(Tin Kinh Te)

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, khi trao đổi với Zing.vn bên lề Hội thảo ASEAN và quan hệ Trung - Mỹ ngày 10/3 tại Hà Nội.

lanh dao cac nuoc asean tai le ky tuyen bo thanh lap cong dong asean o kuala lumpur, malaysia ngay 22/11/2015 anh: vgp

Lãnh đạo các nước ASEAN tại lễ ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/11/2015 Ảnh: VGP

- Cộng đồng ASEAN đã được thành lập. Ông đánh giá như thế nào về vai trò và vị thế của ASEAN với an ninh và ổn định trong khu vực sau giai đoạn này?

- Tôi nghĩ cộng đồng ASEAN không có nhiều vai trò trong việc đảm bảo vị trí trung tâm của ASEAN. Ở thời điểm hiện tại, cộng đồng ASEAN tập trung vào 3 trụ cột nhưng bây giờ chỉ có trụ cột kinh tế là được định hình rõ nét. Tuy nhiên, cộng đồng về kinh tế không thể tạo ra bước ngoặt lớn vì việc hội nhập đã và đang diễn ra. Nó chỉ có thể đóng vai trò cột mốc trong tiến trình phát triển.

Đối với lĩnh vực an ninh hay chính trị, cộng đồng ASEAN lâu nay vẫn giữ một vai trò nhất định. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích ASEAN chỉ nói chứ không hành động thực chất. Theo quan điểm của tôi, tiếng nói của ASEAN có vẫn hơn không. Các thể chế do ASEAN dẫn dắt vẫn có vai trò điều hòa các mối quan hệ giữa các nước. Tuy nhiên, chúng ta khó có thể mong đợi sự đột phá.

Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ có ảnh hưởng lớn, ASEAN tiến thoái lưỡng nan, làm sao để cân bằng giữa quan hệ với giữ vững vị thế của mình là điều khó. ASEAN gắn liền với Trung Quốc về lợi ích kinh tế nhưng lại gắn liền với Mỹ về an ninh.

tien si le hong hiep. anh: nvcc

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Ảnh: NVCC

- Ở thời điểm hiện tại, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề phức tạp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN làm gì để đóng vai trò then chốt, góp phần giải quyết mọi vấn đề thay vì trở thành nước cờ cho các bên?

- Trong bối cảnh Mỹ - Trung tăng cường cạnh tranh và đối đầu thì ASEAN vẫn đang ở thế lưỡng nan. Việc khó nhất là tác động tới hai cường quốc nhưng không ngả hẳn về bên nào. Nhằm bảo vệ lợi ích, ASEAN phải duy trì vai trò trung tâm trong. Nếu các sự dàn xếp không có sự tham gia của ASEAN, chắc chắn chúng sẽ bị Trung Quốc hoặc Mỹ lợi dụng.

Khi thiếu vắng vai trò của ASEAN, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên khốc liệt. Việc duy trì vị trí trung tâm giúp vị thế của ASEAN không bị suy giảm cũng như tránh bị gạt ra ngoài trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong khu vực.

- Đã có nhiều cảnh báo về sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN, ông nhận định thế nào về ý kiến này?  

- Tôi nghĩ đây là một trong những thực tế. Sự thực, Trung Quốc có nhiều biện pháp mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là "chia để trị". Tại ASEAN, các quốc gia có những lợi ích khác nhau, chúng tạo ra dư địa để Trung Quốc thao túng, khai thác nhằm làm suy yếu ASEAN. Ví dụ rõ nét nhất là về vấn đề Biển Đông, khi một số nước ngả hẳn về phía lập trường của Trung Quốc.

Vấn đề là ASEAN luôn luôn hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận. Chỉ cần một nước phản đối, cả khối sẽ không đạt được lập trường chung. Tuy nhiên, các nước cũng duy trì việc không can thiệp vào nội bộ của nhau.

Đây là xương sống để hình thành khối nhưng cũng là trở ngại để đạt được một ASEAN đoàn kết, trừ trường hợp Trung Quốc khiến ASEAN cảm thấy lo ngại về mặt an ninh hơn là lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh đủ khôn khéo để không đẩy tình hình đi quá xa. Tiếng nói của ASEAN bị phớt lờ.

- ASEAN có thể làm gì để đòi hỏi sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề biển Đông?

- ASEAN đóng vai trò nhất định nhưng tiếng nói chưa đủ mạnh để định hình hành vi Trung Quốc vì Bắc Kinh có những lợi ích khác với ASEAN. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc làm vẫn làm bất chấp tiếng nói của các bên, ví dụ điển hình nhất là đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC). Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang giả vờ để kéo dài thời gian tiến hành các hoạt động trên thực địa.

Không chỉ ASEAN mà ngay cả Mỹ, quốc gia có thực lực, sức mạnh và tiếng nói trên cộng đồng quốc tế cũng không thể định hình với Trung Quốc. ASEAN khó có thể vượt mặt Mỹ trong việc định hình các động thái của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ASEAN vẫn có những vai trò nhất định trong vấn đề an ninh khu vực nên Trung Quốc khó có thể phớt lờ. Vấn đề là họ quan tâm tới đâu.

"ASEAN cần có vị thế riêng"

Trả lời phỏng vấn Zing.vn, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định - ASEAN cần tự gây dựng vị thế riêng để cả Mỹ và Trung Quốc cảm thấy bị thuyết phục khi thực hiện các sáng kiến mà khối nêu ra. Khi Tòa Trọng tài của Liên Hợp Quốc ra phán quyết về việc Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, ASEAN có thể sẽ đối mặt với thách thức lớn. Nếu Trung Quốc vẫn kiên quyết không công nhận phán quyết của Tòa Thường trực, ASEAN sẽ phải quyết định xem liệu có nên chỉ trích Trung Quốc qua con đường ngoại giao với hy vọng duy trì hiện trạng khu vực hay không.



Hồng Duy - Hải Anh / zing.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục